| Hotline: 0983.970.780

Vụ xuân 2011: Khó khăn và thách thức

Thứ Hai 06/12/2010 , 09:58 (GMT+7)

Đến thời điểm này, các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng đã và đang ráo riết chuẩn bị cho SXNN vụ xuân năm 2011. Các đề án sản xuất đã được xây dựng và triển khai, tuy nhiên nông nghiệp luôn là lĩnh vực phải “ngửa cổ nhìn trời”, trời thì càng ngày càng đỏng đảnh, thất thường (biến đổi khí hậu toàn cầu).

Tiên lượng khó khăn

Vụ xuân 2011, được cảnh báo lớn nhất là tình trạng hạn hán, thiếu nước cho gieo trồng, xâm nhập sâu hơn của mặn đối với các tỉnh ven biển. Vụ xuân 2010 đã là một vụ hạn hán, thiếu nước, vụ xuân 2011 tình trạng này sẽ gay gắt hơn. Hiện các hồ thủy điện và thủy lợi ở phía Bắc mới chỉ tích nước được 70-75% công suất, nhiều hồ chỉ đạt trên ½ công suất thiết kế. Thiếu nước ở các hồ sẽ kéo theo thiếu điện, vì vậy việc bơm nước sẽ khó khăn nếu các địa phương cứ trông chờ vào nguồn điện.

 Thiếu nước sẽ phải bơm động lực nhiều hơn thay vì nếu mực nước cao có thể kết hợp thủy triều và lịch xả nước để lấy nước tự chảy ở một số vùng. Thiếu nước, việc lấy nước cho thau chua, rửa mặn ở các chân đất kìm hãm sẽ khó khăn, bởi sau những tháng hanh khô các ổ phèn mặn có cơ trỗi dậy, các yếu tố độc hại như sắt, nhôm di động, ôxit lưu huỳnh, sulfua hydrro sẽ leo theo các mao quản đất lên tầng canh tác, mất lân dễ tiêu, gây độc cho lúa sau cấy, hiện tượng lúa “cắm chân tại chỗ không ra được rễ” sẽ có nguy cơ cao ở vụ này.

Khó khăn phải đối mặt nữa là sâu bệnh hại, do hệ lụy của biến đổi khí hậu sâu bệnh hại sẽ phát sinh phức tạp và khó lường hơn: Bệnh virus lùn sọc đen vẫn là loại bệnh nguy cơ tiềm ẩn cao, mặc dù qua 3 vụ chúng ta đã có một phần kinh nghiệm trong việc chỉ đạo và hạn chế sự lây lan phát tán của bệnh này song xem ra rất dễ chủ quan, vả lại quan điểm cũng còn chưa thống nhất ngay cả ở cơ quan chuyên ngành chỉ đạo cao nhất.

Đạo ôn trên lá, cổ bông cũng được chúng tôi tiên lượng phát sinh nặng nề hơn ở vụ xuân này do thời tiết được dự báo là dạng trung tính về nền nhiệt trung bình, và xu thế nhiệt ở đại bộ phận các tỉnh là thấp hơn một chút so với trung bình nhiều năm, thấp hơn rõ rệt ở 3 tháng chính đông 12, 1, 2 so với vụ đông xuân 2010.

Sau cấy thời tiết ấm và dự báo rằng tháng 3, 4 nền nhiệt cao hơn TBNN, nếu mưa, ẩm do lệch đông của gió mùa đông bắc cuối vụ, lại có cường độ trung bình đến yếu thì hình thái mưa ẩm sẽ cao hơn; điều kiện này đảm bảo hội tụ đủ cho đạo ôn gây hại và nhanh chóng phát tán gây dịch.

Ngoài ra, các đối tượng sâu đục thân, cuốn lá cũng sẽ tiếp tục gây hại tường xuyên; trong các đối tượng gây hại cũng phải kể đến ốc bươu vàng và chuột, sau khi qua đông, điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây trồng thì cũng là cơ hội bùng phát cho các đối tượng này.

Một khó khăn nữa đó là tình trạng tăng giá đến chóng mặt của vật tư nông nghiệp thiết yếu: Phân bón tăng cao, giống thiếu và việc nhập nội các giống lúa lai – giống có sức chống chịu tốt với đạo ôn và điều kiện bất thuận như phèn mặn lại khó khăn và giá cao ngất ngưởng.

Như vậy xem ra các khó khăn thách thức của vụ tới chẳng thua kém gì so với vụ đông xuân 2009-2010, có phần lại nghiêm trọng hơn về nước, chỉ có điều nếu dạng nghiêng ấm sẽ khó xử lý tình huống và thường vụ ấm thì tiềm năng năng suất sẽ giảm nhiều hơn ở nhóm giống dài ngày.

Kinh nghiệm nhỏ từ Thái Bình:

- Chuẩn bị sớm đề án cho sản xuất vụ xuân vụ hè 2011, đề án sản xuất hiện đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo QĐ cùng với nhóm các chính sách chủ yếu, UBND tỉnh ban hành từ giữa tháng 11/2010.

Có điều phải nói rằng, đề án của tỉnh được xây dựng dân chủ với sự tham gia thảo luận rất khoa học của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành và các Phòng NN- PTNT các huyện, theo đó thì tất cả đã thống nhất cao chủ trương mở tối đa diện tích giống ngắn ngày nhằm sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, điều hành nước cũng sẽ đỡ rối rắm với việc trà này, trà kia và nhất là có khả năng tập trung cho việc thau chua rửa mặn nếu mực nước cho phép thuận lợi.

Vụ xuân tới, theo tính toán cả tỉnh sẽ có tới trên dưới 10 ngàn ha lúa khó khăn đặc biệt về tưới, không kể chân chuyên màu, vì vậy Thái Bình khuyến cáo các địa phương mở rộng tối đa cây màu vụ xuân và lưu ý với nhóm cây màu có khả năng chịu hạn, có các công ty ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Để tiết kiệm chi phí, sẽ đưa và mở rộng nhanh diện tích lúa gieo sạ, gieo vãi, đặc biệt áp dụng sạ hàng cải tiến kiểu hàng rộng, hàng hẹp bằng dụng cụ sạ hàng, kết hợp với áp dụng các loại phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng –Azotobactezin thay thế phân chuồng, phân NPK đa yếu tố, các chất hỗ trợ sinh trưởng như KH, 3M, ET... Mô hình này gần như mô hình phòng trừ tổng hợp giúp quần thể cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, thông thoáng hạn chế rõ rệt bệnh hại, kể cả lùn sọc đen, một cuộc hội thảo khoa học đã được các địa phương thực hiện đánh giá cao tiến bộ này.

Vụ xuân 2011, Thái Bình chủ trương mở rộng và đa dạng hóa các nhóm giống lúa lai, đặc biệt chú ý các nhóm giống có khả năng kháng tốt với đạo ôn và ít bị rầy xâm hại, trong đó khuyến cáo mạnh các giống Syn6, Thục hưng 6, Thái xuyên 111 và CNR-02, BTE1... Các giống lúa chất lượng cao bước đầu đã có giống đỡ bị rầy và đạo ôn hơn so với BT-7, cơm ngon, dẻo thơm nhẹ, phẩm chất không kém so BT-7, đó là QR-1.

Đối phó với sâu bệnh hại, đặc biệt bệnh lùn sọc đen, đạo ôn, các biện pháp thực hiện theo thông tư 58 của Bộ NN-PTNT đã được triển khai tập huấn cho nông dân các cơ sở, xử lý hạt giống, gieo mạ nền cứng có che phủ nilon, phun tiễn chân mạ trước cấy bằng thuốc nội hấp; bố trí “đất nào giống ấy” được nhấn mạnh để tránh tình trạng nông dân gieo cấy không đúng chân đất, lệch thời vụ khiến sâu bệnh phát sinh và tốn kém thuốc phòng trừ.

Các tiến bộ kỹ thuật trong đấu tranh sinh học, dùng nấm xanh ký sinh trên rầy để quản lý và phòng trừ rầy sẽ được triển khai mô hình rộng ở các vùng trọng điểm rầy nhằm giảm thiểu tối đa việc dùng thuốc hóa học làm suy yếu quần thể các thiên địch.

Khó khăn nhưng với dạng hình thời tiết nghiêng lạnh chính đông, với cơ cấu chủ yếu là giống ngắn ngày, quy trình canh tác hợp lý, nhất là sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vụ xuân 2011 hy vọng lại được mùa.
Về thời vụ sẽ tập trung gieo cấy gọn trong tháng 2, phân bón với phương châm cân đối, bón NPK, vi sinh và lót sâu, thúc sớm; các chân đất đặc biệt bị kìm hãm sẽ có tập huấn và hướng dẫn cụ thể của cán bộ khuyến nông. Nước cho gieo cấy đã được tính toán và phù hợp với lịch xả nước của các hồ thủy điện khi mà thủy triều lên cao để có thể đưa được nước vào các chân ruộng và hệ thống sông, kênh, ao hồ trữ nước cho gieo cấy và tưới dưỡng.

Đến đầu tháng 12, các huyện, thành phố đã hoàn thành 70- 80% khối lượng việc đào đắp, nạo vét kênh mương và hệ thống thủy lợi nội đồng (kế hoạch gần 5 triệu m3), cùng với việc quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đồng ruộng, giao thông nội đồng, nhằm đưa máy móc vào sản xuất thuận lợi hơn.

Phương châm sử dụng nước ở vụ xuân chỉ lấy và trữ nước, không và hạn chế việc tiêu nước trên tất cả các sông trục và kênh cấp 1, cấp 2, kiểm soát và theo dõi chặt chẽ việc xâm nhập mặn, do giáp biển tình trạng xâm nhập mặn ở Thái Bình sẽ phức tạp hơn không chỉ là xâm nhập bề mặt mà cả xâm nhập qua hệ thống nước ngầm.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.