| Hotline: 0983.970.780

Vụ xuân 2015, những vấn đề cần lưu ý

Thứ Năm 04/12/2014 , 12:40 (GMT+7)

Do nền nhiệt nghiêng ấm, dinh dưỡng phân giải nhanh hơn, dễ thất thoát hơn nếu bón không đúng cách.

mc-6-250133305409
Máy cấy lúa 6 hàng MC-6-250 có thể cấy được 25-30 sào Bắc bộ/ngày, tiêu hao khoảng 6 lít dầu diezen/ha

 

Năm 2014 sắp đi qua, SX nông nghiệp lại bước vào một năm mới, một vụ mới, xin được trao đổi với các nhà quản lý, các cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân các địa phương một số lưu ý sau:

1. Khó khăn cần lường trước

Vụ xuân 2015, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, dự báo của hệ thống khí tượng vùng và thế giới thì khu vực Đông Nam Á sẽ bị tác động bởi hiện tượng El Nino (75% xác suất). Theo đó, nền nhiệt bình quân của mùa đông sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 1,5 độ C.

Cho đến thời điểm này (đầu tháng 12), nhiệt độ bình quân các tháng 10 và 11 đã đều cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên tính theo trung bình tuần khí tượng (10 ngày) thì có thời kỳ nhiệt độ thấp hơn cùng kỳ như tuần 3 của tháng 10 (21 - 30/10) và tuần 2 của tháng 11 (11 - 20/11).

Mùa đông đã đi được quá nửa và là một mùa đông ấm đầu mùa rõ rệt. Trung tâm Dự báo KTTV TƯ nhận định, cao điểm rét của mùa đông năm nay đến sớm hơn, có nghĩa là rét sẽ tập trung vào tháng 12 và nửa đầu tháng 1.

Theo ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ thì tháng 12 miền Bắc sẽ được đón nhận liên tiếp các đợt không khí lạnh tràn xuống từ phía Bắc. Nếu theo quy luật bình thường, cao điểm rét sẽ xảy ra vào dịp cuối tháng 12 (quanh tiết Noel) và đầu tháng 1, nhưng vụ này rét đậm sẽ đến sớm hơn vào tuần 2 của tháng 12 này.

Tháng 2 dương lịch, thời điểm gieo cấy lúa xuân được dự báo là ấm và nền nhiệt trung bình sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng trên 1 độ C, không có rét dài. Nhiệt độ toàn mùa được dự báo tương tương và cao hơn một chút so trung bình nhiều năm.

El Nino cũng kéo theo hiệu ứng khô hạn, thiếu nước cho cả vụ, nhất là với vùng Nam Trung bộ, vùng núi Bắc Trung bộ, trung du và miền núi phía Bắc; những nơi chưa có hệ thống thủy lợi tốt sẽ gặp khó đối với việc cung cấp nước cho gieo cấy. 

2015 là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ 2011-2015, cũng là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp, công việc khá nặng nề và quan trọng với các địa phương. Cần quan tâm và chỉ đạo sát sao, phối hợp cả hệ thống, nếu không lưu ý sẽ “lỏng” ra, dẫn đến rơi vào thế bị động.

Với dự báo như vậy thì dạng hình thời tiết của vụ xuân này ở miền Bắc là “nghiêng ấm” và sẽ có nhiều vấn đề phải bàn về dạng hình thời tiết này cùng những bất thường khác mà chúng ta không dễ dàng biết được “ông trời” sẽ thế nào?

Sâu bệnh hại: Thời tiết ấm là cơ hội tốt cho côn trùng đẩy nhanh vòng đời, nguồn thức ăn sẽ sẵn có hơn, ký chủ tốt hơn, vì vậy vụ này sẽ đối mặt với áp lực sâu bệnh nhiều hơn.

Tiêu thụ nông sản tiếp tục khó khăn, nhất là với lúa gạo, áp lực cạnh tranh và chất lượng lúa gạo, xả gạo tồn trữ của Thái Lan…có thể gây khó khăn cho hạt gạo Việt Nam.

2. Giải pháp chỉ đạo

Trước hết Sở NN-PTNT các địa phương cần sớm có kế hoạch SX, đề án SX trên cơ sở “tiên lượng” tình huống xấu, tình huống không thuận lợi để luôn chủ động trong chỉ đạo và giải quyết các tình thế.

Chúng ta đều nhận thức và thực tế nhiều năm đã chỉ ra rằng, nếu thời tiết vụ xuân rét, càng rét đậm, rét hại, rét chết mạ, chết lúa... phàm những vụ đó là vụ trúng mùa, sâu bệnh cũng đỡ. Vụ ấm sẽ khó khăn hơn, việc chỉ đạo sẽ phải linh hoạt hơn, sâu sát và quyết liệt hơn.

Tình huống này, chúng ta cũng đã có “bài thuốc” về kỹ thuật rồi và bài thuốc này cũng đã qua kiểm chứng, được rút ra từ các cứ liệu khoa học, từ thực tế SX những năm ấm mà chúng ta đã tốn không ít công sức tìm giải pháp “chống ấm”.

Kinh nghiệm sâu sắc nhất đúc rút từ nhiều năm chỉ đạo là: Dự báo sớm, cảnh báo sớm, chỉ đạo sớm, quyết liệt, sâu sắc để cả hệ thống chính trị nhận thức được rồi vào cuộc cùng ngành nông nghiệp. Tôi muốn đưa ra vấn đề này lên trước tiên, vì đã đến lúc cần phải chuẩn bị cho kịch bản này rồi.

Các vấn đề kỹ thuật, chúng ta thống nhất định hướng về cơ cấu là: Mở tối đa giống ngắn ngày, nên chọn nhóm giống có TGST 135 - 140 ngày trong vụ xuân trở xuống, hầu hết các giống chất lượng, giống lúa lai, giống lúa năng suất cao đang phổ biến là ở nhóm này.

Hiện nhiều địa phương ở miền Bắc đã bỏ trà dài ngày, một số còn gieo cấy với lý do là đất thấp trũng, không cấy được mạ ngắn, nhưng thực tế ở các địa phương chỉ gieo cấy giống ngắn ngày, không phải là ở đó không có đất thấp trũng, vấn đề là sự đồng thuận và chỉ đạo quyết liệt, làm nổi bật được lợi thế, hiệu quả hơn của trà ngắn ngày. Mở rộng hơn nữa lúa ưu thế lai trong nhóm ngắn ngày.

Thời vụ sẽ vô cùng quan trọng với vụ xuân ấm. Vụ xuân 2015, lập xuân ngày 4/2/2015, nhằm ngày 16 tháng Chạp năm Giáp Ngọ. Nếu gieo sớm (cuối tháng 1 hoặc trước lập xuân), nền nhiệt tháng 2 dự báo ấm, mạ lên nhanh, chỉ 10 - 12 ngày đã đủ 3 đến trên 3 lá, khó có thể hãm được mạ thêm. Nếu để, mạ hết dinh dưỡng và bệnh chết chòm sẽ tấn công.

Sau cấy nếu gặp ấm, lúa bén rễ hồi xanh ngay và lên vù vù, nguy cơ trổ bông cuối tháng 4 là cầm chắc. Lúa trổ thời kỳ này thì phân hóa bước 4 - 6 là xung quanh từ 10 - 15/4. Giai đoạn này tần suất rét “nàng Bân” rơi vào con số 75 - 80%. Với các giống mẫn cảm sẽ khỏi phải nói, còn các giống bình thường cũng sẽ bị thui hoa và số hạt/bông sẽ thấp.

Thời vụ này sẽ phù hợp hơn với vùng Bắc Trung bộ, vì tác động của không khí lạnh yếu dần với khu vực này, hơn nữa nếu để muộn thì Bắc Trung bộ bị tác động của gió tây cũng sẽ “nguy” hơn, nhất là gió tây mà ruộng lại thiếu nước.

Vùng đồng bằng sông Hồng cần bố trí gieo sau lập xuân để cấy ngay sau Tết Nguyên đán. Trong kịch bản này thì gieo sạ, gieo vãi sau tết là “thượng sách” nhất vì vừa đảm bảo lúa trổ bông vào giai đoạn có tần suất an toàn cao, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân.

“Vị thuốc” tiếp theo là sử dụng phân bón và tưới nước. Bón phân cân đối, hợp lý, lót sâu, thúc khi lúa ra rễ trắng và lá mới. Việc sử dụng phân bón, các địa phương cần đầu tư để xem xét trên cơ sở phân tích dinh dưỡng tầng mặt và đưa ra “một gói kỹ thuật” cho cây, cho giống, cho đất hợp lý hơn.

Có những công thức phân bón chúng ta đã khuyến cáo và thực tế nông dân sử dụng đã hàng chục năm rồi. Có yếu tố chúng ta khuyến cáo bón vào đã thừa, nhưng cứ bón thành ra lãng phí và hiệu quả không cao (50%). Trung lượng, vi lượng vẫn là thành phần hiếm không được bổ sung, việc hấp thu lại khó, đơn cử như Silic hay Ma nhê…

 Do nền nhiệt nghiêng ấm, dinh dưỡng phân giải nhanh hơn, dễ thất thoát hơn nếu bón không đúng cách.

Tưới nước là một yếu tố vô cùng quan trọng với lúa xuân. “Nước là áo của lúa xuân”, giai đoạn cây con không thể để thiếu nước, nhưng cần tưới tiết kiệm mà mang lại hiệu quả cao với cách tưới “Nông - Lộ - Phơi” cho giai đoạn đẻ nhánh trở về sau. Tưới như vậy sẽ có cánh đồng lúa khỏe mạnh, rễ lúa ăn sâu, hút dinh dưỡng tốt và cứng cây, chống đổ.

Và vấn đề sâu bệnh, cần hết sức lưu ý để điều tra, phát hiện, dự tính dự báo kịp thời, tiêu diệt sớm không để nguy cơ lây lan, phát sinh thành dịch, chú ý các giống mẫn cảm, chân đất, ruộng thường xuyên có ổ bệnh; tổ chức hình thức dịch vụ BVTV để dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách, tiết giảm chi phí và giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tình trạng “kê đơn, bốc thuốc” phun tùm lum nhiều loại trong một lần.

Nếu theo như dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ đưa ra, gieo vãi trong nửa giữa và cuối tháng 2 sẽ vô cùng thuận lợi. Tổ chức hợp tác theo tổ đội, ngâm ủ tập trung, làm đất đồng loạt, gieo cùng trà, phun thuốc trừ cỏ cùng nhau bằng máy cơ giới, chi phí tất cả các khâu đầu sẽ giảm được già nửa so với bình thường.

Tuyên truyền, vận động và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, mạnh dạn chuyển lúa ở chân đất cao, khó tưới, chân pha cát, thịt nhẹ sang các cây trồng cạn có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ, nhưng cần đảm bảo đồng bộ với một gói kỹ thuật từ giống đến canh tác (mật độ, phân bón…) để chuyển đổi phải cho hiệu quả cao hơn lúa.

Với các giải pháp kỹ thuật trên, cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống loa truyền thanh, phát thanh ở huyện, xã, thị trấn về các chủ trương, giải pháp SX vụ xuân 2015 đến với nông dân sớm. Phát sóng liên tục để người SX không nghe được lúc này thì nghe lúc khác, nghe nhiều lần, nghe cho thấm sâu, nhớ lâu.

Thông tin vô cùng quan trọng với tình huống này và công năng của mạng lưới khuyến nông với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, băng hình khoa giáo... sẽ phát huy tác dụng rất tốt khi mà lãnh đạo các địa phương sử dụng tối đa công suất.

Vụ xuân 2015, khó, nhưng tin rằng với kinh nghiệm của cán bộ trong ngành, sự đồng thuận, sự sâu sát và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nông dân tiếp thu và vận dụng sáng tạo, SX sẽ thắng lợi.

(Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt)

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất