| Hotline: 0983.970.780

"Vua chim cút" ở Tiền Giang

Thứ Tư 12/10/2011 , 11:20 (GMT+7)

Cách đây khoảng 6 năm, “vua chim cút” Trần Văn Việt ở ấp Bình Hòa, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã bước vào “nghiệp chim” sau quá trình nuôi bò sữa thất bại.

Cách đây khoảng 6 năm, “vua chim cút” Trần Văn Việt ở ấp Bình Hòa, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã bước vào “nghiệp chim” sau quá trình nuôi bò sữa thất bại. Đến nay, không những anh nuôi chim cút lấy trứng mà còn tiếp tục mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để triển khai nuôi chim bồ câu.

BỎ BÒ, NUÔI CHIM CÚT

Nghe tiếng tăm về “vua chim cút” Trần Văn Việt đã lâu nhưng đến nay chúng tôi mới có dịp đến tham quan thực tế mô hình nuôi chim cút của gia đình anh. Ngay từ đầu ngõ đã nghe thấy tiếng kêu ríu rít của các đàn chim với hàng ngàn con chim cút nuôi nhốt trong chuồng trại.

Đón chúng tôi, anh Việt cười tươi thân thiện khoe: “Không ngờ hết nuôi bò giờ lo chăm chim cũng thấy hay, “tiền tươi, thóc thật” ngày nào cũng có thu. Mấy hôm nay, khách đến tận nhà đặt mua chim giống quá trời mà không kịp cung ứng”. Theo lời anh Việt kể, nghề nuôi chim đến với anh cũng từ chỗ gặp cái khó ló cái…hay.

Đó là năm 1996, gia đình anh bắt đầu nuôi đàn bò sữa gần chục con, mỗi ngày khai thác sữa cũng thu lời cả nửa triệu bạc. Tuy nhiên, sau bốn năm (năm 2000) do thị trường không thuận lợi nên các điểm thu mua sữa bò bị lỗ, giá sữa thu mua liên tục giảm khiến người nuôi bò càng gặp khó khăn vì thu nhập kém. Do vậy, anh Việt buộc phải đi tìm hiểu thị trường và thăm dò nhiều mô hình chăn nuôi rồi quyết định bán bò dốc hết vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chuyển qua nuôi chim cút khai thác trứng. 

Nghề nuôi chim câu giúp gia đình anh Việt ổn định cuộc sống

Cũng theo anh Việt, thời điểm đó ở quanh vùng chưa có mấy người nuôi chim cút, anh là người nuôi tiên phong. Lúc đầu, anh triển khai nuôi hơn 5.000 con chim cút giống, sau một thời gian ngắn đã cho anh thu được từ 4.500 - 4.600 trứng/ngày, anh đem rao bán được 350.000 đ/1.000 trứng (1 thiên); thậm chí có những ngày hút hàng, giá trứng lên tới hơn 400.000 đ/1.000 trứng. Sau đó, đầu ra anh thường cung ứng cho các trường học, cơ sở làm bánh bao và được mối lái đến tận trại “rinh” trứng về.

Theo kinh nghiệm của “vua chim cút”, giống chim này thường bị bệnh CRD (bệnh khẹt, sổ mũi), nếu không phát hiện điều trị kịp thời thì chim dễ bị chết (tỉ lệ khoảng 50%). Để phòng chống dịch bệnh cho đàn chim cút, anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, từ việc chọn giống, cho chim ăn, đến phun thuốc khử trùng, tiêm phòng dịch và vệ sinh chuồng trại…

Nhờ vậy, đàn chim cút của anh phát triển khá mạnh, không bị mắc bệnh và sinh sản tốt. Từ đàn chim cút đẻ ban đầu, đến nay anh đang nâng đàn lên đến 10.000 con để kịp cung ứng trứng cho các mối đặt hàng. Đồng thời anh cũng có kế hoạch xử lý trứng cút lộn nhằm khai thác đa dạng các mặt hàng trứng cút cung ứng cho nhu cầu thị trường. Hơn nữa, sau mỗi lứa chim (từ 7- 8 tháng) khi chim cút già, cho tỉ lệ trứng thấp chỉ còn khoảng 75- 80% thì anh cho bán cút thịt để tái đàn mới. Đến nay anh Việt đã bán được gần 20 lứa chim cút thịt, với giá 55.000 đ/kg.

PHÁT TRIỂN “VỆ TINH”

Không chỉ nuôi chim cút lấy trứng bán, đến nay gia đình anh Việt còn phát triển “nghiệp chim” bằng việc đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại nuôi thêm chim bồ câu ra ràng (chim non mới mọc lông) cung cấp chim giống cho những hộ có nhu cầu.

Trại nuôi chim bồ câu và chim cút

Anh Việt tâm sự: “Mô hình nuôi chim cút, chim câu có ưu điểm nhanh thu hồi vốn, không tốn kém và mất nhiều công sức như nuôi các con vật khác, hơn nữa ít bị dịch bệnh, dễ nuôi. Trong khi đầu ra sản phẩm thuận lợi, rất phù hợp với điều kiện của các hộ dân miệt vườn!”. Theo anh Việt, lúc đầu gia đình anh mới chỉ nuôi thử 30 cặp chim bồ câu giống Pháp, nhưng đến nay đã nâng đàn lên được gần 1.000 cặp giống, với tổng cộng 1.600 con, chim đẻ ra đến đâu anh để gầy tiếp.

“Hiện gia đình tôi đang tiếp tục nuôi thử nghiệm mấy cặp chim bồ câu sư tử và bồ câu banh (loại chim cảnh), chúng nhìn rất đẹp và phát triển nhanh (khoảng hơn 2 triệu đồng/cặp, giống Thái Lan). Nếu cho kết quả tốt, thời gian tới tôi sẽ triển khai nhân đàn và chuyển hướng sang nuôi những giống chim mới này; đồng thời nếu ai có nhu cầu tôi sẽ sẵn sàng cung cấp giống”, anh Việt cho biết.

Với kinh nghiệm của anh Việt, để nuôi chim bồ câu hiệu quả việc chọn giống là khâu quan trọng nhất, phải chọn con khoẻ mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi... Tốt nhất là chọn loại chim từ 4-5 tháng tuổi trở lên và nuôi nhốt theo phương pháp bán công nghiệp... Với giống bồ câu Pháp, có thể đẻ từ 9-10 lứa/năm và chim 28 ngày tuổi có thể đạt 530- 580 gram/con.

Chim bồ câu thường ưa sống trong không gian thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ, đặt ở nơi cao ráo, yên tĩnh; có ánh nắng mặt trời, khô ráo, tránh được gió lùa và mưa, tránh được mèo, chuột... Chuồng chim nên để máng ăn, máng uống riêng, thức ăn sạch; đồng thời phải chăm sóc, nuôi dưỡng chim kết hợp với phòng trị bệnh kịp thời đầy đủ.

Cũng theo anh Việt, hiện gia đình anh đang tiếp tục nâng đàn và kết hợp vừa nuôi giống và nuôi chim thịt. Để kịp phục vụ nhu cầu thị trường khu vực phía Nam và đưa ra Hà Nội theo đơn đặt hàng, anh đang phát triển hệ thống “vệ tinh” nuôi chim bồ câu và bao tiêu sản phẩm với trên 20 hộ dân trong huyện Châu Thành và bên tỉnh Bến Tre. Trung bình mỗi “vệ tinh” đang nuôi từ 500 – 600 cặp chim bồ câu, do anh cung cấp kỹ thuật nuôi và hiện anh đang thu mua lại với giá 33.000 đ/con bồ câu thịt (cao hơn so với giá thị trường 1000 đ/con).

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.