| Hotline: 0983.970.780

"Vua đầu bếp" khó thành công ở Việt Nam?

Thứ Hai 12/11/2012 , 09:40 (GMT+7)

Chắc chắn, chương trình sẽ phải Việt hóa rất nhiều nếu muốn đi đến con đường thành công...

Thông tin về chương trình truyền hình thực tế “Master Chef” (Vua đầu bếp) sắp sửa thi tài ở Việt Nam và sẽ lên sóng VTV3 trong thời gian tới, khiến không ít khán giả hào hứng, và không ít người chuẩn bị để thi tài.

Với những phiên bản của Úc hay Mỹ (được phát sóng trên VTV6), khán giả Việt đã gần như bị chinh phục, bởi lẽ “Vua đầu bếp” đánh trúng vào nhu cầu thực tế hằng ngày của con người: ẩm thực.

Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực bản địa, cũng như đặc trưng tính cách con người cũng được phản ánh khá rõ trong các chương trình của Úc hay Mỹ. Gần đây, đầu bếp khiếm thị gốc Việt Christine Ha lên ngôi “Vua đầu bếp” Mỹ, đã đẩy lượng người xem chương trình này lên cao, đặc biệt là lượng khán giả ở Việt Nam.

Dĩ nhiên, truyền hình Việt Nam đang ở giai đoạn “thời của TV show” nên không thể đứng ngoài cuộc, việc SX chương trình này chỉ là việc sớm hay muộn. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu những gì hấp dẫn nhất từ các phiên bản nước ngoài có được áp dụng vào Việt Nam? Hay chương trình sẽ Việt hóa đi ít nhiều, và có “thổi bay” mất đi những nét đặc trưng của chương trình. Chắc chắn, chuyện đó sẽ xảy ra và như vậy, “Vua đầu bếp” sẽ rất khó thành công ở Việt Nam.


Cô gái gốc Việt Christine Ha trở thành "Vua đấu bếp" Mỹ khiến chương trình này thu hút lượng lớn người xem ở Việt Nam

Trước tiên, phải nói đến sự tự tin của các thí sinh tham dự cuộc thi này, khi đến với cuộc thi, hầu hết đều quả quyết: “Tôi sẽ là Vua đầu bếp”. Trong một lần trò chuyện với thí sinh người Việt Jason Viet Tien Nguyen (dự thi cuộc thi X-Factor Anh), anh đã chia sẻ: Ở trong cuộc thi, khi được hỏi, mục tiêu tham gia của bạn là gì? Sẽ chẳng có ai trả lời tham gia giao lưu học hỏi mà đều quả quyết sẽ là người chiến thắng. Nếu ở Việt Nam mà như vậy, sẽ bị quy cho là thiếu khiêm tốn hay “thùng rỗng kêu to”, khuyến mãi thêm “ít đá về xây nhà”.

Tất cả thí sinh ở Mỹ mang tâm thế chiến thắng vào cuộc và họ sẵn sàng bới móc lẫn nhau một cách lành mạnh, nếu bạn làm sai hay nấu hỏng nguyên vật liệu, họ sẽ không ngại ngần kể tội bạn trước máy quay. Họ sẵn sàng đối chất, cạnh tranh gay gắt trong phần thi “Áp lực” để tránh phải là người rời cuộc chơi.

Liệu các thí sinh của Việt Nam sẽ dám làm như vậy? Có thể dám nhưng rồi, sau đó sẽ là “mồi nhậu” của giới truyền thông và các mạng xã hội! Hẳn, trường hợp Quỳnh Anh của Vietnam’s Got Talent gần đây là bài học lớn mà hầu hết mọi người chưa quên.

 

 

Thành phần giám khảo cũng là điểm hấp dẫn khó cưỡng từ chương trình này. Bộ 3 giám khảo của “Vua đầu bếp” Mỹ rất phũ mồm, họ sẵn sàng ném món ăn vào thùng rác và gào lên: “Đây là một ví dụ tốt về rác”.

Hai cái tên giám khảo của “Vua đầu bếp Việt” đã lộ diện là doanh nhân Hoàng Khải và đầu bếp Luke Nguyễn, dĩ nhiên, sẽ chẳng có ai trong số họ dám đổ món ăn vào thúng rác hay quát mắng thí sinh? Khán giả Việt sẽ phải tìm sự hấp dẫn khác từ giám khảo chứ không phải là những câu “phũ mồm” vốn đã quen thuộc khi xem “Vua đầu bếp" Mỹ.

Ngoài ra, sự cảm tính trong đánh giá, cũng sẽ là một vấn đề lớn cho khán giả Việt Nam, bởi thẩm định một món ăn sẽ không như thẩm định một bài hát hay một điệu nhảy. Sau một số sự ầm ĩ gần đây mới thấy khán giả Việt Nam là đa nghi bậc nhất và cũng dễ bị “rê dắt” khi hầu hết khán giả chưa hề mang một tâm thế xem truyền hình thực tế một cách chủ động.

 

 

 Sẽ không ít người gào toáng lên khi cho rằng nhà SX ăn hiếp thí sinh Quỳnh Anh trong Vietnam’s Got Talent, mà quên mất là những chương trình như Got Talent hay X-Factor có “đặc sản” là “món edit” (biên tập) theo chiều hướng kéo khán giả ngồi xem. Hay lên án Trần Lập và thí sinh Bảo Anh trong "Giọng hát Việt" mà quên mất rằng, một nhân vật dạng như Bảo Anh luôn cần thiết cho bất kì show truyền hình thực tế nào.

Chắc chắn, sẽ đầy khán giả hồ nghi món nào mới thực sự ngon hơn, mà quên đi rằng, nhà SX đang làm show truyền hình, cái gì khiến họ kéo khán giả dán mắt vào TV để theo dõi mới là quan trọng nhất. Bạn hồ nghi, gào lên chứ gì, đó là tiêu chí của truyền hình thực tế: tôn thờ cảm xúc tức thì của khán giả!

Cuối cùng, về vấn đề chuyên môn nấu ăn, khán giả hâm mộ chương trình “Vua đầu bếp” khá phấn khích với các phần thi kiểu như làm bánh, làm kem, song song là phần thi nhóm với các loại thức ăn nhanh.

Ở Việt Nam, khó có thể nói chúng ta đã có những nét văn hóa ẩm thực đó, có chăng chỉ một bộ phận đầu bếp thành phố có điều kiện tiếp xúc với các công thức làm bánh, làm kem. Về đồ ăn nhanh, Việt Nam không phải là quốc gia của “fast food”, liệu những món đại loại như bánh mì kẹp thịt hay humburger có đáp ứng tính đa dạng của chương trình?

Chắc chắn, chương trình sẽ phải Việt hóa rất nhiều nếu muốn đi đến con đường thành công, còn nếu như những gì các phiên bản khác đã “phơi bày” ra cho người xem, e rằng, chương trình sẽ khó thực hiện và đáp ứng được bởi, văn hóa người Việt chưa sẵn sàng đón nhận và hình thành! Qủa thật, sự thành công của “Vua đầu bếp” tại Việt Nam sẽ là một con đường khó khăn.

 

Xem thêm
Tác phẩm nghệ thuật trên đồng cỏ kêu gọi hành động vì Ngày Trái đất

11 họa sĩ sử dụng sơn sân thể thao và bình xịt để tạo ra tác phẩm nghệ thuật dài 50m tại miền Bắc nước Anh, hưởng ứng Ngày Trái đất 2024.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.