| Hotline: 0983.970.780

Vựa hoa thiên lý chết rũ, nông dân mất trắng hơn chục tỷ đồng

Thứ Năm 02/08/2018 , 06:01 (GMT+7)

Hai tuần sau khi bão số 3 đổ bộ, xã Nam Anh - “thủ phủ” hoa thiên lý của huyện Nam Đàn (Nghệ An) đón nhận tin buồn. Giá hoa thiên lý lên đến 50.000 đồng/kg nhưng cánh đồng trên 65ha trồng loại cây hái ra tiền này đang chết rũ.

08-27-58_cnh_dong_ho_ly_phu_mu_vng_u_su_bo_so_3
Cánh đồng hoa lý phủ màu vàng úa sau bão số 3

Ông Trần Văn Nam, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Anh cho biết, ở vùng đất này, nông dân rất năng động. Việc chuyển đất lúa sang trồng màu đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Hiệu quả kinh tế từ rau màu hơn hẳn so với cây lúa. Vài năm lại đây, cây hoa thiên lý (hoa lý) được đưa vào trồng đại trà, hiệu quả kinh tế còn hơn hẳn những loại cây rau màu khác.

“Vậy mà năm nay, 65ha hoa lý chết rũ sau bão số 3. Đặc điểm của loài hoa này là không chịu được ngập úng nên nông dân đã lên luống cao so với mặt ruộng. Mưa kéo dài quá, trên 100ha lúa còn thối rữa trên cánh đồng huống gì hoa lý”, ông Nam xót xa.

Nói về hiệu quả của cây hoa lý, ông Nam cho biết, cây hoa lý ở vùng đất này có thể cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/vụ (chỉ trồng 1 vụ/năm). Có hộ trồng 1 sào (500m2), nhờ đầu tư tốt bán được 33 triệu đồng (tương đương với 660 triệu đồng/ha/vụ).

“Nhưng đó chỉ là vài ba hộ cá biệt thôi. Nếu tính giá bình quân 30.000 đồng/kg thì mỗi ha hoa lý, sau 7 tháng trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng đem về cho nông dân trên 300 triệu đồng/ha. Đó là một khoản thu nhập “khủng” với bà con vùng bán sơn địa như Nam Anh”, ông Nam cho biết thêm.

08-27-58_bo_so_3_cuop_khong_cu_nuoi_trong_ly_nm_nh_tren_13_ty_dong
Bão số 3 “cướp” không của người trồng lý Nam Anh trên 13 tỷ đồng

Mấy ngày nay, nhiều thương lái chạy xe về xã Nam Anh để thu mua hoa lý nhưng không ít người về không. Thấy thế bà Lê Thị Lân, xóm 6 xã Nam Anh cầm rổ ra ruộng hoa lý, hái từ sáng đến trưa cũng chỉ được 2kg.

“Chết hết rồi chú ơi! Hơn 1 sào hoa lý, đầu tư cũng hết trên 6 triệu đồng mà mới chỉ thu bán chưa được 2 triệu đồng thì gặp mưa lũ. Giờ lá vàng hết, rễ thối, thân cây bắt đầu khô. Hoa chết, người cũng không có tiền tiêu. Nay giá lên đến 50.000 đồng/kg thì cả xã không còn ai có bán. Làm nông nghiệp bấp bênh quá! Đúng là người tính không bằng trời tính chú ạ”, bà Lân rầu rĩ.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân Nam Anh đang ra đồng thu dọn giàn leo để làm đất thay thế bằng cây trồng mới. Khắp cánh đồng, màu vàng úa nước phủ kín, dàn cũ được nông dân tập trung thành từng bó chuẩn bị làm giàn cho cây trồng khác. Một số hộ để nguyên dàn leo, xới đất trồng mướp ngọt, mướp đắng... Dưới đất, mầm mướp, rau cải đã mọc nhưng liệu ông trời có còn cho ăn?

08-27-58_mot_so_ho_trong_ru_ci_muop_dng_muop_ngot_duoi_dn_ly_d_hong
Một số hộ trồng rau cải, mướp đắng, mướp ngọt dưới giàn hoa lý đã hỏng

“Nhiều hộ dỡ giàn để trồng cây màu khác. Còn gia đình tôi để nguyên thế, trồng mướp đắng, mướp ngọt, dưới thì gieo cây rau cải, may ra ông trời cho ăn. Rau màu hiếm, giá cả tăng vọt, không có bán, nông dân càng thêm tiếc của”, bà Nguyễn Thị Ba ở xóm 3, xã Nam Anh, hộ bị mất trắng 700m2 hoa lý tiếc nuối.

Ông Trần Văn Nam cho biết thêm, trong tổng số 65ha hoa lý của nông dân xã thì mới chỉ thu hoạch được 1/3 sản lượng. Nếu tính mỗi sào (500m2) tổng thu được 15 triệu đồng (300 triệu đồng/ha) thì có nghĩa là ông trời đã “cướp” mất của nông dân Nam Anh 13 tỷ đồng.

“Chưa có sản phẩm hoa màu nào dễ bán và có giá như hoa lý. Dù đắt, dù rẻ vẫn chạy hàng, được tư thương đến tận ruộng, tận nhà thu mua. Mất 65ha hoa lý, nông dân Nam Anh tổn thất trên 13 tỷ đồng, quá lớn so với nguồn thu nhập ít ỏi của người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ông Nam chia sẻ.

08-27-58_nhieu_ho_ph_bo_dn_de_trong_cy_mu_moi
Nhiều hộ phá bỏ giàn để trồng cây màu mới
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, áp thấp nhiệt đới và bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Mưa bão đã khiến 28.388,4ha lúa bị ngập, trong đó có 8.106,36ha bị thiệt hại trên 70%; 9.202,8ha ngô, rau màu các loại bị ngập, đổ gãy, trong đó 7.052,19ha thiệt hại trên 70%; 2.452,96ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại, trong đó 968,2ha thiệt hại trên 70%; 176 con gia súc, 9.443 con gia cầm bị chết…

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất