| Hotline: 0983.970.780

Vừa làm Bao Công vừa kiêm... thầy cúng

Thứ Sáu 17/06/2011 , 10:53 (GMT+7)

Ở nhiều làng quê chỉ có cựu chiến binh với đảng viên, những người có “tinh thần thép” mới đủ khả năng làm trưởng thôn.

Trưởng thôn Nguyễn Đăng Nam
Ở nhiều làng quê chỉ có cựu chiến binh với đảng viên, những người có “tinh thần thép” mới đủ khả năng làm trưởng thôn.

>> Trăm dâu đổ đầu… trưởng thôn
>> Chống gậy đội nón mê đứng giữa trưa hè
>> Trưởng thôn - Anh là ai?

Việc nhà thì nhác...

Bà Trần Thị Dung (48 tuổi) vợ ông Nguyễn Đăng Nam trưởng thôn Bùi, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục (Hà Nam) “vạch tội” chồng như sau: Quản lý 360 hộ với hơn 1.000 khẩu, thường xuyên nhận những việc chẳng ai chịu làm trong khi việc nhà hầu như trút hết cho vợ con. Cứ mỗi lần có việc cần nhờ đến ông lại nhăn nhó: "Tôi còn lo việc làng việc xã”. Thành thử ông Nam bảo rằng không ít lần bị vợ nghi mình làm trưởng thôn để…trốn việc nhà.

50 tuổi, trông ông Nam đã già lắm! Sự già nua mà bà Dung bảo từ cái ngày ông dại dột ngồi ghế trưởng thôn. Sở dĩ bà gọi là “dại dột” vì khi chồng trúng cử thì đồng nghĩa gia đình mất thêm một lao động chính. Ông bà có hai đứa con, một đứa lấy chồng, một đứa đi làm công nhân. Mà kể ra bà Dung bảo là dại cũng không sai, việc nhà nông tất bật vào ngày mùa nhưng những ngày ấy ông Nam còn bận hơn cả nông dân. Mới chỉ vài năm chồng làm trưởng thôn mà bà Dung có thể tính bình quân mỗi ngày ông Nam có ít nhất 10 việc không phải của gia đình. "Việc không xuể chú à. Nào là thu tiền giống, thuốc BVTV, ma chay cưới hỏi đến cả cái việc thúc giục bà con gặt nhanh để xã còn kịp làm báo cáo đều một tay trưởng thôn cả. Lắm vụ mùa mãi lo thúc giục bà con, đến lúc xong việc chạy ra đồng một tý thì chỉ còn lại mỗi vợ mình”. Ông Nam nửa đùa nửa thật.

Học cách chấp nhận vì biết chồng làm trưởng thôn là phải “vác tù và hàng tổng” nhưng không ít chuyện khiến bà Dung thấy “uất”. Như đợt chuẩn bị vào vụ lúa vừa rồi, bà giận ông đến mấy ngày vì cái tội dám biến nhà mình thành cái kho vật tư nông nghiệp. Thì ra, trước khi vào vụ, phân bón, thuốc BVTV thôn đứng ra mua về để ngoài hội trường thì sợ ăn trộm trong khi dân làng chẳng muốn ai đưa về nhà rồi lại phải gánh ra đồng sợ mất công. Cán bộ xã có công văn về chỉ đạo gắt gao phải đảm bảo an ninh để bà con yên tâm sản xuất nhưng chẳng thấy chỉ đạo phải cất giữ ở đâu. Sợ trước sợ sau cuối cùng ông trưởng thôn lại phải xung phong “trưởng thôn đi trước làng nước theo sau”. Mỗi ngày mấy chục lượt người ra vào, đám rau bà Dung cất công tăng gia bị người ta dẫm nát.

Tài sản gia đình trưởng thôn Bùi là một căn nhà cấp 4 hai gian. Ngói thủng lỗ chỗ, bà Dung giao cho chồng lấy “lương trưởng thôn” mua ngói thay nhưng nhậm chức đã hơn một năm rồi ông vẫn cứ dùng dằng. “Trợ cấp 500 ngàn/tháng vừa chi phí vào xăng xe đi lại với hút thuốc lào thì lấy đâu ra dư dả mà gọi là lương với lậu chú”.

Đang ngồi tâm sự với chúng tôi, đứa trẻ con hàng xóm hốt hoảng: “Ông trưởng thôn ơi lại có người chết”. Bỏ dở câu chuyện ông xin phép chạy đi một tý “thu thập thông tin” để về thông báo cho đoàn thể, rồi viết cáo phó, đọc tin buồn… Lắm bận không tìm ra người viết điếu văn, trưởng thôn kiêm luôn thầy cúng. Nhưng làm trưởng thôn ở quê đấy không phải là chuyện khổ nhất. Ông Nam lắc đầu kể khổ chuyện phải làm Bao Công đi xử…người nhà. Mới hôm qua thôi, hai ông nông dân trong thôn đi trổ nước ruộng. “Một ông đằng nhà mình, một ông đằng bên vợ, đóng cọc tre thế nào xiên xẹo sang nhau. Câu trước câu sau định rút cọc tre phang nhau thì chợt nhớ mình đều có người nhà làm…trưởng thôn. Cả hai kéo đến nhờ mình phân giải. Khó ở chỗ, lấy cớ đều là người nhà nên mỗi người buông thõng một câu: "Xử không đúng cho tao thì đừng trách".

Cứ trưởng thôn mà... chửi

Cũng làm chức “chay” như ông Nam, ông Trần Quốc Toản, trưởng thôn Văn Lý, xã Hải Lý, Hải Hậu (Nam Định) nửa đùa nửa thật: Mỗi lần đến ngày mùa là y như rằng vợ nói gì cũng không dám cãi. Bởi trong khi bà Lan vợ ông trầy mặt với đồng muối thì ông đang bận chạy đi liên hệ đầu ra cho bà con. Xong vụ muối, dân làng thở phào còn vợ ông ốm lên ốm xuống vì phơi nắng quá nhiều.

Ông Toản bảo làm trưởng thôn Văn Lý cũng có quyền. Đó là quyền giữ hai chiếc chìa khóa, một để khóa bộ loa phát thanh và một khóa chiếc barie chắn xe tải ở cổng làng. Gọi quyền vì cả loa và cổng đều là của công mà ông được nắm giữ. Còn thực tế, ông Toản bảo rằng nhiều bữa vợ chồng lục đục vì chuyện hai chiếc chìa khóa này. Việc mở loa mở cổng hóa ra là công việc nghe chửi thường xuyên. Loa phát thanh thôn bắt ông dậy từ năm giờ sáng để “cung cấp văn hóa thông tin cho bà con”, còn cái barie cổng làng ông trưởng thôn bị cánh buôn cây cảnh hành tơi tả. 2-3 giờ sáng hàng về cũng phải mò dậy mở, trưa nắng chang chang có người gọi lại lộc tộc đi. Không đi thì bị chửi là làm khó làm dễ để vòi tiền mà đi thì cũng bị vợ chửi “giời hành ông hay sao mà phải khổ thế”. Cái barie bị chửi rồi đến loa phát thanh cũng chửi. Hội trường nằm ở trung tâm thôn, loa chĩa hướng nào cũng gặp nhà người ta, sáng ra chỉa vào nhà nào là y như rằng có người réo tên trưởng thôn chửi ngay.

Trò chuyện với những trưởng thôn như ông Toản, ông Nam mới thấy họ nghèo nhưng nặng lòng với xóm làng lắm. Mỗi lần trong thôn có cô gái nào đến xin giấy tạm vắng lên thành phố làm công nhân ông lại dặn dò kỹ lưỡng. Ông sợ, sợ bởi ở vùng quê nghèo này lao động phải bỏ làng mà đi và không ít trong số đó sa ngã. Nhìn mấy cô gái quê lên phố trở về mắt xanh mỏ đỏ ông xót xa nhưng đó là sự xót xa bất lực bởi “quê mình nghèo quá, không giữ được con em ở lại làng”.

“Chuyện bị chửi hay nghĩ oan, tôi khẳng định chẳng cán bộ cấp nào dính nhiều như trưởng thôn. Mà chẳng thà nhiều cán bộ như trên xã thì bị chửi ai cũng nghĩ không phải mình, còn cái anh trưởng thôn chỉ có một nên cứ nghe chửi lại giật mình thon thót. Mấy đợt có gạo cứu trợ về, chưa kịp lập danh sách để phát đã có lời ra tiếng vào nghi ông trưởng thôn giữ lại ưu ái người nhà. Gần 500 hộ dân thử hỏi trong một hai ngày làm sao thống kê nổi nhà này nhà kia bao nhiêu. Hay như năm rồi muối rớt giá, ế ẩm không bán được. Trong lúc tôi chạy đôn chạy đáo thì dân làng lại bàn ra tán vào không khéo ông trưởng thôn ăn tiền mấy doanh nghiệp để ép dân. Ai mà đi làm mấy cái chuyện thất đức ấy, nhưng mà ở làng quê cứ thấy có “dấu hiệu” là họ xổ toẹt ra ngay”. Ông Toản ấm ức. Cũng đợt giá muối ế ẩm ấy, xã có “trát” xuống yêu cầu phải đảm bảo diện tích trong khi nhiều hộ dân nhất quyết đòi chuyển đổi. Không ít người nản muối quá đóng cửa nhà bỏ làng lên phố làm thuê. Ông trưởng thôn đi vận động từng nhà, liền bị mắng: “Làm muối mà ế nữa thì ông có “ăn” hết cho chúng tôi được không?".

Nhậm chức ở vùng quê “ít lộc” như Văn Lý nên tài sản "quan thôn” chẳng có gì đáng giá. Ông Toản là người mê cây cảnh. Có bận cây bị sâu ông phải ngửa tay xin tiền vợ đi mua thuốc về phun. Còn tiền phụ cấp mỗi tháng 500 ngàn bằng đúng 1/8 tiền bà vợ làm một vụ muối.

"Tôi chẳng hiểu tiêu chí trưởng thôn là gì cả. Nếu nói làm kinh tế giỏi thì nhà tôi lại nghèo, kiến thức, học vấn cũng chẳng có nên suy đi xét lại chỉ có mỗi cái lý do mình là đảng viên nên phải làm thôi”, ông Toản tâm sự.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất