| Hotline: 0983.970.780

Vừa lo hạn, vừa chống úng

Thứ Hai 15/06/2015 , 06:12 (GMT+7)

Các địa phương ở miền Bắc đang hối hả thu hoạch lúa ĐX và triển khai gieo cấy vụ mùa. 

Nhiều Cty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỏ ra lo lắng khi nắng nóng và khô hạn cục bộ vẫn diễn ra, tình hình mưa, bão, lũ được dự báo là rất khó lường.

Cuối tuần qua, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phục vụ SX vụ ĐX 2014 - 2015 và triển khai kế hoạch phục vụ SX vụ mùa, phương án phòng chống thiên tai năm 2015 tại hai hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà và Bắc Hưng Hải.

Nắng nóng xuất hiện nhiều đợt

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, trong điều kiện El Nino, năm 2015 sẽ có khoảng 9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông (trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 12 cơn) và khoảng 3 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Từ tháng 6 - 10/2015, nền nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN từ khoảng 0,5 - 1 độ C. Nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ có khả năng sẽ xuất hiện nhiều đợt hơn so với năm 2014. Mặc dù lượng mưa tại Bắc bộ được dự báo thấp hơn TBNN, nhưng khả năng sẽ có nhiều đợt mưa lớn, tập trung trong thời đoạn ngắn, rất dễ gây ngập úng cho cây trồng.

Ông Nguyễn Đình Kính, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải chia sẻ: "Nếu diễn biến thời tiết đúng theo kịch bản dự báo, thì việc điều tiết làm sao để vừa cấp đủ nước phục vụ gieo cấy, vừa đảm bảo tiêu thoát nước đệm trong đồng ruộng, hồ chứa, phòng ngập úng khi xảy ra mưa lớn sẽ rất khó khăn.

Trước tình hình trên, Cty đã chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng, tu sửa công trình, máy móc thiết bị, khơi thông dòng chảy, dự phòng vật tư, thiết bị, đảm bảo 100% số máy bơm lớn hoạt động. 21 tuyến cống, âu thuyền dưới đê và 8 đập điều tiết được bảo dưỡng máy đóng mở, sơn cánh cổng…".

Trường hợp nắng hạn kéo dài, thiếu nước trầm trọng, việc điều hành nhập nước tưới phải đúng quy định: Nhập nhanh, dứt điểm, đảm bảo an toàn công trình và phòng úng; quy trình vận hành hệ thống thực hiện theo phương châm “chôn, rải, tháo nước”. Để rút ngắn thời gian bơm tiêu úng và hạn chế thấp nhất diện tích úng cục bộ, phải khoanh vùng giữ nước vùng cao, ưu tiên cho vùng ngập úng trước.

Nhiều mối lo

Ông Đào Hữu Tiến, GĐ Cty KTCTTL huyện Ý Yên (Nam Định) lo lắng chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi của huyện nói riêng và hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà nói chung đang ở mức báo động.

“Vụ chiêm nước đã không đảm bảo rồi. Nếu vụ mùa không đưa nước vào thau, rửa trước khi khi nhập vào nội đồng phục vụ gieo cấy thì rất nguy hiểm. Đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến đề xuất với Chính phủ bố trí một nguồn kinh phí thường niên để thau, rửa hệ thống thủy lợi, cải thiện chất lượng nước trong vụ mùa”.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng chia sẻ: "Đối với vụ mùa, nhiệm vụ tiêu nước là chính, nhưng riêng năm nay hiện tượng El Nino tác động mạnh. Huyện Ý Yên có những vùng cost ruộng lên tới +03, nếu nắng nóng vẫn tiếp diễn như thời điểm này, chỉ 3 ngày không tưới được nước thì lúa sẽ chết vì hạn trước khi chết vì úng.

Về vấn đề cải thiện chất lượng nước phục vụ SX nông nghiệp, ông Tỉnh chỉ đạo Viện Quy hoạch thủy lợi cần nghiên cứu và tư vấn cho tổng cục giải pháp điều tiết nước vào các hệ thống thủy lợi để pha loãng nguồn nước bị ô nhiễm trước khi cấp nước vào nội đồng.
Song song với đó, các đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phát hiện các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cá nhân, tổ chức, báo cáo lên tổng cục để có biện pháp xử phạt mạnh như rút giấy phép hoạt động…

Để vận hành máy móc, điện vô cùng quan trọng. Đối với các trạm bơm lớn được đảm bảo cấp điện khá tốt. Nhưng một số trạm bơm nhỏ lại khá phập phù. Đang trong đợt cao điểm nắng nóng, máy bơm phải vận hành hết công suất nhưng có hôm điện gặp sự cố 3 lần/ngày, nước không thể lên kênh được, nông dân chỉ biết kêu trời”.

Ông Lê Văn Hòa, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam lo lắng: "Hiện tại chúng ta vẫn chưa xây dựng được quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà phù hợp với điều kiện thực tế, do đó rất khó trong khâu điều hành".

Bà Nguyễn Thị Vang, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam chia sẻ: "Hà Nam đang đẩy mạnh mở rộng chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu xuất khẩu giá trị cao. Bộ NN-PTNT cũng đã hỗ trợ vùng chuyển đổi 30 ha để áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm. Những diện tích đó nhà nước không cần trích kinh phí để cấp bù thủy lợi phí nữa. Tôi cho rằng cần nhân rộng mô hình này".

Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù đang là cuối mùa khô, mực nước các hồ thủy điện thấp nhưng ngành điện khẳng định sẽ huy động từ mọi nguồn, cả trong nước và ngoài nước để cấp đủ điện phục vụ SX nông nghiệp, trong đó có tưới tiêu.

Bên cạnh đó, đơn vị cùng các nhân viên túc trực 24/24 để xử lý những tình huống bất thường. Về việc cấp điện cho các trạm bơm, ngay từ đầu năm, tập đoàn đã chỉ đạo các Cty thành viên rà soát, duy tu bảo dưỡng các trạm biến áp và chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý thủy đông để xem xét các biện pháp khắc phục sự cố.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo: "Đối với các tỉnh miền Bắc, tình trạng cục bộ có thể vẫn diễn ra ở một số vùng ở đầu vụ mùa. Nếu diện tích không lớn, các địa phương và thủy nông các huyện chủ động bơm tưới để cấp đủ nước cho nông dân gieo cấy.

Nếu diện tích thiếu nước lớn, cả hệ thống cần phải nhập cuộc để giải quyết dứt điểm. Khi đưa bơm nước vào nội đồng, cần theo dõi sát yếu tố thời tiết, khi có dự báo mưa lớn, phải chủ động tháo nước đệm trong nội đồng ra nhằm phòng tránh ngập úng".

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.