| Hotline: 0983.970.780

“Vựa ngô” Sơn La mất 30.000 tấn

Thứ Tư 18/08/2010 , 10:04 (GMT+7)

Vài năm trước, nông dân ở “thủ phủ” ngô Sơn La từng khốn khổ vì giá ngô rẻ như bèo. Được mỗi năm 2009 trúng mùa được giá, nợ cũ chưa kịp trả thì năm nay người trồng ngô lại buồn nát lòng bởi những nương ngô chết héo ràn rạt vì hạn. Nỗi lo nợ nần, túng đói đang hiển hiện.

Vợ chồng anh Mè Văn Đồng (bản Mè, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, Sơn La) mót những tải ngô chỉ lác đác 5-7 hạt/bắp

Vài năm trước, nông dân ở “thủ phủ” ngô Sơn La từng khốn khổ vì giá ngô rẻ như bèo. Được mỗi năm 2009 trúng mùa được giá, nợ cũ chưa kịp trả thì năm nay người trồng ngô lại buồn nát lòng bởi những nương ngô chết héo ràn rạt vì hạn. Nỗi lo nợ nần, túng đói đang hiển hiện. 

Ít nhất 30% mất trắng

Mặc dù đã vào vụ thu hoạch chính, nhưng dọc QL6 qua các vùng trồng ngô trọng điểm của tỉnh Sơn La như Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn...thời điểm này, những đại lý thu mua ngô vẫn lặng như tờ. Tại Mai Sơn, chủ đại lý Đa Thụy, một trùm buôn ngô tại Cò Nòi rỗi rãi cho biết, các năm mới đầu vụ kho ngô có sức chứa 5- 60 nghìn tấn của anh đã nườm nượp các chủ thu mua nhỏ tới nhập hàng. Vậy mà năm nay đã vào vụ thu hoạch chính nhưng kho ngô vẫn trống hoác vì dân không có ngô bán. Hiện tại, giá ngô tươi nguyên bắp các chủ đại lý đang mua tại lán ven QL6 và các vùng có đường ôtô vào tận xã, bản dao động từ 2.500 – 3.500đ/kg (phụ thuộc vào độ ẩm hạt). Sau khi tách hạt, sấy khô với độ ẩm dưới 14%, các chủ đại lý tại Cò Nòi, Hát Lót...bán về các NM TĂCN tại Hà Nội với giá từ 5.200 – 5.500đ/kg. Nếu bán lại cho các chủ buôn tại Chương Mỹ (Hà Nội) lên Sơn La mua tại kho thì giá từ 4.800 đến 5.000đ/kg. Theo chủ đại lý Đa Thụy, giá ngô như vậy là cao hơn năm 2009 từ 500 đến 1.000đ/kg và dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, giá ngô cao không làm người trồng ngô vui hơn. Dọc QL6, qua khỏi thị tứ Cò Nòi về huyện Yên Châu thời điểm này những ngọn núi, cây ngô leo chót vót lên tận đỉnh đã chết héo lâu ngày, trắng xóa. Nông dân bản Huổi Phù, xã Chiềng Đông (huyện Yên Châu) buồn rười rượi dẫn tôi lên thăm những đồi ngô xác xơ, có đồi ngô thân tốt quá đầu người nhưng không ra bắp, hoặc bắp chỉ bé bằng đầu chiếc đũa cả, bóc vỏ ra chỉ thấy lõi lèo tèo vài hạt lép. Chiềng Đông có 13 bản gần như sống dựa hoàn toàn vào gần 800 hecta ngô, nhưng theo báo cáo của UBND xã thống kê tới thời điểm này, có gần 600 hecta ngô mất trắng, chiếm hơn 70% tổng diện tích. Hầu hết các diện tích mất trắng rơi vào trà gieo sớm của vụ xuân – hè giữa tháng 3/2010. Đến giữa tháng 6/2010 lúc ngô trổ cờ đúng vào giai đoạn nắng nóng gay gắt trên 400c kéo khiến ngô không thể thụ phấn và chết khô dần.

Mai Sơn, vùng trũng ngô của tỉnh Sơn La với nhiều diện tích đất đai bằng phẳng, trữ nước tốt như Cò Nòi, Nà Bó, Chiềng Chăn...nhưng cũng không cứu vãn được thiệt hại vì hạn. Ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn lo lắng cho biết, huyện có 21 xã, thị trấn thì có tới 9 xã đời sống cả năm trời chỉ trông hoàn toàn vào một vụ ngô mà thôi. Vì vậy, mất mùa ngô nặng như năm nay thì cái đói đang nhãn tiền.

Theo rà soát sơ bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, diện tích ngô thiệt hại năm nay sẽ chiếm không dưới 35% tổng diện tích, tương đương trên 30 nghìn hecta. Các huyện vừa có diện tích ngô lớn, vừa có tỉ lệ ngô thiệt hại vì hạn lớn nhất là Mai Sơn (56% mất trắng), Phù Yên (80%), Mộc Châu (35%), Yên Châu (33%). Ngoài các diện tích ngô mắt trắng (tỉ lệ không cho thu hoạch lớn hơn 70%) của trà ngô gieo đầu vụ vào trung tuần tháng 3/2010, các diện tích ngô còn lại gieo vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2010 hiện vẫn chưa thu hoạch. Mặc dù may mắn “thoát nạn” vì trổ cờ vào thời điểm đợt nắng nóng hồi tháng 6/2010 đã qua, tuy nhiên do ảnh hưởng đến sinh trưởng nên phần lớn các trà ngô muộn bị còi cọc, giảm năng suất từ 20-70% so với các năm. Nếu cộng cả phần giảm năng suất này, tổng sản lượng ngô toàn tỉnh Sơn La sẽ bị mất gần 30 nghìn tấn so với các năm. 

Chuyện ghi ở Tà Hộc

Anh Mè Văn Đồng bên nương ngô chết héo không ra bắp

Tà Hộc (huyện Mai Sơn) ở tun hút tận giáp hồ Hòa Bình. Đã vào vụ thu ngô nhưng năm nay bà con không ai buồn lên rẫy vì ngô không ra bắp. Thương lái mạn Hòa Bình không còn đánh thuyền ngược sông Đà lên bến sông Tà Hộc mua ngô nữa nên bến sông lạnh tanh. Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Lầm cho biết xã có 11 bản gần như cả năm chỉ trông hết vào gần 1.200hecta ngô mà thôi. Nhưng năm nay có hơn 1.000hecta mất trắng. Nghĩa là bà con sẽ không có tiền trả nợ cho chủ đại lý dưới thị trấn Hát Lót, mà chưa biết chủ đại lý họ có cho vay tiền nữa không nên chưa biết miếng ăn sắp tới sẽ tính ra sao.

Cái lệ gần như truyền đời không chỉ của nông dân trồng ngô ở Tà Hộc mà ở đâu ở Sơn La cũng vậy, đó là bà con chỉ mỗi việc lên nương cuốc đất trỉa ngô, tới vụ dựng lán cạnh đường rồi lên rẫy bẻ ngô gùi xuống lán. Còn tiền đầu tư giống má, phân tro, và cả tới cân gạo cân thịt cho tới hạt muối quanh năm họ đi vay của chủ đại lý ăn dần. Gỉa như ốm đau bệnh tật gì, thì họ cũng chỉ biết vay tiền chủ đại lí dưới Hát Lót. Tới vụ, những ông chủ ở Hát Lót chỉ việc đánh xe vào khuân ngô đi để trừ nợ.  

Choạng tối, trưởng bản Mè (xã Tà Hộc) anh Mè Văn Đồng mới tối mặt gùi tải ngô về tới lán. Xem kỹ, thấy bắp ngô chỉ bé như cán liềm, nhưng mỗi bắp chỉ có dăm bảy hạt. Mè cho biết mới đi mót ở 2 nương ngô rộng 2 hecta nhưng chỉ được 20 bao tải ngô lép. Dẫn tôi qua mấy chiếc lán tạm tối ôm cạnh bìa suối, Mè Văn Đồng kể: Năm 2008, bản Mè còn nằm lút phía trong suối Mè. Vụ ngô năm đó trúng mùa, những lán ngô ven con suối Mè đã đầy ắp chuẩn bị chờ chủ nợ ở Hát Lót đánh xe lên chở thì cơn bão số 6 ập tới. Nước lũ cuốn phăng hết ngô của bản Mè theo suối xuống sông Đà. Lũ còn làm sạt lở hết nhà cửa, đất trồng ngô cũng bị sạt lở thành đồi sỏi đá.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mùa ngô năm 2010 tại miền Bắc mặc dù tổng diện tích không tăng, nhưng đã bị thiệt hại nặng vì hạn. Trừ vựa ngô Sơn La chủ yếu gieo vụ xuân-hè hiện vẫn chưa kết thúc vụ thu hoạch, còn lại các tỉnh trung du MNPB khác chủ yếu có ngô vụ xuân đã kết thúc vụ thu hoạch đều thiệt hại nặng. Một số tỉnh có diện tích ngô vụ xuân mất trắng lớn như Cao Bằng (hơn 5 nghìn hecta), Hà Giang (hơn 9 nghìn hecta), Yên Bái (1,5 nghìn hecta), Bắc Kạn (hơn 1 nghìn hecta)...Ngoài ra, các diện tích ngô vụ hè tại các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng bị thiệt hại nặng nề, mới gieo xong đã gặp nắng nóng gay gắt và chết hoàn toàn như Thanh Hóa, Nghệ An...với tổng diện tích ngô non bị chết trên 10 nghìn hecta.

Như vậy, SX ngô năm 2010 tại miền Bắc sẽ có không dưới 50 nghìn hecta ngô bị mất trắng. Nếu cộng cả diện tích ngô bị thiệt hại với tỉ lệ nhỏ hơn 70%, ước tính sản lượng ngô tại miền Bắc sẽ bị suy giảm trên 150 nghìn tấn so với các năm, tương đương 15% tổng sản lượng ngô hàng năm của cả nước.

Bản Mè phải chuyển nhà lên bản Huổi Nhụng (xã Nà Bó). Nhưng ở Huổi Nhụng không còn đất trồng ngô, nên chỉ được vài ba tháng, người dân lại chuyển hết về nơi cũ, dựng lán ven suối ở tạm, mượn đất người trong xã trồng ngô.

Vụ ngô 2009 được mùa, nhà Đồng bán được 28 triệu đồng tiền ngô, nhưng phải gạt nợ cho ông chủ tên Hiệu ở thị trấn Hát Lót từ năm 2008, cộng cả tiền vay nợ cũ bây giờ nhà Đồng còn nợ chủ đại lý ở Hát Lót tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Đồng dự tính vụ ngô năm nay sẽ cố làm để gạt nợ, nhưng ngô lại mất mùa. Bây giờ, bản Mè có 26 hộ thì đã đều thành hộ nghèo hết.

Kể về món nợ cũ, Đồng bảo từ đời ông, rồi tới đời bố đã thấy nợ ông chủ Hiệu ở dưới Hát Lót. Đến khi ông, rồi tới bố qua đời năm 2008, Đồng làm chủ gia đình thì phải làm ngô tiếp để gạt nợ. Không có tiền thì đầu vụ, chủ đại lí ở Hát Lót lại cho ký nợ tiền phân, tiền giống, rồi lấy gạo, lấy tiền mua thịt, muối, thuốc thang...của họ ăn dần cả năm. Ở Tà Hộc, nhà nào cũng thế. Nhà trung bình mỗi năm tổng cộng phải ký nợ của chủ đại lý 20- 25 triệu đồng. Tất nhiên là chủ đại lý tính lãi, thường là 2,5- 3%/tháng. Còn giá giống, giá phân, giá gạo...ăn nợ chủ đại lý cũng lấy cao hơn thị trường 2- 3 giá. Đến vụ, chủ đại lý gạt nợ ngô giá cũng thấp hơn giá thị trường 1-2 giá. Âý nhưng chẳng có ai dám phàn nàn, vì nhỡ vụ sau chủ đại lý cắt mất “viện trợ” thì coi như nhịn đói. 

Nhìn bữa ăn nhà Đồng chỉ mỗi nồi cơm nấu từ gạo cứu trợ và 1 ít măng luộc chấm muối, tôi ái ngại thắc mắc: Ngô mất mùa, không có gạt nợ thì tính sao? Đồng thẫn thờ: “Thì lại nài nỉ chủ đại lý dưới Hát Lót cho ký gạo nợ, sang năm ngô được mùa thì trả”.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.