| Hotline: 0983.970.780

Ngựa Bắc Hà, giống vật nuôi đa giá trị

Vừa phát kinh tế vừa gìn giữ văn hóa

Chủ Nhật 15/10/2023 , 15:59 (GMT+7)

Ở Bắc Hà, ngựa giữ vai trò quan trọng đối với đời sống đồng bào dân tộc thiếu số, vừa phát triển kinh tế vừa là nét văn hóa độc đáo nơi đây.

Ngựa thồ luôn sát cánh cùng bà con ở vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Hải Đăng.

Ngựa thồ luôn sát cánh cùng bà con ở vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Hải Đăng.

Gắn bó với đời sống đồng bào vùng cao

Bắc Hà là một huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, có diện tích đất tự nhiên trên 68.000ha, tuy nhiên chỉ có gần 67.000 người sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Tày, Dao.

Ở Bắc Hà, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giúp cho bà con trồng dược liệu, mận mang lại giá trị kinh tế cao. Bắc Hà còn có lễ hội đua ngựa truyền thống mà “nài ngựa chân đất” cũng chính là bà con nông dân của “cao nguyên trắng” này. 

Ông Chảo Văn Dèn, gần 80 tuổi ở Bắc Hà cho hay, cộng đồng các dân tộc nơi đây coi con ngựa không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn thân thiết, một tài sản lớn của gia đình.

“Con ngựa dùng làm sức kéo, làm phương tiện vận chuyển giúp bà con gùi, thồ phân lên nương, thồ lúa về nhà, lên nương làm rãy, chở nông sản ra chợ bán… nhất là hàng chục năm trước đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn.

Không những vậy, con ngựa còn cung cấp phân bón cho cây trồng. Các hộ gia đình có bán bao nhiêu lúa, ngô cũng phải gắng mua lấy một con ngựa mới mong có cuộc sống khấm khá. Nhà giàu có nuôi đến hàng chục con. Chăn nuôi ngựa không chỉ là tập tục của bà con mà còn là con vật không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình”, ông Chảo Văn Dèn nói. 

Trước đây, bà con dân tộc thiếu số ở Bắc Hà sinh sống không tập trung, lại ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, có muốn xuống chợ cũng mất cả buổi nên việc đi lại chủ yếu nhờ vào sức ngựa. Các đường mòn nằm vắt ngang triền núi cũng nhờ việc đi lại nhiều mà hình thành chứ chưa có đường bê tông nông thôn như bây giờ. 

Con ngựa thồ hàng leo ngược các con dốc dựng đứng, phía sau là những người phụ nữ tần tảo gùi nông sản cùng về bản trước khi ánh hoàng hôn kịp tắt. Chàng trai, cô gái tay trong tay dắt theo chú ngựa trên những con đường mòn khúc khủy.

Người vợ chở chồng say rượu nằm vắt ngang lưng ngựa sau những phiên chợ… từ khi nào đã trở thành nét văn hóa của bà con vùng cao và con ngựa là một phần không thể thiếu, hết sức quan trọng trong đời sống của bà con. 

Vào đầu xuân năm mới, các gia đình ở đây còn dán giấy đỏ ở cửa chuồng ngựa tượng trưng cho sự bảo vệ của tổ tiên đối với vật nuôi của gia đình. Các lễ hội diễu hành, đua ngựa cũng là một nét văn hóa đề cao vai trò của con ngựa trong đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ngựa Bắc Hà dẻo dai nhất Tây Bắc

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, với người dân vùng cao, con ngựa không chỉ có giá trị vật chất mà còn là người bạn, giúp người dân trong nhiều việc nặng nhọc, mang vác nhưng bao thóc, bao mận cho bà con…

Với loài ngựa bản địa Bắc Hà, chúng có sức khoẻ dẻo dai, ít bị ốm và có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt. Song để ngựa khoẻ cũng phải chăm sóc chu đáo như cho ngựa ăn thêm ngô, thóc, đậu tương thay vì ăn cỏ hàng ngày.

Trước đó, để có một con ngựa khoẻ, bà con phải chọn mua những con ngựa có vóc dáng thanh thoát, cơ bắp săn chắc, răng đều, bờm dày… Khi chạm vào những chú ngựa này người ta có thể cảm nhận được sức khoẻ dũng mãnh của chúng.

Cũng có thể cưỡi một vài vòng trước khi quyết định mua những chú ngựa này về, bởi địa hình dốc đá những con ngựa tốt sẽ thể hiện qua mỗi bước chạy, nhịp thở của chúng, ông Giang cho biết.

Cũng theo kinh nghiệm của bà con vùng cao Bắc Hà, ngựa từ 4-7 tuổi có phong độ tốt nhất và có thể kiểm tra răng để biết độ tuổi của chúng. Song con ngựa khoẻ cũng phải có người chủ tốt chăm sóc…

Tuy nhiên, hiện toàn huyện Bắc Hà chỉ còn khoảng 1.300 con ngựa các loại. Số lượng ngựa đã giảm rất mạnh so với 2 năm trước đây. Trong số này có cả ngựa làm thực phẩm và ngựa thồ, ngựa bạch làm cao chữa bệnh, tăng cường sức khỏe… cho người dùng.

Các con ngựa có giống thuần chủng Bắc Hà thường có thân hình nhỏ, nhưng khỏe mạnh và có sức bền rất cao.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi ngựa cũng có đặc thù riêng, mặc dù loại vật nuôi này ít bệnh hơn con trâu, con bò. Con ngựa ăn cả ngày lẫn đêm và thức ăn phải sạch nếu không sẽ bị bệnh đường ruột…

Cũng theo ông Giang, con ngựa thường có tuổi đời khá dài và để sinh sản ngựa phải đạt từ 27-30 tháng tuổi trở lên.

Song để nuôi ngựa thương phẩm khoảng 24 tháng bà con có thể xuất bán dần vì trọng lượng lúc này mỗi con có thể đạt từ 150-170kg.

Con ngựa Bắc Hà thường có màu lông đồng nhất, da mỏng mịn, lông mượt.

Tại Bắc Hà hiện nay, ngoài những chú ngựa nuôi với mục đích tham gia vào lễ hội đua ngựa truyền thống còn có mục đích nuôi để lấy thịt, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Mỗi con ngựa Bắc Hà hiện có thể bán được từ 20-70 triệu đồng tùy trọng lượng, độ tuổi và giống loại. 

Mỗi con ngựa có giá trị hàng chục triệu đồng nên được coi là tài sản lớn đối với bà con vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Hải Đăng.

Mỗi con ngựa có giá trị hàng chục triệu đồng nên được coi là tài sản lớn đối với bà con vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Hải Đăng.

Siêu thị ngựa thồ

So với trâu, bò, sức ngựa dẻo dai hơn, chịu hạn tốt hơn. Mặc dù số lượng đàn suy giảm nhưng việc nuôi ngựa ở Bắc Hà vẫn được duy trì, làm vật nuôi để phát triển kinh tế.

Con ngựa ngày nay không được sử dụng nhiều làm phương tiện vận chuyển, lấy sức kéo vì nhu cầu thay đổi. Bà con sử dụng máy móc nông nghiệp thay cày bừa còn đường nông thôn mới đã tới từng ngõ xóm, khác trước rất nhiều.

Đặc biệt, tại Bắc Hà có “sàn giao dịch” cho những vật nuôi này, đây cũng là khu chợ gia súc lớn nhất ở Lào Cai. Trước đây, ở chợ chỉ bán chủ yếu là trâu, bò nay cả ngựa cũng được bà con mang đến chợ.

Cuối mỗi tuần, khu vực bán gia súc gồm trâu, bò, ngựa lại nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường bởi các thương lái, bà con từ các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát… đổ về Bắc Hà để mua bán. Có cả những thương lái từ miền Trung cũng tìm đến đây để giao dịch.

Ở đây, trâu, bò và ngựa thường có giá mềm hơn bởi có thể mua tận gốc, từ chính người nuôi.

Ông Giàng Seo Cư, ở Bắc Hà phấn khởi đếm số tiền vừa bán được con ngựa nhà nuôi tới 30 triệu đồng. 

“Ôi ngựa màu có giá thế thôi chứ ngựa bạch giờ được giá lắm. Cùng trọng lượng này có khi bán được giá gấp đôi… À nhà tôi à, cách chợ gần mười cây số, xuống đây từ mờ sáng nhưng may gặp người mua đã bán được ngựa ngay. Số tiền này nhà tôi sẽ mua sắm vật dụng trong gia đình, chuẩn bị giống cho mùa mới và một ít mua quần áo, đồ dùng học tập cho các con”, ông Cư nói.

Ở chợ, các con ngựa có giá khác nhau tùy thuộc trọng lượng, độ tuổi và là ngựa bạch hay ngựa đen thông thường.

Chợ họp từ sáng đến tận chiều, nên người mua, người bán tha hồ lựa chọn và áng chừng mức giá hợp lý. Song giao dịch thường diễn ra rất nhanh, người bán phát giá, khách mua ưng thuận chỉ trả thêm 1-2 lời là chốt giá chứ không kỳ kèo, đúng như tính cách người vùng cao.

“Ở nhà cũng có người đến thu mua hoặc muốn bán gọi người đến nhưng ra chợ có cái vui hơn, khảo được giá, được lãi mình mới bán. Có việc mới đem bán thôi”, ông Vàng A Sinh, một người đi bán ngựa tại chợ chia sẻ.

Tại Bắc Hà có hàng trăm con ngựa được xuất bán từ chợ, được người dân mang đi khắp nơi về làm giống hoặc để làm thực phẩm.

Ở đây, ngoài giao dịch mua bán bà con còn chia sẻ những thông tin, kiến thức chăn nuôi ngựa và cũng để giao lưu bè bạn bên những phiên chợ. Và đây cũng là nơi tiêu thụ ngựa nuôi của bà con theo cơ chế thị trường ít nơi có được.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.