| Hotline: 0983.970.780

Vừa thả, đã chết!

Thứ Hai 25/02/2013 , 09:37 (GMT+7)

Ở thời điểm hiện tại khi nói đến nghề nuôi tôm, nhiều bậc thầy có kinh nghiệm ở Cà Mau đều lắc đầu chào thua.

Đầm Dơi được xem vựa tôm của tỉnh Cà Mau. Con tôm từng đem lại bạc tỷ cho những nông dân nơi đây. Ấy thế nhưng, ở thời điểm hiện tại khi nói đến nghề nuôi tôm, nhiều bậc thầy có kinh nghiệm ở địa phương đều lắc đầu chào thua.

Chạy dọc theo con lộ liên xã từ trung tâm huyện Đầm Dơi về các xã Tân Duyệt, Trần Phán, Tạ An Khương Nam… chúng tôi bắt gặp rất nhiều đầm tôm bị bỏ hoang phế. Ở đâu đó xa xa là hình ảnh của những nông dân còn cố ra đầm thu gom cánh quạt chạy oxy đem về nhà cất giữ.

Mùa tôm khó

Tìm đến xã Tân Duyệt, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe một số nông dân nơi đây tâm sự về cái khó của gia đình mình. Nhiều người có được nguồn vốn tích lũy vài trăm triệu đã bắt đầu tập tành vào nghề nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ đã trắng tay. Cho thuê đất hay bỏ ruộng đi nơi khác làm ăn là chuyện không phải hiếm ở thời điểm bây giờ.

Ngồi bên đầm tôm nhà mình, lão nông Ngô Út Mười, ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nói như khóc: “Ở đầu mùa vụ năm nay, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng cải tạo ao đầm, mua con giống… thả nuôi trong 10 đầm tôm của gia đình. Nhưng tôm thả mới hơn tháng đã đâm đầu vào mé bờ chết trắng”.

Theo ông Mười, bản thân ông đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm công nghiệp. Do đó ông chuẩn bị rất chu đáo ao đầm trước khi thả con giống xuống nuôi. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà tôm nuôi vẫn bị chết hàng loạt. Con giống cũng được ông Mười chọn lựa rất kỹ, toàn bộ số giống vừa qua được ông mua ở Bình Thuận nhưng vẫn không mang lại hiệu quả.

Bà Phan Thị Bông (vợ ông Mười) không giấu diếm cái khó của gia đình mình: “Mấy năm trước nuôi tôm trúng phát ham, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây gia đình tôi liên tục thua lỗ. Để gỡ gạc gia đình cũng chạy vay ngân hàng, mượn nợ bà con họ hàng tái sản xuất lại chứ không lẽ bỏ đầm trống hoài”.


Nông dân thu gom cánh quạt đem về nhà cất

Như ông Mười, 5 ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình ông Ngô Út Tuấn ngụ cùng địa phương này cũng đang khiến cho gia đình ông lao đao. “Thả nuôi cả 5 ao thì tôm chết hết cả 5. Phải chi nó sống được một ao còn gỡ lại được chúc ít vốn. Hiện tại tôi đang xử lý lại ao nuôi thả thêm vụ nữa, hy vọng vớt vát”, ông Tuấn nói giọng buồn.

Ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, ông Tám Hòa (Thái Văn Hòa) được xem là bậc thầy nuôi tôm công nghiệp. “Hơn 10 năm qua, tôi chưa lần nào thất bại. Vậy mà trong vụ tôm năm 2012 gia đình lỗ gần 1 tỷ đồng. Ở đầu vụ này, trong tổng số 10 đầm tôm đã có 2 đầm bị chết. Gia đình tôi còn có cơ hội tái sản xuất, chứ như một số hộ khác ít vốn coi như tiêu luôn”.

Ông Tám Hòa khẳng định nuôi tôm thẻ nếu bị thiệt hại là lỗ vốn lớn gấp đôi so với nuôi tôm sú. Theo tính toán của ông, ao nuôi có diện tích 4.000 m2 nếu nuôi tôm sú thì chỉ cần tốn 7 triệu đồng tiền mua con giống. Nhưng nuôi tôm thẻ phải mất hơn 35 triệu; tiền thức ăn, tiền điện, thuốc men… cũng phải đầu tư nhiều hơn con tôm sú.

Ngành chức năng bó tay!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau đã bắt đầu tham gia mua bảo hiểm nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm chết ngay ở thời điểm đầu khi thả nuôi như hiện nay thì nông dân cũng không được hỗ trợ gì nhiều. Nói về vấn đề này, nông dân cho biết, tôm nuôi do có độ tuổi quá nhỏ đã bị thiệt hại nên số tiền bảo hiểm chi trả chỉ là một phần nhỏ so với số vốn bỏ ra.

Theo ông Trương Minh Út, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, có hai loại bệnh chính gây chết tôm là đốm trắng và gan tụy. Đặc biệt là đối với loại bệnh gan tụy, hiện vẫn chưa xác định được tác nhân gây bệnh. “Mấy tháng đầu năm 2013, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở các địa phương không ngừng tăng lên. Trước tình hình đó ngành chức năng chỉ biết khuyến cáo người dân nên thông báo cho cơ quan chức năng khi có dịch bệnh xảy ra trong ao đầm mình nhằm tránh tình trạng dịch bệnh lây lan”, ông Út cho biết.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Chí Linh, Phó phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi, nói: “Tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện trên 2.200 ha. Bà con đã thả nuôi được khoảng 1.057 ha, nhưng tính đến thời điểm này, ít nhất có trên 95 ha bị thiệt hại hoàn toàn”.

Nói về việc xử lý nạn tôm chết, ông Linh cũng khẳng định, trước mắt ngành nông nghiệp địa phương chỉ biết khuyến cáo người nuôi nên tuân thủ đúng lịch thời vụ, chọn lựa con giống tốt thả nuôi và hỗ trợ Chlorine cho người dân dập dịch.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất