| Hotline: 0983.970.780

Vui từ cánh đồng, vui ra hải đảo

Thứ Năm 30/08/2012 , 09:34 (GMT+7)

Câu chuyện về Lý ở Trường Sa tháng 6 vừa qua, như tôi được nghe kể, mọi thứ đến với Lý, đều là một-sự-tình-cờ.

Tháng 5, tôi và Lý có hò hẹn một buổi café tại L’espace (Hà Nội), tôi hỏi Lê Cát Trọng Lý, về những dự định sau khi cô mải rong ruổi đi “kể chuyện cánh đồng”. Cô trả lời giản dị: “Tháng 7, Lý sẽ làm một chương trình cho sinh viên, còn sau đó, Lý cũng-chưa-biết…”

Và câu chuyện về Lý ở Trường Sa tháng 6 vừa qua, như tôi được nghe kể, là một trong những thứ mà Lý, lúc đó chưa-hề-biết!

Mọi thứ đến với Lý, đều là một-sự-tình-cờ.

"MỌI THỨ CẦN SỰ ĐƯA ĐẨY…"

Với Lê Cát Trọng Lý, khả năng của một nghệ sĩ là một thứ khả năng tự nhiên và chân thất. Nhìn Lý chơi nhạc, đó cũng là điều Lý trung thực với những gì mình có, vui với nó và chia sẻ cùng mọi người.

Lý tự lý giải: “Đó là thứ khả năng tự nhiên nhất của mình”, dù ai đó có bảo Lý cũ kỹ, đi ngược với trào lưu. Thậm chí, một số khán giả có hồ nghi, sự lựa chọn của Lý là có tính toán, Lý luôn tưng tửng: “Âm nhạc đó là điều phù hợp với trái tim của mình. Lý chơi nhạc một cách bình thường theo năm tháng. Cảm thấy hứng khởi thì viết nhạc, rồi hát cho mọi người nghe”.

 

Nhìn cách Lý phát triển nghề nghiệp, ngẫu hứng, phóng túng và như chờ đợi sự đưa đẩy của từng lời ca, nốt nhạc. Lý như “chơi” nhạc. Phải chăng Lý vô định trong một cái đích đến cụ thể, cái mà nhiều ca sĩ từ Diva cho đến giải trí, đều luôn “lập trình” sẵn. Lý tự cho rằng: “Lý cứ hát thôi, nếu có đích đến thì đấy là một tâm hồn tự do. Nó là nghề vừa đủ để mình còn biết trân trọng điều mình đang có”.

Lý tự bay đi tìm đến mọi người, tôi gọi show diễn “Vui” trong năm 2011 của Lý ở các cánh đồng, là “Kể chuyện cánh đồng”, nơi có những kỉ niệm ấu thơ đầy rơm rạ, mùi khói đốt đồng. Và ở đó, Lý tìm được sự gắn kết từ sự tự nguyện của khán giả, họ nghe Lý - quẳng đi những gánh nặng âu lo, họ đến với Lý để nghe những câu chuyện vui, từ chính không gian hun hút, đơn sơ và nguyên bản, nơi có những phận người lầm lũi – cánh đồng.

Nghe tin Lý đang học ca trù, và liệu “Lý lại đang tung sải cánh bay đến một vùng trời mới trong âm nhạc? Và ca trù sẽ giúp gì cho những dự án âm nhạc sắp tới của Lý?”, tôi hồ nghi đặt câu hỏi. Lý tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi biết thông tin này và trả lời nhún nhường: “Lý không biết anh nghe tin này ở đâu. Nhưng đây không phải là tin chính thức đâu anh. Lý chỉ mới là người đang ở trước vạch xuất phát của việc học một hình thức âm nhạc truyền thống. Mọi thứ cần sự ngẫu hứng và đưa đẩy”.

LÊN TÀU VỚI CÂY ĐÀN GUITAR

Lý nhận lời tham gia Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, Lý không chuẩn bị nhiều cho chuyến đi. Đối với cô, “khi có cơ hội được làm điều gì đó, thì mình sẽ làm điều tốt nhất”, và cô, bước tới chuyến hành trình với một cây đàn guitar!

Dù hát dưới cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa lớn, tại đảo chìm như Đá Lát, Đá Đông, Tiên Nữ…, Lý kể câu chuyện hào hứng, ánh mắt rực lên niềm vui, như thể cô đang tiếp tục hành trình “Du ca Vui” của mình.

Tôi tò mò hỏi Lý: “Lý thường hát những ca khúc tự sự, một mình, ngẫu hứng. Nhưng trong những buổi hoạt động tập thể, cần những ca khúc đồng ca, vui tươi. Làm sao Lý “thắp lửa”?

Cô bảo, vì cô không hát được những bài tập thể và cũng không cố ép mình phải hát những bài hát đó. “Lý hát những bài hát của Lý, chia sẻ con người thật của mình, chia sẻ những điều mà mình có, niềm vui, nỗi buồn...”

Lý kể, có những buổi sáng ban mai, Lý lặng lẽ như một chú chim sẻ nhặt thóc, “Lý ngồi dưới hiên nhà, hứng lấy những ánh nắng xuyên qua tán cây bàng vuông tại đảo Trường Sa Đông, ca hát cùng những người lính. Ngay lúc đó, Lý và những người lính ở đây, đạt tới một không gian yên bình”.

Và Lý trầm ngâm chiêm nghiệm: “Nếu mình may mắn, mình có thể đem lại cho họ sự bình yên, dù chỉ trong phút giây”.

Tôi chất vấn: “Và chắc chắn, hành trình ra đảo của Lý vẫn là những ca khúc cũ. Mà Lý cũng chẳng mấy khi hát nhạc của nhạc sĩ khác. Tại sao vậy?”.

Lý thật thà cho rằng: “Lý không hát được, nhiều khi Lý sợ làm hỏng những ca khúc của họ. Lý từng hát “Cơn bão nghiêng đêm” của nhạc sĩ Thanh Tùng, bởi Lý yêu ca khúc đó lắm và muốn chia sẻ với mọi người, cứ hát ca khúc đó, Lý thấy xúc động lắm, ngày trước Lý có qua nhà nhạc sĩ Thanh Tùng ăn cơm và cũng biết một số câu chuyện của nhạc sĩ, còn Trịnh Công Sơn, Lý có hát bài “Góp lá mùa xuân”.

“SÓNG THEO BẠN TRONG TỪNG NHỊP THỞ”

Trước khi nghe chuyện Lý đi biển, tôi đã thủ sẵn thắc mắc: “Với hành trình hơn 10 ngày trên biển, không hiểu cô nhạc sĩ nhỏ bé có thể vượt qua những con sóng lớn hay nhịp sống mới trên biển?”.

Nhưng nhìn nụ cười giản dị của cô và trò chuyện cùng cô sau chuyến hành trình, tôi hiểu được vì sao cô gái ấy đã vượt qua tất cả, mà không hề bị cơn say sóng nào hành hạ! Có lẽ là niềm vui.

Lý dạy lại tôi cách chịu đựng, một “thang thuốc” thiên về tinh thần và khá là trừu tượng: “Trước tiên, bạn phải để mọi thứ len lỏi vào trong mình... Làm cho tâm hồn của mình lớn lên, dù có thể nó nhích ra từng tí xíu”.

Lý chia sẻ, cô không lo lắng vì luôn tin rằng “tôi luôn khỏe”, cô học cách thích nghi với điều kiện mình đang có và nhờ thế, thấy dễ thở hơn. Trước khi đến với Trường Sa, Lý đã vồn vã khoe với tôi: “Lý vừa đi chơi Hà Giang về”. Tôi trố mắt: “Đi phượt à?”. Lý nửa đùa, nửa thật: “Lý đâu khỏe vậy, nhưng nếu mà thích là vẫn đi”. Lý vốn là người thích leo núi và mọi thứ liên quan đến rừng núi, nhưng chưa có nhiều cơ hội ra biển.

Lần đầu ở giữa biển khơi, Lý ngạc nhiên khi thấy vẻ đẹp của biển. Đẹp một cách diệu kỳ. Và cô tự cho phép mình tận dụng mọi thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó. “Lý quan sát biển vào mỗi buổi sáng, buổi tối, buổi trưa, buổi chiều với các màu nước khác nhau. Rồi mỗi đêm, Lý lại ngồi trước biển. Cảm nhận. Gió. Trăng. Biển. Sóng và thấy mọi thứ rất tuyệt vời!”.

Cô kể, ngồi trên tàu, dập dềnh sóng nước, Lý đã gửi thư cho bạn, viết: “Lý đang ngồi giữa biển, nghe gió, trăng và sóng biển đang hát và nhảy múa. Mọi lúc bạn đều có thể cảm nhận sóng, từ lúc đi trên boong, tại nhà ăn hay cả khi nằm. Sóng theo bạn trong từng nhịp thở. Bạn có thể cảm nhận độ cao, độ nghiêng và độ lắc của sóng. Lý tập thích nghi với sóng, và đón nhận sóng… rốt cuộc Lý đã không bị say”. 

Tôi và Lý, cùng một anh bạn đồng nghiệp bên báo Hoa Học Trò, rôm rả suốt buổi trò chuyện, tôi trêu anh bạn “Ô hay nhỉ? Lý là đàn bà con gái mà không say sóng. Vậy, chú là đàn ông, con trai lại say mới vui chứ”.

Lý cười và bảo: “Có lẽ anh say cảnh đẹp đấy anh ơi! Như Lý này, ai bảo Lý không say chứ? Trường Sa đẹp vậy mà không say cảnh, say tình thì quá là phí cả chuyến đi.

Lý nói như một lời kết luận về một chuyến hành trình đáng nhớ!

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm