| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang những mảng màu sáng - tối: Bài 6 - Đâu rồi những triệu phú, tỷ phú nuôi tôm?

Thứ Hai 17/06/2019 , 15:01 (GMT+7)

Khởi phát từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nghề nuôi tôm từng làm mưa làm gió ở mảnh đất “chảo lửa” Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm lại nay không biết bao nhiêu gia đình phải sống “giật gấu vá vai” vì lỡ đầu tư nuôi tôm.

13-32-04_mot_so_o_nuoi_chi_de_l_giu_dt_chu_khong_con_von_de_du_tu_nu
Một số hộ cố duy trì nuôi 1 - 2 hồ/pha để bảo vệ hạ tầng.

Thất bại thường xuyên tại các vùng nuôi tôm ở Hà Tĩnh không chỉ làm nghèo xã hội mà còn đẩy người dân vùng bãi ngang lâm cảnh bế tắc trong vòng xoáy nợ nần.
 

Nuôi tôm ôm nợ

Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu phong trào nuôi tôm của cả nước. Từ thập niên 80, người dân địa phương đã đưa con tôm sú vào nuôi trồng. Đến khoảng năm 2003 du nhập thêm tôm thẻ chân trắng. Đây cũng chính là đối tượng nuôi chủ lực vùng bãi ngang các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên...

Năm 2007, khi dự án nuôi tôm trên cát từng được xem là lớn nhất Đông Nam Á do Cty Công nghệ Việt – Mỹ, một thành viên của tập đoàn ATI (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư thất bại thảm hại thì bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Sao Đại Dương, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, người đang chân ướt chân ráo làm đại lý kinh doanh cho một hãng thức ăn tôm âm thầm nhập cuộc. Quyết định táo bạo của bà khiến ai cũng cảm thấy ái ngại bởi nuôi tôm “có thể từ nhà lầu biến thành nhà lá trong nháy mắt”.

Bẵng đi một vài vụ nuôi, có chút vốn lận lưng, bà quyết định thuê lại toàn bộ diện tích 115ha/100 hồ của Cty Công nghệ Việt - Mỹ, đầu tư 20 tỷ đồng nuôi tôm trên cát. Một vụ, hai vụ rồi hàng chục vụ toàn thắng, bà Hạnh trở thành tỷ phú tôm trong sự ngỡ ngàng của chính quyền địa phương, đặc biệt là người bạn hàng nhượng lại đất cho bà.

Thành công của “vua tôm” Nguyễn Thị Hạnh mở đường cho hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ “tay ngang” đầu tư nuôi tôm trên cát. Nói không ngoa, những năm 2010 - 2015 nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm. Giám đốc Cty xây dựng nuôi tôm; công chức nhà nước nuôi tôm; nông dân trồng lúa, trồng lạc cũng nuôi tôm...

Chính việc phát triển “nóng” diện tích khiến cho môi trường quá tải, hàng chục hộ dân lâm cảnh nợ nần, túng quẫn. Thậm chí người một thời “đãi cát thành vàng”, dày dặn kinh nghiệm như bà Hạnh cũng phải “rửa tay gác kiếm”, gửi công văn xin dừng dự án.

“Tôi là người đầu tiên vực dậy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nhưng nay phải bỏ của chạy lấy người. Nhìn hàng trăm, hàng nghìn hồ tôm dọc bờ biển Hà Tĩnh bỏ hoang, phơi nắng phơi mưa tôi buồn lắm”, bà Hạnh giãi bày.

13-32-04_vu_tom_h_tinh_gui_don_xin_dung_du_n
Môi trường ô nhiễm, dịch bệnh liên miên khiến “vua tôm” cũng phải gửi đơn xin tạm dừng dự án.

Theo “vua tôm” Nguyễn Thị Hạnh, từ năm 2007 đến đầu 2017 gần như năm nào Cty Sao Đại Dương cũng nuôi thành công, họa hoằn lắm mới có một vài hồ thất thu. Doanh số mỗi năm ghi nhận trên dưới 50 tỷ đồng, có những năm đạt trên 90 tỷ. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017 hễ thả nuôi vụ nào là thất bát vụ đó.

Cụ thể, vụ đông 2017 mất trắng 50 hồ/20ha mặt nước; năm 2018 không cho thu hoạch. Đầu năm 2019 thả 14 triệu giống nuôi được một thời gian ngắn tôm cũng chết trắng hồ. Ước tổng thiệt hại trong 3 năm qua hơn 10 tỷ đồng.

Với những hộ dân ngắn vốn, thiếu cán bộ kỹ thuật, sau khi “tay ngang” chuyển hướng đầu tư vào nuôi tôm hầu hết nay trở về tay trắng, thậm chí nhiều hộ ôm nợ tiền trăm, bạc tỷ. Khảo sát của chúng tôi tại 3 vùng nuôi tôm trên cát: Thạch Trị (huyện Thạch Hà); Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) cho thấy, khoảng 60 - 70% diện tích hiện đang nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

13-32-04_nhieu_dien_tich_nuoi_tom_o_cm_duong_thch_tri_bo_hong
Nhiều diện tích nuôi tôm ở Cẩm Dương, Thạch Trị bỏ hoang.

Năm 2014, anh Đặng Văn Trường (SN 1981), thôn Bắc Thành cùng hàng chục hộ dân khác ở xã Cẩm Dương đang sản xuất lúa, kinh doanh đủ các ngành nghề yên ổn thì đổ xô lên xã, lên huyện xin cấp đất đầu tư nuôi tôm.

Lúc bấy giờ cả bãi ngang hàng chục ha nhộn nhịp xe, máy đào ao, lót bạt, lắp hệ thống quạt nước... để kịp xuống giống. Vụ nuôi đầu tiên anh Trường cùng 3 hộ dân khác là Trần Đình Cảnh, Đặng Đình Bảo, Phan Xuân Cầm đầu tư 2,4 tỷ đồng xây dựng 5 hồ/1,2ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả thu hoạch, cả vùng tôm thôn Bắc Thành thắng lớn, người thu tiền trăm, người lời bạc tỷ. Cơn sốt nuôi tôm “siêu lợi nhuận” cuốn các hộ dân đổ vốn đầu tư thêm những năm sau đó.

Theo chia sẻ của anh Trường, trong 10 vụ thả giống 5 năm qua, chỉ duy nhất vụ đầu tiên có lãi, còn các năm sau chủ yếu hòa vốn hoặc thua lỗ. “Đến thời điểm này số vốn đầu tư ban đầu chúng tôi chưa thu lại được đồng nào. Riêng gia đình tôi vì nuôi tôm mà mất tong khoảng 700 triệu đồng. Cụt vốn nên 2 năm nay chúng tôi chỉ thả nuôi 1 - 2 hồ/vụ để giữ ao hồ”, anh Trường nói.

Chung số phận, nhiều năm nuôi tôm thua lỗ khiến anh Đặng Quốc Hoạt, cùng ở xã Cẩm Dương ôm cục nợ hơn 500 triệu đồng. Bây giờ pha tôm 12 hồ thì có đến 11 hồ “đắp chiếu”. Theo anh Hoạt, 6 miệng ăn của gia đình anh nay nhìn vào 7 sào ruộng vợ anh cày cấy.
 

Quy hoạch làm nghèo xã hội!

Ngày 5/7/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch nuôi tôm trên cát giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đề án Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 có 900ha nuôi tôm trên cát và đến 2030 là 980,2ha. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế, môi trường nên cuối năm 2018 địa phương này điều chỉnh quy hoạch đến 2030 giảm xuống còn 694ha (giảm 286ha).

Đề án này được kỳ vọng sẽ sử dụng hiệu quả tài nguyên đất cát, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân ven biển, tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh phát triển sớm hơn so với các tỉnh khác trong khu vực nhưng cũng thất bại quá sớm.

Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng theo Giám đốc Cty TNHH Sao Đại Dương, đầu tiên phải nói đến việc quy hoạch quá ồ ạt, phát triển nóng trong khoảng thời gian từ 2014 - 2016. “Chỉ 500m bờ biển Thạch Trị nhưng có đến gần 100ha nuôi tôm trên cát. Quy hoạch chi chít như vậy môi trường làm sao tải nổi”, bà Hạnh bức xúc.

Đó là chưa kể, ý thức trong việc bảo vệ môi trường của các hộ nuôi nhỏ lẻ trong vùng rất hạn chế. Nhiều hộ ngang nhiên xả thẳng ra môi trường cả hồ tôm bị chết vì dịch bệnh. Có thể “điểm mặt chỉ tên” những cơ sở nuôi có “thâm niên” vi phạm như: Cty CP xây lắp Thành Vinh (vùng nuôi xã Thạch Trị); Cty CP xây dựng Tiến Đạt (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà); hộ ông Nguyễn Viết Khánh (xã Xuân Đan, Nghi Xuân)...

Những diện tích nằm trong quy hoạch đã đành, trước năm 2016, 7 hộ dân ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà tự tiện cải tạo 11,8ha đất đầu tư nuôi tôm trên cát. Suốt quá trình nuôi từ đó đến nay, môi trường ở khu vực này thường xuyên bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thừa nhận “diện tích trên không nằm trong quy hoạch nên các hồ lắng thải không thể làm được”.

PV hỏi, biết như vậy, sao chính quyền không đình chỉ hoạt động? Ông Sáu lý giải: “Vì đây là sinh kế của dân nên cũng khó xử lý. Huyện chỉ còn cách gọi lên nhắc nhở, phạt 1 - 2 triệu đồng (!)”.

Có lẽ chính sự dễ dãi, cả nể, buông lỏng của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp tay cho những hành vi xả thải ra môi trường liên miên của các cơ sở nuôi tôm, khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.

Ngoài bất cập về quy hoạch, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh, năng lực về tài chính, đặc biệt là trình độ kỹ thuật của hộ dân cũng là một bài toán cần xem xét lại. Phải nói rằng, thất bại thường xuyên tại các vùng nuôi tôm ở Hà Tĩnh không chỉ làm nghèo xã hội mà còn đẩy người dân vùng bãi ngang lâm cảnh bế tắc trong vòng xoáy nợ nần. Nếu khăng khăng đổ lỗi cho sự thiếu năng lực của người nuôi mà quên đi vai trò định hướng, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn thì thật không công bằng.

Hà Tĩnh cần nhìn nhận lại những hạn chế từ việc quy hoạch, cấp đất cho đến “chọn mặt gửi vàng” để từ đó xây dựng chiến lược dài hơi, căn cơ nhằm khai thác hiệu quả, bền vững 137km bờ biển.

Doanh nghiệp "tay ngang" nuôi tôm thất bại nặng

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng khẳng định, nuôi tôm không phải nhiều tiền là làm được. Muốn thành công chủ hồ phải trực tiếp lăn lộn, có trình độ kỹ thuật và đam mê.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Hà Tĩnh nhiều doanh nghiệp xây dựng “tay ngang” chi hàng chục tỷ đồng đầu tư hạ tầng, thuê cán bộ kỹ thuật nuôi tôm nhưng đại đa số thua lỗ, thất bại.


>>Bài 5 - Nhiều lỗ hổng trong chính sách lớn

>>Bài 4 - Ngỡ ngàng đất biển Quỳnh Phương

>>Bài 3 - Đổi thay vùng cói

>>Bài 2 - Mơ về canh bạc tất tay

>>Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.