| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối: Bài 5 - Nhiều lỗ hổng trong chính sách lớn

Thứ Sáu 14/06/2019 , 13:30 (GMT+7)

Năm 2014, Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngư dân. Thế nhưng, qua 5 năm kết quả thu về không được như kỳ vọng.

Nhiều tàu 67 hoạt động kém hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt 110 tàu cá theo Nghị định (NĐ) 67, trong số này 104 phương tiện đã hạ thủy. Phân chia theo vật liệu có 90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép và 5 tàu composit.
 

Dư nợ ngày càng nhiều

Những tưởng việc đầu tư thuyền to máy lớn sẽ mang lại hiệu quả vượt trội, nào ngờ tình hình diễn tiến theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Xuất phát từ nhiều nguyên do, hiệu quả kinh tế thu về chưa tương xứng với nguồn kinh phí bỏ ra.

Qua theo dõi thực tế, thời gian qua ngành nghề khai thác gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi trên biển suy giảm mạnh, sản lượng thu về thấp, trong khi chi phí đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất (nguyên liệu, nhân công...) tăng cao. Hàng loạt phương tiện gặp sự cố liên miên kéo theo số ngày “nằm bờ” ngang ngửa thời gian vươn khơi, lợi nhuận thu về không đáng kể nên dư nợ ngân hàng ngày càng phình to, dần dà dẫn đến tâm lý chán nản của các chủ tàu.

Những con số thống kê đã nói lên tất cả, tính đến cuối tháng 4/2019 có 81/104 tàu đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng, đáng báo động khi một nửa số chủ tàu nói trên chưa có phương án trả nợ theo cam kết. Qua rà soát có 20 chủ tàu cố tình chây ỳ, nợ xấu đạt 163 tỷ/774 tỷ đồng dư nợ cho vay.

NĐ 67 là một chủ trương lớn, không chỉ góp phần hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nghề thủy sản mà còn gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Mang trên mình trọng trách lớn lao nhưng quá trình thực thi lại thiếu sự gắn kết cần thiết, giữa các bên liên quan (chính quyền, ngân hàng, bảo hiểm, ngư dân) chưa hình thành một khối thống nhất.

Thế nên khi xảy ra sự cố thì bên này đùn đẩy bên kia, mỗi bên đều khư khư bảo lưu quan điểm khiến quá trình xử lý mất nhiều thời gian và thiếu sự nhất quán.

Lo ngại hơn cả là thái độ của chủ tàu. Giá trị một con tàu rất lớn, bình quân trên dưới 10 tỷ đồng, có những chiếc vượt gấp đôi con số này.

Trường hợp tự cáng đáng được chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần đa đều phải “cậy nhờ” đến ngân hàng. Lạ thay, dù chi ra cả núi tiền nhưng nhiều ngư dân lại thờ ơ, họ cơ bản đều mù mờ trong quá trình tiếp cận thông tin, điều này không chỉ phát sinh những khoản phí không đáng có mà còn gia tăng thêm mức độ rủi ro.

Như trường hợp của ông Trương Văn Thông và Trương Quang Hà (cùng trú tại thị xã Hoàng Mai). Khi nhận thấy quá trình đánh bắt không đạt kết quả như mong muốn đã quyết định thay đổi hình thức hoạt động, chuyển từ nghề lưới vây sang lưới chụp, đồng thời đầu tư thêm tiền của trang bị máy móc và nâng cấp hệ thống bóng đèn chiếu sáng.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia khiến hệ thống thiếu sự đồng bộ, cộng thêm nhiều nguyên nhân khách quan khác nên kết quả thu về chẳng khá khẩm hơn là bao. Sự việc kéo dài đẩy họ vào tình cảnh khốn khó, đêm ngày ám ảnh trong vòng xoáy nợ nần.

Thông thường mỗi chuyến ra khơi kéo dài trên dưới chục ngày, trừ thời gian bảo dưỡng, chuẩn bị nguyên liệu thì mỗi tháng cần vươn khơi 2 lượt mới đảm bảo cho thu chi.

Xuyên suốt quá trình hoạt động nhiều chủ tàu thua lỗ thực sự, nhưng cũng có không ít trường hợp cố tình “tát nước theo mưa”, đáng nói việc này xuất phát từ chính kẽ hở của nghị định mà ra.

Chi tiết hơn, tại khoản C điều 4 về chính sách tín dụng đề cập: “Đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, trường hợp tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Trường hợp tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị với lãi suất 7%/năm, phải trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Đối với tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư, áp dụng lãi suất 7%/năm, chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm”.

Nghị định cũng nói rõ: “chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay”.

Liên quan đến tình trạng chây ỳ, không hợp tác, tháng 4/2019 UBND tỉnh Nghệ An đề nghị TAND tỉnh chỉ đạo TAND các huyện, thị xã đẩy nhanh quá trình xét xử đối với các chủ tàu bị ngân hàng khởi kiện. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng chính sách để trục lợi cần kịp thời tham mưu để xử lý theo quy định. Chỉ đạo vậy nhưng tình hình vẫn căng như dây đàn.

Những tưởng việc tạo điều kiện tối đa sẽ sớm cụ thể hóa được mục tiêu, nào ngờ đây là nguồn cơn nảy sinh hàng loạt vấn đề rắc rối: “Đành rằng chủ tàu phải có trách nhiệm chi trả, tuy nhiên việc được thế chấp lại giá trị tài sản cũng như khoản đối ứng quá thấp vô hình chung dẫn đến thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một số ngư dân”, một cán bộ ngân hàng bộc bạch.
 

Nỗi lòng người trong cuộc

Thông thường mỗi chuyến ra khơi kéo dài trên dưới chục ngày, trừ thời gian bảo dưỡng, chuẩn bị nguyên liệu thì mỗi tháng cần vươn khơi 2 lượt mới đảm bảo cho thu chi. Nhưng thực tế nhiều tàu cá hoạt động cắc bụp, qua rà soát có đến 45/104 đánh bắt không hiệu quả, cơ bản chỉ hòa và thua lỗ.

Hộ ông Trương Thanh Thủy (nghề lưới vây, chất liệu composite, công suất 822CV) có tàu xuất xưởng ngày 9/11/2016 nhưng sau 3 năm vẫn chưa một lần ra khơi, kéo theo tổng nợ quá hạn 1,5 tỷ đồng. Hay như tàu vỏ thép của ông Nguyễn Văn Lý, qua 2 năm rưỡi mới đi biển vỏn vẹn 17 chuyến, lúc này đang nợ quá hạn hơn 1,2 tỷ đồng. Tương tự là ông Nguyễn Văn Hà (17 chuyến, nợ trên 1 tỷ), hay các ông Nguyễn Do Thái (20 chuyến, nợ hơn 2,1 tỷ), Phạm Bá Thu (18 chuyến, nợ gần 1,6 tỷ), Hoàng Văn Hoa (14 chuyến, nợ hơn 2 tỷ)...

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, trái khoáy nhất có lẽ là trường hợp của ông Nguyễn Xuân Yêm (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai). Năm 2016 ông cùng em trai (Nguyễn Phúc Lạc) bàn bạc, thống nhất đăng ký đóng mới tàu gỗ với kinh phí trên 9 tỷ đồng. Hạ thủy từ tháng 10/2016 nhưng vắt qua tận 2017 mới đi vào khai thác được chuyến đầu tiên, đây như thể điềm gở báo hiệu điều không may. Chỉ sau đó không lâu, ông Yêm mất đột ngột.

Bao nhiêu của nả, vốn liếng dồn hết vào canh bạc nay tin dữ thi nhau ập đến khiến niềm tin hao mòn trông thấy. Nhưng trót đâm lao đành phải theo lao, dù muốn hay không anh Nguyễn Phúc Bình, con trai cả của ông Yêm phải đứng ra thay cha mình cáng đáng trọng trách lớn lao. Nhưng xem chừng vận rủi vẫn chưa chịu buông tha, nội trong năm 2018 tàu cá liên tiếp gặp sự cố, nghiêm trọng hơn cả là lần sửa chữa máy phát điện và dàn bóng điện cao áp, kinh phí “ngốn” 800 triệu đồng.

Người thân nhà anh Nguyễn Phúc Bình đang lo ngay ngáy.

Ổn định chưa được bao lâu, tháng 3 vừa rồi bộ phận chân vịt lại trở chứng khiến gia đình mất đứt gần trăm triệu. Lợi nhuận thu về nhỏ giọt, trong khi các khoản chi tăng lên với tốc độ phi mã khiến ai nấy đều hoang mang tột độ.

“Kinh phí hoạt động rất tốn kém, mỗi chuyến đi dao động từ 100 - 150 triệu đồng. Mưa thuận gió hòa may ra còn tích cóp được đôi chút, chứ với tình trạng thu không bù chi như bấy lâu chẳng chóng thì chày tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát”, bà Trần Thị Lượng, vợ ông Lạc âu lo.

Bà Lượng quả quyết, khoản nợ quá hạn gần 400 triệu đồng 2 gia đình đang phải gồng gánh vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với thực tế. Lẽ ra khi tàu thuyền gặp sự cố, phía bảo hiểm phải xắn tay xử lý kịp thời, đằng này họ dửng dưng mặc chúng tôi kêu than hết lần này lượt khác. Tiến thoái lưỡng nan, hết cách mới phải tính đến phương án vay nóng. Mà vay nóng thì cuộc sống thêm cơ cực.

Mỏi mòn ngóng đợi bảo hiểm

Nhiều ngư dân vô cùng bất an khi không được lựa chọn đơn vị bảo hiểm ưng ý. Việc công ty PJICO Nghệ An “độc quyền” bảo hiểm tàu cá 67 đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của các chủ tàu. Không ít phương tiện hư hỏng nhưng bảo hiểm lại thờ ơ.

Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế - thị xã Hoàng Mai, các hộ Nguyễn Phúc Bình, Trương Văn Thông, Trương Quang Hà hay Lê Hội Đức đến nay vẫn mỏi mòn ngóng đợi dù sự cố xảy ra từ đời tám hoánh.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm