| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang những mảng màu sáng - tối: Bài 8 - Tương lai bất định

Thứ Ba 25/06/2019 , 20:48 (GMT+7)

Tròn 15 năm kể từ khi con ngao Bến Tre hiện diện trên đất biển Quỳnh Lưu (Nghệ An). Giờ đây đứng trước tình cảnh mất nghề, bỗng dưng bị lấy đi miếng cơm manh áo khiến tất thảy hộ nuôi đều lo sốt vó.

Nghề nuôi ngao trên đất biển Quỳnh Lưu trải qua nhiều thăng trầm.


Giàu con ngao, khó con ngao

Trước những năm 2000, đời sống của người dân dọc các vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu gặp nhiều khốn khó. Chỉ một số ít đủ tiềm năng sắm sửa phương tiện vươn khơi, còn lại phần đa không có công ăn việc làm ổn định, quanh năm suốt tháng luôn trong tình trạng “ăn đong” thành thử cuộc sống thường nhật luôn bộn bề lo toan.

Nhiều nhà không cam tâm chấp nhận nghịch cảnh, nhưng quyết tâm là một nhẽ còn làm được hay không lại là chuyện khác. Suy cho cùng, muốn đầu tư phải có kinh phí, muốn có kinh phí lại phải cậy nhờ đến ngân hàng. Có điều tiền giữ khư khư trong tay không thể nào sinh lợi, nhưng triển khai ra sao, làm như thế nào là câu hỏi khó giải đáp.

Dù có lúc khốn khó nhưng con ngao mang lại cho người dân đất biển cuộc sống sung túc hơn.

Đúng thôi, nuôi con tôm thì lắm rủi ro, duy trì nghề muối truyền thống thì không ngẩng mặt lên nổi, mọi thứ lúc bấy giờ quả thực mông lung. Đang ở thế khó, bất chợt họ nhìn thấy tia sáng le lói nơi cuối đường. Đấy là khi ông Trần Ngọc Hoàng, trú xã Quỳnh Thuận đưa con “thần thánh” về nuôi thử nghiệm.

“Ngày đó khắp các bãi triều hoang sơ lắm, nhiều diện tích hoang hóa chẳng ma nào buồn ngó ngàng đến. Nhận thấy tiềm năng trời ban, năm 2001, tôi quyết định nhập con ngao méo về thả nhưng kết quả bước đầu không như ý muốn. Vì nhiều nguyên do ngao phát triển chậm, tỉ lệ sống không cao.

Thất bại đó giúp tôi ngộ ra nhiều điều, quả thực ăn xổi trước mắt khó bền vững dài lâu. Xác định muốn tích lũy kinh nghiệm phải kiểm nghiệm thực tế. Tôi cất công rong ruổi khắp đất Nam Định, Thái Bình không biết bao nhiêu bận. Khi vốn liếng đã đủ đầy, tôi chuyển sang nuôi ngao Bến Tre với nhiều tính năng vượt trội. Tình hình diễn tiến thuận lợi giúp gia đình có điều kiện nhân rộng quy mô, tiếng lành đồn xa nhiều hộ tìm về học hỏi”, ông Hoàng trần tình.

Quá trình triển khai các hộ nuôi luôn tuân thủ các quy định.

Theo Phó phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu Bùi Xuân Trúc, ngao Bến Tre chính thức du nhập vào địa bàn năm 2004. Mô hình mới mẻ nên bước đầu bà con khá dè dặt trong việc tiếp cận, vì thế chỉ triển khai lẻ tẻ trên một ít diện tích. Về sau nhận thấy giá trị kinh tế mang lại vượt trội nhiều gia đình mạnh dạn huy động kinh phí đầu tư, thuê mướn, cải tạo diện tích bãi triều để nuôi.

Đỉnh điểm, toàn huyện có trên 130 ha diện tích với sự tham gia của hàng chục hộ dân, tập trung tại 4 xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long và Sơn Hải. Hàng năm xuất ra thị trường khoảng 3.000 tấn hàng, nhiều hộ ấm no, sung túc nhờ nuôi ngao.

Trong điều kiện mưa thuận gió hòa, nghề này thực sự mang lại siêu lợi nhuận. Chỉ cần đảm bảo thả đúng mật độ, kết hợp theo dõi quá trình sinh trưởng, nắm bắt chi tiết diễn biến dịch bệnh thì người nuôi nắm chắc đến 99% thắng lợi.

Nghề nuôi ngao không chỉ giúp các hộ dân ven biển Quỳnh Lưu cải thiện sinh kế mà còn góp phần quan trọng giải quyết gánh nặng về nhu cầu việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Bởi thế việc chính quyền khăng khăng phân vùng sử dụng bãi triều, trong đó có nội dung tạo ra vùng khai thác tự do để giúp các hộ khó khăn có điều kiện nâng cao mức sống chưa thực sự sát với nhu cầu đặt ra.

Tính toán đơn thuần, trừ chi phi giống má, cải tạo, thuê mướn nhân công mỗi gia đình đều đặn đút túi trên 200 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế hơn đứt những ngành nghề truyền thống xưa kia.

Nhờ con ngao nhiều hộ có cơ hội đổi đời, có tiền mua sắm nhà lầu xe hơi đắt tiền, có điều kiện lo toan cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Dù vậy khi gặp biến cố thì hậu quả để lại hết sức khôn lường, trong nháy mắt có thể cuốn trôi sạch bách những gì bà con đã nhọc công tích cóp trước đó.

Phần vì môi trường ngày càng bị xáo trộn nặng nề, phần khác đến từ sự hà khắc của thiên nhiên nên nghề nuôi ngao những năm gần đây khá bất ổn.

Sự cố xuất hiện triền miên khiến tình hình hết sức cam go. Một vài trường hợp không đủ sức tiếp tục gồng gánh đành chấp nhận từ bỏ cuộc chơi, một số khác trầy vi tróc vảy trong quá trình huy động vốn tái đầu tư.

Biến cố lớn nhất xảy ra vào tháng 3/2015, nội trong một vài ngày mà có 104 ha ngao thương phẩm chết sạch bách, xác ngao nổi lềnh bềnh trắng xóa khắp bề mặt bãi. Cơn bạo bệnh tràn qua cướp trắng 2.000 tấn ngao, gây thiệt hại 24 tỷ đồng.

Biến cố lớn đẩy nhiều nhà lâm vào cảnh khốn cùng, những hộ triển khai quy mô bị lỗ chổng vó với số tiền thâm thụt lên đến hàng tỷ đồng, trường hợp thua lỗ dăm ba trăm triệu nhiều như ngả rạ...
 

Bỗng dưng mất nghề

Nghề nuôi ngao “một vốn bốn lời” nhưng không hẳn ngồi mát ăn bát vàng. Thực tế để tạo dựng được nền tảng khá vững bền như hôm nay, người nuôi đã trải qua không ít thăng trầm.

Các hộ nhất mực quả quyết, trước đây phần lớn bãi triều đều ở dạng sơ khai vì thế không đảm bảo đầy đủ điều kiện canh tác, nhiều khu vực bùn lầy tích dày cộm hàng mét, họ phải điều động phương tiện ròng rã sàng lọc hàng tháng trời mới khắc phục được phần nào.

Đành rằng con ngao cho lãi cao nhưng công cán cải tạo chiếm một phần không nhỏ. Đã thành thông lệ, sau từng đợt thu hoạch lại phải gấp rút làm sạch bãi phục vụ cho đợt xuống giống mới, kinh phí dao động tùy theo mức độ thực tế, có những héc ta ngốn đến cả trăm triệu đồng.

Nào đâu đã hết, những năm gần đây môi trường biển biến đổi nặng nề làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh và tác động rõ đến quá trình sinh trưởng của ngao nuôi. Có thăng có trầm nhưng xét cho cùng con ngao Bến Tre vẫn là sự lựa chọn khả dĩ nhất lúc này.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, những người trong cuộc tha thiết mong mỏi chính quyền tạo điều kiện tốt nhất thông qua việc ký kết những hợp đồng thuê bãi dài hạn hiệu lực 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa để ổn định về mặt tư tưởng, qua đó yên tâm sản xuất.

Người tính không bằng trời tính, mong mỏi của bà con khó thành hiện thực, thay vào đó là viễn cảnh “tan đàn xẻ nghé” trong tương lai gần: “Nuôi ngao là nghề đặc thù, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào yếu tố tự nhiên nên rủi ro là điều khó tránh. Dù vậy chúng tôi luôn tâm niệm còn nghề là còn hi vọng, vậy mà...”, nói đến đây ông Thái Bá Khang, xóm 8, xã Sơn Hải thở dài sườn sượt.

Kế hoạch phân vùng sử dụng bãi triều làm ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người.

Hỏi rõ ngọn ngành mới biết, nguồn cơn bắt nguồn từ thông báo quy hoạch về việc “phân vùng sử dụng bãi triều nuôi trồng thủy sản” của huyện Quỳnh Lưu. Theo đó, huyện này đặt ra mục tiêu phát triển nghề nuôi ngao theo hướng bền vững, vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, vừa giảm xung đột lợi ích kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an ninh trật từ vùng ven biển.

Viễn cảnh tươi đẹp ở thì tương lai chẳng ai dám mạnh miệng quả quyết, nhưng hậu quả trước mắt đã hiện rõ mồn một. Trong vụ việc này quyền lợi của các hộ nuôi, những người tiên phong mở lối đang bị xâm phạm nặng nề.

Thông báo của huyện Quỳnh Lưu chưa ráo mực thì UBND các xã liên quan đã sốt sắng ban hành công văn đốc thúc các hộ khẩn trương đẩy nhanh quá trình thu hoạch để sớm hoàn trả mặt bằng. Việc làm này chưa thấu tình đạt lý, ở chừng mực nào đó đang đẩy người dân vào bước đường cùng.

Ông Trần Ngọc Hoàng thực sự bất an với tình cảnh hiện tại.

Ước tính sơ bộ tại 4 vùng nuôi hiện có khoảng 3.000 tấn sản phẩm các loại. Điều đáng suy ngẫm là phần lớn số ngao trên mới qua 1/3 vòng đời sinh trưởng, bắt buộc thu hoạch non chẳng khác nào lấy đi bát cơm của người nuôi ngao.

Việc địa phương đặt ra điều khoản trời ơi đất hỡi khiến người nuôi luôn bị động, nguy cơ mất cả vốn lẫn chài. Lo ngại rốt cuộc cũng thành sự thật, cuối năm 2018 tổng cộng 11 hộ nuôi trên đất Quỳnh Thọ phải bàn giao lại mặt bằng dù trong thâm tâm tức anh ách, nhằm gỡ gạc lại đồng vốn họ đành hốt sạch ngao trong đầm bất kể kích thước lớn, bé.

Mất việc chủ bãi chán nản đã đành, đến cánh thợ cũng buồn thấu ruột gan trước cảnh ăn không ngồi rồi. Ở chiều ngược lại, vũng bãi sau thu hồi vẫn bỏ hoang...


>>Đổi thay vùng chân sóng

>>Đâu rồi những triệu phú, tỷ phú nuôi tôm?

>>Nhiều lỗ hổng trong chính sách lớn

>>Ngỡ ngàng đất biển Quỳnh Phương

>>Đổi thay vùng cói

>>Mơ về canh bạc tất tay

>>Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm