| Hotline: 0983.970.780

Vùng biên khởi sắc

Thứ Ba 25/08/2015 , 06:37 (GMT+7)

Nằm dọc tuyến biên giới của Lai Châu là 23 xã miền núi, nơi cư trú của 10 dân tộc thiểu số. 

Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã và đang tạo ra cú hích trong việc giúp các bản giáp biên nơi đây có hội thoát nghèo.

Bàn chuyện nuôi bò

Chúng tôi đến bản Hoàng Liên Sơn 1, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vào những ngày đầu thu. Dù chịu thương chịu khó nhưng bao đời nay dân bản vẫn rất nghèo, bởi ngoài làm nông, họ không có việc gì khác, cũng chẳng đủ vốn để chăn nuôi gia súc.

Năm này qua năm khác, người nông dân căng sức làm ruộng, nhưng cuộc sống cứ thiếu thốn đủ bề, chầm chậm trôi qua một cách buồn bã. Rồi đến cuối năm 2014, cả miền quê nghèo bỗng sôi động hẳn lên, vì nhiều gia đình được nhận bò giống.

Ông Lìu A Phong, Trưởng bản Hoàng Liên Sơn 1, phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước bản chỉ có vài con bò thôi, nên việc cày cấy gặp nhiều khó khăn lắm. Cuối năm 2014, 30 hộ dân khó khăn của bản vừa nhận được bò từ chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới". Sắp tới, các hộ cũng sẽ huấn luyện đội cày hùng hậu này giúp bà con cày ruộng đấy”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi anh Sùng A Páo - một trong số 30 hộ dân được nhận bò đợt vừa rồi ghé thăm và góp chuyện.

“Bò nhà trưởng bản cày khỏe đấy. Con bò nhà tôi mới nhận nuôi được 7 tháng. Vụ tới tôi cũng sẽ cho nó cày ruộng thử”, anh Páo vui mừng nói.

Anh Páo cho biết, mấy ngày đầu đưa bò về nuôi, vợ chồng anh cứ lóng ngóng, nhưng nhờ trưởng bản Phong đã nuôi bò từ nhiều năm nay, nên có nhiều kinh nghiệm chia sẻ với bà con.

Bản Hoàng Liên Sơn 1 ở tít trên núi cao, quanh năm mây phủ. Đây là bản xa nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Nậm Xe. Giao thông đi lại khó khăn, nhưng những năm qua, bà con vẫn kiên trì bám bản, tổ chức SX và bảo vệ biên giới.

Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ gia đình được nhận bò hỗ trợ cuối năm 2014, ông Phong không giấu nổi niềm vui: “Các gia đình đều cam kết chăm sóc bò thật tốt và không bán bò. 30 con bò giống này đang phát triển rất tốt. Nhà tôi có 3 con bò đực to, khỏe, khi nào bà con cần tôi sẽ cho chúng phối giống”.

Bỏ rượu, bỏ thuốc phiện, làm kinh tế

Cũng giống như bà con xã Nậm Xe, 20 hộ dân nghèo ở xã Sin Súi Hồ cũng được nhận bò giống từ chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Các hộ dân nơi đây đang có cuộc “chạy đua ngầm” xem nhà nào chăm sóc bò giống tốt hơn.

Thiếu tá Phạm Văn Hà, cán bộ biên phòng tăng cường kiêm Bí thư Đảng ủy xã Sin Súi Hồ, chia sẻ: “Từ hôm các hộ dân nhận bò về nuôi, tôi thường xuyên đến hướng dẫn các hộ cách chăm sóc và bảo vệ đàn bò. Sin Súi Hồ thường lạnh hơn các vùng khác, nên các chiến sĩ biên phòng của đồn Sin Súi Hồ còn đến giúp bà con làm chuồng, che chắn gió lạnh cho đàn bò. Nhờ thế mà đến nay đàn bò của bà con phát triển tốt, không con nào bị bệnh tật cả”.

Bà con người Mông, người Dao ở đất này coi Thiếu tá Hà như một thành viên của gia đình. Họ bảo rằng, cán bộ lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với mọi người. Họ biết ơn và luôn ghi nhớ điều ấy.

Tiếp tục cuộc hành trình, Thiếu tá Hà dẫn chúng tôi vượt đường rừng đến thăm gia đình anh Tẩn Láo Tả, bản Chí Sáng. Lúc này, trời đã tối mịt mà vợ chồng anh Tả còn đang lúi húi ngoài bìa rừng, cắt cỏ voi.

Gặp chúng tôi, anh Tả tay bắt mặt mừng khoe “thành tích” bỏ rượu gần 2 năm nay, sau khi được Thiếu tá Hà liên tục vận động bà con trong vùng bỏ rượu, chí thú làm ăn.

Anh Tả còn tranh thủ thông báo với Thiếu tá Hà, con bò của gia đình nuôi giờ đã lớn lắm rồi.

"Ngày đầu đón về, nó chỉ ăn hết nửa gánh cỏ, giờ nó đã xơi được cả gánh rồi. Hai vợ chồng đang tính phải dành thửa ruộng bậc thang để trồng cỏ cho bò”, anh Tả chia sẻ.

Bên ấm trà shan tuyết của đất Sin Súi Hồ, anh Hà mở lòng, trước đây ở Sin Súi Hồ nhiều người nghiện thuốc phiện, nghiện rượu. Qua bao năm bộ đội biên phòng kiên trì, bám bản, bám dân, vận động các hộ gia đình xóa bỏ cây thuốc phiện, rồi vận động trai tráng đi cai nghiện thuốc phiện, cai nghiện rượu… vùng đất này mới bình yên trở lại.

Đến Sin Súi Hồ bây giờ bà con không bàn chuyện uống rượu nữa, thay vào đó là bàn cách trồng địa lan, nuôi bò để làm giàu.

Thiếu tá Hà tâm sự: “Đời sống của bà con được nâng lên, biên giới càng thêm vững vàng. Sự giúp đỡ nào với bà con cũng thật quý hóa và đáng trân trọng”.

Viettel hỗ trợ 12 tỷ đồng phối giống cho bò

Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, Tổng Cty Viễn thông Viettel đã cấp chi phí phối giống cho các hộ gia đình được nhận bò từ chương trình. Theo đó, mỗi hộ nghèo được Viettel hỗ trợ thêm chi phí phối giống là 500.000 đồng. Tổng chi phí cho chương trình lên tới 12 tỷ đồng.

Số tiền tài trợ cho các hộ dân này được sử dụng để thuê bò đực địa phương phối giống tự nhiên hoặc thanh toán cho các gia đình khi bò cái đậu thai, có xác nhận của cán bộ phụ trách chăn nuôi của UBND xã.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm