| Hotline: 0983.970.780

Vùng biển miền Trung sôi động trở lại: Hiệu quả từ hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và việc làm

Thứ Sáu 22/12/2017 , 10:03 (GMT+7)

Chúng tôi dừng lại bên một điểm bán cá ven đường qua xã Hải Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình).

18-19-55_nnvn__1
Đóng mới thuyền đi biển ở Ngư Thủy Nam

Chị Ngô Thị Vúc, thôn Tân Hải, lởi xởi: "Cá trích vừa đánh bắt về tươi lắm. Chú mua thì bán cho hai ký là hai mươi lăm ngàn đồng". Vừa nói, chị vừa thoăn thoắt cân cá, cho vào túi chị không quên bỏ thêm mấy con cho khách gọi là quà của biển.
 

Đóng thêm thuyền mới

Tổng số tiền bồi thường của xã Hải Ninh trên 107 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã trao đổi: " Nhiều người dân cũng rất mừng vì đã được nhận tiền bồi thường nhanh và đủ”. Ngư dân Nguyễn Văn Diên (thôn Xuân Hải) cho hay: "Tui để dành bảy chục triệu để tu sửa, làm lại thuyền và sắm ngư lưới cho tốt hơn. Chuẩn bị như vậy nên mấy chuyến đi biển được nhiều tôm cá hơn”. Nhà ông Hoàng Tuấn (thôn Tân Hải) nhận tiền bồi thường nhiều nhất. Gia đình có hai thuyền đánh bắt và thêm ba bố con lao động chính nên nhận hơn ba trăm triệu đồng.

Ông Tuấn khoe: "Vừa rồi tui đã nâng cấp một tàu để đánh bắt khơi xa". Nghe chồng khoe, bà Hương (vợ ông Tuấn) kéo tấm màn cho chúng tôi thấy cái chân vịt tàu to tổ chảng màu đồng còn mới. Miếng đất bên cạnh, đám thợ đang tất bật xây đổ. Ông Tuấn không giấu diếm: "Nhà xây mới nghe thợ nề nói chừng sáu trăm triệu. Xong nhà thì có nợ một chút". Bà Hương cười: "Lo chi, tàu ra biển đánh bắt là có tiền trả nợ rồi".

Xưởng đóng thuyền của ông Ngô Kha (xã Ngư Thủy Nam - huyện lệ Thủy) tấp nập người. Trên đà, có 2 con thuyền đang được gấp rút hoàn thành. Vì là biển bãi ngang nên chỉ đóng thuyền nhỏ công suất dưới 30 CV. Ông Kha cho hay: “Trong năm nay, xưởng đã đóng cho bà con trong vùng hơn 200 thuyền rồi. Có được tiền bồi thường, bà con đều tập trung vào chuyện tu sửa, đóng mới thuyền và mua ngư lưới cụ để tăng sản lượng đánh bắt”.

Thuyền mới, ngư lưới cụ mới nên sản lượng đánh bắt tăng mạnh. Ông Ngô Gia Ngãi - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung (huyện Lệ Thủy) cho hay: “Xã có gần 300 thuyền đi biển. Mấy năm trước, sản lượng cao nhất được khoảng 600 tấn. Năm nay, con số đã lên đến 900 tấn. Ngư dân có thu nhập cao hơn rất nhiều”.
 

Niềm vui đến lớp

Nổi bật lên giữa vùng cát trắng là vạt hành xanh tươi của bà Oanh (xã Hải Ninh). Theo bà thì sau khi nhận tiền bồi thường, bà trồng hành bán. Năm nay, bà mở rộng thêm diện tích trồng.

18-19-55_nnvn__2
Bà Oanh: "Đến ngày ba mươi Tết là bán cho bà con"

"Cứ vào ngày ba mươi là tui nhổ bán. Phần lớn là khách hàng quen. Hành nhà trồng sạch nên ai cũng muốn. Năm ngoái được gần chục triệu. Năm nay thì khá hơn vì hành tốt nên hy vọng thu nhập tăng hơn”. Nhà bà Oanh có ba người con đang đi học. Lo cho con học thì mấy vạt hành cũng không đủ. Bà Oanh nói vui: “May mà có được Chính phủ cho miễn học phí nên 2 đứa con tui yên tâm đến trường. Nỗi lo vất vả cũng được vơi đi nhiều lắm”. Cu Tân (con bà Oanh) học lớp 6 nghe mẹ nói chuyện cũng chen vô: "Không chỉ có cháu mô, cả trường cháu đều được miễn nên ai đến lớp cũng vui lắm”.

Bà Hoàng Thị Nĩnh (xã Hải Ninh) cũng có đông bà con đến chơi. Tháng trước, trong lần đi chợ về, chẳng may bà ngã bệnh. Hết viện huyện lên viện tỉnh ròng rã cả tháng trời. Có được hỗ trợ bảo hiểm y tế nên đã đỡ đần được gia đình bà khoản tiền đáng kể. Bà nói với bà con: “Tính ra, tiền viện phí của tui hết gần 50 triệu đồng. Nhưng chỉ nộp gần chục triệu thôi. Nếu như trước đây, không có bảo hiểm y tế thì chỉ có nước bán nhà đi mà trả nợ”. Nghe chuyện, ai cũng mừng cho bà vì khỏi gánh nợ do ốm đau.

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho hay: "Toàn xã có trên 1.200 học sinh từ cấp mầm non cho đến học nghề, cao đẳng, đại học được miễn học phí. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể. Ngoài ra có gần 6.000 nhân khẩu được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đây cũng là tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng biển. Hàng trăm hộ gia đình khi chẳng may ốm đau đã không lâm vào cảnh nợ nần”.

Phát triển thủy sản và trồng trọt

Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho hay, xã đã có kế hoạch, định hướng cho bà con phát triển nuôi trồng và trồng trọt. Trên cơ sở đó, đã triển khai quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản rộng 60 ha ở phía bắc, gần 300 ha khác dành cho phát triển trang trại tổng hợp trong đó có diện tích phát triển cây khoai deo. Chúng tôi lên kế hoạch và động viên bà con dành dụm tiền đền bù đưa vào đầu tư chuyển đổi nghề theo định hướng. Có như vậy mới có được thu nhập ổn định để người dân vươn lên.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm