| Hotline: 0983.970.780

Vùng đất truyền thuyết và kỳ bí

Thứ Hai 12/04/2010 , 10:26 (GMT+7)

Lục Yên đang lưu giữ truyền thuyết Vua Áo Đen, một bản hùng ca bi tráng của người dân miền núi trong cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam…

Nằm trên thượng nguồn sông Chảy, Lục Yên (Yên Bái) từ lâu nổi tiếng là vùng đất của đá đỏ, nơi một thời phát triển rực rỡ với nhiều thành luỹ, đình chùa, miếu mạo… Lục Yên còn lưu giữ truyền thuyết Vua Áo Đen, một bản hùng ca bi tráng của người dân miền núi trong cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam…

Truyền thuyết Vua Áo Đen, bản hùng ca bi tráng

Chùa Tháp Hắc Y- đền Đại Cại nằm nơi ngã ba sông Chảy và suối Đại Cại gặp nhau. Tại quần thể kiến trúc tôn giáo lịch sử này có ngôi chùa Tháp Bảo và đền Hắc Y- Đại Cại. Nhà sư trụ trì tại đây tên là Thích Đàm Hạnh Thường cho biết: Chùa Tháp Bảo có từ thời xa xưa, sở dĩ gọi là chùa Tháp Bảo là bởi các cụ trước đây đắp một cái tháp trên đấy sau mới xây chùa. Còn đền Hắc Y - Đại Cại cũng có từ lâu rồi, trước dựng dưới bờ sông. Khi xây dựng thuỷ điện Thác Bà nước dâng lên ngập đền nên mới chuyển lên đây… 

Nhà sư Thích Đàm Hạnh Thường trụ trì chùa Tháp Bảo - đền Hắc Y Đại Cại

Đền Hắc Y thờ Vua Áo Đen, bà chúa Vũ Ngọc Anh và Chiêu văn vương Trần Nhật Duật. Truyền thuyết về Vua Áo Đen có nhiều dị bản, được người dân kể lại cùng chung một cốt truyện. Có tài liệu ghi: Vào thời Hùng Vương thứ 18 một vị thần rắn mặc y phục màu đen đã giúp nhà vua đánh giặc vùng phía Bắc sông Chảy, nhưng vì quân ít lại đương đầu với quân giặc mạnh và đông gấp nhiều lần, Vua Áo Đen phải lui về chân núi đá xã Tân Lĩnh, bị bao vây rồi bại trận ông hoá cùng con ngựa trắng bay về trời. Để lại tấm áo đen trên đỉnh núi. Tưởng nhớ công lao đánh giặc giữ nước của ông, nhân dân lập miếu thờ. Tại núi Vua Áo Đen hiện hình trên vách đá trên đỉnh núi là tấm áo màu đen. Đối diện với núi Vua Áo Đen là núi Bạch Mã, nơi con ngựa trắng của ông cũng hoá đá.

Lại có tài liệu ghi rằng: Thuở xa xưa có một vị vua vận y phục màu đen cùng người con trai cầm quân đánh giặc ngoại xâm vùng thung lũng sông Chảy từ Đoan Hùng lên tận Lục Yên. Hai cha con đánh giặc rất dũng cảm, tiêu diệt được nhiều quân địch, đẩy chúng lui dần về phía Bắc, nhưng vì quân của Vua Áo Đen ít, bị giặc phản công đã lui về dãy núi đá xã Tân Lĩnh lập đại bản doanh củng cố lực lượng, tích trữ lương thảo… Nhưng do giặc quá mạnh, Vua Áo Đen bại trận ông đã cùng con ngựa trắng bay về trời, để lại tấm áo đen trên đỉnh núi. Người đời sau còn gọi núi Vua Áo Đen là núi Hắc Y.

Ông Hoàng Văn Thư và ông Nguyễn Kim Kỳ người dân tộc Tày năm nay đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà ở thôn Làng Sâng dưới chân núi Bạc Mã kể rằng: Nghe cha ông chúng tôi truyền lại Vua Áo Đen là một người rất giỏi võ nghệ, có tài bắn cung, mặc dù ngồi trên lưng ngựa đang phi ông vẫn bắn trúng đích, trăm phát trăm trúng. Khi ra trận ông mặc áo đen cưỡi trên lưng con ngựa trắng nom rất dũng mãnh. Ông đã đánh thắng nhiều trận, đuổi quân giặc lui dần về phương Bắc, nhiều trận từ xa nhìn thấy ông giặc đã bỏ chạy tán loạn. Khi đuổi chúng tới vùng đất này, do núi rừng hiểm trở, đường vận chuyển lương thực khó khăn lại gặp khí hậu khắc nghiệt, quân sĩ bị ốm la liệt, khi bị giặc phản công ông phải lui quân vào chân núi đồn trú. Quân của Vua Áo Đen bị quân giặc vây đánh, thất thủ ông cùng con ngựa trắng bay lên trời, để lại chiếc áo đen trên đỉnh núi. Người đời sau tưởng nhớ công lao của ông họ dựng miếu thờ, trồng cây ăn quả, đắp ao trên đỉnh núi.

Ông Nguyễn Kim Kỳ kể tiếp: Khi bị quân giặc vây đánh, ông (Vua Áo Đen) phải cầu cứu đến con rể. Lúc đó quân giặc đang mạnh, cả hai cha con đều bại trận. Hằng năm, vào rằm tháng Giêng và tháng Bảy người dân Làng Sâng tổ chức cúng cho cha con Vua Áo Đen, họ cúng người con dưới chân núi Bạch Mã trước sau mới sang chân núi Vua Áo Đen…Ông chỉ đỉnh núi có mỏm đá trắng nhô ra giống như đầu con ngựa trắng phía trước nhà bảo: Đầu con Bạch Mã của Vua Áo Đen vẫn còn kia, nó đang quay đầu về phía dòng sông Chảy đấy…

Tôi hỏi hai ông đã bao giờ các ông lên núi Vua Áo Đen chưa? Ông Hoàng Văn Thư gật đầu bảo: Ngày xưa khi tôi còn trẻ đã mấy lần lên núi, trên ấy có nhiều hoa quả, nếu ăn ở đấy thì được, nhưng hễ ai mang về thì không thể nào xuống núi được. Mặt mũi tối tăm không biết đường nào mà về, sợ lắm… 

Nơi thờ Vua Áo Đen trong đền Hắc Y Đại Cại

Truyền thuyết Vua Áo Đen chống giặc ngoại xâm trên đất Lục Yên là một bản hùng ca bi tráng, do nhân dân sáng tạo ra trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Dưới chân núi Vua Áo Đen dày đặc những đình chùa, miếu mạo, thành luỹ được xây dựng từ rất xa xưa. Di tích lịch sử - khảo cổ Hắc Y được phát hiện năm 1995, từ năm 2004 đến năm 2008 các nhà khảo cổ đã tổ chức 5 lần khai quật, một thời đại huy hoàng hiện hình trên các lớp đất đá và các mảnh gốm. Với những gì mà các nhà khảo cổ tìm thấy, có thể thấy dưới chân núi Vua Áo Đen bắt đầu từ triều Lý qua triều Lê đến triều Trần tại đây là một Trung tâm văn hoá Phật giáo lớn của nước ta. Sau 7 thế kỷ bị vùi lấp một vùng đất thiêng đã hé mở nhiều điều mà các thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và tìm lời giải.

Ông Vi Trung Thuận, người dân tộc Nùng người được giao chìa khoá giữ khu di tích khảo cổ Phật giáo Hắc Y cho tôi biết: Tôi sinh ra ở đây, theo cha ông chúng tôi kể lại dưới chân núi Vua Áo Đen có nhiều chùa chiền, như Chùa Thượng Miện, chùa Vàng, chùa Dõng… tất cả những ngôi chùa đó đến nay đều đã sập đổ. Khi tôi lớn lên tại chùa Thượng Miện này là một khu rừng rậm rạp có nhiều cây to năm sáu người ôm mới kín gốc, trong đó có hổ báo và rất nhiều rắn to. Tôi được biết có hai người xã Yên Thắng tới đây phát nương trồng ngô, hai người này lấy đá ở đây về nhà làm đá mài, sau đó bị ốm đau liên miên, chữa mãi chẳng khỏi mới đi xem bói, thầy nào cũng bảo: Các ông có lấy vật gì ở chùa thì mang trả đi, khi đó các ông mới nhớ ra mình có lấy một hòn đá ở chùa cũ về nhà. Sau đó họ phải mời thầy cúng làm lễ trả hòn đá về chỗ cũ. Người dân bản xứ chúng tôi, chẳng ai dám lấy một vật gì ở đây cả. Từ đời xưa các cụ dặn con cháu: Không được lấy vật gì ở chùa về, chết đấy…

Bà con kể rằng chùa Vàng cũng nằm dưới chân núi Vua Áo Đen, cách đây mấy năm xã cho san ủi đất để làm trường học, người lái máy ủi cứ đưa máy chạm vào đất chùa mặt mày xây xẩm không thể nào lái được, còn máy móc lúc bị chết, lúc lại hỏng. Khi biết đây là đất chùa cũ, anh ta sợ quá không dám cho máy vào làm tiếp nữa, khu đất đó đến nay vẫn bỏ hoang. Đó là điều kỳ bí không ai giải thích nổi, nhiều người tin rằng đây là mảnh đất linh thiêng. Chị Phạm Thị Thơm người thôn 7 xã Tân Lĩnh có một trang trại nhỏ nằm ngay dưới chân núi Vua Áo Đen, chị chỉ tay lên núi bảo tôi: Bác có nhìn thấy trên vách đá cao kia không, đấy là hình Vua Áo Đen hiển linh ở trên đó. Các cụ xưa kể rằng bất kể ai đi qua đây đều phải hạ nón mũ, cũng như đi qua núi Chuông, nếu ai không hạ nón mũ thì sẽ gặp tai hoạ bác ạ… (còn tiếp)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.