| Hotline: 0983.970.780

Vững vàng tiêu thụ nhờ liên kết sản xuất

Thứ Ba 16/11/2021 , 09:00 (GMT+7)

THANH HÓA Nhờ liên kết sản xuất, nông dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vẫn tiêu thụ nông sản tốt dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Năm 2020, ông Tô Quang Định tại xã Dân Lý (huyện Triệu Sơn) tích tụ được 5,6 ha đất nông nghiệp. Gia đình ông đã liên kết sản xuất khoai môn chỉ tím với Công ty Phân bón Sông Mã. Công ty Phân bón Sông Mã cung ứng phân bón, thuốc BVTV và hai bên chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi nhuận.

Năm 2020, sau khi xuất được 2 container hàng vào miền Nam, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 40 tấn khoai môn chỉ tím còn lại ông Định phải đưa ra Bắc Ninh để thuê nhà kho bảo quản, đến nay vẫn chưa thể bán hết.

Nhờ liên kết sản xuất, chuỗi nông sản của người dân Triệu Sơn không bị đứt gãy. Ảnh: Võ Dũng.

Nhờ liên kết sản xuất, chuỗi nông sản của người dân Triệu Sơn không bị đứt gãy. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, năm 2021, ông Định vẫn mạnh dạn trồng 6,1 ha khoai môn chỉ tím. Theo ông Định, đây là mặt hàng nhu cầu thị trường tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc vẫn rất cao. Với việc sản xuất phải thích ứng với tình hình dịch bệnh, ông và Công ty Phân bón Sông Mã đã tính đến phương án thuê nhà kho ngay tại tỉnh Thanh Hóa để bảo quản hàng.

“Khoai môn chỉ tím cho năng suất bình quân 40 tấn/ha/năm (mỗi năm 2 vụ). Nếu xuất bán với giá thấp như hiện nay (15 triệu đồng/tấn), người trồng vẫn có thể lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Năm nay, nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ liên kết với một đơn vị trong tỉnh để bảo quản sản phẩm và tìm thời điểm thích hợp để xuất vào Sài gòn cho các đối tác”, ông Định cho biết.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những mối liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đang được triển khai trên địa bàn huyện Triệu Sơn.

Bà Bùi Thị Cúc, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Dân Lý cho hay, nếu không có liên kết sản xuất thì thời gian vừa qua, nông dân trong xã sẽ khốn đốn vì nông sản không thể xuất bán được. Theo bà Cúc, nhờ các chính sách hỗ trợ của UBND huyện Triệu Sơn, mỗi vụ, nông dân Dân Lý liên kết trồng được 50 ha lúa VietGAP. Thời điểm thu hoạch, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đối tác đã cho xe tận ruộng để thu mua toàn bộ sản lượng theo đúng cam kết với giá cao hơn thị trường 10%. Vì vậy, dù giá vật tư đầu vào tăng cao, lưu thông khó nhưng nông sản ở Dân Lý vẫn tiêu thụ ổn định, nông dân vẫn có lãi.

Ngoài diện tích lúa, khoai môn chỉ tím, tại xã Dân Lý còn có trên 3 ha rau màu được chứng nhận VietGAP. Toàn bộ sản phẩm này hiện được xuất bán ổn định vào các nhà hàng, siêu thị, trường học... Vì vậy, chuỗi sản xuất, cung ứng này không bị đứt gãy.

Ông Nguyễn Văn Đoán, trưởng thôn 4, xã Dân Lý cho biết, cả thôn có 25 hộ trồng rau VietGAP với tổng diện tích 3,1 ha. Từ thời điểm được chứng nhận VietGAP và có hợp đồng bao tiêu với các đối tác, giá trị sản xuất rau màu ở đây tăng 20%. Ngoài việc hướng dẫn nông dân tuân thủ trồng rau an toàn, UBND huyện Triệu Sơn còn trích ngân sách hỗ trợ người dân làm nhà lưới trên diện tích 3,1 ha.

“Người dân thôn 4 có truyền thống trồng rau màu 30 - 40 năm nay. Vài năm lại đây dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng mỗi sào rau ở đây (500m2) vẫn lãi 43 - 45 triệu đồng/năm nhờ có mối tiêu thụ ổn định”, ông Đoán cho hay.

Ông Mai Nhữ Thắng, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho biết, hai vụ lúa gần đây, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ giống, phân bón để hỗ trợ 8 xã xây dựng mô hình trồng lúa VietGAP, mỗi xã 50 ha.

Sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ, các xã sẽ nhân rộng mô hình để tăng hiệu quả sản xuất. Việc hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, có mối liên kết bao tiêu sản phẩm trong những năm qua đã giúp thu nhập của người dân tăng lên đáng kể.

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thực tế cho thấy ở các mối liên kết, nông sản vẫn không bị ùn ứ, nông dân vẫn có lãi. Đây là một trong những yếu tố giúp Triệu Sơn đến thời điểm này đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.

  • Tags:
Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.