| Hotline: 0983.970.780

Vườn bưởi da xanh trên 'đất mới' lãi ngót nửa tỷ mỗi năm

Thứ Tư 21/03/2018 , 07:01 (GMT+7)

Vườn bưởi da xanh 7 năm tuổi của ông Phan Hữu Hà (49 tuổi) ở ấp 7, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là một trong số vườn đẹp, đem lại lợi nhuận khá hấp dẫn.

Ông Phan Hữu Hà – chủ vườn bưởi da xanh 7 năm tuổi ở ấp 7, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Vườn bưởi của ông Hà nằm sâu trong con hẻm nhỏ, yên tĩnh, có diện tích 1,6 ha. Tận mắt thấy những cây sai trĩu quả, không sâu bệnh, có thể nói đây là một trong những vườn bưởi đẹp. Khi được thưởng thức những múi bưởi mọng nước, vị ngọt thanh mà ông Hà vừa hái trên cây xuống, tôi tỉnh hẳn người sau một chặng đường dài nắng gắt từ TP.HCM xuống.

Ông Hà kể, năm 2011, sau khi tham quan nhiều vườn bưởi da xanh ở Tiền Giang, Bến Tre trở về, tìm hiểu thêm những yếu tố về thời tiết, thổ nhưỡng ở Đồng Nai, vợ chồng ông quyết định gom hết vốn đầu tư cho cây bưởi da xanh.

Ngay sau đó, ông lại cất công về Tiền Giang, chọn những cây giống tốt nhất mua. “Vùng đất này khí hậu ôn hòa, đất pha bazan, màu mỡ, rất phù hợp với cây bưởi. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng là phải chọn được giống cây tốt”, ông Hà nói.

Ngay từ khi trồng cây bưởi, ông Hà đã xác định hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học độc hại, không rõ nguồn gốc. Để có nguồn dinh dưỡng tốt cho cây bưởi, ông nuôi thêm 10 con bò để lấy phân lót cho cây. Ông dùng phân bò, phân Trichoderma trộn với lân để bón dưới gốc tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật sống trong đất phát triển, cải tạo độ tơi xốp của đất cũng như giúp đất trồng có độ phì cao hơn.

“Riêng khoản phân bón thôi, mỗi năm tôi cũng tiết kiệm được khoảng 30 - 40 triệu đồng rồi”, ông cười nói tiếp. Sau 3 tháng thì xử lý cành để lên chồi. Thời điểm trái trưởng thành gần thu hoạch cần tăng hàm lượng kali nhiều hơn. Còn nếu thấy cây có nhiều trái, màu lá không xanh nhiều, cần bổ sung thêm phân bón lá thì trái sẽ đảm bảo chất lượng, đẹp và quyết định sản lượng thu hoạch của vườn.

Để vườn bưởi đạt năng suất cao nhất, theo ông Hà, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật cho tất cả các khâu chăm sóc, từ cấp thoát nước đến kỹ thuật làm trái, kỹ thuật bón phân, nhìn cây phải biết cây thiếu cái gì, cây khỏe hay yếu…

Ảnh: Nguyễn Thủy

“Tôi thấy chẳng trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế như cây bưởi. Năm vừa rồi tôi thu hoạch khoảng hơn 7 tấn quả, với giá bán 35 - 42 ngàn đồng/kg, dịp tết giá lên tới 55 ngàn đồng/kg, có khi cao hơn nữa, nếu bưởi đẹp, tôi thu được hơn 400 triệu đồng”, ông Hà khẳng định.

Nói về đầu ra của bưởi da xanh, ông Hà lạc quan nói: “Bưởi là một trong những loại trái cây được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh, nhất là bưởi chất lượng cao, ngọt, nhiều nước, lại trồng theo quy trình “sạch” không dùng hóa chất độc hại. Để đảm bảo vệ sinh ATTTP, bảo vệ môi trường sống, tôi dùng phân hữu cơ là chính. Thương lái biết rõ chất lượng bưởi của tôi rồi, nên họ đến tận vườn lấy hết. Tết vừa rồi, người ta đến tận vườn mua bưởi với giá 55 ngàn đồng/kg có cành có lá. Như vậy là tốt hơn nhiều so với những cây trồng khác”.

“Sao ông mới trồng bưởi mà nắm rõ kỹ thuật chăm sóc vậy?”, tôi hỏi. Ông cười đáp: “Phải học chứ. Tôi tham khảo các tài liệu. Rồi mỗi khi ở xã, huyện, tỉnh có lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật liên quan đến cây bưởi là tôi phải sắp xếp thời gian đến dự, ghi chép tỉ mỉ, mang về nghiên cứu.

Nhưng đó mới là lý thuyết thôi, tôi còn đi học hỏi ở nhiều vườn bưởi khác trong vùng, chỗ nào có vườn bưởi lâu năm, sai quả là tôi tìm đến xem, học hỏi. Cũng may, hầu hết các chủ vườn tôi gặp đều chỉ tận tình. Bây giờ, tôi nắm khá chắc về cây bưởi, nên ai đến hỏi kỹ thuật chăm sóc, tôi chia sẻ tận tình".

Nói thêm về yếu tố thành công trong việc trồng bưởi da xanh của mình, ông bảo: “Làm bất cứ việc gì cũng cần có sự đam mê, có trách nhiệm với việc mình làm. Chăm bưởi giống như chăm con mọn. Phải nắm được kỹ thuật, đặc tính của cây và phải có tình yêu với đất, với cây”.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất