| Hotline: 0983.970.780

“Vườn dâu nhà” của vợ chồng kỹ sư trẻ

Thứ Ba 06/01/2015 , 09:13 (GMT+7)

Cặp kỹ sư trẻ đã đầu tư hơn 200 triệu đồng làm 1 sào dâu trồng nhà kính. Đầu tư lớn nhưng vợ chồng Giới - Hằng cũng tính sơ sơ thu về trên 500 triệu trong năm 2014 nhờ vườn dâu.

Vườn dâu tây của vợ chồng kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Giới - Bùi Thị Hằng tại địa chỉ 157 Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là một minh chứng về thành công của việc làm giàu nhờ năng động ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Tháng 6/2012, sinh viên Bùi Thị Hằng (SN 1990, quê Bình Phước) tốt nghiệp khóa 32 (Khoa Sinh học, ĐH Đà Lạt) xây dựng gia đình với bạn đồng khoa Nguyễn Hữu Giới (SN 1988) học trước 2 khóa. Thấy nhiều bạn bè ra trường ở lại Đà Lạt thuê đất làm vườn, đôi vợ chồng kỹ sư trẻ liền quyết định chọn đó là nơi khởi nghiệp.

Bùi Thị Hằng tâm sự, khi ấy nhiều người quen can ngăn bởi anh Giới hoàn cảnh lắm, là con út trong gia đình có tới 12 người con, cha mẹ làm vườn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nên cũng không hỗ trợ được nhiều. Tất cả vốn liếng ban đầu để lập nghiệp gồm 40 triệu đồng là quà cưới của họ hàng hai bên và vay mượn thêm để mở rộng mô hình dâu tây trồng theo phương pháp bán thủy canh, vốn dĩ đây là mô hình làm luận văn thạc sỹ của Giới.

Sau 2 năm chung sức đồng lòng gây dựng vườn dâu tây với thương hiệu “Vườn dâu nhà”, đến nay đôi vợ chồng kỹ sư trẻ Giới - Hằng đã có một cô công chúa bụ bẫm đáng yêu vừa tròn 1 tuổi, một vườn dâu tây 1.000 m2 gồm 10 ngàn cây trồng theo phương pháp thủy canh, vườn dâu trồng đất 7 ngàn cây và một vườn trồng hoa, ớt chuông.

Hằng chia sẻ, dâu tây cho thu nhập cực cao nhưng trồng và chăm sóc cần kỹ thuật tốt, người dân khó làm, phải có kiến thức về phân bón, về cây dâu, nếu dư này thiếu kia cây sẽ cháy chết, nứt trái. Dâu ngoài trời năng suất cực kỳ, 1 sào (1.000 m2) cho thu tới 50 - 60 kg mỗi ngày, 1 tuần từ 4 - 6 lứa. Mùa nắng “trái quá trời”, mùa mưa không có trái, chủ yếu làm cây giống.

Nói về cây giống thì dâu tây đúng nghĩa “ngân hàng xanh” của nhà vườn. Thuộc họ rau má, mùa mưa dâu tây ra ngó, mỗi cây cho bình quân 10 dây ngó, mỗi ngó vào bầu được 3 cây con, giá bán tại vườn “mềm nhất” 3 ngàn đồng/cây. Mỗi ngày, một người có thể vào bầu được cả ngàn cây con. Hàng ngày, em vừa hướng dẫn sinh viên vừa trực tiếp thu hái dâu quả và vào bầu cây giống, còn bận chăm con nhỏ nên cũng chỉ làm “túc tắc”.

09-18-53_nhdu2
Mỗi cây dâu cho thu nhập cả trăm ngàn bán giống từ dây ngó

Khiêm tốn với chắc chắn doanh thu năm 2014 khoảng trên 500 triệu đồng, Bùi Thị Hằng vẫn tỏ ra ngần ngại không muốn nói nhiều về thành công vì khoảng thời gian 2 năm lập nghiệp mới chỉ là bước khởi đầu thuận lợi của vợ chồng kỹ sư trẻ.
Dự định của họ là sẽ tập trung vào mở rộng diện tích dâu tây công nghệ cao lên 1 ha và cùng với bạn bè nâng cao chất lượng dâu Tây, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm dâu Tây Đà Lạt.

Hằng cũng cho biết, khi còn là sinh viên cả hai vợ chồng đã chăm chỉ đi làm thuê cho các vườn dâu nổi tiếng để tích lũy kinh nghiệm và vận dụng kiến thức được học trong trường nên bắt tay vào là làm được ngay.

Vì lợi ích cộng đồng

Có kiến thức và nắm vững kỹ thuật, vợ chồng Giới - Hằng không chỉ đầu tư vào vườn dâu tây nhằm thu lợi nhuận mà còn tập trung vào SX dâu theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tại “vườn dâu nhà”, cặp kỹ sư trẻ đã đầu tư hơn 200 triệu đồng làm 1 sào dâu trồng nhà kính. Dâu được trồng trên giá thể xơ dừa đã qua xử lý, chất dinh dưỡng nuôi cây sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động. Phương pháp canh tác này cho trái dâu có năng suất và chất lượng cao, phương pháp trồng dâu theo hướng sạch, ít dịch bệnh, có lợi cho môi trường, người tiêu dùng và cũng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Dâu quả bán tại vườn giá từ 150 - 200 ngàn đồng/kg, thu nhập từ quả và cây giống mỗi tháng lên tới 60 triệu đồng. Vườn hiện tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 sinh viên “đàn em” có thu nhập từ 120 - 150 ngàn/ngày.

Bùi Thị Hằng tâm sự, từ khi khởi nghiệp đã được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến mảnh đất làm mô hình của Giới được gia đình bác Lê Thanh Tùng cho mượn, ban đầu là đặt vấn đề thuê 130 m2, sau thấy sinh viên cực quá mà vẫn chí thú nên bác thương, cho mượn tiếp cả nhà để ở, thêm đất để làm mà không lấy tiền thuê đất, trong khi nếu cho người khác thuê, bác thu hàng chục triệu đồng.

09-18-53_duty3
Vườn dâu nhà trồng theo công nghệ cao của vợ chồng kỹ sư trẻ

Rồi các thầy cô trong khoa, trong trường cũng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho sinh viên nghèo. Khi giá cây thị trường tới 5 - 7 ngàn đồng thì các thầy cô cũng chỉ bán với giá đặc biệt ưu đãi 2,5 ngàn, còn cho nợ tiền.

Cũng chính vì vậy mà khi bắt đầu có “của ăn của để”, Giới - Hằng đã nghĩ ngay đến việc trợ giúp sinh viên đàn em, hầu như em nào có nhu cầu tìm việc cũng sẽ được nhận hoặc được giới thiệu giúp. Giá bán cây giống của “vườn dâu nhà” cũng “mềm nhất Đà Lạt”. Ngoài ra bất cứ nhà vườn nào có vấn đề gì về dâu tây đều được 2 vợ chồng tận tình đến tận nơi xem xét, trao đổi kinh nghiệm.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất