Thứ ba, 30/04/2024 | 11:21 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 08:59, 18/02/2020

Vườn dâu tây tiền tỷ

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, lần đầu tiên tại Sa Pa trồng thành công dâu tây trên diện rộng, đem lại thu nhập, việc làm cho người dân bản địa.
Khách du lịch thích thú hái dâu tây tại vườn.

Khách du lịch thích thú hái dâu tây tại vườn.

Ứng dụng công nghệ cao

Cách phường Sa Pa (TX Sa Pa, Lào Cai) khoảng 7km đi về hướng bản Tả Phìn là vườn dâu tây của HTX Rau quả Thắng Lợi, có diện tích trên 25 nghìn m2. Đang thời điểm dâu tây chín quả, khu vườn này thu hút khá nhiều du khách.

Đặc biệt, mỗi dịp cuối tuần khu vườn dâu tây của HTX đón tới 200 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Có mặt tại đây, họ đều ngỡ ngàng bởi bạt ngàn quả dâu tây chín mọng như khung cảnh chỉ có trong những khu vườn ở Châu Âu.

Chị Đỗ Thị Kim Dung – Chủ nhiệm HTX Rau quả Thắng Lợi, chủ của khu vườn – cho biết, khoảng giữa tháng 9 bắt đầu trồng thì cuối tháng 12 cây ra quả lác đác và kéo dài tới tận tháng 5 của năm sau nhưng vào tháng 2 là chính vụ.

“Thời điểm này quả to, chín đỏ đều và ngọt nhất là khi có chút nắng ấm” – chị Dung nói.

Trong khi cây dâu tây trồng từ 3 - 3,5 tháng đã cho quả nhưng mùa vụ ngắn, mỗi năm chỉ được một mùa. Trước đây cũng HTX cho thử nghiệm trồng dâu tây Đà Lạt trồng gối vụ từ tháng 5-12 nhưng không thành do nhiệt độ Sa Pa những tháng này quá cao.

Khu vườn dâu tây của chị Dung hiện được trồng bằng phương pháp giá thể trong nhà kính theo công nghệ hiện đại, không sử dụng các loại thuốc, chất hoá học, nên quả dâu có chất lượng tốt, an toàn cho người dùng. Khu vườn trồng các giống dâu tây của Mỹ, Nhật, Hàn... trong đó chiếm phần lớn loại dâu tây ngọt.

Chị Dung cho biết, giống năng suất cao thường sẽ bị chua còn giống nhạy cảm thì cho quả ngọt và du khách ưa chuộng, thích hơn, nhất là khi họ được ăn tại vườn.

Hiện sản lượng dâu tây trong khu vườn của HTX Thắng Lợi chỉ đủ cung ứng tại chỗ. Nghĩa là du khách có thể tham quan vườn dâu tây và tự tay hái từng quả dâu chín, đỏ mọng để mang về. Giá bán tại vườn cũng tuỳ thuộc vào thời điểm, trung bình khoảng 250.000 đồng/kg.

“Cây dâu tây cho giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nên chúng tôi quyết tâm làm bằng được. Rau xanh trồng lên bán chỉ được 10-20 nghìn đồng/kg không đủ tiền thuê đất, thuê nhân công trong khi dâu tây bán 250 nghìn đồng/kg như thế mới có thể thu lãi được” – chị Dung nói.

HTX Rau quả Thắng Lợi đang tạo công ăn việc làm cho 14 người người dân tộc thiểu số của địa phương. Thu nhập trung bình của mỗi lao động đạt 5,5 triệu đồng/tháng.

Bỏ viên chức về… trồng dâu tây

Chị Dung trước đây là viên chức nhà nước, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, với sự đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp nên khi tích cóp được chút vốn liếng chị Dung quyết định nghỉ việc để bung ra ngoài làm.

“Viên chức nhà nước ổn định, song tiền lương nuôi hai con, rồi chi phí sinh hoạt gia đình thì không đủ. Cộng cả thu nhập của hai vợ chồng tính ra vẫn còn thiếu. Trong khi với việc trồng dâu tây mình giúp mình thực hiện được ước mơ, sở thích, có thu nhập. Và khi mình chuyển công tác thì cũng mang lại cơ hội cho người khác có được việc làm” – chị Dung nói.

Sau khi trải nghiệm, ăn dâu tây tại vườn, khách có thể mua dâu hái được mang về nhà.

Sau khi trải nghiệm, ăn dâu tây tại vườn, khách có thể mua dâu hái được mang về nhà.

Tuy vậy, mọi việc không diễn ra suôn sẻ. Chị Dung cho biết, năm đầu tiên trồng dâu tây thì hoà vốn, năm thứ 2 lỗ mất mấy chục triệu đồng, bằng lương của viên chức tích cóp trong một năm. Tuy nhiên, cây dâu tây phù hợp với thổ nhưỡng điều kiện Sa Pa, trái ngon ngọt, khách vào đông, nhu cầu lớn nên chị quyết tâm làm lại từ đầu.

“Khó khăn nhất là vấn đề kỹ thuật vì vậy phải tìm ra phương pháp trồng loại cây này khắc phục nhược điểm: Sa Pa mưa nhiều khiến cây quả thối, sâu bệnh, đất không xử lý có nhiều sên, cây không sinh trưởng phát triển” – chị Dung nói.

Kỹ sư chính của khu vườn hiện là chồng chị Dung cũng làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nên HTX cũng có chút ít lợi thế về hiểu biết, nghiên cứu về giống cây trồng nên đã khắc phục nhược điểm gặp phải.

Tuy vậy, khó khăn về vốn cũng khá nan giải và đặc biệt là khâu quảng bá, HTX không có đủ nguồn lực làm truyền thông như doanh nghiệp.

“Số tiền đầu tư vào HTX là do gia đình cho mượn bìa đỏ đi vay vốn 3 tỷ đồng để dựng nhà kính che mưa nắng. Còn vấn đề kỹ thuật HTX đã chuyển sang trồng bằng giá thể thay vì trồng trực tiếp dưới đất như trước” – chị Dung nói.

Tới thời điểm hiện nay, HTX chưa xác định được thời điểm thu hồi vốn, mặc dù năm ngoái thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Bởi mới đầu năm nay có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp virus Corona mới nên ảnh hưởng tới lượng khách đến vườn.

Tuy nhiên, với việc triển khai thành công dự án trồng dâu tây ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch tại Sa Pa đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đẩy mạnh nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm ở vùng cao.

Hải Đăng

Quyết làm nông nghiệp hữu cơ nơi 'chó ăn đá, gà ăn sỏi'

Quyết làm nông nghiệp hữu cơ nơi 'chó ăn đá, gà ăn sỏi'

BÌNH ĐỊNH Quyết tâm thuê lại vùng đất 5% cằn cỗi của xã, anh Thường đã biến thành trang trại cây ăn trái, trồng rau màu theo hướng hữu cơ làm nức lòng người dân tròng vùng.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

BÌNH ĐỊNH Toàn bộ sản phẩm bưởi, hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu, nhà vườn không phải lo đầu ra…

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm