| Hotline: 0983.970.780

Vươn khơi trong gian khó

Thứ Năm 10/05/2012 , 09:38 (GMT+7)

Cứ ngỡ 2 lần tăng giá xăng sẽ ngư dân sẽ “chùn chân”. Nhưng không, chẳng những họ vẫn hồ hởi bám biển mà vòng quay những chuyến biển còn nhanh hơn.

Chỉ từ đầu năm đến nay, điệp khúc xăng dầu tăng giá đã diễn đi diễn lại đến 2 lần, mỗi lần tăng cái vút hơn 1.000đ/lít. Cứ ngỡ trước tình thế này ngư dân sẽ “chùn chân”. Nhưng không, chẳng những họ vẫn hồ hởi bám biển mà vòng quay những chuyến biển diễn ra còn nhanh hơn.

Những năm trước, vào thời điểm này, không khí tại cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn - Bình Định) rất im lìm với những chiếc tàu nằm ken chật, vì mùa chính vụ nghề câu cá ngừ đại đương đã hết. Hiện nay, trong bối cảnh nhiên liệu liên tục tăng giá, cứ ngỡ hơn 450 chiếc tàu chuyên câu cá ngừ đại dương của huyện Hoài Nhơn đang nằm bờ, đợi đến mùa vụ sau mới mở biển ra khơi trở lại. Thế nhưng thật không ngờ, không khí làm ăn tại cảng cá Tam Quan vẫn diễn ra tưng bừng như mở hội. Các chủ tàu tất bật chuyện tiếp nạp nhiên liệu, mua trang thiết bị chuẩn bị ra khơi để làm nghề mới, nghề câu cá ngừ đại dương bằng tay.


Tàu ngư dân đang tiếp đá chuẩn bị ra khơi

Ông Huỳnh Văn Hoàng ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 96289TS cho biết: “Trước đây, chúng tôi câu cá ngừ đại dương bằng phương pháp câu bủa (dùng giàn câu). Với cách làm này thì khi hết mùa vụ, cá ngừ sẽ không còn ăn mồi nên chúng tôi phải cho tàu nằm bờ. Nằm khơi cả tháng trời mà chỉ câu được vài ba con cá là cầm chắc chuyện lỗ tổn. Mới đây, những chiếc tàu chuyên hành nghề câu mực, chụp mực phát hiện cá ngừ nhìn thấy ánh điện liền mon men tới để “ăn trộm” mực ngư dân câu được. Biết vậy, họ lấy dây cước, móc lưỡi, móc mồi mực xà, thế là câu được cá ngừ đại dương ngon lành như những dân câu cá ngừ chuyên nghiệp. Thấy cách làm này hiệu quả, vừa làm mực, họ vừa câu cá ngừ đại dương bằng tay, thu nhập tăng gấp đôi”.

Tiếng lành đồn xa, những chiếc tàu câu cá ngừ đại dương chuyên nghiệp bằng giàn câu đang nằm bờ vì hết thời vụ rậm rịch mua sắm máy phát điện, tăng-phô, bóng điện 1.000W trang bị thêm lên tàu để ra khơi làm nghề mới, câu cá ngừ đại dương bằng tay. Thậm chí những chiếc tàu đang di chuyển ngư trường theo vụ cá Nam tại các vùng biển Vũng Tàu, ĐK1 thấy nghề câu cá ngừ bằng tay mang lại hiệu quả cao cũng tất tật chạy về, đổ xô mua sắm trang thiết bị để tham gia làm nghề mới.

Máy phát điện, tăng-phô, bóng điện 1.000W giá tăng vùn vụt từ 30-50% so bình thường. Cung không đủ cầu, thị trường cung ứng từ Tam Quan đến Bồng Sơn (Hoài Nhơn) và đến TP Quy Nhơn đều “cháy” các mặt hàng nói trên. “Hiện nay tại cảng cá Tam Quan số lượng tàu chuyên câu cá ngừ đại dương đang nằm bờ, mua sắm trang thiết bị có đến gần 300 chiếc. Đến ngày 19-20 ÂL sắp tới số lượng tàu nói trên sẽ đồng loạt ra khơi làm nghề mới”, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng trạm KT-BVNLTS Hoài Nhơn (thuộc Chi cục KT-BVNLTS Bình Định) cho biết thêm.

“Ngư trường chính làm nghề câu cá ngừ đại dương bằng tay của ngư dân Bình Định hiện nay chủ yếu tại vùng biển Trường Sa. Vòng quay của những chuyến biển đang diễn ra rất nhanh, cập bờ bán sản phẩm là họ sắm tổn ra khơi ngay. Nếu bây giờ anh ra lại vùng biển Trường Sa, anh sẽ thấy hiện nay tại vùng biển này, hoạt động của ngư dân đông vui hơn bao giờ hết”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định nói.
Ngư dân Huỳnh Văn Hoàng ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 96289TS, phấn khởi: “Cuối năm 2011 vừa qua, tàu của tui hành nghề câu mực liên tục thua lỗ, hết nợ tiền xăng dầu đến nợ các chủ nậu. Số tiền nợ ngày càng chất chồng. Đầu năm 2012 đến nay, 3 chuyến đánh bắt đầu vụ kiếm được kha khá nhưng chưa đủ trả nợ thì xăng dầu liên tục tăng giá.

Tàu của tui có công suất 110 CV, mỗi chuyến đi biển ít nhất kéo dài 20 ngày, tốn khoảng 2.000 lít dầu, cộng với các loại phí tổn khác phải tốn gần 60 triệu đồng. Cuối vụ, cá ngừ không ăn câu, thu không đủ bù chi. Từ đầu đến nay dầu đã 2 lần tăng giá, mỗi lần gần 1.000đ/lít, tính sơ sơ cũng phải mất thêm hơn 4 triệu đồng nữa cho mỗi chuyến ra khơi so với năm trước. Cũng may bây giờ có được nghề mới câu cá ngừ bằng tay mang lại hiệu quả cao nên chúng tôi lại hồ hởi ra khơi bám biển”.


Tàu ngư dân đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa

Bên cạnh có thêm nghề mới, Bình Định là tỉnh làm rất tốt công tác hỗ trợ nhiên liệu, tạo thêm động lực cho ngư dân hăng hái, kiên trì bám biển. Trong năm 2011, tỉnh phê duyệt 1.597 hồ sơ với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 61,1 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ nhiên liệu 1.568 hồ sơ với số tiền hơn 60,3 tỷ đồng, hỗ trợ mua máy tàu 29 hồ sơ với số tiền 812 triệu đồng.

Đầu năm 2012 này, Bình Định đã phê duyệt đợt 1 153 hồ sơ, số tiền hỗ trợ về nhiên liệu là hơn 5,8 tỷ đồng. “Từ đầu năm đến nay, mặc dù nhiên liệu liên tục tăng giá và thời tiết bất thuận cho việc đánh bắt, nhưng nhờ ngư dân kiên trì bám biển nên sản lượng đạt được chẳng kém mấy so cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 15/4, tổng sản lượng hải sản các loại đánh bắt được là 40.500 tấn, trong đó có 1.774 tấn cá ngừ đại dương, đạt 90,1% so cùng kỳ năm trước”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định cho biết. Cũng theo bà Thi, trước bối cảnh khó khăn, ngư dân Bình Định hầu hết làm kiêm nghề. Vừa câu cá ngừ đại dương vừa làm nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa hoặc câu mực và nghề lưới rê. Khi ra khơi, tàu nào cũng mang theo 2 loại ngư cụ.

Trúng đậm cá lồ ồ và cá chù

Không chỉ thắng lớn cá ngừ đại dương của những ngư dân khai thác xa bờ, mấy ngày qua, hàng chục tàu thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định hành nghề lưới rút đánh bắt ven bờ cũng trúng đậm cá lồ ồ và cá chù. Theo các chủ tàu, mỗi thuyền đánh bắt nhiều lần trong ngày với sản lượng từ 500 kg đến 1 tấn cá/chuyến. Giá cá lồ ồ hiện đang ở mức 35.000 đồng/kg, cá chù là 42.000 đồng/kg, mỗi thuyền thu nhập hàng chục triệu đồng/chuyến. Thời vụ đánh bắt cá lồ ồ và cá chù kéo dài cho đến tháng 5 âm lịch.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm