| Hotline: 0983.970.780

Vươn lên từ nghịch cảnh nhà chồng bỏ rơi

Thứ Bảy 21/12/2019 , 14:25 (GMT+7)

Vợ chồng Huyền đã có hai mặt con với nhau. Một hôm chồng Huyền bảo với cô anh phải đi làm ăn xa, để rồi không bao giờ quay trở lại.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Nhà Huyền ở vùng ven thành phố Đà Lạt, với nghề canh tác quy mô nhỏ, cuộc sống của cô rất đạm bạc. Huyền mồ côi cha mẹ từ thuở bé, ban đầu cô sống nhờ họ hàng rồi về sau nhờ đi làm thuê dành dụm được ít vốn, cô ra riêng, mua ít khoảnh đất để canh tác, và nuôi gia súc. Rồi Huyền cũng xây được mái nhà tuềnh toàng, đủ để che nắng đụt mưa.

Cô chẳng giao thiệp quen biết được với mấy ai, ngoài những người trong xóm gần nhà. Huyền quen Phúc khi anh là nhân viên nông lâm đi công tác tại địa phương. Vẻ đẹp mặn mà của cô thôn nữ đã sớm làm xiêu lòng chàng trai. Một thời gian ngắn sau họ lấy nhau. Phúc chuyển về sống với vợ. Hai vợ chồng ở với nhau được ba năm và có hai con gái.

Trong thời gian này, Huyền vẫn chưa một lần được chồng dẫn về nhà ra mắt mẹ chồng. Một là cô chưa có kinh nghiệm sống, hai là cứ nghĩ đơn giản rằng có chồng ở bên cạnh đã hạnh phúc lắm rồi, cũng không để tâm tìm hiểu sâu xa. Lâu lâu Phúc xa gia đình mẹ con Huyền, mỗi lần như thế anh đều nói là đi công tác, và Huyền rất yên tâm, bởi vì cô vốn đã đặt hết niềm tin vào chồng.

Một hôm Phúc nói với vợ rằng anh bận công tác phải đi xa, nếu muốn tìm anh hãy về nhà bố mẹ anh ở thành phố Hồ Chí Minh. Rồi Phúc đi biền biệt không quay trở lại. Huyền gọi điện thoại cho anh nhưng thuê bao không liên lạc được. Đến chừng đó, cô mới cảm thấy lo lắng, bơ vơ, lẫn với cảm nhận mơ hồ về sự dại dột, khờ khạo của bản thân mình. Đặc biệt cô lo cho hai đứa con không có bố.

Hai năm trôi qua trong cảnh neo đơn, gia sản nghèo nàn, con mọn, lại không có tương lai, suy nghĩ chán rồi Huyền quyết định gom góp hết chút tiền bạc, khăn gói dẫn hai con vào thành phố tìm chồng. Đó là lần đầu tiên cô gái quê đi xa khỏi nơi cư ngụ của mình. Lặn lội đến quận 7, mẹ con Huyền tìm được nhà bố mẹ Phúc. Đến chừng đó Huyền mới ngỡ ngàng như thể bị gáo nước lạnh tạt vào mặt, cô không thể nào tin nổi khi chứng kiến thực tế Phúc đã lấy vợ khác và có một con trai nhỏ.

Phúc nhỏ nhẹ xoa dịu tâm lý đang bị xúc động mạnh của Huyền, anh giải thích rằng chỉ vì trong gia đình anh là con trai một. Lấy Huyền, cô không sinh được con trai, nên anh “cực chẳng đã” phải đi thêm bước nữa. Giữa Phúc và Huyền tuy hai người là vợ chồng với nhau, nhưng kỳ thực họ chỉ về ăn ở chung sống với nhau, không có đám cưới.

Hôn thú cũng không có, thậm chí con cái đẻ ra Phúc cũng không đi làm giấy khai sinh cho con. Có lẽ vì anh nghĩ các con đều là con gái, nên đã cố tình không làm khai sinh để sau này không chịu trách nhiệm đối với chúng chăng? Còn chuyện lấy vợ thứ hai, bỏ rơi Huyền, Phúc đổ hết lỗi cho bố mẹ anh.

Kể ra thì bố anh cũng còn chút ít ái ngại đối với con dâu cũ, chứ với bà Chính, mẹ của Phúc, bà ta nói thẳng ra rằng sẽ cho ba mẹ con Huyền một số tiền để cô quay về quê sinh sống, nuôi con, và hãy quên chồng đi.

Huyền trả lời với bà rằng cô không cần tiền, chỉ cần có chồng thôi, rồi cô dứt khoát quày quả ra đi cùng với hai con. Về phía gia đình bà Chính, họ cũng chỉ đợi có chừng đó. Thấy Huyền khờ khạo, lại không có ý làm khó cho Phúc, điều đó còn vượt quá sự mong mỏi của họ. Về phần Huyền, nghĩ đi nghĩ lại cô cũng không có đủ can đảm để trở về xóm cũ trong thân phận một người bị chồng bỏ, cô sợ bị mọi người biếm nhẽ, coi khinh. Nghĩ như thế nên thay vì về Lâm Đồng, Huyền ra Đà Nẵng tìm cách định cư và nuôi con.

Thế nhưng quanh đi quẩn lại cô chẳng biết làm thế nào để kiếm sống. Giữa lúc cùng đường, Huyền chợt nghĩ tới chuyện làm bánh cuốn nhân thịt để bán. Về nấu ăn, xưa nay Huyền chỉ mê và giỏi độc có một món bánh cuốn.

Thế là cô đi thuê nhà, ngày ngày ra vỉa hè mướn chỗ tráng bánh cuốn bán. Ban đầu chỉ tưởng sống vạ vật được là may. Không ngờ bánh cuốn nhân thịt Huyền bán ngày càng đông khách.

Đặc biệt các thực khách rất mê món nước mắm chấm do cô pha chế, người ta bảo rằng chưa thấy ở đâu có hàng bánh cuốn với nước mắm chấm ngon như của cô. Công việc buôn bán lần đầu tiên ra nghề vậy mà chẳng bao lâu phất lên thấy rõ, từ sáng đến tối, cửa hàng lúc nào cũng đông khách.

Chỉ hai năm sau, cô đã có đủ tiền mua nhà và bán hàng ngay tại nhà. Thêm hai năm nữa, cửa hàng bánh cuốn mang thương hiệu “Bánh Cuốn Cô Huyền” đã nổi tiếng khắp khu vực.

Bây giờ Huyền và hai con đã tậu được một ngôi nhà khang trang. Mấy năm sau, Phúc dò la biết được Huyền đang làm ăn giàu có, trong khi gia đình anh lâm vào cảnh khốn cùng. Phúc đến gặp Huyền với lý do để thăm hai con. Huyền cũng không chấp nhất, cô còn giúp cho anh một số tiền, nhưng cũng kể từ đó Phúc không còn tìm đến nhà vợ cũ nữa.

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?