| Hotline: 0983.970.780

Vườn mai “thôi chờ” tết

Thứ Ba 25/01/2011 , 10:14 (GMT+7)

Bao nhiêu công sức của các chủ vườn ở Thừa Thiên- Huế bỏ công chăm sóc mai cả năm trường giờ đành vô vọng khi cái rét kéo dài khiến mai nở chậm, búp mai “ngậm sương” chờ…nắng!

Bao nhiêu công sức của các chủ vườn ở Thừa Thiên- Huế bỏ công chăm sóc mai cả năm trường giờ đành vô vọng khi cái rét kéo dài khiến mai nở chậm, búp mai “ngậm sương” chờ…nắng!

“Khóc mai” vì rét

Khác với mọi năm, về phường Thủy Dương, thị xã Hương Thuỷ thời gian này làng mai vắng hoe, các chủ vườn cứ thấp thỏm ra vào, hết nhìn vườn mai lại nhìn lên chiếc tivi theo dõi thời tiết. Nhiều chủ vườn mai có kinh nghiệm “gia truyền” trong việc trồng mai vẫn thất bát do thời tiết năm nay thay đổi thất thường. Ra thăm vườn mai, ông Lê Quý Huề (tổ 5, phường Thủy Dương) buồn buồn: “Từ hơn một tuần nay, nhiều người tới xem mai rồi lắc đầu trở ra, chê mai “non” quá. Mặc dù theo kinh nghiệm tích cóp được mấy chục năm nay, tui đã trảy lá mai từ sớm nhưng vẫn không kịp vì trời rét kéo dài. Chưa năm mô mà người trồng mai thất bại như năm ni”.

Ông Huề trồng mai gần 30 chục năm nay, vườn hoàng mai hơn 300 gốc của ông vốn nức tiếng ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bởi có nhiều cây có thế đẹp, nở đúng dịp Tết. Thế nhưng, năm nay kể từ lúc trảy lá đã hơn 1 tháng rưỡi mà búp mai vẫn chưa rộ, ông Huề đành bó gối ngồi chờ…trời nắng. Theo ông Huề, những năm trước vào giai đoạn cao điểm có ngày ông bán được từ 10-15 chậu mai, lãi vài trăm triệu là chuyện thường. Cứ đến những ngày cận Tết, các DN, khách hàng không chỉ ở Huế mà cả Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng vào vườn mai chọn được cây ưng ý, ngã giá xong xuôi là cho xe chở thẳng về cơ quan.

Năm nay tính đến thời điểm này, ông cũng mới chỉ bán được vài chậu, chưa đủ tiền phân bón, công chăm sóc suốt cả một năm trường. “Thường thì vào thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, các chủ vườn đều “canh” thời tiết để trảy lá mai, năm nay thời tiết “đánh lừa” nên nhiều chủ vườn mai trảy lá sớm vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Nếu thời tiết cứ tiếp tục rét kéo dài như thế này thì vườn mai của tui có đến 80% nở hoa muộn”- ông Huề than thở.

Thị xã Hương Thủy là một trong những “vựa” mai lớn của tỉnh Thừa Thiên- Huế với khoảng hơn 60 hộ dân tham gia trồng mai. Vườn nhiều nhất có vài trăm chậu, ít thì cũng có vài chục chậu nhưng đa phần vườn mai đều nở muộn, các chủ vườn lỗ nặng. Năm nay thời tiết nghịch không chỉ làm các chủ vườn mai thất bát vì mai nở muộn mà còn khiến những người làm dịch vụ chăm sóc mai cho các DN, các cơ quan cũng “mất mùa”.

Anh Lê Huy Hoàng, một hộ trồng mai có tiếng ở tổ 16, phường Thủy Dương cho hay: “Năm nay tui nhận chăm sóc hơn chục cây mai Tết cho các DN với giá 1 triệu đồng/cây. Đến thời điểm này do mai không nở kịp, mình phải giữ uy tín nên đành lấy mai nhà thế vào cho họ, trong khi mình không có mai nở kịp Tết mà bán. Tính ra công chăm sóc, phân bón và các chi phí khác trong một năm trời giờ lỗ nặng”. Được biết, vườn mai anh Hoàng với 200 gốc hoàng mai cũng đang “ngậm sương” vì rét, không bán được.

Nỗ lực cứu mai

Theo những chủ vườn có kinh nghiệm trồng mai ở Huế thì rét năm nay kéo dài, khó lường trước, không chỉ làm mai nở muộn mà còn “chết yểu” khi chưa kịp bung nụ. Gia đình anh Hoàng trồng mai từ trước năm 1975, nhưng chưa có năm nào thấy vườn mai xơ xác như hôm nay. Anh bảo: “Thông thường, khi các nụ mai sắp bung ra, bóc lớp lụa bên ngoài thì khoảng từ 7-10 ngày thì mai sẽ nở. Thế nhưng năm nay do rét đậm, kéo dài, nụ mai chưa kịp bóc lớp lụa bên ngoài đã bị rét “cắn” cho khô quắt lại rồi rụng cuống. Hiện tại, không chỉ riêng vườn mai của tui mà nhiều hộ gia đình ở Thủy Dương cùng chung tình trạng này”.

 Để cứu mai, nhiều chủ vườn đã mang cây vào nhà, dùng túi nilon bịt kín, thắp nóng đèn tạo nhiệt giữ ấm cho mai; nếu để ngoài vườn thì phải dùng dù, lều bạt che chắn, thúc phân cho cây nở kịp trong dịp Tết. Các cách làm này sẽ làm cho cánh mai “nở ép” nên thường không đẹp, yếu hơn, mau rụng.

Không chỉ các chủ vườn mai ở ven thành phố Huế, thị xã Hương Thủy mất mùa mà có hàng trăm chủ vườn khác ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… cũng đang “méo mặt” vì thời tiết rét đậm kéo dài khiến gần 80% tỷ lệ mai nở muộn.
Nhìn chung, mặc dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều chủ vườn mai ở Huế vẫn vô vọng khi thời tiết vẫn không chiều lòng người. Nhưng với một số người có điều kiện như bà Lê Thị Chư, chủ vườn cây cảnh Mai Viên (số 119, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế) thì từ hơn nửa tháng trước bà đã kịp thời đưa 100 chậu mai vào Sài Gòn hóng… nắng, theo đó hy vọng mai sẽ nở kịp trong dịp Tết.

Bà Chư cho biết: “Chồng tui hồi trước giải phóng làm Hội trưởng Hội Cây cảnh của Huế nên ít nhiều tui cũng có vài chục năm kinh nghiệm trong việc trồng cây cảnh. Thời tiết năm nay ở Huế thật oái oăm, nắng vài tháng rồi rét đậm kéo dài cho đến giờ. Tui thấy nếu cứ để mai trong thời tiết ni thì đến Tết hơn 400 gốc hoàng mai, ngọc diệp của tui cũng chẳng nở được gốc nào. Mai được đưa vào Sài Gòn chỉ cần mười ngày, hoặc nửa tháng hóng nắng là nở đều ngay”.

Tuy nhiên, theo tính toán của bà Chư, mặc dù đưa mai vào Sài Gòn hóng nắng cho nở kịp Tết, nhưng với giá thành bán ra hiện nay, trừ chi phí vận chuyển, tiền phân, công chăm bón trong 15 ngày thì người trồng mai không còn lãi được bao nhiêu. “Mình làm để đảm bảo uy tín vì kinh doanh lâu dài thôi. Chứ thời tiết như thế này, dù cố gắng mọi cách thì cũng chỉ mong vớt lại vốn, đầu tư cho vườn mai năm sau thôi”- bà Chư nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất