| Hotline: 0983.970.780

Vườn trầu níu giữ hồn quê

Thứ Hai 04/02/2013 , 10:09 (GMT+7)

Thời xưa, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng có không ít người nhai trầu. Cho nên, đó là thời “hoàng kim” của trầu Long Sơn.

“Vào vườn hái quả cau xanh/Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu”. Từ ngàn xưa, trầu cau đã là một thứ không thể thiếu trong các dịp lễ tết, là biểu tượng của lòng chung thủy lứa đôi, là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Ngày nay, không còn nhiều người ăn trầu, khiến người ta có cảm giác trầu cau đang trở thành "cổ tích", dù những lá trầu chẳng mang lại giàu sang cho người trồng nó, nhưng vẫn còn đó những vườn trầu…

"Lụa Tân Châu, trầu Long Sơn"

Có lẽ, ở miền Tây, vườn trầu Long Sơn (địa danh cũ, sau khi tách xã, khu vực trồng trầu thuộc xã Long Hòa, nhưng lá trầu vẫn được gọi là trầu Long Sơn), huyện Phú Tân, An Giang là lâu đời nhất và nổi tiếng nhất.

Từ thị trấn Phú Mỹ, ngược lên đầu nguồn sông Hậu theo tỉnh lộ 954, đến địa phận xã Long Hòa đã thấy hai bên đường, những vườn trầu nối tiếp nhau, xen giữa những ruộng lúa xanh tươi đang dập dờn trong gió.

Lão nông dân Lâm Quang Hưng, năm nay ngót nghét 80 tuổi, một trong những người đã gắn cả đời với cây trầu, kể: “Trầu Long Sơn có hơn trăm năm tuổi rồi, nguồn gốc từ trầu Bà Ðiểm (Hóc Môn, TPHCM). Nhưng đem về đất này trồng, đã trở thành trầu Long Sơn nổi tiếng. Có lẽ, do thổ nhưỡng phù hợp nên trầu Long Sơn có màu vàng rất đẹp. Không chỉ thế, nó còn có mùi thơm, cay nồng rất đặc trưng mà trầu Bà Điểm không có. Nhiều người nói trầu Long Sơn ngon, có vị đặc biệt như vậy là bởi vì nó được bón phân tằm bên Tân Châu”.



Vườn trầu Long Sơn (xã Long Hòa, Phú Tân, An Giang)

Ông Hưng bảo, thời xưa, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng có không ít người nhai trầu. Cho nên, đó là thời “hoàng kim” của trầu Long Sơn. Hầu như địa phương nào ở miền Tây cũng biết tiếng. “Hồi đó trầu Long Sơn lên cả Sài Gòn, cạnh tranh với trầu Bà Ðiểm”, ông Hưng nói.

Anh Nguyễn Phú Trung (ấp Long Hòa 2), một trong những hộ trồng và chăm sóc trầu giỏi nhất xã, nói: “Tui có 2 công đất trồng trầu, trung bình 1 tháng thu hoạch 2 lần, mỗi công thu khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí xong, mỗi công còn lãi hơn triệu đồng. Không giàu nổi nhưng cũng tạm đủ sống”.

Nói về chăm sóc trầu, anh Trung bộc bạch: “Trầu là loại cây "nắng nó hổng ưa, mưa nó cũng hổng chịu", nên mùa khô phải giữ nước, mùa mưa lại phải khơi dòng, thoát nước cho nó, khá vất vả. Bây giờ có máy móc rồi, không còn phải tưới nước thủ công cực khổ như trước nữa”.

Những hộ gia đình trồng trầu chủ yếu tận dụng lao động trong gia đình, một số hộ trồng diện tích lớn lại ít nhân công, làm không xuể, phải thuê nhân công, nên giải quyết được việc làm cho một số lao động nhàn rỗi trong xóm, đặc biệt là trẻ em và người già. Hái trầu là công đoạn thu hoạch đầu tiên, thường do đàn ông, thanh niên làm.

Trẻ em thì học một buổi, một buổi về xách giỏ đi lượm trầu và xếp các "ốp" trầu để thương lái đến thu mua. Còn phụ nữ hoặc người già thì ở trong nhà xếp trầu thành "ốp" (một chục trầu gồm 20 lá trầu, một "ốp" là 12 chục trầu...). Tiền công của người đi lượm trầu bằng khoảng nửa tiền công của người xếp trầu, tiền công của người xếp trầu bằng khoảng nửa tiền công của người hái.

Trầu Long Sơn được tiêu thụ chủ yếu ở vùng Châu Ðốc, Tịnh Biên, Tri Tôn... ở An Giang, Cần Thơ, Ðồng Tháp và xuất sang Campuchia. Đặc biệt, đồng bào Khmer ở An Giang vẫn còn phổ biến tục ăn trầu, nên đây vẫn là thị trường tiêu thụ khá mạnh. Hiện nay, diện tích trầu ở Long Hòa đã bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn 18 vườn với diện tích khoảng gần 3 ha, nằm rải rác ở các ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2. Tuy nhiên, trồng trầu vẫn có đầu ra, vẫn tiêu thụ được. Thậm chí, thu nhập cao hơn cây lúa.

Những người thủy chung với trầu

Rời Long Hòa, chúng tôi ngược về xóm trầu Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Tuy không thơm ngon bằng trầu Long Sơn, nhưng vườn trầu ở Vị Thủy cũng có tuổi đời cả trăm năm và cũng nổi danh một thời khắp Nam kỳ Lục tỉnh.

Chúng tôi ghé thăm nhà bà Phan Thị Năm, ở ấp 5, người “trồng trầu buôn cau” từ thời con gái đến giờ. Năm nay đã gần cái tuổi bát tuần nhưng bà vẫn ngày ngày ra vườn chăm sóc vườn trầu trên 1.500 cọc. “Nhanh thật, mới đó mà đã hơn 60 năm ngoại thuỷ chung với trầu rồi”, vừa bỏm bẻm miếng trầu, bà Năm vừa nói.


Bà Năm (Vị Thủy, Hậu Giang) với những lá trầu vừa hái xuống

Bà bảo, nhờ trầu mà bà nuôi 4 người con khôn lớn, ổn định cuộc sống. Để rồi giờ đây, các con của bà cũng theo nghiệp mẹ tiếp tục gầy dựng nên những vườn trầu xanh mát. Vị Thuỷ hiện có gần 200 hộ dân chuyên trồng trầu với tổng diện tích trên 30 ha. Người nhiều nhất có trên 4.000 cọc trầu, người ít nhất cũng 400 cọc. Bình quân mỗi tháng thu hoạch từ 2 - 3 đợt. Với giá 1.600 - 2.000 đồng/ốp (mỗi ốp 40 lá trầu). Các dịp lễ tết, giá “đội” lên đến 5.000 đồng/ốp.

"Khoảng 60% hộ trồng trầu có đời sống khá, số còn lại ở mức trung bình. Chúng tôi đang đề xuất các ngành chức năng xem xét quy hoạch lại vườn trầu Vị Thủy, vừa giúp người dân đẩy mạnh sản xuất tăng thu nhập, giữ nét văn hóa, kết hợp du lịch, đờn ca tài tử”, Ông Lê Hoàng Tiến, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao huyện Vị Thủy.

Như vậy, tuy trầu đang giảm diện tích nhưng vẫn đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Và, hầu hết những người đang gắn bó với cây trầu đều bám nghề. “Trầu là lộc nên dù có ít người ăn trầu, thị trường, giá cả có thăng trầm, tui vẫn không muốn bỏ nó đâu. Buồn lắm. Tui bảo con cháu phải giữ”, bà Phan Thị Năm khẳng định.

Hiện tại xã Vị Thủy có khoảng 5 lái trầu thường xuyên thu gom trầu mang đi tiêu thụ ở khắp nơi trong ngoài tỉnh và cả xuất ngoại. Dù người ăn trầu đang giảm dần nhưng trầu cau vẫn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Cho nên, người trồng trầu vẫn sống được, những vườn trầu sẽ vẫn sống.

Chị Nguyễn Thị Lan, một lái trầu ở vùng Vị Thủy, cho biết: Do chỉ còn lại vài vườn trầu ở miền Tây nên mặt hàng này trở nên hiếm. Có bao nhiêu trầu lá chị thu mua hết. Theo chị Lan, vùng Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) trầu lá tiêu thụ khá mạnh vì người dân dùng để cúng bái trong các dịp lễ hội ở vùng Bảy Núi…

Thật khó tưởng tượng nổi nếu trong một lễ cưới hỏi, một buổi lên viếng chùa lại thiếu đi một lá trầu, quả cau. Và, sẽ tiếc lắm thay, nếu mai này, không còn thấy hình ảnh những cụ già miệng bỏm bẻm nhai trầu!

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất