| Hotline: 0983.970.780

Vướng phân cấp quản lý

Thứ Năm 21/03/2013 , 09:57 (GMT+7)

Ngày 19/3, tại Bến Tre, Bộ NN-PTNT đã tổ chức tổng kết mô hình thí điểm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hình thức cấp thẻ học nghề tại hai tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre.

* Hạn chế cơ chế "xin - cho"

Ngày 19/3, tại Bến Tre, Bộ NN-PTNT đã tổ chức tổng kết mô hình thí điểm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) theo hình thức cấp thẻ học nghề tại hai tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre.

Kết quả khả quan

Ông Phạm Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) cho biết: Sau 2 năm đã có 8.935 người học nghề nông nghiệp theo hình thức thẻ, trong đó thẻ màu đỏ cấp cho 3.506 người, thẻ màu xanh cấp cho 416 người, thẻ màu vàng cho 5.013 người.

Đào tạo nghề nông nghiệp theo hình thức cấp thẻ là một hình thức đào tạo mới ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề có thêm sự lựa chọn nghề học phù hợp với thực tế và lựa chọn nghề đào tạo chất lượng. Ngoài ra, hình thức này còn có tác dụng thúc đẩy sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề giữa các cơ sở dạy nghề.

Các cơ sở dạy nghề có chất lượng thu hút được nhiều người học, tạo ra được cơ chế thị trường bình đẳng trong dạy nghề, hạn chế cơ chế "xin - cho", khuyến khích cơ sở dạy nghề nâng cao chất lượng đào tạo và các dịch vụ liên quan.

Việc tổ chức học nghề từng bước được gắn với kế hoạch phát triển SX của từng địa phương và của từng hộ gia đình nên hiệu quả đào tạo cao hơn, tỷ lệ người được áp dụng kiến thức học vào công việc ngay trong thời gian học và sau kết khóa học, hạn chế được lãng phí đào tạo.

Ông Trần Vinh Thịnh ở ấp Bình An, xã Châu Bình (Giồng Trôm, Bến Tre) nói: "Nhờ được tiếp cận chủ trương học nghề qua thẻ nên tôi đã học được nghề chăn nuôi gà sinh học tại Trung tâm Dạy nghề huyện Giồng Trôm. Sau khóa học tôi về ứng dụng các kiến thực đã học vào SX đạt được kết quả rất khả quan. Ban đầu về áp dụng các kiến thực đã học nuôi thử nghiệm nuôi 100 con gà, sau mấy tháng nuôi thắng lớn. Thành công vụ đầu, sau đó tăng đàn lên 1.500 con gà theo mô hình sinh học.

Từ ngày được cấp thẻ học nghề nuôi gà an toàn sinh học, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định. Cụ thể mỗi con gà sau khi trừ chi phí thu lãi 30.000 đồng, tổng lãi mỗi đợt nuôi gà là 45 triệu đồng. Tôi đã mạnh dạn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2013 để nhà nước giúp đỡ cho những hộ nghèo khác được học nghề".


Những lao động ở Bến Tre được học nghề qua thẻ đã hái ra tiền từ nghề đan ghế

Bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre nói: "Chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cũng như nguyện vọng của người dân. Có các chính sách hỗ trợ hợp lý cho LĐNT tham gia học nghề, từng bước đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp nhằm ổn định và phát triển kinh tế nông hộ".

Hạn chế

Bên cạnh kết quả nhất định thì vẫn còn một số hạn chế cần nhìn nhận, đánh giá khách quan và có những điều chỉnh phù hợp trước khi triển khai nhân rộng mà lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa.

Ông Phạm Hùng cho rằng Thông tư số 66/2010 chưa rõ ràng và cụ thể trong việc phân cấp quản lý thực hiện, cụ thể là UBND huyện. Trên thực tế, đây là cấp quan trọng nhất trong việc tổ chức thực hiện dạy nghề. Mặt khác, thông tư hướng dẫn, quản lý, phát hành và sử dụng thí điểm thẻ không quy định việc tạm ứng kinh phí triển khai thực hiện gây khó khăn cho cơ sở dạy nghề trong quá trình tổ chức lớp học.

Thủ tục cấp thẻ học nghề phức tạp nên thời gian tổ chức các lớp dạy nghề kéo dài, học viên phải chờ đợi, dẫn đến có sự biến động về số lượng tham gia học. Mặt khác, thời gian học nghề thuộc nhóm trồng trọt và chăn nuôi dài vì phải phụ thuộc vào quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Do vậy, việc dạy nghề không thể diễn ra thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng đến tâm lý và thời gian thực hiện của các cơ sở dạy nghề và người học nghề.

Sau 2 hai năm thực hiện, tổng kinh phí thực hiện thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp theo hình thức cấp thẻ học nghề tại 2 tỉnh là 16 tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa 12 tỷ, Bến Tre 4 tỷ, đã giúp 8.935 học viên là nông dân nghèo học được nghề để cải thiện cuộc sống.

Còn thiếu các danh mục nghề, chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp… trên địa bàn một xã, số người đăng ký học nhiều nghề khác nhau, nhiều cơ sở khác nhau đã gây khó khăn trong tổ chức lớp học. Tuy vậy, đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT theo hình thức cấp thẻ học nghề là một phương thức đào tạo nghề có nhiều ưu điểm.

Để có thể triển khai nhân rộng mô hình ông Hùng đề nghị giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn liên quan tới việc đào tạo nghề theo hình thức cấp thẻ học nghề để nhân rộng. Chỉ đạo các Bộ, ngành tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển SXNN của địa phương, quy hoạch nông thôn mới ở cấp xã; công tác tư vấn nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho LĐNT tham gia học nghề...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa nói: Mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT theo hình thức cấp thẻ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân các tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre. Đây là một chương trình quan trọng trong “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đang làm thí điểm nên có nhiều điểm về chính sách cần được sớm hoàn thiện để việc triển khai nhân rộng hiệu quả hơn.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.