| Hotline: 0983.970.780

Vượt gian khó, giành thắng lợi

Thứ Ba 02/11/2010 , 09:41 (GMT+7)

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng về những thành tựu của ngành nông nghiệp các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đạt được trong năm nay...

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng về những thành tựu của ngành nông nghiệp các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đạt được trong năm nay tại Hội nghị sơ kết SX lúa năm 2010 và triển khai vụ ĐX 2010-2011 diễn ra tại Bình Định ngày 1/11/2010.

Bước vào vụ ĐX 2009-2010, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Sau 2 cơn lũ lịch sử xảy ra vào đầu tháng 10 và tháng 11/2010, nhiều diện tích đất lúa, hoa màu, bờ vùng bờ thửa bị sa bồi thủy phá nặng nề, các loại hạt giống thiếu nghiêm trọng. Khắc phục được những thiệt hại trên để bước vào sản xuất đã mướt mồ hôi.

Đến giữa vụ thì hiện tượng El-Nino hoành hành, suốt nhiều tháng liền không một giọt mưa, nắng nóng kéo dài. Riêng ở Quảng Nam mực nước trên các sông xuống cực thấp, mặn xâm lấn đồng ruộng. Một số địa phương vùng hạ lưu Quảng Nam như Duy Xuyên, Điện Bàn xảy ra hạn cục bộ, ngành nông nghiệp đã phải tổ chức chống hạn ngay từ giữa vụ ĐX- điều từ xưa nay chưa từng xảy ra.

Tình hình nắng nóng kéo dài đến vụ hè thu, hạn hán gay gắt ngay từ đầu vụ. Đến cả tiết Tiểu mãn vẫn chẳng có giọt mưa nào. Mãi đến tháng 6 mưa mới bắt đầu xuất hiện nhưng lượng mưa chẳng là bao, như muối bỏ bể. Giữa tháng 6 và tháng 7 hạn càng hung hăng hơn. Lúa vụ hè sớm ở Bình Định khát nước ngay trong thời kỳ trỗ, vào chắc thiệt hại đến hàng ngàn ha. Lúa hè thu chính vụ ở nhiều vùng trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ không có nước để gieo sạ.

Nguy hiểm nhất là nhiều hồ, đập trong khu vực mất khả năng cung ứng nước, gần 50.000 ha lúa, màu trong khu vực ngắc ngoải trong hạn hán kéo dài. Các địa phương phải vắt từng giọt nước để cứu lúa. Cũng may, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 thì mưa về, tuy lượng mưa thấp nhưng cũng giải được hạn cho lúa hè thu tại vài ba địa phương.

Dù khó khăn là vậy nhưng theo thống kê của Cục Trồng trọt, cả năm 2010 toàn khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đã gieo trồng được 380.939 ha, tuy có giảm so với năm 2009 là 2.860 ha nhưng năng suất bình quân ước đạt gần 54,2 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng ước đạt gần 2,07 triệu tấn, cao hơn năm 2009 trên 100.000 tấn.

Riêng vụ ĐX 2009-2010, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, tuy khó khăn tứ bề nhưng toàn vùng gieo sạ được 176.472 ha, tăng hơn vụ ĐX năm trước 1.672 ha. Năng suất bình quân đạt 58,2 tạ/ha, tăng hơn vụ ĐX năm trước 1,6 tạ/ha; sản lượng lúa đạt hơn 1 triệu tấn, tăng hơn 38.000 tấn so cùng kỳ.

Về vụ hè thu năm 2010, do hạn hán kéo dài, thiếu nước SX nên chỉ gieo trồng được 161.622 ha, giảm so vụ hè thu năm trước gần 28.000 ha. Nhờ nỗ lực chống hạn cứu lúa trong mọi điều kiện nên các địa phương trong khu vực đều vượt được hạn, năng suất và sản lượng các vùng lúa đều đạt ngoài mong đợi. Năng suất bình quân toàn vùng ước đạt 54,6 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha so năm trước; sản lượng ước đạt gần 883.000 tấn, tăng 35.000 tấn.

 Tính toàn năm, so các địa phương trong khu vực, Phú Yên là tỉnh đạt năng suất bình quân cao nhất: vụ ĐX 67,4 tạ/ha, vụ hè thu 64 tạ/ha. Các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... năng suất cả 2 vụ đều đạt khá, vượt xa so năm 2009.

Hiện tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại miền Trung. Các địa phương đang căng như dây đàn chuẩn bị tinh thần đối phó với mưa lũ, nhất là giải pháp SX vụ đông xuân 2010-2011 với những khó khăn được dự báo trước.

Xâu chuỗi tình hình SX trong 5 năm qua của Cục Trồng trọt, tại các địa phương từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ năm 2006 đến 2009 lượng mưa bình quân trong tháng 12 có chiều hướng giảm so giai đoạn 2002-2005. Ngược lại, lượng mưa bình quân trong tháng 1 tăng mạnh. Do vậy, trong nhiều năm qua, vụ ĐX ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên luôn bị những cơn lũ muộn làm mất giống.

 Cuối vụ, từ năm 2006-2009 lượng mưa tăng gấp 2 lần so giai đoạn 2002-2005, nền nhiệt độ cao dần, số giờ nắng tăng, thường xuất hiện sương mù, lượng mưa tăng kết hợp ẩm độ không khí cao vào ban đêm, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao hơn những tháng trước đó là môi trường để rầy nâu phát triển diện rộng.

Theo kế hoạch, vụ ĐX 2020-2011, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ sẽ SX 175.573 ha lúa, năng suất đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng đạt 1.026.600 tấn. Để đạt được kế hoạch trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Để tránh lũ muộn đầu mùa, các địa phương cần bố trí lịch thời vụ sao cho lúa trỗ sau ngày 10/3; thời gian gieo sạ phải tập trung thực hiện trong vòng 7 ngày, không được kéo dài.

Đặc biệt, ưu tiên sử dụng các giống cực ngắn ngày (không quá 110 ngày). Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV kinh doanh trên thị trường. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả hàng kém chất chất lượng gây thiệt hại cho nông dân. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh triển khai mô hình SX tiên tiến, áp dụng giống mới năng suất cao nhất là các giống lúa lai, giống chất lượng có triển vọng. Khuyến cáo mạnh các biện pháp kỹ thuật 3 tăng 3 giảm”.

Trong khi đó, điều kiện SX của các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ chẳng mấy thuận lợi, địa hình không bằng phẳng, đất đai đa dạng tạo nên sự khác biệt về lý-hóa tính đất trên từng cánh đồng và tạo nên nhiều tiểu vùng sinh thái đan xen nhau. Mặt khác, đây là vùng đất chật người đông hình thành những khoảnh ruộng manh mún, chỉ khoảng từ 1.000-1.500m2/hộ nên hạn chế trong đầu tư thâm canh.

Từ thực trạng trên, để tiếp tục giành thắng lợi trong SX lúa năm 2011, Cục Trồng trọt đã yêu cầu các địa phương cần quy hoạch ổn định các vùng SX lúa gồm: Những vùng chủ động nước tưới cần chuyển SX từ 3 vụ sang 2 vụ/năm, đầu tư thâm canh cao để tăng hiệu quả SX; những vùng cao thường xảy ra khô hạn nên tổ chức SX 2 vụ lúa 1 vụ màu; vùng trũng dễ bị ngập úng chỉ SX 2 vụ lúa. Đặc biệt, ngành nông nghiệp các tỉnh cần quan tâm đến giải pháp tưới cho vùng cao và tiêu úng cho vùng trũng.

Như đã nói, trăn trở lớn nhất của ngành nông nghiệp trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ là trong những vụ đông xuân gần đây thường xuyên bị lũ muộn làm trôi mất giống. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh đều bị thiếu hụt nguồn giống dự trữ, mỗi khi lâm cảnh như vậy là cứ phải chạy xin nguồn giống hỗ trợ của TƯ. Tuy nhiên, do đò giang cách trở nên thường là nguồn giống hỗ trợ của TƯ về không kịp cho nông dân khôi phục SX, họ phải lấy cả lúa thịt để làm giống cho kịp thời vụ. Lúa hỗ trợ của TƯ về chỉ còn kịp sử dụng được cho vụ hè thu, mà như thế là sai.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân - Phó phòng Trồng trọt thuộc Sở NN-PTNT Bình Định ao ước: “Giá như tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, vùng thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh hoành hành có 1 kho dự trữ quốc gia về giống lúa và thuốc BVTV thì ngành nông nghiệp chúng tôi sẽ được nhờ biết bao. Sau những bận thiên tai, chúng tôi không còn phải chạy như gà mắc tóc”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.