| Hotline: 0983.970.780

Vượt khó

Thứ Ba 20/11/2012 , 10:58 (GMT+7)

HTX Tiểu thủ công nghiệp xã Tân Thọ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động trong xã và các xã lân cận.

Sau 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, với sự nhạy bén, năng động và quyết đoán trong cách làm, HTX Tiểu thủ công nghiệp xã Tân Thọ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động trong xã và các xã lân cận.

Cái khó ló cái khôn

Năm 2008, huyện Nông Cống ban hành Nghị quyết số 82/2008/NQ-HĐND về cơ chế chính sách hỗ trợ học nghề. Do cơ chế đi học không phải đóng học phí, nguyên liệu do DN tài trợ, lại được hỗ trợ tiền, đã thu hút được một bộ phận chị em xã Tân Thọ theo học. Dần dà, khi đã thạo nghề, sản phẩm làm ra tiêu thụ hết, ngày công lao động được nâng lên; rồi người nọ rỉ tai người kia, SX TTCN đã thu hút hàng trăm lao động trong xã.

Được sự động viên của chính quyền, đầu năm 2010 chị Nguyễn Thị Thắm, hội viên Hội Phụ nữ xã mạnh dạn vận động một số chị em cùng đứng ra thành lập HTX TTCN xã Tân Thọ.

Thiếu vốn; yếu kinh nghiệm tổ chức, quản lý; không có đất xây dựng nhà xưởng, kho bãi … là những khó khăn tưởng chừng chị Thắm và những chị em tâm huyết xây dựng HTX không thể vượt qua. Vừa làm, chị em vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Bản thân chị Thắm đã có những cách làm sáng tạo, độc đáo.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Thắm thành thật: “Có nhiều khó khăn, cũng nản lắm, thậm chí thấy ân hận. Nhưng đã “đâm lao phải theo lao”. Vậy là phải gồng mình lên để xoay sở. Trừ những khóa học nhận được sự hỗ trợ theo Quyết định 1956 của Chính phủ, hoặc theo Đề án 309 của huyện; để chủ động trong đào tạo nghề và chuyển đổi, đa dạng mẫu mã, tôi cùng chị em tự tổ chức đi các tỉnh ngoài để học”.


Sản phẩm TTCN của HTX TTCN Tân Thọ

Sự học của HTX TTCN cũng lắm gian nan. Người ta đi học chỉ từng công đoạn, từng việc. Nhưng để tiết kiệm thời gian, kinh phí, chị Thắm và chị em trong HTX phải học tất tần tật, từ cách thức tổ chức lao động, quy trình SX, lựa chọn nguyên liệu, hóa chất, cách pha chế hóa chất, bảo quản nguyên liệu cho đến sản phẩm, phương pháp đào tạo nghề…

Để thu hút lao động, HTX trích một phần lợi nhuận thu được mua nguyên vật liệu, chị em giỏi nghề trong HTX dạy miễn phí cho lao động. HTX còn trích tiền hỗ trợ người lao động khi học chuyển đổi mẫu hàng. Kinh nghiệm SX hàng TTCN cho thấy, nếu chỉ thành thạo ở một mẫu sản phẩm, nếu DN không duy trì được đơn hàng theo mẫu đó thì việc chuyển đổi sang mẫu khác là rất khó khăn. Bởi vậy, HTX không cố định ở một mẫu sản phẩm nào mà luôn chủ động đào tạo người lao động nhiều mẫu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.

Tiếng lành đồn xa, nhiều DN trong và ngoài tỉnh đã tìm đến HTX để đặt hàng. Có những đơn hàng lên đến 400 - 500 triệu đồng, mà thời gian thực hiện chỉ trong vòng 1 tháng. Lấy tiền đâu để SX? Vậy là lại phải vắt tay lên trán suy nghĩ.

Chị Thắm nghĩ lại: “Không phải “cái khó bó cái khôn”, đúng hơn là “cái khó ló cái khôn”. HTX đã thương lượng để đối tác chấp nhận những điều khoản mà HTX đưa ra. Đó là sau khi ký hợp đồng, đối tác phải cho HTX ứng trước 30 - 40% giá trị toàn bộ đơn hàng. Thời gian giao nhận hàng và thanh toán làm 3 đợt. Cứ xong mỗi đợt phải thanh toán hết giá trị hàng lần đó mới SX tiếp. Như vậy, vấn đề kinh phí hoàn toàn được giải quyết”.

Nhận thấy nếu cứ làm hàng xuất khẩu thì bị phụ thuộc hoàn toàn vào DN, dễ gặp rủi ro; chị Thắm và các chị em đã chủ động tìm mẫu sản phẩm và đối tác trong nước có nhu cầu để SX hàng tiêu thụ nội địa. Bước đầu HTX thành công trong việc SX giỏ tích. Sản phẩm này từ khâu đan đến trang trí hoa văn, phun sơn hoàn thiện đều do HTX đảm nhiệm. Vì vậy, lợi nhuận từ sản phẩm cũng được nâng lên. HTX đang đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2012, phải đạt 200 chiếc/ngày.

Khó khăn cần tháo gỡ

"HTX đã chủ động trong tổ chức đào tạo nghề, hiện đang trích một phần lợi nhuận từ sản phẩm, chi phí cho mở rộng đào tạo nghề cho chị em các xã lân cận. Số lao động của địa phương khác được HTX truyền nghề lên đến hàng trăm người. HTX đảm bảo đầy đủ thủ tục, điều kiện dạy nghề theo Quyết định 1956. Vì vậy, trong thời gian tới, HTX mong muốn được tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình này”, chị Thắm chia sẻ.

Hỏi chuyện người phụ nữ đang ngồi hoàn thiện giỏ tích, được biết chị là Lường Thị Bằng. Chị Bằng tham gia vào HTX từ những ngày đầu thành lập, là một trong số hàng chục chị em giỏi tay nghề. “Nếu hàng đẹp, người lao động được trả 70.000/sản phẩm giỏ tích. Nếu làm công nhật, được HTX trả lương 65.000 - 70.000 đồng/ngày. Chị em chúng tôi đa số thuộc gia đình hộ nghèo, làm ruộng không đủ sống. May có nghề TTCN này mà có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cho con cái ăn học…”, chị Bằng chia sẻ.

Khi nghe nguyện vọng của chúng tôi được đi tham quan xưởng SX, kho tập kết nguyên liệu cũng như bảo quản sản phẩm của HTX, chị Thắm chùng giọng, buồn buồn: “Làm gì có đâu cô. Nhà tôi, nơi chúng ta đang ngồi đây, là “3 trong 1”, vừa là trụ sở HTX, là nơi SX, cũng là kho chứa. Ngoài ra, HTX mượn tạm tại phòng thu thuế cũ của huyện để chứa nguyên liệu, chật chội và bất tiện lắm.

Còn việc SX, chủ yếu chị em đưa về nhà làm. Sản phẩm cũng gửi ở gia đình họ, đến ngày giao hàng mới đi gom về. Cũng bởi không có địa điểm để tập trung SX, không tạo được phong trào thi đua trong lao động nên hiệu quả chưa cao, ngày công lao động đạt thấp. Nguyện vọng của HTX là được huyện, xã tạo điều kiện cho thuê, mượn đất để xây dựng…".

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.