| Hotline: 0983.970.780

Vượt lên trong gian khó

Thứ Tư 09/01/2013 , 08:51 (GMT+7)

Ngày 30/12/1992 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số: 373/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm Giống và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Lào Cai.

Lào Cai được Bộ Nông nghiệp-PTNT qui hoạch là vùng nhân dòng giống lúa bố mẹ với qui mô 60 ha, vùng sản xuất hạt giống lúa lai với qui mô 500 ha nhằm đáp ứng nhu cầu giống lúa lai cho Việt Nam. Trung tâm Giống NLN Lào Cai đang phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất và nhân giống lúa lai nằm trong tốp đầu của cả nước…

Năm 1991 tỉnh Lào Cai được tái lập, trong bộn bề khó khăn của một tỉnh miền núi, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh biên giới. Ngành nông nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn: Sản xuất nông nghiệp chưa phát triển; các tiến bộ khoa học chưa được áp dụng rộng rãi…Hai loại cây trồng chính là lúa và ngô chủ yếu sử dụng giống địa phương, hệ thống khuyến nông chưa ra đời, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở cơ sở ít. Vì vậy, sản xuất kém phát triển, hiệu quả còn thấp.

Để đẩy nhanh việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là tiến bộ khoa học giống, ngày 30/12/1992 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số: 373/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm Giống và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Lào Cai, ngày đầu thành lập Trung tâm khi đó chỉ có 7 cán bộ.

Với đội ngũ cán bộ như vậy đủ thấy sự khó khăn biết nhường nào trước những nhiệm vụ mà tỉnh giao phó. Mặc dù vậy, Trung tâm xác định phương châm: Vừa xây dựng đội ngũ cán bộ KHKT, vừa xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Năm 1993, khởi đầu cho công tác nghiên cứu khoa học với đề tài “Khảo nghiệm khả năng sinh trưởng, sinh sản cho sữa đàn dê F1, F2 lai tạo từ dê đực nhập nội Trung Quốc” và tổ chức nhân giống lúa thuần chất lượng, năng suất cao, kết quả thu được hơn 10 tấn giống lúa CR203 nguyên chủng…


Giống lê VH6 trồng tại Bắc Hà

Kế thừa thành công việc di thực giống mận Tam Hoa của Trại Rau quả Bắc Hà, Trung tâm đã tổ chức bình tuyển và nhân giống mận Tam Hoa phục vụ yêu cầu phát triển cây đặc sản ôn đới. Từ vườn mận đầu dòng, hàng năm Trung tâm nhân giống và cung ứng cho nông dân trong tỉnh và một số tỉnh bạn từ 30.000 đến 50.000 cây giống. Góp phần đưa vùng mận Tam Hoa Bắc Hà trở thành vùng cây đặc sản nổi tiếng khu vực miền núi phía Bắc.

Sau một thời gian hoạt động, hướng đi của Trung tâm đã cơ bản được hoạch định, ngày 23/4/1996 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 48/QĐ-UB Trung tâm được đổi tên là: Trung tâm Giống Nông Lâm nghiệp Lào Cai. Trung tâm đã bám sát các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XI trong lĩnh vực nông nghiệp, bắt đầu tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất giống, do đó đã đạt được một số kết quả:

Sản xuất và cung ứng giống ngô lai: Hợp tác với Viện Nghiên cứu Ngô và Cty CP Giống cây trồng miền Nam sản xuất hạt lai F1 đối với giống ngô lai LVN10 và giống P11, P60. Mỗi năm sản xuất trên 20 ha, cung ứng được 70 đến 80 tấn ngô giống.

Sản xuất giống lúa lai: Trung tâm xây dựng và thực hiện đề tài khoa học: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 ở Lào Cai”. Đây là đề tài vô cùng mới mẻ mà Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc tham gia nghiên cứu. Mặc dù năng suất hạt lai F1 chưa cao, nhưng cán bộ kỹ thuật được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất hạt giống lai tiên tiến nhất, đó chính là viên gạch đầu tiên khởi đầu cho sự nghiệp phát triển lúa lai của Trung tâm sau này.

Sản xuất và nhân giống cây ăn quả ôn đới: Với lợi thế về đất đai và các tiểu vùng khí hậu núi cao Trung tâm đã khảo nghiệm thành công giống đào Pháp Đ1, Đ2, đồng thời liên kết với Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện BVTV khảo nghiệm các giống đào, mận có nguồn gốc từ Úc, giống hồng giòn Fuju và Jyzo. Hợp tác với Viện Bảo vệ thực vật và Viện ACIARD của Úc để khảo nghiệm các giống cây ăn quả tại Bắc Hà. Trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Vùng Aquitaine - Cộng hòa Pháp, hai bên đã thực nghiệm trên 20 giống nho, 4 giống mận, 8 giống đào, 2 giống lê, 2 giống Kiwi tại 2 vùng sinh thái Sa Pa và Bắc Hà. Việc Trung tâm khảo nghiệm thành công giống lê VH6 có nguồn gốc Đài Loan đã mở ra hướng đi mới cho nhiều địa phương có độ cao trên 600m. Hiện Trung tâm tiếp tục mở rộng kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa tạo tán theo công nghệ Đài Loan, Nhật Bản để tăng năng suất và “Việt hoá” giống lê VH6.

Về lĩnh vực công nghệ sinh học: Trung tâm được đầu tư và chuyển giao kỹ thuật vận hành dây chuyền nuôi cấy mô tế bào thực vật. Bước đầu đã ứng dụng nhân giống thành công bằng nuôi cấy mô đưa ra sản xuất một số giống chuối, mía và cây cảnh. Ngoài ra Trung tâm nhân giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn các loại, khởi đầu cho nghề trồng nấm ở Lào Cai.

Để sản xuất hạt giống lúa lai, vấn đề cốt lõi nhất là đảm bảo nguồn giống lúa bố, mẹ. Trước đây hạt giống lúa bố mẹ phụ thuộc cơ bản vào việc nhập khẩu, không ổn định. Do đó, Trung tâm đã đầu tư vào việc duy trì và nhân giống bố mẹ đối với các dòng hiện có như BoA, Nhị 32A... Sau đó thông qua hợp tác, mua bản quyền, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trung tâm đã duy trì được nguồn vật liệu khởi đầu hoàn toàn mới như dòng mẹ 103s, 136A, 137A, hoàn thiện được công nghệ chọn tạo giống lúa, nên đã đưa sự nghiệp phát triển lúa lai của Trung tâm lên một bước tiến mới. Sự ra đời của các giống lúa lai ba dòng LC25; hai giống lúa lai hai dòng LC212 và LC270, nhiều địa phương đã sử dụng các giống lúa này năng suất đạt từ 7-8 tấn/ha. Trung tâm sẽ cho ra đời một loạt các giống lúa lai ba dòng: Tân Việt Hương 135, Tân Việt Hương 136, Tân Việt Huơng 137 hoàn toàn mới có chất lượng gạo ngon. Đó là những giống lúa lai mang thương hiệu Lào Cai, đã minh chứng cho các bước đi của Trung tâm là đúng đắn và sáng tạo.

Thực hiện cơ chế khoán trong SX hạt giống đã tạo bước đột phá về năng suất, năm 2009 với diện tích 127 ha, sản lượng 258,2 tấn; Năm 2010, tổ chức sản xuất 192 ha, sản lượng đạt 352 tấn; Năm 2011 sản xuất 188 ha, sản lượng 444 tấn; Năm 2012 sản xuất 286,4 ha, sản lượng 606,5 tấn. Từ chỗ chỉ sản xuất một giống lúa không có bản quyền với diện tích vài chục ha, nay đã nâng lên hàng trăm ha với 4 giống chủ lực và có bản quyền, năng suất đạt trên 3 tấn/ha, đảm bảo sản xuất 60% nhu cầu giống của Lào Cai, đồng thời hợp tác để mở rộng SX cung ứng cho nông dân 28 tỉnh, thành của miền Bắc.

Từ chỗ chỉ có 7 cán bộ, hiện Trung tâm có 61 cán bộ công nhân viên chức, trong đó có 6 Thạc sỹ; 3 đang theo học Thạc sỹ; 45 kỹ sư và 7 cán bộ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về chọn tạo, sản xuất giống lúa, khoai tây, cây ăn quả ôn đới và nhiều chuyên ngành khác. Từ chỗ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu thốn, đến nay Trung tâm đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu về giống cây trồng của nông dân trong và ngoài tỉnh.

Mặc dù đội ngũ cán bộ KHKT còn khá khiêm tốn, nhưng với 4 giống cây trồng mới: Giống lúa lai ba dòng LC25; hai giống lúa lai hai dòng LC212, LC270 và 1 giống cây ăn quả ôn đới VH6 được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận, Trung tâm vừa được trao tặng giải thưởng bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất cho giống lúa lai ba dòng LC25 là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ Trung tâm Giống NLN Lào Cai.


Thạc sĩ Dương Đức Huy trao đổi với chuyên gia TQ về giống lúa LC25

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, Trung tâm Giống NLN Lào Cai đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Để có được kết quả đó, trước hết là sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương, sự nỗ lực phấn đấu hết mình của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ của Trung tâm qua các thời kỳ, sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp-PTNT, các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà khoa học, sự cộng tác của các Trung tâm, công ty giống… đặc biệt là sự tin cậy của bà con nông dân trên các vùng miền đã sử dụng những sản phẩm của Trung tâm. Đó là sự khích lệ để Trung tâm giống NLN Lào Cai vượt qua mọi khó khăn và vượt lên chính mình đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Lào Cai và cả nước. 

(*): Tác giả hiện là PGĐ Sở NN-PTNT, GĐ Trung tâm Giống NLN Lào Cai

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm