| Hotline: 0983.970.780

WB: VN không có thành tố của khủng hoảng tài chính

Thứ Ba 03/06/2008 , 10:59 (GMT+7)

Trước thềm hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ CG 2008, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại VN, ông Martin Rama cho rằng, VN không có thành tố của một khủng hoảng tài chính như Thái Lan năm 1997. Chính phủ cần trao đổi, giải thích chính sách để tái thiết lòng tin.

Vấn đề lòng tin được ông Martin Rama nhắc đi nhắc lại trong tình hình kinh tế VN hiện nay. Theo ông, để tái thiết niềm tin, cần có chính sách đúng và thường xuyên đối thoại, giải thích chính sách...

 

Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Martin Rama.

- Vừa qua, một loạt ngân hàng JP Morgan, Merrill Lynch, Morgan Stanley... công bố báo cáo đánh giá tiêu cực về tình hình kinh tế VN, xem VN là ví dụ cho điều hành kém sau khi đã đạt thành công. Là một kinh tế gia sống ở VN và hiểu VN, ông nhìn nhận như thế nào về những đánh giá này?

Martin Rama: Một điều rõ ràng là kinh tế VN đang trong giai đoạn khó khăn. Nhưng một điều khác cũng rõ ràng là, trong nhiều trường hợp, các đánh giá trên là cường điệu hóa.

Tôi thấy, trong cách nhìn của cộng đồng DN về VN, nếu vài tháng trước VN là "con cưng", hình mẫu thành công (poster child) thì hiện nay, VN là hình mẫu của những rắc rối (problem child). Có thể cả 2 đánh giá này đều bị cường điệu hóa.

Chúng ta đều thấy vấn đề. Đến thời điểm này, Chính phủ VN đã đưa ra những tuyên bố đúng đắn, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng những động thái chuyển động đã hoàn toàn theo đúng hướng hay chưa. Vấn đề nằm ở việc triển khai thực hiện.

Theo tôi, Chính phủ phải làm hai việc: Một là, phải xác định rõ và triển khai mạnh chính sách cũng như thông tin đầy đủ về những gì họ đang làm, từ đó giúp mọi người không bị lúng túng và băn khoăn.

Mặt khác họ phải thông tin để cộng đồng DN bình tĩnh, và giúp DN hiểu rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn rất vững mạnh.

Không có khủng hoảng tiền tệ như Thái Lan 1997

- Nhiều người đã đặt ra nghi vấn về khả năng một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở VN như từng xảy ra ở Thái Lan năm 1997. Ý kiến của ông?

Tôi nghĩ là không.

Có một số yếu tố dẫn đến những đánh giá về khả năng có thể khủng hoảng. Thứ nhất là đầu cơ ngắn hạn và tỉ giá đồng đô la thay đổi. Thứ hai là kỳ vọng tiền đồng sẽ mất giá. Thực tế không phải như vậy. Chính phủ VN vẫn muốn giữ tỉ giá tiền đô la. Cách đây vài tháng thì Ngân hàng Nhà nước VN lúc đó mua một lượng lớn đô la nhằm giữ giá cho tiền đồng.

Từ đó đến nay có nhiều yếu tố đã thay đổi. Lượng vốn ngắn hạn đã ít đi, ít người đầu tư đô la vào TTCK hơn. Thứ hai là lạm phát tăng cao. Nên nếu lấy tỉ giá là 16,000 nếu bạn so với lạm phát thì rõ ràng là tỉ giá đáng lẽ phải cao hơn số đó. Vì vậy, tiền đồng Việt Nam đang lên giá nếu chúng ta so sánh với mặt bằng chung.

Đây là áp lực làm cho tiền đồng lên giá một cách tự nhiên, vì vậy chúng tôi không thấy những yếu tố của cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Nhưng không phải nói thế là nền kinh tế VN không có vấn đề và chúng ta đang giải quyết nó. Nhưng chúng tôi không thấy có dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tiền tệ.

- Những báo cáo tiêu cực của các tổ chức quốc tế sẽ tác động như thế nào đến kinh tế VN?

Chắc chắn dư luận sẽ tác động ngắn hạn lên nền kinh tế. VN sẽ nhận được ít hơn nhiều những dòng đầu tư ngắn hạn vào TTCK, BĐS. Những dòng vốn dạng này sẽ nằm chờ đợi. VN có thể sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn này để bổ sung cho thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, không nên làm mất lòng tin của các nhà đầu tư dài hạn, do nó liên quan đến lòng tin vào sức mạnh nội tại lâu dài của nền kinh tế. Một khi nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng đối phó tốt, dòng vốn sẽ không chảy ra. Duy trì đầu tư lâu dài vào VN phải là một ưu tiên của chính phủ.

Không thể đổ lỗi cho ai

Các ngân hàng như Morgan Stanley, Merrill Lynch hay JP Morgan đã tô đậm hình ảnh Việt Nam quá mức vào năm ngoái để rồi năm nay đưa ra đánh giá ảm đạm.

Họ từng nói về một Việt Nam như con hổ mới Á châu, sự kỳ diệu mới trong phát triển kinh tế châu Á, tức là tựa như tâm lý tuổi mới lớn, lúc thì yêu hết mình, lúc thì chỉ như muốn tự vẫn ngay lập tức.

Họ cần cân bằng hơn trong cách đánh giá tình hình hồi năm ngoái cũng như vào thời điểm hiện nay - Jonathan Pincuss, kinh tế gia trưởng của UNDP tại VN nói.

- Theo ông, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và báo giới không, khi trước đây dành quá nhiều lời khen, khiến Chính phủ VN chủ quan, không nhìn nhận đúng thực tế, từ đó thất bại trong quản lý vĩ mô?

Tôi không nghĩ nên đổ lỗi cho ai cả. Cộng đồng DN làm việc của DN, đó là nỗ lực kiếm lợi nhuận, và chúng ta không thể đổ lỗi cho họ. 

Vấn đề hiện đang xảy ra với quy mô lớn, trong một nền kinh tế đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới về thương mại, nhưng lại chưa hội nhập sâu rộng trong vấn đề tài chính. 

Việt Nam phải đối mặt với những yếu tố chưa gặp bao giờ, như năm ngoái lượng vốn FDI cam kết lên tới 20 tỉ USD trong khi GDP chỉ khoảng 70 tỉ. Rất khó để quản lý, cho dù NHNN có mạnh đến đâu, Bộ Tài chính có mạnh đến đâu. VN tiếp tục đưa ra những chính sách kinh tế chỉ phù hợp với nền kinh tế có lượng vốn nhỏ, và không quá phức tạp. Nền kinh tế này cần thời gian để điều chỉnh thích ứng.

Chính phủ cũng cần hiểu rằng, giống như cách cộng đồng DN mang tiền vào nhanh chóng, họ cũng có thể rút tiền đi một cách nhanh chóng như vậy. Chính phủ phải truyền thông rõ để mọi người hiểu Chính phủ đang làm những gì, chiến lược phát triển chính sách tài khoá, tiền tệ...  ra sao trong cải cách lâu dài. Nếu tình hình tốt, các nhà đầu tư sẽ trở lại.

- Nghĩa là, theo ông, hiện nay nhà đầu tư đã mất lòng tin vào VN?

Có thể nói, đã xuất hiện sự lo lắng vốn không có trước đây. Trong quá khứ, mọi người đều lạc quan, đều xem VN là con hổ tiếp theo của châu Á, còn hiện nay, tình hình có những lo lắng.

Hôm trước có nhà báo hỏi tôi rằng vậy có phải Việt Nam chỉ là con mèo hay không? Tôi nghĩ rằng cả hai đều là hơi quá. Những nhân tố cơ bản lâu dài vẫn còn rất mạnh ở đất nước này.

Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề. Đó là các vấn đề của kinh tế hội nhập, một số chính sách chưa kịp thích ứng. VN chưa có ngân hàng trung ương đủ mạnh, và đang phải vấn đề trong tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước... 

Còn nhiều việc phải tiến hành. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, không có việc gì có thể tạo bước chuyển ngay lập tức. Điều Chính phủ cần làm là chỉ rõ họ đang làm điều đúng đắn một cách vững chắc.

Tái thiết lòng tin

- Vậy vấn đề nghiêm trọng nhất đối với kinh tế VN tại thời điểm này mà Chính phủ cần ưu tiên giải quyết là gì?

Một là, Chính phủ phải tái thiết lòng tin rằng tình hình đang trong tầm kiểm soát. Để xây dựng lòng tin, Chính phủ phải làm một số việc, trong đó có những việc đã bắt đầu làm. Chính phủ phải có nhiều chính sách tạo khả năng thích ứng tốt hơn như đối với tín dụng, đối với chi tiêu công...vì nếu chỉ áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng thì mọi áp lực sẽ đổ lên lãi suất. Cần phải chuyển áp lực sang những chỗ khác nữa. 

 

"Nền kinh tế hội nhập, dòng tiền lớn đổ vào VN trong khi nền kinh tế chưa kịp thích ứng"

Chính phủ cần ra thông báo danh sách những dự án đầu tư công nào cần phải dừng lại, hoãn trong mấy tháng, và phải làm càng sớm càng tốt, để giảm áp lực lên việc thắt chặt tín dụng.

Cũng cần tạo sự thích ứng trong chính sách tài khóa. Có những ngân hàng cổ phần nhỏ hiện cho vay quá nhiều mà không quản lý. Cần có biện pháp quản lý để họ có thanh khoản, để người gửi tiền yên tâm về khoản tiền của họ trong ngân hàng. Như vậy chính phủ cần làm ba việc.

Tóm lại, một mặt, Chính phủ tiếp tục các chính sách hiện nay, mặt khác, đẩy mạnh các chính sách tài chính và có biện pháp nâng tính thanh khoản của ngân hàng, thường xuyên trao đổi với người dân. Khi đó, lòng tin sẽ trở lại.

Ổn định phải là ưu tiên hàng đầu

-  Nhiều người cho rằng, VN nên xem tình hình hiện nay là cơ hội để cải cách mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Ông có đồng tình với quan điểm này?

VN vẫn đang tiến hành nhiều cải cách cơ cấu: xây dựng một Ngân hàng trung ương đủ mạnh, cải cách khu vực DN nhà nước... Một bài học VN cần rút ra trong quá trình điều chỉnh, đó là, mặc dù khủng hoảng tạo động lực cho cải cách, nhưng cũng đúng khi nói rằng, cố gắng triển khai cải cách trong khi kinh tế vĩ mô không ổn định không phải là một ý kiến hay. 

Ưu tiên hàng đầu phải là giữ và duy trì ổn định, mà trước hết là ổn định thị trường tài chính, tín dụng. Nếu làm được điều này thì phải  tiếp tục tiến trình cải cách trong dài hạn.

- Duy trì ổn định tình hình trong bối cảnh lòng tin suy giảm như ông nói, không phải là chuyện đơn giản. Ông tư vấn gì để VN sớm khôi phục lòng tin?

Tâm lý đám đông trong cơn biến động
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị : Tạm dừng thu hồi vốn vay nuôi cá đã tới kỳ trả nợ
Thủ tướng giải trình và trả lời 12 vấn đề nổi cộm
Bộ trưởng nên làm sao để Thủ tướng bớt giật mình
Thủ tướng tiếp tục yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tăng giá
Người nông dân gửi thư cho Thủ tướng
Chưa tăng giá các mặt hàng thiết yếu sau tháng 6
Nhà đất Hà Nội bước vào giai đoạn 'ngủ đông'
Không chỉ đưa ra chính sách đúng, CP phải trao đổi rõ ràng với người dân, đại diện DN về những việc CP đang làm, và những con số thực tế, để mọi người không cần phải phỏng đoán, suy luận về việc CP có tiền cho việc này hay không, có cắt giảm dự án này hay không. 

Một việc nên được xem là ưu tiên, không thể trì hoãn là công bố các dự án đầu tư công bị cắt giảm. Có vẻ như CP dự kiến sẽ công bố vào tháng 7, nhưng không có lí do gì để buộc DN và người dân đợi tới tháng 7.

Đối với những báo cáo tiêu cực, CP nên chủ động trao đổi để chỉ rõ, tại sao lại nói những báo cáo này chưa chính xác, giải thích để báo giới hiểu rằng những đánh giá đó có thể sai. Đồng thời, CP cung cấp và làm rõ các chỉ số kinh tế.

Tháng 5 thực sự là một tháng tồi tệ với giá tiêu dùng tăng cao. Trong vài tháng tới, CP phải làm cho làm phát có xu hướng đi xuống, tỏ rõ quyết tâm và thường xuyên trao đổi với DN, người dân. Có thể phải vài tháng thì tình hình mới tốt hơn, lạm phát giảm, và người dân có thể tiếp tục tin tưởng vào quyết tâm và thiện chí của CP.

Đảm bảo cạnh tranh là cách tốt nhất để người sản xuất hưởng lợi

- Lạm phát và kinh tế khó khăn là nỗi ám ảnh với từng người dân, khi đời sống của họ chịu tác động hằng ngày. Ông có tư vấn chính sách gì cho CP để hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo đảm bảo cuộc sống?

Đây là một vấn đề phức tạp. Tình hình hiện nay tác động khác nhau lên mỗi đối tượng. Ví dụ, năm 2008, giá gạo đã tăng lên 80%. Đó là một tin xấu đối với bất kì ai mua gạo, nhưng lại rất tốt đối với người sản xuất gạo. Có kẻ thắng và người thua trong nền kinh tế. 

VN là nước xuất khẩu lương thực. Như vậy giá lương thực tăng cao sẽ tốt cho VN, nhưng điều này không đúng với tất cả mọi người. Những người dân đô thị không sản xuất lương thực nhưng tiêu dùng lương thực sẽ gặp khó khăn lớn.

Sẽ rất khó để đưa ra một công cụ riêng rẽ nào để giải quyết vấn đề. Nhưng chúng tôi hy vọng có cơ hội thảo luận những khuyến nghị cụ thể. Chúng tôi đánh giá cao một số chương trình đã được triển khai để hỗ trợ người nghèo, can dự vào các dịch vụ, đóng góp vào việc tạo dựng an sinh xã hội bền vững cho người nghèo, tăng học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo... Những biện pháp này có thể giúp phần nào, nhưng VN cần làm nhiều hơn thế nữa.

- Liên quan đến chuyện giá gạo, thực tế ở VN, chỉ có những DN "đại gia" được lợi từ giá gạo tăng, trong khi người nông dân không được hưởng lợi nhiều?

Đây cũng là vấn đề rất phức tạp. Giá gạo cao, nhưng chi phí vận chuyển, phân bón cũng tăng cao. Đây là về chi phí, do lạm phát, giá cả các mặt hàng đều tăng. Hai là, có nhiều mức giá khác nhau: giá trên thị trường quốc tế, giá bán trong siêu thị, giá mua vào từ nông dân... Mức giá thay đổi khác nhau ở các khu vực khác nhau.

Trong nhiều trường hợp, cạnh tranh sẽ giúp cân bằng giá cả. Ở Việt Nam, một số mặt hàng giá chuyển động theo đường sin.  Một số trường hợp khác thì có các chính sách cụ thể, như hạn chế xuất khẩu để tách giá trong nước khỏi giá quốc tế.

Tình hình thế giới đã khác nhiều so với vài năm trước. Lạm phát không phải là vấn đề của riêng VN. Giá dầu, giá gạo thế giới đều tăng... Ngay cả khi không có chuyện gì xảy ra đối với chính sách kinh tế của VN, thì năm 2008 cũng là năm khó khăn hơn 2007.

Khi hết thời hạn giữ bình ổn giá các mặt hàng vào tháng 6 tới, VN cần phải làm gì để giữ giá các mặt hàng? Chúng ta thấy có những vấn đề là nội tại, nhưng có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát trong nước và sẽ luôn luôn làm phức tạp hóa tình hình. Chúng ta phải hiểu điều đó.

Cho dù có quản lý tốt thế nào thì giá lương thực, giá xăng dầu vẫn tăng. Không thể trốn thực tế đó được.

- Vai trò của CP như thế nào trong việc đảm bảo người sản xuất được hưởng lợi từ việc giá tăng?

Đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Không nên để các đối tượng trung gian là người hưởng lợi.

- Đảm bảo sự cạnh tranh bằng cách nào, thưa ông?

Phản ứng của Chính phủ vào thời điểm sốt gạo vừa qua là một ví dụ tốt, đã giúp giá gạo giảm xuống chỉ sau 48 giờ. Nhưng nó cũng cho thấy là tình huống đã khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Tôi hi vọng rằng một lần nữa, chính quyền sẽ làm điều đúng đắn, và người dân không mất đi sự kiên nhẫn và biết rằng những yếu tố cơ bản của nền kinh tế VN vẫn còn rất mạnh.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.