| Hotline: 0983.970.780

Xã có 100% làng đạt làng văn hóa

Thứ Ba 06/01/2015 , 08:20 (GMT+7)

Những ngày đầu năm 2015, Đảng bộ, nhân dân xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) ra sức phấn đấu để hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng, phấn đấu đạt chuẩn NTM đầu quý I/2015.

Cái nắng hanh hao những ngày cuối năm Giáp Ngọ đang tạo điều kiện thuận lợi giúp đảng bộ, nhân dân xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng còn lại, phấn đấu đạt chuẩn NTM đầu quý I/2015.

Vân Sơn là xã bán sơn địa có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.500 ha với 7.309 nhân khẩu được quản lý bởi 10 trưởng làng và 1 trưởng thôn.

Thực hiện công cuộc đổi mới, 5 năm lại nay đảng bộ, nhân dân toàn xã đoàn kết, sáng tạo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SXNN; đồng thời, phát động phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần tạo bước chuyển biến ngoạn mục khi xây dựng thành công 10/10 làng đạt chuẩn văn hóa.

“Dù việc lớn hay việc nhỏ, muốn thành công phải có sự chung tay của người dân. Vì thế, yếu tố nâng cao nhận thức cho bà con được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Khi dân trí nâng lên thì mọi khó khăn sẽ được hàng nghìn cái đầu đưa ra sáng kiến, giải quyết thỏa đáng”, ông Đặng Minh Ân, Bí thư đảng ủy xã nói.

Theo ông Ân, năm 2011 Vân Sơn bắt tay thực hiện Chương trình, nhưng thời điểm này xã chỉ mới đạt 9/19 tiêu chí, hệ thống giao thông nham nhở; cơ sở vật chất hạ tầng, văn hóa lụp xụp; chưa áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào SXNN,… thì đến năm 2014 số tiêu chí đã tăng lên 18/19. Cái đích cuối cùng để khoác lên mình chiếc áo NTM đối với Vân Sơn chỉ còn phân nửa công việc xây dựng công sở xã.

Nông dân Nguyễn Đại Đồng, làng Đạt Thành: “Gia đình tôi trồng 2.000 gốc đào phai phục vụ Tết nguyên đán. Trong đó, 1.000 gốc đã cho thu hoạch với tổng thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm. Điều kiện kinh tế khá ổn định nên khi làng, xã phát động phong trào đóng góp tiền của làm nhà văn hóa và đường giao thông tôi ủng tuyệt đối, bởi chính gia đình tôi là những người được hưởng lợi từ các công trình này”.

“Cả nước được nghỉ tết dương lịch nhưng đơn vị thi công trụ sở xã đã vận động anh em làm việc cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ. Đây là nỗ lực lớn của nhà thầu, góp phần giúp chúng tôi sớm hoàn thành 19 tiêu chí”, ông Đặng Minh Ân cho biết thêm.

Ông Ân vừa dứt lời thì hai người phụ nữ, một ở làng Vân Đình, một ở Hưng Thành từ trong phòng giao dịch một cửa đi ra bảo nhau: “Bây giờ thủ tục hành chính gọn nhẹ thật. Trước xin cái bản sao giấy khai sinh cho con phải đi năm lần bảy lượt, chờ hết lãnh đạo này đến lãnh đạo kia nhưng nay chỉ cần năm mười phút là xong”.

Người phụ nữ tên Thư, làng Vân Đình hỏi tiếp: Bên chị vừa rồi phát động đóng góp làm đường bê tông có ai kêu ca không?. Chị Hòa, làng Hưng Thành nói: “Lúc đầu cũng có vài người lăn tăn mức đóng hơi cao, nhưng khi trưởng làng và chúng tôi phân tích, việc đóng góp không phải thực hiện một lần mà thu trong ba bốn mùa vụ nên họ đồng tình ngay. Bây giờ gần cây số đường đất đỏ được rải bê tông phẳng lỳ cả rồi”.

Thế vụ vừa rồi nhà chị thu hoạch có khá không?, chị Hòa hỏi lại. Chị Thư nhoẻn miệng cười: “Đất xã mình trồng lúa có được mô. Vừa rồi làng tôi dồn điền, đổi thửa thành cánh đồng mẫu lớn trồng ngô, trồng mía cho các nhà máy cả rồi.

Cuối vụ được chia hoa lợi trên dưới chục triệu bạc nên cuộc sống cũng đỡ vất hơn. Vợ chồng cạnh nhà tôi mấy năm trước làm nông không đủ ăn phải vào tận miền Nam kiếm sống, giờ cũng quay về xin làm công nhân cho một Cty ở xã mình rồi đó”.

Câu chuyện nhỏ tôi vô tình nghe được minh chứng cho những đổi thay cả về vật chất và tinh thần ở Vân Sơn. Người nông dân bao đời lam lũ, vất vả, ngày này qua tháng khác “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng đất đai Vân Sơn khi đó cứ phụ công người, đất càng ngày càng khô cằn, dân càng ngày càng bỏ quê đi làm ăn biệt xứ. Ấy vậy mà giờ đây khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã biến Vân Sơn trở thành “chàng trai” cường tráng.


Con đường đất đỏ ngày nào nay được rải thảm nhựa vào tận các làng

Ông Nguyễn Đại Lâm, Bí thư chi bộ làng Đạt Thành cho biết: “Đời sống vật chất tương đối ổn định nên tinh thần của bà con cũng phấn chấn hẳn. Chiều nào chị em phụ nữ và thanh, thiếu niên cũng hò nhau ra nhà văn hóa làng để chơi bóng chuyền, bóng đá…Quả thật đổi thay của làng, xã hôm nay, chính người trưởng làng lâu năm như tôi cũng không thể ngờ đến”.

Chia sẻ với NNVN về bí quyết đạt được kết quả hiện tại, ông Đặng Minh Ân nói: “Chúng tôi lấy phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ để làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt công cuộc xây dựng NTM. Tất cả công việc từ nhỏ đến lớn đều được đưa ra trước nhân dân bàn bạc và để họ quyết định, từ đó tạo niềm tin, sự đồng thuận, tự giác tham gia các phong trào do thôn, xã phát động”.

Cũng theo ông Ân, tinh thần dân chủ trên đã chuyển hóa thành sức mạnh. Gần mười năm nay các công trình đường bê tông và kênh mương nội đồng trên địa bàn đều do người dân tự đóng góp, người đóng tiền, kẻ góp công nhưng không hề có một lời vào tiếng ra nào. Tất nhiên, vai trò của người lãnh đạo là yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công mọi việc.

“Để xây dựng đoạn đường dài 500 mét cần khoảng 500 – 600 triệu đồng. Số tiền quá lớn không biết huy động từ đâu nên bí thư chi bộ, trưởng làng Đạt Thành xuống tận từng nhà dân để vận động và xin kinh phí. Kết quả đoạn đường ấy chỉ làm trong con số 160 triệu đồng nhưng vẫn đảm bảo đạt chuẩn các thông số kỹ thuật”, ông Ân cho biết.

Bài toán NTM mà Vân Sơn đang hướng đến không phải thực hiện bằng mọi giá để đạt chuẩn mà còn phải tính toán sao cho tiết kiệm và bền vững, đây chính là cái “nhất” mà không phải xã nào cũng làm được.

Ông Lê Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn quần ống xắn ống thả từ dưới cánh đồng mẫu lớn trồng ngô nguyên liệu phục vụ trang trại chăn nuôi bò sữa lên cho hay, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 21 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 8,4% (2013) giảm còn 4,8% (2014). Dự kiến trong quý I này Vân Sơn sẽ hoàn thành 19 tiêu chí, về đích trước kế hoạch gần 1 năm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm