| Hotline: 0983.970.780

Xã có ngàn người đi bới rác

Thứ Tư 15/12/2010 , 10:31 (GMT+7)

Nhặt rác là sinh kế của ngàn người dân Bắc Sơn. Mỗi cân túi giặt sạch, hong khô bán được cỡ 2 - 3.000 đồng...

Lúc tôi đến nhà chị Tạ Thị Hến ở thôn Tiên Chu (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Văn Công, đứa con trai của chị, đang tất tả giặt đống túi bóng rách móc từ bãi rác về chất đống ở góc vườn. Nhặt rác là sinh kế của ngàn người dân Bắc Sơn. Mỗi cân túi giặt sạch, hong khô bán được cỡ 2 - 3.000 đồng tùy vào túi dòn hay dẻo, tái chế hay nhựa nguyên chất.

>> Phận nghèo giữa chốn phồn hoa

Chị Hến ốm yếu, quặt quẹo, cả ngày chẳng làm được việc gì ngoài việc đi viện, mỗi tháng được nhà nước trợ cấp 250.000đ. Đứa con dâu bụng chửa vượt mặt, giờ cũng chỉ ngồi thở nên cột trụ của cả gia đình sắp lên bốn thành viên trông chờ tất vào tay nghề bới rác của thằng con trai. Nhà có 2 sào ruộng, vụ này chỉ thu được cỡ 50kg.

 Tôi vào nhà, rón rén ngồi lên chiếc ghế long sắp gẫy. Thứ tài sản đáng kể nhất là chiếc xe máy Tàu trị giá hơn triệu đồng - vật dụng chuyên chở không thể thiếu được khi đi bới rác của thằng con trai. Cứ một giờ đêm, Công lồm cồm vén màn dậy, vác cào, xếp bao tải lên xe rồi đi đến bãi rác, bới kiếm từng chiếc túi ny lon đến 7 giờ sáng bãi rác đóng cửa, xua hết người ra, lại trở về nhà phân loại. Nào túi bóng cứng, túi bóng mềm, nào vỏ lon (rất hiếm vì “rác thơm” như thế đã bị người quét rác ở thành phố hớt ngay từ nguồn) rồi rửa và hong khô. Chịu khó cũng được 50 - 60.000 đồng một ngày nên dù mưa Công cũng đi, nắng cũng đi bởi mỗi tháng đã đóng tiền chỗ 200.000 đồng.

Có chừng hai mươi ông chủ thầu… những đống rác mới đổ ở bãi rác thành phố. Muốn được vào đây bới rác người ta phải chung tiền góp. Nếu không chấp nhận luật chơi, chỉ nhặt những đống rác cũ người ta đã bới nát nước, nát cái chẳng còn tí màu mỡ gì. Nhiều trận đánh nhau vỡ đầu hay ngất gục bên hố rác cũ ngập ngụa khí gas cũng là chuyện không hiếm. Đau ốm, sốt lạnh, sốt nóng Công cũng không dám tự cho phép mình rời khỏi bãi rác lấy một buổi bởi cả mấy miệng ăn đều trông cả vào đấy. “Tiếng là có thẻ y tế cho người nghèo nhưng chẳng mấy khi chúng em đi khám bệnh vì không được cấp thuốc đâu. Họ chỉ cho một nắm toàn B1, B6 rồi về”, Công bảo.

Trong ngôi nhà mái võng, mối mọt ăn rỗng cột có thể sập xuống bất cứ lúc nào của anh Trần Đức Thanh là nhiều xô, chậu, thùng nhựa sẵn sàng hứng dột khi trời mưa. Vợ trước của anh bị ung thư máu, khi phát hiện ra xuống Bệnh viện Bạch Mai tiếp được vài bịch máu là hết tiền, đành về nhà nằm chờ. Hai tháng sau chị chết. Vợ sau của anh bị bệnh tim lại kèm bướu cổ, khi sinh con chẳng biết quẫn trí thế nào cũng quyên sinh. Đó là một bi kịch điển hình ở Bắc Sơn…

Đang có chương trình hỗ trợ lợn, bò và một số khoản cho hộ nghèo ở các xã khó khăn tại huyện Sóc Sơn nên nảy sinh mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và nghèo bởi họ so bì nhà tôi cũng rách như nhà ông mà người được nghèo, người không. Có những trường hợp ông bà già đang ở với con cháu, tự dưng gần kỳ xét nghèo bỗng đẩy con cái ra ở riêng. Tuổi cao, sức yếu, không nguồn thu nhập nghiễm nhiên họ thành hộ nghèo. Mỗi cuộc bình xét hộ nghèo điều ra tiếng vào không ngớt và thôn xóm lúc nào cũng nóng ran như trong chảo lửa. Nghịch lý là có nhiều trường hợp bị tước mất cái quyền được nghèo chỉ bởi cách xét thoát nghèo chưa thực phù hợp.

Nhà ông Nguyễn Văn Thụ có 5 miệng ăn. Ông bà năm nay đã tròm trèm trên dưới 70 tuổi ở cùng hai vợ chồng con trai, con dâu và đứa cháu nội. Nhà ông có con nghé chưa đủ tuổi buộc ách cày, một cái xe máy Tàu cũ độ trên một triệu, vài sào ruộng. Thu nhập chủ yếu của cả nhà nhờ vào đồng công làm thuê bữa đực bữa cái của con trai và con dâu. Tính chung mỗi người cỡ 300.000 đồng/tháng nên nằm trong danh sách hộ nghèo.

 Đang yên đang lành, năm ngoái, cái nhà tre làm từ đận 1975 bị sụp đổ, ông bà đành cuống quýt gọi người đến tháo hộ. Bữa ăn dỡ nhà bà Thụ vẫn phải mua chịu thịt. Nhà sập, gia đình cắn răng vay mượn trên 30 triệu đồng làm một nhà cấp bốn. Xây xong khung, lợp xong mái thì không thể xoay đâu ra tiền nên vẫn chưa lắp cửa. Năm con người vẫn chui ra, chui vào nơi xó bếp vạ vật. Thế mà có nhà không cửa ấy, mới đây trong đợt bình bầu tiêu chuẩn hộ nghèo, ông bà Thụ bị loại ra.

Cùng thôn Tiên Chu, anh Tạ Văn Tiến cũng là nạn nhân của làm nhà rồi bị quy cho đã thoát nghèo. Hai vợ chồng, hai đứa con, một sào ruộng, công làm thêm tự do của anh chị bữa đực bữa cái chỉ ngót triệu bạc/tháng. Mới đây, thấy nhà cửa xập xệ quá, anh Tiến cố vay mượn khoảng 40 triệu đồng để làm một ngôi nhà đơn giản, mái lợp bờ lô, tường nguyên mạch vữa không trát để làm chỗ chui vào chui ra mà đâm ra kiệt quệ về kinh tế. Sự kiệt quệ ấy biểu hiện qua cái buồng ngủ của anh chị không có cửa mà che bằng mảnh vải. Phòng của con trai không có mảnh vải che nào.

Nghèo quá, dân tình đành phải bóc lớp đất đồi màu mỡ bên trên đi bán. Mỗi xe tải chục tấn người nông dân được trả mười ngàn đồng. Những quả đồi ở Bắc Sơn cứ biến mất dần dần bởi lý do như vậy.
“Xây nhà là bị xếp vào hộ đã thoát nghèo. Hai vợ chồng chúng tôi khỏe mạnh nên dù bị xếp ra khỏi hộ nghèo chúng tôi cũng không dám thắc mắc”, Tiến nói với giọng cam chịu. Trưởng thôn Tiên Chu Tạ Văn Trung khi đi đến chỗ khuất mới chua chát bảo tôi rằng: “Giàu ở thôn tôi may ra bằng người nghèo ở thành phố các anh. Cách xét thoát nghèo bằng chấm điểm chỉ là bề nổi bởi có nhà nợ trên cả cơ nghiệp để xây chỗ chui ra, chui vào. Thôn có 57 hộ nghèo, đợt xét mới còn 48 hộ, coi như là đạt chỉ tiêu. Trong số đó có 28 hộ rất nghèo, đủ phiếu A luôn. Làng mở hội nghị bình xét tổng số 78 hộ được 48 hộ nghèo còn 30 hộ không được bởi lý do phải lấy từ thấp đến cao, hộ nào bị nhiều phiếu gạch là không được dù vẫn nghèo. Trước đây không bỏ phiếu kín dân bức xúc lắm. Hội nghị ở xã, hộ được nhận bò hỗ trợ người nghèo cười hớn hở. Hộ không được bò, đứng lên trước hội trường cho cán bộ ăn đủ thứ không ăn được. Thôn tôi là thế, ngược lại ở thôn Đa Hội vừa rồi có khoảng 375 hộ mà cỡ trên 200 hộ được bình chọn là hộ nghèo, đem danh sách lên xã liền bị bác đi bảo làm lại. Mỗi kỳ xét nghèo là mỗi kỳ tôi muốn bỏ quách chức trưởng thôn đi cho nhẹ nợ”.

Ông Tạ Quang Ninh, cán bộ chuyên trách nghèo của Bắc Sơn, phân trần: “Chuẩn nghèo mới quy định cứ được trên 52 điểm là loại ra danh sách điều tra hộ nghèo. Tính điểm bằng cách mỗi thứ trong nhà bán được 1 triệu đồng thì được 1 điểm. Cả làng này trên 300 hộ theo tôi có khi chỉ được 24- 28 hộ ở ngưỡng trên 52 điểm vì có lương hưu cao, vì hai vợ chồng đều là giáo viên còn như nhà tôi cũng chỉ cỡ 30 điểm. Hỗ trợ nghèo cũng khó lắm! Cho tiền thì sợ họ ăn hết. Cho bò thì 30-40% là bán vì mua bò ở vùng đồng bằng mang lên đồi gò hay bị ốm. Ai bán nhanh, lúc chúng bụ sữa còn được giá chứ bán chậm là lỗ. Lúa má của xã vụ rồi mất mùa do bọ rầy, vụ đông hạn hán cũng đành bỏ hóa. Nói thật nếu không có hàng trăm lò gạch thủ công (vừa rồi do nung gạch mà ở Bắc Sơn 4 người ngộ độc khói chết - PV) không có nghề bới rác thì dân tôi chết. Có thời gian Cty môi trường cấm bới rác vì sợ phát tán ô nhiễm do tha lôi rác về giặt phơi đầy làng, đầy đồng, cả ngàn người Bắc Sơn có nguy cơ thất nghiệp cứ nhao nhao cả lên nên cấm hôm trước hôm sau lại bỏ… Vừa rồi chuẩn bị cho ngàn năm Thăng Long, trong 2 năm xã tôi được trên hỗ trợ xây 15 cái nhà cho người nghèo nhưng chẳng thấm vào đâu khi có hàng trăm hộ nhà dột nát, xiêu vẹo”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.