| Hotline: 0983.970.780

Xã đầu tiên bị dịch tả lợn Châu Phi của cả nước: Đỏ mắt ngóng tiền hỗ trợ

Thứ Hai 10/06/2019 , 09:01 (GMT+7)

Xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là địa phương đầu tiên phát hiện lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Gần 4 tháng trôi qua (từ 13/2), lợn nuôi tại Đông Đô vẫn chết rải rác. Người dân như ngồi trên đống lửa, mong sớm nhận được tiền hỗ trợ.

Ai cũng thành con nợ

Trong khi nhiều địa phương khác đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, thì tại xã Đông Đô, hầu như ngày nào chính quyền cũng phải tổ chức kiểm kê, tiêu hủy lợn.

Chuồng trại trắng vôi bột tại nhà anh Đinh Thế Thảo (thôn Hữu Đô Kỳ, xã Đông Đô). Ảnh: KT.

Chủ tịch UBND xã Đông Đô, ông Phạm Văn Tạo cho biết, là vùng chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, khi dịch xảy ra, dù đã dùng mọi biện pháp khống chế nhưng vẫn “vỡ trận”. Tính từ khi bị dịch tới nay, xã này đã tiêu hủy 3.099 con lợn của hơn 300 hộ dân. Do không tiêu hủy cả đàn, có những gia đình vài hôm lại gọi báo thú y có lợn bị chết, rất mệt mỏi.

Xã Đông Đô có bãi xử lý rác thải rộng gần 1ha, được trưng dụng thành bãi chôn lấp lợn dịch. “Cứ đà này vài hôm nữa là chúng tôi hết chỗ chôn lợn. Chính quyền địa phương đang rất đau đầu tính toán, tìm chỗ mới để xử lý số lợn nếu tiếp tục chết. Theo thống kê, cả xã còn tới hơn chục nghìn con lợn cả nái, thịt và lợn con theo mẹ… Rất lo lắng”, ông Tạo chia sẻ.

Mấy chục cán bộ xã, thôn ở Đông Đô chưa một ngày được nghỉ ngơi, ăn một bữa cơm ngon mà không phải nghĩ tới lợn. Xã này đã phải ứng 100 triệu đồng mua vôi bột cấp cho các hộ dân. Rồi tiền thuê máy xúc mấy tháng trời. Tất cả, xã phải đứng ra ghi nợ vì ngân sách eo hẹp. Chủ tài khoản là ông Chủ tịch xã bỗng dưng thành con nợ bất đắc dĩ.

Ông Tạo cho biết, ngày 6/5, xã đã gửi hồ sơ xin hỗ trợ đợt 1 cho 40 hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh. Tới đây, đoàn liên ngành của tỉnh sẽ về thẩm định lại một lần nữa, đảm bảo chặt chẽ không có việc trục lợi chính sách hỗ trợ.

Theo ông Tạo, chưa có bao giờ cả chính quyền và người dân Đông Đô mệt mỏi như bây giờ. Khắp nơi là một màu trắng xóa của vôi bột. Đường làng ngõ xóm đâu cũng nồng lên mùi hóa chất khé cổ giữa trời nắng như đổ lửa.

Nhà anh Đinh Thế Thảo ở thôn Hữu Đô Kỳ, nuôi 4 trại, tổng diện tích chuồng hơn 700m2 nhưng nay chỉ còn một màu trắng xóa của vôi bột.

Trước dịch nổ ra, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 40 lợn nái, 200 lợn thịt chưa kể lợn con theo mẹ.

Ngày 8/3, anh Thảo phát hiện đàn lợn ốm và chết, sau được xác định dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

“Gia đình tôi mệt mỏi quá rồi. Tôi không nhớ chính xác nhưng chắc chắn hơn 10 lần phải gọi cán bộ thú y tới kiểm kê, tiêu hủy lợn.

Mỗi lần như thế lại một lần lập hồ sơ, xác nhận tiêu hủy…”, anh Thảo than thở.

Lợn chết đi, gánh nợ ở lại. Anh Thảo chốt sổ với đại lý cám, số tiền nợ lên tới 800 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn vay ngân hàng, vay nóng của anh em bạn bè số tiền 500 triệu đồng. Bà Phạm Thị Lanh (mẹ anh Thảo) nói như khóc rằng, giờ mỗi tháng gia đình phải còng lưng trả 5 triệu tiền lãi. Lợn không còn, kinh tế gia đình không có gì, không biết lấy đâu ra tiền trả nợ.

Từ ngày chuồng vắng lợn, anh Thảo như người mất hồn, đi quanh quẩn hàng xóm trò chuyện cho khuây khỏa. Vợ anh Thảo xin đi làm công nhân, cả tăng ca, lương tháng chừng hơn 6 triệu. Con gái nhỏ gần 2 tuổi ở nhà giao bà nội trông nom.

Từ ngày dịch bệnh xảy ra, anh Thảo bị khoản nợ 1,3 tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu. Ảnh: KT.

“Theo thống kê thì gia đình tôi được hơn 400 triệu tiền hỗ trợ. Gia đình tôi mong sao sớm được Nhà nước hỗ trợ. Số tiền đó ngay lúc này rất quan trọng với chúng tôi, dù sao cũng vơi bớt một phần gánh nặng nợ nần”, anh Thảo ngậm ngùi.
 

Thẩm định chặt trước khi hỗ trợ

Ông Phạm Văn Lý, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Thái Bình cho biết, để nhận được hỗ trợ, hồ sơ của các xã phải trải qua nhiều vòng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh.

Theo đó, sau khi xã gửi hồ sơ lên huyện, UBND các huyện có trách nhiệm thẩm định lần 1. Sau đó, huyện sẽ tiếp tục làm hồ sơ trình tỉnh để xem xét. Hiện tại, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho các Sở NN-PTNT, Tài chính thành lập đoàn liên ngành để về các xã thẩm định lại vòng 2.

Tính đến ngày 5/6, đã có 281/282 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Số lợn đã phải tiêu hủy là trên 17 nghìn tấn, chủ yếu là lợn nái và lợn đực giống của 1.654 hộ dân.

Bà Phạm Thị Lanh (mẹ anh Thảo) mong sớm được Nhà nước hỗ trợ để lấy tiền trả nợ. Ảnh: KT.

Tỉnh Thái Bình công bố có 11 xã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới. Qua theo dõi, có thêm 12 xã qua 30 ngày nhưng chính quyền xã chưa có báo cáo chính thức. Theo ông Lý, dịch bệnh có dấu hiệu giảm nhiệt, tuy nhiên vẫn tiếp tục phát sinh tại các trang trại. Dịch bệnh được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. “Nhiều xã đã phải thuê nhân công để vận chuyển, tiêu hủy lợn với giá cao ngất ngưởng, vậy mà nhiều người vẫn từ chối vì sợ mùi lợn chết. Lực lượng thú y từ tỉnh tới xã thì gần như kiệt sức”, ông Lý nói.

Thống kê sơ bộ, tổng số tiền hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy là 663,3 tỷ đồng. Tại một số cuộc họp trước Trung ương trong tháng 5 vừa qua, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (đã nghỉ hưu từ 1/6) cho biết, chưa biết xoay xở đâu ra số tiền để hỗ trợ người dân. Tổng số tiền hỗ trợ tới vài trăm tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng (chủ yếu dành cho phòng chống thiên tai, bão lụt) chỉ có khoảng trên dưới 100 tỷ đồng.

Trong hai ngày 4 - 5/6, PV NNVN 2 lần liên hệ đặt lịch làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT thông qua bà Lê Thị Thu Hòa, Chánh văn phòng Sở. Cả hai lần, bà Hòa cho biết, phải xin ý kiến giám đốc là ông Phạm Văn Dụng. Kết quả, bà Hòa cho biết, ông Dụng đang đi công tác, gọi điện không nghe máy, nhắn tin không phản hồi!?

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất