| Hotline: 0983.970.780

Xã đầu tiên ở Hòa Bình ra hương ước cấm thuốc trừ cỏ

Thứ Ba 14/12/2021 , 06:53 (GMT+7)

Cách đây hơn 10 năm, tôi làm chương trình bà mẹ trẻ em thấy nhiều cái bất thường. Thứ nhất hay bị sảy thai, thứ nhì đẻ non, thứ ba là quái thai dị dạng...

Ký ức buồn đau

Chị Hà Thị Thu, nguyên nữ hộ sinh của Trạm y tế xã Lũng Vân cũ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) kể: “Có đứa sinh ra không có tay mà chỉ một ít mọc ra từ nách, không có chân mà chỉ có một ít mọc ra từ háng; có đứa bụng cóc; có đứa không hộp sọ; có đứa mũi như mũi lợn; có đứa không có lỗ hậu môn; còn sứt môi, hở hàm ếch thì rất nhiều.

Tôi nghĩ dân ở đây dùng lắm thuốc trừ cỏ nên mới xảy ra như thế… bởi trước khi có thuốc trừ cỏ ở xã tôi mỗi năm trung bình 35 - 40 trẻ ra đời, quái thai dị dạng hầu như không có, thỉnh thoảng có 2 - 3 ca sảy thai, đẻ non; Còn khi bà con biết dùng thuốc trừ cỏ thì mới nhiều, trung bình quái thai khoảng 5 - 6 ca/năm; sảy thai, đẻ non khoảng 10 ca/năm. 

Có chị ở xóm Bục đi lấy chồng ở xóm Lở đẻ 3 lần không được đứa con nào lành lặn. Có lần chị đi siêu âm, thấy thai dị dạng không thành người nhưng bởi phá thì tốn tiền, phải bán bò nên vẫn để, khi đẻ xuống tỉnh nằm nhưng không thấy mang con về, chẳng biết sống chết thế nào. Chị này rất chăm chỉ, vụ nào cũng trồng 40 - 50kg ngô giống nên phải thường xuyên đi phun thuốc trừ cỏ, nhiều hôm bảo rát họng còn không ăn được.

Chị Hà Thị Thu, nguyên nữ hộ sinh của Trạm y tế xã Lũng Vân (cũ) đang kể lại chuyện cách đây hơn 10 năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hà Thị Thu, nguyên nữ hộ sinh của Trạm y tế xã Lũng Vân (cũ) đang kể lại chuyện cách đây hơn 10 năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lở cũng là xóm trồng nhiều ngô, trước khi trồng phun thuốc trừ cỏ, trồng xong cỏ mọc rậm lại phải phun tiếp, một số người không hiểu biết còn chẳng thèm đeo khẩu trang. Bởi thế, không riêng phụ nữ có thai mà kể cả người khỏe cũng phải xuống Trạm Y tế xã cấp cứu, ca nào nặng thì chuyển lên huyện. Có nhà trồng củ kiệu ở nương bên dưới, nương bên trên người ta phun thuốc trừ cỏ, bị ngấm xuống, ăn vào ngộ độc cũng phải truyền giải độc.

Tình trạng đó kéo dài vài năm, về sau xã cấm thuốc trừ cỏ, giờ không còn thấy xảy ra trường hợp nào quái thai dị dạng nữa, còn sảy thai, đẻ non thì thỉnh thoảng có nhưng ít hơn hẳn, chắc là do cơ địa”.

Việc cấm thuốc trừ cỏ 10 năm về trước ở Lũng Vân khởi phát từ xã kế bên, Nam Sơn. Ông Bùi Thanh Truyền - Chủ tịch UBND xã Nam Sơn giai đoạn 2004 - 2016 nhớ lại: “Một người xóm Bái phun thuốc thuê trong Nam về bị ốm, đi Hà Nội kiểm tra, xác định bị bệnh nan y do ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ, không chữa được, thời gian sau là chết khi vẫn còn trẻ. Rồi một người ở xã Lũng Vân cũ cũng bị nữa.

Một số khác đi phun thuốc trừ cỏ về tắm rửa không sạch sẽ thế nào đó, lại uống rượu vào liền bị ngộ độc. Chúng tôi đi tiếp xúc Hội đồng nhân dân ở các xóm, họ đề nghị xã phải có văn bản chỉ đạo cấm dùng thuốc trừ cỏ. Nhưng tôi thấy nếu ra văn bản như thế lại trái pháp luật vì thuốc đó vẫn trong danh mục được sử dụng tại Việt Nam, bởi thế mới phải cho họp dân. Đó là năm 2010.

Lúc đầu nhiều người phản ứng ra mặt, họ bảo vận động dân trồng ngô mà không cho dùng thuốc trừ cỏ, lại trồng diện tích lớn thì làm sao nổi? Kể cả một số đại biểu Hội đồng nhân dân xã ra ngoài hành lang cũng nói: “Xã cứ tuyên truyền về tác hại của thuốc trừ cỏ như thế nhưng mà tỉnh Sơn La bên cạnh hay nhiều tỉnh phía Nam vẫn dùng nhiều có sao đâu?”.

Đường vào Vân Sơn hôm nay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đường vào Vân Sơn hôm nay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi mới kể lại những trường hợp cụ thể đi phun thuốc thuê về bị ốm, bị chết nên họ mới sợ, thống nhất để bỏ, bổ sung nội dung cấm thuốc trừ cỏ vào hương ước. Xóm quy định phát hiện phun 1 bình phạt 1 triệu, xóm quy định phạt 2 triệu, nhưng từ ngày ra hương ước thì không có trường hợp nào vi phạm cả”.

Nam Sơn là xã đầu tiên bỏ thuốc trừ cỏ sau đó Quyết Chiến, Lũng Vân, Ngổ Luông, Bắc Sơn - những xã vùng cao giáp ranh của huyện Tân Lạc cũng học tập theo, dần dần tuyên truyền cho dân bỏ hết.

Vườn quýt, cam của ông Bùi Văn Đon. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn quýt, cam của ông Bùi Văn Đon. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một tối ở xóm Xôm

Bắc Sơn, Nam Sơn và Lũng Vân giờ nhập thành Vân Sơn vẫn duy trì được kết quả ấy. 17 xóm đều có 17 hương ước cấm thuốc trừ cỏ, cấm chặt phá rừng, nên 100% người dân không dùng dù có tới 1.328ha đất canh tác. Xã có khoảng 150ha quýt bản địa, được trồng chủ yếu ở Nam Sơn cũ rồi đến Bắc Sơn, Lũng Vân. Khi ông Truyền còn làm Chủ tịch xã có đề nghị với Chủ tịch tỉnh cho bình tuyển, đánh giá, chọn cây đầu dòng, phục tráng lại giống quýt quý này nên người dân bắt đầu trồng nhiều.   

Trên đồi nhà ông Bùi Văn Đon ở xóm Xôm vẫn còn 4 gốc quýt bánh xe trồng từ năm 1994, ghép từ giống cổ của người Mường bên cạnh hàng trăm gốc cam Canh mới trồng 8 năm về trước. Xưa 1ha đất ấy ông toàn trồng ngô, dùng cuốc để làm cỏ, mỗi vụ 2 lần, mỗi lần tốn 25 công lại còn tốn cả thịt lợn, thịt gà cho người làm. Vất vả trong khi thu chỉ 25 triệu/ha, trừ phân, giống, công làm cỏ chỉ còn lại cỡ 5 triệu.

Ông Bùi Văn Đon bên cây quýt cổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Văn Đon bên cây quýt cổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc trồng cam, quýt thì ông trừ cỏ bằng máy, tùy thời vụ, nếu mưa nhiều mỗi tháng 2 lần, còn không 1 lần, mỗi lần 5 công nhưng nhất định không dùng thuốc trừ cỏ.

Ông Đon nói: “Tôi thấy thuốc trừ cỏ ảnh hưởng chẳng khác gì dioxin ngày xưa chỉ có cái nồng độ nhẹ hơn mà thôi. Thời gian mới trồng cam quýt tôi xuống huyện Cao Phong (cùng tỉnh) để học tập kinh nghiệm, toàn ngửi thấy mùi thuốc, nhức đầu, rất khó chịu, chỉ muốn về. Làm nông nghiệp, cái quan trọng là sức khỏe của mình, của cộng đồng chứ không phải tiền là trên hết.

Năm nào tôi cũng nuôi cỡ 200 con ngan, gà, thả lên đồi cho chúng ăn cỏ. Nếu không có chúng mỗi tháng phải 3 lần làm cỏ, giờ chỉ 1 lần mà thôi, ngoài cải thiện bữa ăn, số dư thì bán. Tôi nuôi vài con trâu để lấy phân bón cho cam. Vùng này thời tiết ưu ái, khác hẳn với Cao Phong bởi cao hơn, lạnh hơn nên ít sâu bệnh, 1 năm chỉ dùng 2 lần thuốc bảo vệ thực vật, cách 2 - 3 tháng trước khi thu hoạch phun 1 lần trị rệp, phấn trắng, thu xong tẩy vườn trừ nấm, tất cả bằng chế phẩm sinh học nên không cần nhốt gà, ngan lại. Cam quýt sạch, ô tô vào tận vườn để lấy, dăm năm nay, mỗi năm tôi lãi được khoảng 150 triệu”. Ông Đon mới làm cái nhà gần 1 tỉ đồng cũng là nhờ cam, quýt.

Ông Bùi Văn Đon đang dùng máy để cắt cỏ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Văn Đon đang dùng máy để cắt cỏ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hà Văn Đoàn - Bí thư xóm Xôm bảo với tôi rằng, xóm có 44 hộ người Mường, trước đây toàn trồng ngô cũng mua được xe máy, ti vi. Từ năm 2008, 2009 các xã khác bắt đầu lác đác dùng thuốc trừ cỏ, nhất là mấy xóm của Lũng Vân cũ thuộc đầu nguồn nước của xóm Xôm.

“Nương mới dùng thuốc trừ cỏ trâu bò còn không dám đuổi qua vì ngộ độc. Chúng tôi phải ra hương ước cấm, mỗi bình phun thuốc sẽ phạt 1 - 2 triệu bởi sợ nhất bà con thấy tiện là học nhau, đặc biệt là trên ti vi, đài báo thấy nói các địa bàn phía trên cũng dùng đầy thuốc trừ cỏ”, ông Đoàn nói.

Chiều hôm đó, tôi theo chị Hà Thị Diều đi hái quýt. Cả quả đồi chìm trong mây giăng mờ tỏ. Những quả quýt, quả cam như mọc ra từ sương mù, từ khói tỏa để khoe làn vỏ đỏ thắm đầy mời gọi. Nhà chị có 3 vườn tổng diện tích 1ha, lâu nhất đã trồng 8 năm, còn lại mới trồng 3 - 4 năm gồm cam Canh, quýt hôi và quýt bánh xe.

Chị Diều đang bóc thử một quả quýt bản địa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Diều đang bóc thử một quả quýt bản địa. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Phải giữ lại giống quýt của ông bà ngày xưa để cho bọn trẻ sau này còn biết đến chứ? Dù giá bán của chúng vẫn còn rẻ hơn cam Canh đấy (mỗi gốc trung bình 30 - 40kg, giá 15.000 - 20.000 đồng/kg). Vườn to, cây đã khép tán lại nuôi thêm gà, ngỗng nên cũng đỡ phải làm cỏ, còn vườn nhỏ, cây non vẫn thỉnh thoảng phát nhưng tôi để tốt chừng 20cm rồi tận dụng làm phân luôn. Dân ở đây không dùng phân hóa học mà toàn phân trâu, bò hay hữu cơ vi sinh, còn thuốc thì tự chế bằng ngâm tỏi, ớt”, chị Diều tâm sự.

Trời tối đen rồi tôi mới nghe thấy tiếng xối nước rửa chân ngoài sân. Chủ nhà Bùi Văn Tuấn - Phó xóm đã về sau một ngày làm nghề “chỉ trỏ” cam quýt cho thương lái dưới Hà Nội lên, mỗi kg được trả 1.000 đồng nên đút túi gọn gàng 1 triệu. Kinh tế đi lên nhưng an ninh trong xóm tốt đến mức xe máy vứt ngoài sân, ngoài đường cũng chẳng bao giờ mất, dân ngủ không phải lo cài cửa. Tuấn kể trước trộm cắp cũng lẻ tẻ xảy ra nên năm 2014 xã Nam Sơn cũ mới lập ra mô hình xóm an toàn về an ninh trật tự. Xóm lại lập ra 3 tổ an ninh trật tự, mỗi tổ gồm 13 - 15 hộ gần nhau để tự quản.

Chị Diều đang thu hoạch quýt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Diều đang thu hoạch quýt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rượu chè xảy ra cãi nhau hay vợ chồng xô xát tổ phải đến tận nơi, giải thích, thuyết phục sau đó phạt 5 - 7kg thóc nếu là lỗi nhỏ, nếu lỗi lớn đánh nhau thì nhiều hơn. Ngoài mất thóc còn có thể mất luôn danh hiệu gia đình văn hóa. Lúc mới thành lập tổ, cũng phạt thóc được vài lần nhưng về sau thì thôi hẳn. Tình cảm bà con nhờ đó mà càng thêm gắn bó. Ví dụ như hôm nay anh đến nhà tôi, ngày mai cả xóm đã hỏi ai đến chơi, tây hay là ta đấy?

Xóm Xôm trước toàn hộ nghèo, giờ nhà nào cũng trồng quýt, trồng cam nên kinh tế đã khá hơn nhiều. Điển hình có ông Bùi Văn Tức, Bùi Văn Đon, Hà Văn Đoàn... mỗi năm thu lãi 150 - 200 triệu đồng, còn những hộ thu lãi 50 - 70 triệu đồng thì phải hàng chục.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.