| Hotline: 0983.970.780

Xã hiến... giác mạc

Thứ Sáu 06/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ở các vùng nông thôn, người ta hiến đất làm đường. Còn người dân xã Hòa Nhơn lại hiến... cái khác. “Xã hiến giác mạc” là cái tên mà người dân Đà Nẵng dùng để gọi xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). 

Ở xã vùng nông thôn này, có đến 120 người tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời cho người bị mù lòa.

Người tiên phong

Xã Hòa Nhơn cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 20 km về phía Tây, là vùng quê thuần nông. Người dân nơi đây quanh năm chân lấm tay bùn, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy nhưng Hòa Nhơn lại là địa phương đi đầu trong việc hiến tặng giác mạc sau khi qua đời với hơn 100 người tự nguyện đăng ký tham gia.

Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Nhơn, cho biết, năm 2009, Trung ương Hội Chữ thập đỏ phát động phong trào hiến giác mạc thì người dân địa phương bắt đầu tham gia.

Ban đầu, người dân còn rụt rè lo sợ nhưng nhờ sự vận động, tuyên truyền nên đã mạnh dạn bước qua định kiến. Đến nay, 7 thôn trong xã đã có 120 người tình nguyện tham gia hiến giác mạc khi qua đời.

Ông Trung giới thiệu chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Trần Công Tương (66 tuổi) và bà Võ Thị Xí (63 tuổi) ở thôn Thạch Nham Tây. Ông bà là những người đầu tiên đăng ký hiến tặng giác mạc và tích cực vận động bà con, hàng xóm cùng tham gia.

Ở tuổi 66, lão nông Trần Công Tương vẫn phăm phăm làm việc ngoài ruộng lúa như đám thanh niên. Ông Tương là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thạch Nham Tây trong gần 20 năm liền.

Các phong trào nhân đạo cấp trên phát động ông đều nhiệt tình tham gia. Bằng khen các cấp về thành tích của ông dán chật kín tường nhà.

“Tôi có 12 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Khi sống, tôi mong những giọt máu của mình cứu sống được người bệnh thì khi chết tôi mong mình có thể trao tặng lại ánh sáng cho những người không may mắn bị mù lòa”, ông Tương bộc bạch.

Ông Tương kể, mẹ ông cũng là người không may bị mù lòa khi về già. Suốt những năm cuối đời, bà luôn mong được một lần nhìn được ánh sáng, con cháu và người thân trong gia đình. Vậy nhưng ước mong đó của bà không thể hoàn thành cho đến lúc qua đời.

“Hồi đó các bác sĩ nói có giác mạc thì sẽ tiến hành phẫu thuật, mẹ tôi có thể nhìn thấy được. Vậy nhưng suốt mấy năm trời không có người hiến giác mạc nên tôi không thể hoàn thành tâm nguyện của bà. Khi biết có chương trình hiến tặng giác mạc này, tôi nghĩ đến người mẹ đã khuất của mình rồi nhanh chóng làm hồ sơ đăng ký”, ông Tương chia sẻ.

Khi vợ chồng ông đưa ra quyết định tham gia hiến giác mạc thì gặp phải sự phản đối của 5 người con. Họ cho rằng ông bà bị lấy đi đôi mắt thì linh hồn không nguyên vẹn, không thể siêu thoát được.

“Tôi phải dùng kiến thức, lý lẽ để thuyết phục mấy đứa con của mình đồng ý. Tôi nói hiến giác mạc không phải là móc nguyên một con mắt. Các bác sĩ chỉ lấy đi miếng giác mạc mỏng, trong suốt ở đầu con ngươi. Một người chết đi có thể mang lại niềm vui nhìn thấy ánh sáng cho hai người mù thì tại sao lại không tự hào mà làm?”, ông chia sẻ.

Năm người con của ông dần nhận ra việc làm ý nghĩa này và đồng ý để ông bà tham gia. Ngày 26/11/2009, ông bà hoàn tất thủ tục hiến giác mạc của mình.

Theo ông Tương, nhờ kinh nghiệm vận động năm người con mà ông thành công trong việc kêu gọi người dân thôn Thạch Nham Đông tham gia chương trình. Đến nay, thôn Thạch Nham Đông có 10 người đã đăng ký hiến tặng giác mạc trong đó có 3 cặp vợ chồng. Nhiều người trong thôn vẫn tiếp tục đến nhà ông Tương để xin làm thủ tục nhưng chưa có hồ sơ.

“Chỉ cần mình giải thích đây là việc nghĩa lại không ảnh hưởng đến bản thân lúc qua đời thì mọi người không còn lo sợ”, ông Tương nói.

Giữ ánh sáng cho đời

Theo sau ông Tương, hơn 100 người dân xã Hòa Nhơn cũng đăng ký tham gia hiến giác mạc sau khi qua đời. Tất cả trong số họ đều là những người nông dân chân chất. Vợ chồng ông Hồ Thêm (66 tuổi) và bà Trần Thị Xuyến (65 tuổi) ở thôn Thanh Nham Tây cũng nằm trong số đó.

13-39-44_nh-ong-tuong-v-giy-chung-nhn-hien-gic-mc-cu-hi-vochong-1
Ông Tương và giấy đăng ký hiến tặng giác mạc của hai vợ chồng

“Hồi đầu mới nghe ông Tương nói tôi đâu có chịu, đuổi ra khỏi nhà vì tưởng ông xúi bậy. Sau tôi tận mắt thấy cái giấy hiến giác mạc của vợ chồng ổng mới chịu tin, ngồi nghe trình bày. Tôi hiểu ra việc hiến giác rất đơn giản, không phải móc mắt đi. Hỏi ý kiến con cháu thì tụi nó cũng đồng ý nên làm thủ tục.

Chuyện tui hiến giác mạc còn được ghi lại trong di chúc để con cháu sau này thực hiện. Ngộ nhỡ khi tui chết tụi nó đổi ý làm khó cán bộ y tế là không được. Mình chết đi rồi cũng chôn xuống đất là hết nhưng lại giúp cho hai người bất hạnh tiếp tục nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp này thì có gì mà hối tiếc”, bà Xuyến tâm sự.

Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã hy vọng: “Hội Chữ thập đỏ xã vẫn đang tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động. Chúng tôi mong rằng, người dân đăng ký hiến tặng giác mạc sẽ không dừng lại ở con số 120”.

“Chúng tôi khi mất đi vẫn nhìn thấy cuộc đời. Đó là khẩu hiệu của những người hiến giác mạc ở xã Hòa Nhơn này. Tôi xem ti vi, đài báo thấy có người hiến tim, thận hoặc cả cơ thể cho y học thì mình làm chút việc ý nghĩa này cũng chẳng sao”, ông Lê Tiến Trình, thôn Thạch Nham Đông chia sẻ.

Theo ông Trình, người cho đi giác mạc sau khi qua đời thì chắc chắc sẽ có người nhờ đó mà sáng đôi mắt giúp họ thay đổi cuộc sống tốt hơn.

“Người mù họ sống cực lắm nên cứ nghĩ đến việc giúp được họ là tôi hạnh phúc rồi. Gia đình mình sau này lỡ không may có người mù lòa thì chắc chắn cũng sẽ có người sẵn sàng hiến giác mạc giúp đỡ như mình bây giờ”, ông Trình tâm niệm.

Ông Trình bây giờ cũng trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Mỗi lần có hội họp hay gặp mặt ở đâu là ông đều tranh thủ vận động những người xung quanh tham gia hiến giác mạc.

“Nhiều người ban đầu kêu tôi nói càn nhưng rồi họ cũng chịu nghe. Cá nhân tôi đã vận động được 3 người khác tham gia rồi. Chừng nào còn sống là tôi vẫn chưa dừng lại”, ông Trình khoe.

Hằng tháng, Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Nhơn đều tiến hành khám mắt miễn phí cho những người hiến mạc ở trạm xá xã. Ai có bệnh về mắt đều được giới thiệu đến Bệnh viện Mắt Đà Nẵng thăm khám.

Từ ngày tình nguyện đăng ký hiến giác mạc, những người nông dân làm việc nghĩa này cũng bắt đầu khép mình trong quy trình… giữ mắt. Họ chăm sóc đôi mắt chu đáo theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Xem ti vi, làm việc gì khiến đôi mắt căng thẳng họ đều cân nhắc, bởi đôi mắt ấy bây giờ không chỉ còn là của riêng họ, mà còn dành cho người nhận - những người đang đón chờ ánh sáng vào một ngày nào đó.

“Mình phải giữ gìn cẩn thận để khi có người nhận, họ có được đôi mắt tốt nhất để nhìn cuộc đời”, ông Trình cho hay.

Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, cho biết người hiến giác mạc lớn nhất 72 tuổi và người nhỏ nhất 45 tuổi. Đặc biệt, trong số 120 người tình nguyện hiến giác mạc, có đến 9 cặp vợ chồng tham gia. Người dân Hòa Nhơn đã vượt qua những rào cản tâm linh để làm việc nghĩa.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm