| Hotline: 0983.970.780

Xã hội hóa nguồn lực phát triển nông nghiệp

Thứ Ba 28/06/2022 , 22:32 (GMT+7)

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nên coi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng là đối tác cùng phát triển, thay vì là đối tượng phải quản lý.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Điểm sáng thủy sản

Trình bày tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN-PTNT ngày 28/6, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt chỉ rõ 3 thách thức lớn thời gian qua là: thời tiết; giá cả vật tư đầu vào tăng; các chỉ số sản xuất cùng kỳ 2021 rất cao. Trong đó, đặc biệt là xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản tăng trưởng 15,8%; nhóm hàng thủy sản tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bất chấp những khó khăn ấy, ngành nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng khi giá trị sản xuất tăng 2,8%, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Nhiều lĩnh vực đạt thành tựu như công bố sản xuất thành công vacxin thương mại phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi; xuất khẩu đạt 27,88 tỷ USD, thặng dư toàn ngành tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành mục tiêu kép cho công tác xuất nhập khẩu là ngành thủy sản. 6 tháng đầu năm, thủy sản xuất khẩu 5,8 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường bảo hộ, chi phí logistics bị đội lên nhiều lần, và nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mức tăng của thủy sản được Vụ trưởng Nguyễn Văn Việt xem là "đáng khích lệ".

Chia sẻ thêm về thành tích này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận xét, công tác dự tính, dự báo luôn được ngành quan tâm, triển khai từ sớm. Ngay từ các cuộc họp hồi cuối năm 2021, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp VASEP, các Chi cục và các địa phương phân tích, đánh giá chi tiết về cung cầu thị trường, nhằm dự trữ sản lượng và sớm triển khai những kế hoạch đón đầu trong năm 2022.

"Trong vòng 6 tháng, ngành thủy sản tổ chức 9 hội nghị, cho nhiều ngành hàng như tôm, cá tra, nhuyễn thể. Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, chúng tôi làm việc sâu sát, trực tiếp đến từng địa phương để nắm chắc tình hình sản xuất", ông Luân nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Bàn về công tác 6 tháng cuối năm, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng ngành thủy sản sẽ gặp nhiều thách thức về môi trường, giá vật tư đầu vào, cũng như nguyên liệu xuất khẩu có thể bị thiếu. 

Một vấn đề nữa được người đứng đầu lĩnh vực thủy sản nhấn mạnh, là công tác phòng chống IUU, cũng như xóa thẻ vàng của EC. Ông Luân cho biết, vào tháng 9/2022, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cử đoàn sang kiểm tra thực địa. Do đó, Tổng cục và 28 tỉnh, thành phố ven biển cần có sự phối hợp tốt để dứt điểm tình trạng khai thác thủy sản trái phép hoặc không khai báo.

"Qua những trao đổi với EC, phía bạn đánh giá cao nỗ lực kiểm soát của Việt Nam. Châu Âu ghi nhận số lượng vụ việc vi phạm đã giảm khá nhiều. Đây là cơ sở để chúng ta tiến tới quản lý chặt chẽ hơn vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác", ông Luân bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến của Tổng cục trưởng Trần Đình Luân, Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT Lê Văn Thành cho biết, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ cần chủ động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo không gian phát triển trong 6 tháng cuối và các năm tiếp. Ông Thành cho rằng, công tác chỉ đạo cần thực hiện một cách toàn diện, từ sản xuất theo thời vụ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các vấn đề nội tại của từng lĩnh vực.

Khuyến cáo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT rà soát các kịch bản tăng trưởng để tổ chức sản xuất, trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào còn giữ ở mức cao, Chánh Văn phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh yếu tố "sáng tạo". Hiện nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Dương...đã gắn nông nghiệp với phát triển du lịch, tạo thêm giá trị cho người dân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu bật điểm sáng của ngành trong 6 tháng đầu năm là lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu bật điểm sáng của ngành trong 6 tháng đầu năm là lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Cẩn trọng giải ngân vốn đầu tư công và sản phẩm OCOP

Ngoài những điểm sáng trong 6 tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt cũng nêu 2 tồn tại của ngành. Thứ nhất, là về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đạt 26%; thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng kế hoạch vốn năm 2022 mà Bộ NN-PTNT được giao là 6.438 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ) là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA 1.900 tỷ đồng. Theo ông Việt, tốc độ giải ngân của Bộ NN-PTNT hiện đứng thứ 10 cả nước, và cần tăng tốc vấn đề này, nhằm đảm bảo tốc độ phục hồi kinh tế theo tinh thần của Chỉ thị 26 mà Thủ tướng ban hành.

Thứ hai, là số sản phẩm OCOP tăng khoảng 2.000 sản phẩm, từ  5.496 lên 7.463, chỉ trong vòng nửa năm. Tuy nhiên, số sản phẩm tăng thêm chủ yếu là 3 sao, 4 sao - vốn thuộc thẩm quyền công nhận của UBND các tỉnh, thành phố. Ngược lại, số sản phẩm 5 sao - do Trung ương đánh giá - hầu như không tăng, và giữ ở mức khoảng 20 sản phẩm.

Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn khẳng định 2.000 sản phẩm OCOP vừa được công nhận trong 6 tháng qua đáp ứng đúng, đủ theo bộ tiêu chí mà Chính phủ xây dựng. 

Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn và thẩm định chéo chất lượng sản phẩm OCOP, Bộ NN-PTNT đã lên kế hoạch tổ chức các đoàn kiểm tra về địa phương. Thanh tra Bộ đã có báo cáo về vấn đề này, chuẩn bị trình lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trước khi gửi văn bản đôn đốc địa phương và thị sát thực tế. 

Về triển khai công tác 6 tháng cuối năm, Vụ trưởng Nguyễn Văn Việt lưu ý hai lĩnh vực là thủy lợi và phòng chống thiên tai, bởi đây là giai đoạn mưa, bão, lũ thường xảy ra, có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất. Một điểm nữa, là cần giải quyết rốt ráo vấn đề ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, có thời điểm 5.000 – 6.000 xe, gây ảnh hưởng đến bà con nông dân.

Góp ý thêm, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhắc lại vấn đề thời vụ. Do vụ đông xuân chậm 7-10 ngày so với bình thường, vụ mùa cũng bị chậm lại, ảnh hưởng tới tiến độ gieo trồng cây vụ đông - vụ trọng điểm ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Ông Cường cũng nêu khó khăn về hướng tiêu thụ cây có múi tại các tỉnh phía Bắc. Hiện một số địa phương gặp dịch bệnh như vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh... gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại quả như cam, quýt, bưởi, chanh.

Đòn bẩy từ khoa học công nghệ

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khuyên toàn ngành nông nghiệp cần thay đổi

cách tiếp cận trong công tác định hướng, phát triển cũng quy hoạch từng lĩnh vực.

Nhắc lại chuyện nhiều nông dân từng khóc với Bộ trưởng, tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng một bộ phận rất đông bà con vẫn nghĩ, sự thay đổi trong công tác chỉ đạo sản xuất sẽ chậm hơn diễn tiến thay đổi của thị trường. Đó cũng là lý do mà nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái chưa thể lan tỏa sâu rộng.

"Chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp là một quá trình. Ở đó, chúng ta cần chuyển động cả nền nông nghiệp, đồng thời giúp người dân nâng cao nhận thức về mọi mặt. Chẳng hạn, việc tiết kiệm chi phí vật tư đầu vào không phải chờ tới khi giá vật tư lên cao mới tuyên truyền, mà cần phải được hình thành ngay từ trong suy nghĩ, từ lúc bắt tay vào làm", Bộ trưởng trăn trở.

Thừa nhận “mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT đề cao vai trò người đứng đầu của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp, HTX, thậm chí hộ dân. Ông tin rằng "cảm xúc của người đứng đầu sẽ lan tỏa đến các thành viên". Do đó, thay vì kêu than, mọi người cần chấp nhận quy luật đất đai, sản lượng, năng suất nông

nghiệp sẽ đến lúc kịch trần. Đó cũng là lúc, tất cả cần phải tìm phương án tích hợp đa giá trị và tìm ra giá trị mới cho ngành.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất ý tưởng xây dựng vùng nguyên liệu làm cốt lõi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp và sự quan tâm của người dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất ý tưởng xây dựng vùng nguyên liệu làm cốt lõi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp và sự quan tâm của người dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến thăm nhiều viện, trường, lắng nghe sinh viên, các nhà nghiên cứu trình bày về những ý tưởng khởi nghiệp. Ông đánh giá cao những nỗ lực ấy, và định hướng các đơn vị của Bộ NN-PTNT tăng cường kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng nhiều hơn nữa khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và xem đó là đòn bẩy phát triển của toàn ngành.

"Nghiên cứu khoa học phải giải quyết được các vấn đề sát sườn với người nông dân dù nhỏ. Giờ là lúc chúng ta cần mượn sức từ nguồn lực xã hội, đồng hành với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập, coi họ là đối tác cùng phát triển, kiến tạo không gian phát triển; thay vì xem là đối tượng để quản lý", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tư duy này, theo tư lệnh ngành nông nghiệp, sẽ hưởng lợi từ việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành, cung cấp nguồn lực. Nó cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi lấy đầu tư công thu hút, dẫn dắt đầu tư tư, để từ đó nhà nước, thị trường và xã hội cùng phát triển. 

4 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp cần tập trung trong 6 tháng cuối năm 2022. Thứ nhất, là tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gồm 6 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng, 15 Thông tư của Bộ trưởng; 26 chương trình/đề án, 44 Quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp.

Để đảm đương khối lượng công việc này, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tăng cường phối hợp một cách hiệu quả, đặc biệt là đẩy nhanh các thủ tục hành chính, thể chế, chính sách. Ông cũng lưu ý việc nâng cao chất lượng các văn bản trả lời địa phương, tránh để một vấn đề dây dưa, kéo dài, không giải quyết dứt điểm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tập trung vào việc xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tập trung vào việc xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ hai, Thứ trưởng Hiệp đề xuất phương án giải quyết quan ngại, về số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm. Theo Thứ trưởng, số lượng sản phẩm nhiều hay ít không quan trọng bằng việc thay đổi cách tiếp cận. Thay vì, địa phương đánh giá sản phẩm (3 sao, 4 sao), hoặc Trung ương đánh giá sản phẩm 5 sao, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất cho người dân, doanh nghiệp, hoặc các tổ chức thứ ba đánh giá cho khách quan.

“Chúng ta đã nói nhiều tới vấn đề chuyển đổi, nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như tri thức hóa nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần đánh giá dựa trên thực tế. Chẳng hạn, việc đào tạo không nhất thiết phải qua trường lớp, mà có thể ngay từ chính công việc hàng ngày, hay cơ giới hóa công việc hàng ngày”, Thứ trưởng nói.

Thứ ba, là vấn đề tái cơ cấu các đơn vị. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, rằng Bộ Nội vụ đã cơ bản đồng ý với cách tổ chức, sắp xếp mới. Giờ là lúc các Cục, Vụ trực thuộc Bộ NN-PTNT chủ động hoàn thành chức năng, nhiệm vụ mới.

Thứ tư, là vấn đề giải ngân đầu tư công. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng việc tỷ lệ này thấp hơn 10% so với cùng kỳ nằm trong thực trạng chung, bởi năm 2022 có nhiều dự án, kế hoạch được triển khai mới.

Thứ trưởng Hiệp cũng bác bỏ thông tin, rằng tốc độ giải ngân của Bộ NN-PTNT chậm như một số phản ánh. Ông cũng cam kết, cuối năm 2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt 100% và vốn ODA đạt 80%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý đến giá trị xuất khẩu nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%.

“Xuất khẩu là thước đo đúng đắn nhất, đánh giá chính xác nhất hiệu quả của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xuất khẩu liên tục tăng trong những năm qua chứng tỏ giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày một tăng, đủ sức chinh phục thị trường khó tính. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã tái cơ cấu đúng hướng, đi vào chiều sâu như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa trình bày trước Quốc hội”, Thứ trưởng Tiến nói.

Lĩnh vực được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề cao là thủy sản. Ông nhấn mạnh, rằng ngành thủy sản đã tổ chức theo đúng định hướng là tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác. Bước tăng 7,4% về nuôi trồng thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 là “ngoạn mục”, với sản lượng 2,27 triệu tấn, trong đó, cá 1,55 triệu tấn, tăng 6,5%; tôm 448,4 nghìn tấn, tăng 11,3%.

Song song với đó, ngành thủy sản cũng tích cực mở rộng các đối tượng nuôi trồng, đáp ứng từng bước yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu như: rong, tảo, nhuyễn thể.

Một lĩnh vực nữa cũng được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc đến là chăn nuôi. Ông coi, đây là mảng còn nhiều dư địa, đóng góp vào 25,2% GDP ngành nông nghiệp.

Bên cạnh việc xây dựng được những vùng chăn nuôi an toàn sinh học, lĩnh vực này còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã xây dựng, triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Dù còn nhiều khó khăn, chăn nuôi từng bước khắc phục các vấn đề về phần mềm, dữ liệu, đường truyền, hạ tầng thông tin để phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng trong ngành nông nghiệp

“Bất chấp giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, tôi tin rằng chăn nuôi năm 2022 sẽ hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu được giao”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.