| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 02/01/2015 , 08:27 (GMT+7)

08:27 - 02/01/2015

Xã hội nóng rẫy, thư không nguội

Mong rằng sang 2015, cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ dễ dàng hơn, cho dù chuyên gia TVGĐ luôn nghĩ, khi buồn thì người ta mới cần đến mình, không sao khác được.

Đàn ông yếu kém hay là...?

Trước hết, xin quý ông đừng tự ái. Vì sao có hiện tượng liên tục thư “kể tội” các quý ông gửi đến chuyên mục Tư vấn gia đình (TVGĐ)? Đơn giản thôi mà. Bởi vì xã hội ta vẫn nhiều tàn dư lạc hậu, nam trọng nữ khinh. Và khi phụ nữ không thể kêu la với gia tộc, hay với dân phố, hay với đoàn thể, thì chỉ có thể tìm đến các trang tư vấn mà thôi.

Không khó để nhận biết nguyên do vì sao tỷ lệ thư nước mắt của chị em đều liên quan đến một vấn đề chung nhất: Tư cách của người đàn ông đang là người yêu, hay đã là chồng, là cha của một gia đình.

Cụ thể hơn ra, thì đó là những biểu hiện gì mà chúng tôi dám quả quyết đó là vấn nạn của xã hội hiện tại? Độc giả chắc quá quen với hình ảnh những vỉa hè tràn ngập quán bia. Kỳ cục chứ không phải kỳ lạ, đúng không? Kỳ cục vì với con số tỷ tỷ lít bia được tiêu thụ ở Việt Nam hàng năm thì một đứa bé học cấp II cũng có thể luận ra rằng, thảo nào tai nạn giao thông không giảm, thảo nào nạn đánh đấm chửi nhau ngoài đường phổ biến hơn và thảo nào các bà vợ phải lãnh đủ!

Cùng sấp mặt mưu sinh cả ngày, chiều về, vợ lo con cái bếp núc, chồng tỉnh bơ ăn nhậu, cơm không muốn, chỉ muốn bạn và bia!

Rồi, cũng những ông chồng gia trưởng ấy vừa về đến nhà (nếu hôm ấy nhịn bia), thì vừa ra áo đã quay mặt vào tường với chiếc máy tính trước mặt. Mọi thứ đã có vợ đảm, đức ông phải “game cái đã” và thế là, con trai thì vọc điện thoại của bố (hay của mẹ) và cũng game nốt, con gái thì đã có chương trình quảng cáo trên ti-vi dỗ cho nó ăn.

Buổi tối của gia đình đáng ra mỗi người một việc, lại kết thúc trong hậm hực của vợ, trong sự biếng ăn gần như mãn tính của bố và con trai. Và cái không khí ảm đạm ấy sẽ kéo lê mọi thành viên vào giấc ngủ.

Ấy là chưa nói đến chuyện vợ phát hiện chồng có bồ ở đâu đó, hoặc có nợ nần do lô đề, bài bạc, hoặc chồng vướng cả hai thứ trên. Bi kịch áp lên bi kịch, bởi vì vợ sẽ phản ứng và chồng sẽ “ra tay”.

Vì sao người phụ trách chuyên mục không bảo là chồng sẽ tự vệ? Lý ra thì các đức ông sẽ tự vệ chứ. Chống chế, chối quanh, viện dẫn, đủ thứ, thậm chí hạ mình xin lỗi mới phải. Nhưng không, thông thường, các ông chồng sẽ mạnh tay trấn áp ngay.

Không biết thói vũ phu này nó sống lại tự khi nào mà lan rộng quá thể. Rõ ràng vấn đề không dừng lại chỗ chồng có bồ hay chồng lỡ bài bạc thì nên dừng lại. Rõ ràng chồng cậy thế mạnh đã sai mà còn cùn, vợ bị tổn thương tinh thần lẫn thể xác, dẫn đến ly hôn, tan vỡ.

Cuồng ghen cũng là một hiện tượng lây lan như dịch bệnh, bùng phát vào năm 2014 này. Chao ơi, trên báo hầu như tuần nào cũng có cuồng ghen. Cuồng ghen đến mức dùng xăng, dùng dao, dùng nắm đấm, dùng thòng lọng. Bị hại không chỉ là phụ nữ mà còn liên can đến trẻ em.

Cuồng ghen đến với chuyên mục bằng thư kêu cứu, có nhẹ hơn tin tức hàng ngày trên mục pháp luật của các báo. Đơn giản vì đối tượng bị ghen còn cơ hội sống nên còn viết thư kêu cứu được. Thế nhưng sau khi thư hồi âm đến thì bạn nữ ấy có thoát được không, hay là…

Thôi thì cứ tạm tin trang tư vấn nếu đã không làm lay chuyển những gã đàn ông cuồng ghen (do tình cờ họ đọc được thư trả lời) thì cũng đã giúp một phụ nữ bình tâm, sáng suốt ra để tìm cách tự cứu mình.

Nói đi cũng phải nói lại. Làm đàn ông con trai thời nay không quá khó ư? Mưu sinh trần ai, cạm bẫy giăng đầy và áp lực thì vô kể. Họ hay xả stress bằng những thứ bên ngoài ngôi nhà của mình và họ cũng là thịt da tim óc con người, họ mỏi mệt, họ bế tắc, họ cáu tiết và cũng có buông xuôi.

Mẹ chồng và nàng dâu

Đề tài mới nghe qua, tưởng là quá khứ được xới lên thời tổ tiên ông bà, thời phụ nữ răng đen, thời tảo hôn, thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Không, là chuyện của hôm nay, của thời a còng, thời thế giới phẳng, thời Intenrnet đấy các bạn ạ.

Vậy mẹ chồng thời nay là những người như thế nào? Có thể chia họ ra mấy thành phần. Thứ nhất, những phụ nữ nông thôn cả cuộc đời cơm rau để nuôi con ăn học, vậy rồi đứa con trí thức ấy yêu và định lấy người cũng trí thức như nó, thế là xung đột…Thứ hai, mẹ chồng phố thị, có ăn có để, bắt đầu sống kiểu phú quý sính lễ nghĩa. Thứ ba, mẹ chồng viên chức, về hưu rồi thì hoàn nguyên là con người của bảo thủ, không dễ đối thoại chút nào vì bà ta có gang có thép.

Phía các cô thì sao? Các cô không nhiều “thành phần” như các mẹ (thì hiện tại hoặc ở dạng thì tương lai). Vì các cô biết viết thư kêu với trang tư vấn thì chí ít các cô cũng đã trang bị cho mình học thức, bằng cấp, nữ quyền.

Các cô giống nhau lắm, các cô đúng là sản phẩm của thời tốc độ, các cô tưởng mình đã cất cánh nhưng không nghĩ, lấy chồng là đã đeo đá tảng vào cánh, ngoài ông chồng còn nhiều nhược điểm thì còn có mẹ chồng (là một trong ba dạng kể trên) và cả nhà chồng phải thuộc về, phụng sự, gắn bó. Các cô không hiểu Á đông là địa chính trị và cũng là phong tục, tập quán, nói chung là văn hóa nó thế. Không thể tránh được, như cây và cỏ, không thể né được mặt trời.

Rất nhiều thư than khóc và muốn dừng lại trước khi cưới, thậm chí muốn ly hôn chỉ vì không sao chịu nổi mẹ chồng.

Vì sao có tình trạng kỳ quặc như thể cuộc sống đang giật lùi, hay con người đang bơi ngược vậy? Dễ hiểu thôi, vì nhà nào bây giờ cũng “chỉ nên có từ một đến hai con”, qui định đấy, kế hoạch dân số đấy. Vì vậy mà con trai hầu như là con một.

Bi kịch Á đông nằm ở chỗ con một này đây. Nghĩa là con trai muôn đời bé con trong mắt người mẹ mà người nữ trẻ kia lại “dùng” nó, yêu thương nó, hạch sách nó, bảo sao bà mẹ không điên tiết cho được!

Hiểu là một chuyện, có hòa hợp được với thực tế ấy không, lại là một chuyện.

Sếp yêu

Đây là đề tài không mới nhưng mức độ thư về việc này nhiều bất thường. Cũng là một hiện tượng của xã hội đây. Ở các nước văn minh, người ta có luật cho việc quấy rối tình dục ở công sở. Đã phải luật hóa tức là chuyện ấy đã nhiều đến mức không chịu nổi nữa rồi, cũng là để bảo vệ con người nói chung và phụ nữ nói riêng.

Xứ mình, chuyện quấy rối thường như cơm bữa. Khen đẹp, khen xinh, đi qua, chạm chút vào lưng, đặt tay lên vai, hay nhìn vào khe ngực, quá thường. Không ai phản ứng, thậm chí còn thấy hãnh diện.

Nhưng sao lại có những lá thư kêu ca sếp? Làm sếp là phải nhắm mắt trước một khe ngực đẹp, hay không được vỗ vai thân mật một em nữ, hay là không thể khen hôm nay em đẹp em xinh?

Không đâu, chuyện không như vậy. Chuyện ở đây là do sếp hư, sếp tưởng mình phải được hối lộ bằng tình. Sếp tưởng mình là con đực của bầy đàn, mình được chọn mái. Sếp cho mình có quyền ban phát tiền lương, tiền thưởng cùng cấp bậc thì sếp nghĩ mình cũng có quyền yêu cô này rồi lại sang cô kia, dù cô ấy đang có người yêu hay là đang có chồng.

Thật là khó xử cho những phụ nữ công sở lọt vào mắt xanh của sếp (mà mắt sếp lại hay đảo nữa chứ). Ngoan ngoãn sẽ được lợi nhưng cầm chắc tận đáy lòng sếp có khinh và đồng nghiệp cũng khinh. Ấy là chưa nói lòng mình cũng thích, cũng rung vì sếp đẹp trai, sếp ăn nói giỏi, sếp tài, sếp thơm…

Nhưng mà chuyện ngại hoặc chuyện rung này không thể san sẻ cho ai được, đồng nghiệp nam đánh giá, đồng nghiệp nữ ganh ghét và càng không thể với người yêu hoặc với chồng. Có những sếp đeo dẳng đến mức người nữ thuộc cấp tuyệt vọng, cứ muốn chuyển đi mà nào có dễ.

“Ăn không được cũng phá cho hôi”, chao ơi, lòng người, tình người, thói đời và gì gì nữa, đúng là phải kêu nhưng thường nước xa không cứu được lửa gần.

Tình trạng ấy góp thêm một tiếng chuông vào dàn chuông đang báo động mỗi ngày cho lĩnh vực đạo đức, văn hóa đang rất đáng âu lo hôm nay.

Mấy lời kết

Một năm 2014 nhiều biến động khôn lường. Nhìn ra thế giới đảo điên thì biết. Độc giả cũng như người phụ trách chuyên mục vẫn phải sống, làm việc, đọc báo và xem ti-vi, mỗi ngày. Càng nghe thấy nhiều càng hoang mang, lo lắng, đúng không?

Truy nguyên cho những hiện tượng vừa dẫn ra ở lĩnh vực mà trang TVGĐ nhận biết được cũng đã vô vàn, có thể hàng trang giấy và hơn thế. Chúng ta cũng nên biết mình đang sống ở tầm mức nào, cái trần của mình tới đâu, sự trói buộc của lề thói cần phải từ từ ra sao.

Mong rằng độc giả, nhất là độc giả nữ thấu đáo, can cường và dũng cảm hơn nữa với những thách thức mà hàng ngày chúng ta phải đối đầu. Mong rằng sang 2015, cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ dễ dàng hơn, cho dù chuyên gia TVGĐ luôn nghĩ, khi buồn thì người ta mới cần đến mình, không sao khác được.

 

Bình luận mới nhất