| Hotline: 0983.970.780

Xã mang tên Bí thư Tỉnh ủy

Thứ Ba 01/09/2015 , 09:01 (GMT+7)

Xã Thiệu Toán (tiền thân là xã Huy Toán), huyện Thiệu Hóa “khai sinh” tháng 12/1945 và được đặt theo tên của liệt sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 1940 - 1942, ông Lê Huy Toán.

Hơn bảy thập kỷ trôi qua kể từ ngày cụ Toán hi sinh, nhưng mỗi lần ôn lại lịch sử Đảng bộ xã, từ cán bộ đến mỗi người dân đều nhắc nhớ về người con quê hương suốt đời trung với Đảng, hết lòng vì nhân dân.

Một đời hoạt động cách mạng

Cụ Lê Huy Toán sinh năm 1890 tại làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, trọng văn sách, lễ nghĩa nên ngay từ nhỏ cụ Toán đã giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào thanh thiếu niên yêu nước ở địa phương.

Chứng kiến dân tình chịu cảnh khổ cực, cụ quyết tâm nghiên cứu sách thuốc, học nghề chữa bệnh cứu người, đồng thời dạy chữ Hán cho con cháu trong làng.

Cụ xông xáo tham gia các phong trào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, làm Bí thư Chi bộ Mao Xá, vận động quần chúng học chữ quốc ngữ; kiến nghị lên Viện dân biểu Trung Kỳ bãi bỏ dự án tăng thuế thân, thuế điều thổ; phong trào cải lương hương chính đưa người của cách mạng ứng cử vào các chức sắc của hội đồng ngũ hương làm tổng…

Đến tháng 4/1940, cụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa kiêm Bí thư Chi bộ Mao Xá.

“Cụ Toán chính là một trong những người hoạt động cách mạng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, luôn luôn bám trụ cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Đây chính là điểm dân mến, dân tin ở cụ”, ông Lê Xuân Lối, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Toán kể lại.

17-43-05_1_1
Ông Lối tự hào kể lại những đóng góp của cụ Lê Huy Toán với quê hương

Sau khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, cụ và gia đình nằm trong tầm ngắm của địch. Đến tháng 9/1941, cụ bị địch bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa và kết án 20 năm tù khổ sai cho đi đày biệt xứ tại Trường Xanh (nơi giam giữ những người đã thành án).

Sau một thời gian ở tù bị tra tấn, ngày 5/4/1942, cụ hi sinh tại nhà tù Thanh Hóa, đúng vào thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đâu đâu cũng tràn ngập không khí hân hoan, phấn khởi.

“Để tưởng nhớ những người đã khuất, tháng 12/1954 chính quyền cách mạng bố trí lại đơn vị hành chính đã đổi phủ Thiệu Hóa thành huyện Thiệu Hóa, thành lập nên 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có xã Huy Toán gồm 4 làng: Mao Xá, Hố Kỳ, Cựu Thôn và Thung Dung.

Việc đặt tên xã Huy Toán có ý nghĩa lịch sử to lớn, tôn vinh những đóng góp lớn lao của liệt sỹ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Toán đối với làng với xã nói riêng, xứ Thanh nói chung”, ông Lối tự hào cho biết.

Tháng 3/1953, 12 đơn vị hành chính của huyện Thiệu Hóa được chia tách thành 31 xã. Xã Huy Toán được chia tách làm 2 xã là Thiệu Chính và Thiệu Toán ngày nay.

Được biết, năm 1994, Chính phủ đã cấp bằng công nhận di lích lịch sử văn hóa “Cơ sở cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945” cho 3 gia đình liệt sỹ gồm: Lê Huy Toán, Lê Công Thanh và Tô Đình Bảng.

Ông Lê Công Hải, Chủ tịch UBND xã Thiệu Toán, nói: “Chúng tôi tự hào và lấy làm hãnh diện khi tên cụ Lê Huy Toán được đặt làm tên xã, tên làng.

Gia đình cụ là gia đình cách mạng triệt để, chính vì vậy những người làm cán bộ và công tác Đảng như chúng tôi luôn luôn noi gương, phấn đấu hết mình để xứng đáng với sự kỳ vọng của cụ lúc còn sống”.

Khoác áo mới

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Thiệu Toán bắt tay xóa giặc đói, diệt giặc dốt, xây dựng cuộc sống mới.

Thời gian trôi đi Thiệu Toán đổi thay cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhưng ngày tôi đến quê hương nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa vẫn còn đó một con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã nham nhở ổ trâu, ổ voi chưa được đầu tư xây dựng.

17-43-05_4
100% đường giao thông liên thôn, liên xã ở Thiệu Toán đã được bê tông hóa

Người dân nơi đây đã kiến nghị, đề xuất nhiều lắm ở các hội nghị tiếp xúc cử tri, các kỳ họp hội đồng nhưng nguyện vọng ấy vẫn chưa được giải quyết.

Ngay như ông Lê Công Hải, Chủ tịch UBND xã cũng bảo rằng: “Tỉnh lộ 515 có lẽ là con đường xấu nhất Việt Nam chứ không phải xấu nhất Thanh Hóa”.

Ngày 23/4/1957, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã truy tặng liệt sỹ và bằng “Tổ quốc ghi công” cho cụ Lê Huy Toán. Ngày 25/1/1965, Chính phủ tiếp tục tặng bằng và kỷ niệm chương “Có công với nước” cho gia đình bà Đinh Thị Điển (vợ cụ Toán).

Sở dĩ ông Hải nói như vậy, bởi toàn bộ đường liên thôn, liên xã đã được chính quyền và người dân góp công, góp của rải nhựa, bê tông vào tận hộ gia đình, nay chỉ còn con đường này cần sự hỗ trợ xây dựng của cấp trên.

Để hiểu rõ hơn đời sống người dân Thiệu Toán xưa và nay, ông Trịnh Tiến Ba (59 tuổi), thôn Toán Thọ chia sẻ, đến năm 1975 đã có độc lập, tự do trên toàn đất nước nhưng dân vẫn đói nghèo triền miên.

Đỉnh điểm là những năm 1981 - 1986, HTX phải lên tận các huyện miền núi Thường Xuân, Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa mua sắn về cứu đói cho dân. Nhiều người tận dụng đầu gạc sắn giã ra ăn đến nỗi say chao đảo.

Thậm chí khi ông làm Phó Chủ nhiệm HTX (1985-1988) tỷ lệ nhà ngói mới chỉ đạt 30%, nhà cao tầng bói mãi mới được một vài cái; năng suất lúa bình quân đạt 1-1,2 tạ/sào; công lao động bình quân 0,4 kg/người/công.

Cả xã chưa có mét đường bê tông nào, cán bộ đi họp phải đạp chiếc xe không phanh, không gác đờ-bu, lốp quấn ba bốn lớp.

“Khi đó người ta cứ bảo rằng “cơm chia nhau, rau tháo khoán”, nhưng thực tế rau cũng không có mà ăn.

Mãi đến khi người dân được tự chủ sản xuất, ruộng giao đến tận hộ gia đình thì đất bỏ hoang bỗng trở thành bờ xôi rộng mật, ao hoang thành ao cá, đời sống người dân chuyển biến rõ rệt”, ông Ba nói.

Còn ông Lê Công Hải cho hay, gần 5 năm lại đây, đặc biệt là giai đoạn xã thực hiện công cuộc xây dựng NTM, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” thì tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 7%; nhà nào nhà nấy sở hữu từ 1-2 chiếc xe máy; năng suất lúa tăng lên 70 tạ/ha; gần chục trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp mọc lên, mỗi năm mang lại doanh thu trên 100 triệu cho các hộ dân; đặc biệt, 100% đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất