| Hotline: 0983.970.780

Xã nghề cơ khí, điêu khắc Thanh Thuỳ

Thứ Sáu 25/10/2013 , 10:02 (GMT+7)

Hết năm 2012, xã Thanh Thuỳ (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) mới hoàn thành được 3 tiêu chí, và dự kiến hết năm 2013 sẽ hoàn thành 3 tiêu chí nữa.

Được chọn để xây dựng mô hình NTM muộn, với mục tiêu năm 2020 mới hoàn thành, nên hết năm 2012, xã Thanh Thuỳ (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) mới hoàn thành được 3 tiêu chí, và dự kiến hết năm 2013 sẽ hoàn thành 3 tiêu chí nữa.

Nhưng trong khi nhiều địa phương khác phải rất vất vả để hoàn thành những tiêu chí khó khăn nhất là thu nhập bình quân đầu người; cơ cấu lao động, thì Thanh Thuỳ lại có điều kiện để hoàn thành một cách tương đối dễ dàng, bởi Thanh Thuỳ là xã nghề, có hai nghề rất nổi tiếng là cơ khí và điêu khắc.

Thanh Thuỳ có 6 thôn, thì nghề điêu khắc tập trung ở riêng thôn Dư Dụ, 5 thôn còn lại chuyên về cơ khí. Ngoài hơn chục Cty vốn được phát triển lên từ các hộ sản xuất lớn, số còn lại chủ yếu làm nghề cơ khí theo mô hình hộ gia đình. Có đến 90% số hộ của 5 thôn tham gia sản xuất cơ khí. Cty không nói, chứ những hộ sản xuất lớn có vốn đầu tư cỡ chục, cỡ vài chục tỷ không hiếm ở Thanh Thuỳ.


Xưởng điêu khắc Đức Duy, một trong những xưởng lớn ở làng nghề Dư Dụ

Không ai biết được nghề cơ khí được truyền vào Thanh Thuỳ từ bao giờ, và do ai khai sinh. Chỉ biết người Thanh Thuỳ sinh ra trong tiếng búa, tám chín tuổi đã biết cầm búa sản xuất những mặt hàng đơn giản nhất phù hợp với lứa tuổi của mình, và tay nghề cứ càng ngày càng cao theo tuổi tác, trong những “lò” cơ khí của nhà mình.

Sản phẩm cơ khí của Thanh Thuỳ rất phong phú, có đến cả ngàn thứ. Từ thứ nhỏ nhất là cái đinh mũ, đinh tôn, những sản phẩm đơn giản như bản lề, long đen, cờ lê... cho đến những sản phẩm phức tạp, mang tính thẩm mỹ cao như ổ khoá, tay nắm cửa, thiết bị nhà tắm, nhà vệ sinh...

Thợ cơ khí Thanh Thuỳ có thể sản xuất cả chục chi tiết cho xe máy như nan hoa, tay phanh, cần phanh, chân chống, giỏ đèo hàng... Tuy kinh tế hộ chiếm lực lượng chủ yếu, nhưng các hộ nghề cũng đã đầu tư sắm những máy móc khá hiện đại. Và nghề cơ khí ở đây càng ngày càng được chuyên môn hoá.

Nhiều hộ chỉ chuyên sản xuất một hoặc vài chi tiết nào đó của một sản phẩm theo đơn đặt hàng. Những hộ khác sẽ nhập về, kết hợp với những chi tiết được làm từ hộ khác để hoàn thiện sản phẩm. Việc chuyên môn hoá giúp cho năng suất lao động ngày một nâng cao.

Anh Lê Thành Ơn, cán bộ UBND xã Thanh Thuỳ, người đã dẫn chúng tôi đi thăm một số cơ sở cơ khí và điêu khắc, cho biết:

- Do có nghề, nên ở Thanh Thuỳ hầu như không có chuyện thất nghiệp. Thanh Thuỳ có lượng lao động khá dồi dào. Xã có 8 ngàn dân, thì có tới 95% số người làm nghề hoặc dính dáng đến nghề.

Nói như vậy bởi mô hình sản xuất kinh tế hộ đã tận dụng được tối đa lượng lao động. Người già, hết tuổi lao động nhưng vẫn có thể vừa làm nghề vừa truyền nghề cho con cháu. Các cháu học sinh đi học về có thể tham gia những việc vừa sức mình. Ngay cả con em trong xã đi học xa, những kỳ nghỉ hè cũng có thể về làng tranh thủ làm thêm để kiếm tiền ăn học, đỡ đần cho bố mẹ.

Đến thăm làng nghề điêu khắc Dư Dụ, chúng tôi vô cùng thán phục bàn tay, khối óc của những người thợ ở đây. Thợ điêu khắc Dư Dụ có thể làm tất cả từ những bức tượng gỗ cao tới ngót chục mét đến những sản phẩm điêu khắc chỉ nhỏ bằng ngón tay.

Điêu khắc là một nghề đòi hỏi tính sáng tạo, óc thẩm mĩ và sự cần cù cũng như tay nghề rất cao. Sản phẩm điêu khắc của Dư Dụ cũng rất phong phú: Từ tượng thờ, tượng trang trí, con giống (long, ly, quy, phượng, hạc, voi, hổ...) đến hoành phi, câu đối.

Không biết có phải được trời ưu ái riêng không, mà Dư Dụ là nơi hầu như người dân nào cũng có “máu” điêu khắc và rất khéo tay, có mở xưởng hay không cũng vậy. Ngay Lê Thành Ơn, anh cán bộ uỷ ban xã, dẫn chúng tôi đi thăm làng nghề này, tuy bận việc suốt ngày ở uỷ ban, nhưng: Về đến nhà, trải một cái chiếu, mang một khúc gỗ ra nhà là có thể bắt tay làm nghề được ngay.

Nhìn pho tượng Di Lặc do Ơn mới hoàn thành, đang được gửi đánh bóng trong cơ sở điêu khắc Khiêm Loan trong làng, chúng tôi thấy rất sống động, chứng tỏ tay nghề của anh khá cao. Anh Nguyễn Đức Duy, mới ngoài 30 tuổi, chủ xưởng điêu khắc Đức Duy, một trong những xưởng điêu khắc lớn nhất của làng nghề, với trên 20 thợ, bản thân Duy cũng là thợ điêu khắc thuộc lợi giỏi nhất làng nghề.

Duy cho biết, xưởng của anh có thể làm được gần trăm mặt hàng, nhưng nhiều nhất là tượng, do các nơi thờ tự của hàng chục tỉnh đặt, nhiều khi phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp yêu cầu của khách. Pho tượng Phật lớn nhất mà anh đã từng làm có chiều cao 8 m, chưa kể bệ.

Thợ làm trong xưởng của Duy, ngoài người làng còn người nơi khác đến đầu quân. Người thợ có tay nghề cao nhất được Duy trả 15 triệu đồng/tháng, bình quân là 7 triệu/người/tháng.

Nghề cơ khí và điêu khắc đã khiến cho đời sống của người dân Thanh Thuỳ khá hơn hẳn những làng quê khác trong huyện.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất