| Hotline: 0983.970.780

Xã NTM ven sông

Thứ Ba 19/11/2013 , 10:21 (GMT+7)

"...Chỉ có hai từ “tuyệt vời” mới có thể diễn tả hết bộ mặt xã NTM ven sông Nông Giang”, ông Đỗ Thế Hạnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay.

"Đường sá được bê tông rộng thênh thang, trường học, trạm xá, nhà hội quán… đều tu sửa, làm mới hoành tráng, đến cả thu nhập người dân cũng tăng lên gần 20 triệu đồng/người/năm. Tóm lại, chỉ có hai từ “tuyệt vời” mới có thể diễn tả hết bộ mặt xã NTM ven sông Nông Giang”, ông Đỗ Thế Hạnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay.

3 năm hoàn thành 16 tiêu chí

Một buổi sáng cuối tuần, tôi thấy chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia là Chánh Văn phòng điều phối Đỗ Thế Hạnh. Giọng ông Hạnh dồn dập, phấn khởi: “Tôi ngỡ ngàng trước sự bứt phá ngoạn mục của xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân. Từ một xã xuất phát điểm thấp nhất nhóm các xã điểm của tỉnh nhưng nay lại là 1 trong 7 xã đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Chúng tôi tự hào về xã này”.

Theo lời giới thiệu của ông Hạnh, chiều cùng ngày tôi đã đến Xuân Giang. Quả đúng như những gì ông Hạnh khen ngợi. Từ con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã đến các tuyến đường liên thôn, liên ngõ đều được bê tông từ 5-9 m, thôn nào thôn nấy có nhà văn hóa rộng rãi, trạm xá, trường học được sửa chữa, xây mới hoành tráng.

Vừa dẫn chúng chúng tôi tham quan trạm xá, ông Lê Văn Chế, Chủ tịch UBND xã vừa tâm sự: Xuân Giang là xã đồng bằng của huyện Thọ Xuân có tổng diện tích hơn 507 ha (trong đó diện tích đất nông nghiệp 337,32 ha); dân số hơn 4.400 nhân khẩu, phân bố dọc hai bên sông Nông Giang. Năm 2011, tiếp nhận chủ trương xây dựng NTM của cấp trên, Xuân Giang bắt tay rà soát các tiêu chí, lúc bấy giờ xã chỉ mới đạt vỏn vẹn 3 tiêu chí là bưu điện văn hóa, chợ nông thôn và hệ thống tổ chức chính trị.


Người dân góp sức hoàn thiện hành lang tuyến đường liên xã

Với xuất phát điểm quá thấp như vậy Xuân Giang chưa thể lọt vào top chỉ đạo điểm của huyện chứ chưa nói đến tỉnh. Thế nhưng sau khi họp bàn với nhân dân, Xuân Giang đã đăng ký với huyện, tỉnh xin hoàn thành NTM vào năm 2013 và đã được cấp trên đồng ý.

“Cả núi khó khăn chất chồng. Chúng tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ nhưng nhờ xây dựng được lộ trình thực hiện bài bản nên mọi trở ngại đã được hóa giải để có được thành quả như ngày hôm nay”, ông Chế phấn khởi.

Theo ông Chế, 3 năm qua nhờ tuyên truyền sâu sát đến tận người dân, có chính sách kích cầu hợp lý, huy động được nhiều nguồn lực nên xã đã hoàn thành toàn bộ 16 tiêu chí còn lại. Với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp 46,75 tỷ (chiếm 58%); ngân sách xã 24,37 tỷ đồng (30,5%)), Xuân Giang đã đầu tư làm mới được 33,4 km đường GTNT; gần 17 km kênh mương nội đồng; 13/13 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 20 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%; các tiêu chí khác như y tế, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự xã hội… đều được hoàn thành đúng quy định.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Xuân Giang xác định mục tiêu cuối cùng của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nên xã đã tập trung nguồn lực, tạo điều kiện để thu hút, phát triển các doanh nghiệp.


Con đường bê tông dài 4,4 km khang trang

Tính đến năm 2013, toàn xã có 2 doanh nghiệp, hàng chục cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Quy hoạch vùng lúa thâm canh chất lượng cao 180 ha; vùng cây màu, cây công nghiệp 40 ha; phát triển chăn nuôi lợn; trồng nấm; nghề cơ khí gò hàn; mộc dân dụng; xây dựng; chế biến nông sản…

Thuận lãnh đạo, thuận nhân dân

Bí thư Đảng ủy Lê Văn Triều, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Xuân Giang, chia sẻ: Điều đáng tự hào nhất ở Xuân Giang chính là việc tạo được sự đồng thuận từ cán bộ đến người dân. Không phải dễ dàng gì mà hơn 317 hộ dân tự nguyện tháo dỡ tường rào; công trình gắn liền trên đất để hiến 12.000 m2 đất phục vụ xây dựng NTM. Điều này một lần nữa khẳng định: “Thuận lãnh đạo, thuận dân ắt sẽ làm được NTM”.


Lãnh đạo huyện, xã kiểm tra công trình trạm y tế

Ông Triều dẫn chứng, khi triển khai GPMB để mở rộng con đường trục xã dài 4,4 km, xã đã vận động các cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu dỡ bỏ các công trình liên quan, hiến đất mở đường và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Ngay sau đó, chẳng ai bảo ai, nhà này vận động nhà kia cùng nhau góp một phần tài sản, công lao động cùng với xã hoàn thành con đường rộng 9 m (lòng đường 5 m), hai bên hành lang trồng cây bằng lăng với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng.

Huyện Thọ Xuân có 10 xã đăng ký về đích NTM vào năm 2015; trong đó, có 3 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí; 7 xã đạt 14-16 tiêu chí; 6 xã từ 10-13 tiêu chí; 17 xã 6-9 tiêu chí và 4 xã đạt 5 tiêu chí. Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng số tiêu chí toàn huyện đạt 370, tăng 85 tiêu chí so với cùng kỳ (bình quân mỗi xã tăng 2,3 tiêu chí so với đầu năm). Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm BCĐ xây dựng NTM tỉnh sẽ thẩm định, công nhận 3 xã Xuân Giang, Thọ Xuân và Hạnh Phúc đạt chuẩn NTM.

Đối với các tuyến đường trục thôn, kênh mương nội đồng, ngoài vận động nhân dân đóng góp, Xuân Giang đã mạnh dạn trích ngân sách xây dựng chế tài thưởng - phạt nghiêm khắc.

“Chúng tôi ấn định trong thời gian 2,5 tháng nếu thôn nào hoàn thành xong tiêu chí đường trục thôn rộng 5 m (lòng đường 3 m), dày 20 cm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/km hay triển khai xây nhà văn hóa thôn, xã thiết kế mẫu nhà xong thì giao cho thôn đứng ra mở thầu, lập ban giám sát thực hiện, nếu thôn nào làm xong trong vòng 2 tháng thì được hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà… trường hợp thôn nào không hoàn thành hoặc hoàn thành không đúng quy định thì sẽ bị cắt mức hỗ trợ ngay lập tức. Với cách làm này chỉ trong 45 ngày 13/13 thôn xây xong nhà văn hóa”, ông Triều nói.

Thực hiện theo phương châm chọn tiêu chí khó làm trước, dễ làm sau, Xuân Giang nhanh chóng hoàn tất các tiêu chí trong dân cư. Ngay sau đó, xã “tấn công” ra đồng bằng cách đồn điền đổi thửa những thửa ruộng bỏ hoang, đầu tư làm đường nội đồng, mương thoát nước… đến khi đôi vai không còn phải gánh, xe bò, công nông, máy gặt ra đến tận ruộng thì những thửa ruộng bỏ hoang ấy trở thành “bờ xôi ruộng mật” giúp hàng chục hộ dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, ông Lê Văn Chế cho biết, thời gian tới xã sẽ đưa Chương trình xây dựng NTM vào nghị quyết chuyên đề; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý các làng thực hiện hương ước đề ra; Bí thư chi bộ thôn chỉ đạo các hộ gia đình thường xuyên vệ sinh môi trường; phát triển kinh tế; nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, HTX dịch vụ về giống, mạ khay; trồng mía, sắn, hoa… tiếp tục nâng cao thu nhập.

Xuân Giang là tấm gương

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND, Thường trực BCĐ xây dựng NTM huyện Thọ Xuân, cho hay:

Là đơn vị có truyền thống đoàn kết nên ngay khi bắt tay xây dựng NTM xã Xuân Giang đã nhanh chóng vào “guồng” xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, tập trung là chìa khóa thành công; trọng tâm xây dựng NTM là phát triển sản xuất, kinh doanh; lấy xây dựng cơ sở hạ tầng làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làm mục tiêu và sự đồng thuận, hài lòng của nhân dân là động lực để phấn đấu.

Từ việc xây dựng được lộ trình bài bản, Xuân Giang nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí, huyện đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của Đảng bộ, nhân dân Xuân Giang. Đây chính là tấm gương để các xã khác trong huyện học tập, noi theo.

Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2014 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, năm 2015 có 3 xã, thời gian tới Thọ Xuân tiếp tục tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên cơ sở và người dân hiểu rõ: Xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đồng thời, chỉ đạo cấp xã chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc; tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể; chỉ đạo, hướng dẫn các xã xây dựng mô hình thôn, làng kiểu mẫu…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm