| Hotline: 0983.970.780

“Xã ô tô” Phú Lương

Thứ Sáu 05/07/2013 , 09:50 (GMT+7)

Về Phú Lương những ngày này, thấy tấp nập cảnh những chiếc ô tô tải ngược xuôi chở hàng phục vụ phát triển vùng mía nguyên liệu.

Yêu đất, gắn bó với cây mía, cần cù lao động và khát vọng vươn lên, thành quả của những người nông dân ở xã Phú Lương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hôm nay là những ngôi nhà xây kiên cố, những ngôi biệt thự khang trang, ô tô tải chở hàng ngược xuôi khắp nơi...

Ô tô về làng

"Ngày gia đình mua ô tô, bà con quanh xóm đến xem đông lắm. Ai cũng mừng cho gia đình nhưng cũng có người lo lắng: Tự nhiên rước cái ô tô cả đống tiền về liệu có ăn nên làm nổi không hay lại rước đống nợ vào thân?”, ông Nguyễn Quang Nhâm, thôn Gia Cát, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày đầu gia đình mua ô tô mang về làng.

Ông Nhâm cho biết, năm 1995, khi Cty cổ phần Mía đường Sơn Dương có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu mía, ông mạnh dạn nhận 3 ha về trồng. Ngày ấy, cây mía chưa phát triển mạnh như bây giờ, là công nhân của Cty, lại được giám đốc giao cho nhiệm vụ là Đội trưởng Đội sản xuất quản lý vùng nguyên liệu mía trên địa bàn xã, ngày ngày ngoài tập trung trồng, chăm sóc vườn mía của gia đình, ông Nhâm còn tích cực vận động bà con trồng mía phát triển kinh tế; hướng dẫn bà con các kỹ thuật trồng mía đảm bảo năng suất.

Trong quá trình đi thực tế phát triển vùng mía nguyên liệu, ông nhận ra sự khó khăn trong khâu vận chuyển. Thế là ông nảy ra ý định mua ô tô.

Ở thời điểm đó, một chiếc xe zil 130 “quay đầu” giá hơn 15 triệu đồng. Dồn hết vốn liếng bao năm vợ chồng ông tích cóp dành dụm cũng chỉ có ngót 7 triệu, ông đôn đáo khắp nơi vay mượn thêm tiền quyết tâm đưa ô tô về làng.

Ông Nhâm kể, những ngày đầu mới vận hành ô tô có biết bao kỷ niệm. Lúc đầu mới lái chưa hiểu về xe, nhiều khi đã bốc mía lên xe nhưng đến khi vào quay đầu thì xe bị chết máy, 2 vợ chồng hì hục vận hành cả tiếng đồng hồ xe mới nổ máy.

Nhưng đi nhiều cũng thành quen. Điều thuận lợi nhất lúc đó là nhu cầu chở của bà con rất lớn nhưng số lượng xe ít nên gia đình luôn làm không hết việc. Chẳng thế mà chỉ 1 năm sau mua xe, gia đình đã trang trải hết nợ nần. Tiền lãi thu được từ trồng mía và kinh doanh vận tải, ông đã xây dựng được nhà kiên cố và mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền. Có thời điểm nhà ông có cả 2 chiếc ô tô tải, 2 máy cày, cho thu lãi vài trăm triệu đồng/năm.

Hơn 11h trưa, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Văn Tài, thôn Cầu Trâm, người đầu tiên mua ô tô của thôn. Vừa lấy tay giũ bỏ mớ đất đồi còn dính ở 2 ống quần, ông Tài vừa tươi cười nói như thanh minh: “Các anh thông cảm, biết đã hẹn trước nhưng tôi vẫn phải tranh thủ lên vườn mía làm cỏ cho kịp vụ”.

Ông Tài nổi tiếng ở Cầu Trâm là người ham công tiếc việc. Năm 1964, ông từ Ninh Bình lên xã Phú Lương xây dựng vùng kinh tế mới. Ngày đó, Phú Lương còn nghèo lắm, dân cư thưa thớt, cỏ lau rậm rạp. Gia đình ông cũng trồng mía quay mật nhưng gặp không ít khó khăn bởi đầu ra bấp bênh. Nhiều khi gánh mật đi cả chục cây số mà vẫn không đổi gạo được lại phải gánh mía trở về.


Chiếc ô tô tải của gia đình ông Phạm Văn Tài

Năm 1995, khi Cty cổ phần Mía đường Sơn Dương mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương, ông nhận 2 ha mía, đồng thời “tậu” luôn con ô tô tải về để chở hàng phục vụ nhu cầu vận chuyển của người dân.

Ông Tài bảo: “Thấm thoát đã được gần 18 năm trong nghề lái ô tô rồi các anh ạ. 18 năm, khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng được nếm đủ những ngọt ngào, mặn đắng của nghề lái xe mang lại”.

Nhưng cái nghề cũng cho ông biết bao cái được. Mà cái được lớn nhất là cây mía, chiếc ô tô đã cho ông có cuộc sống sung túc để có điều kiện nuôi dạy được 5 người con đứa nào cũng có cuộc sống ổn định. Trong đó cậu con trai thứ 2 và thứ 4 nối nghiệp bố tiếp tục phát triển nghề kinh doanh vận tải.

Nối tiếp ông Nhâm, ông Tài, nhiều hộ dân ở Phú Lương đã tập trung đầu tư mua ô tô phục vụ việc vận chuyển mía. Đến nay, toàn xã đã có 42 chiếc ô tô. Một con số ấn tượng mà không phải địa phương nào cũng có được, nhất là ở một xã miền núi như Phú Lương.

Cây mía làm giàu

Về Phú Lương những ngày này, thấy tấp nập cảnh những chiếc ô tô tải ngược xuôi chở hàng phục vụ phát triển vùng mía nguyên liệu. Xã có 11 thôn, thôn nào cũng có ô tô tải, nhiều thôn như Gia Cát, Cầu Trâm... có đến cả chục “con” ô tô tải.

Ông Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Lương, cho biết, cây mía được trồng ở Phú Lương từ năm 1995 và nó nhanh chóng trở thành cây kinh tế mũi nhọn chủ lực của xã. Chẳng thế mà từ 16 ha mía những năm đầu, đến nay diện tích mía của xã đã lên đến 383 ha.

Nhiều năm kinh nghiệm trồng mía bà con đã nắm chắc được các quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc mía, nên cây mía ở Phú Lương cho năng suất khá cao, trung bình đạt 60 tấn/ha. Riêng nhà ông Hoa, năm nào cũng trồng 3 ha mía, những vụ trước năng suất thường đạt 90 tấn/ha, vụ vừa rồi do thời tiết xấu quá chỉ đạt 76 tấn/ha. Dù vậy, trừ chi phí gia đình vẫn thu lãi hơn 100 triệu đồng.


Nông dân thôn Lãng Nhiêu thu hoạch mía nguyên liệu

Ở xã Phú Lương, đặt chân tới chỗ nào cũng thấy cây mía, đây cũng là một trong những xã có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Gần 20 năm trồng mía, loài cây vị ngọt này đã thực sự cho bà con cuộc sống “ngọt ngào”.

Hiện toàn xã Phú Lương 1.645 hộ dân thì chỉ còn 319 hộ nghèo. Riêng trong năm 2012 xã giảm được 165 hộ; 70% hộ dân có nhà xây, trong đó số lượng nhà xây cao tầng khang trang đạt 20%; 100% hộ dân mua sắm được xe máy.

Ông Trưởng thôn Gia Cát Kiều Công Tuyên nói giọng đầy tự hào: Nhờ có cây mía, đời sống của bà con đi lên, Gia Cát là thôn có nhiều ô tô và cũng là thôn có những hộ đầu tiên mua được ô tô vận chuyển mía của xã. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Thế; gia đình ông Nguyễn Quang Nhâm... từ trồng mía và kinh doanh dịch vụ vận tải mỗi năm cho thu lãi vài trăm triệu đồng.

Hiện toàn thôn có 16 chiếc ô tô tải, 64% hộ xây được nhà cấp 4 và 2-3 tầng, không còn nhà tạm... Kinh tế phát triển nên khi thôn triển khai những công việc chung của làng nhà nào cũng hăng hái. Điển hình nhất là chương trình làm đường bê tông nông thôn, khi thôn triển khai làm, nhà nhà nhiệt tình hưởng ứng. Trong năm 2011-2012 thôn đóng góp được 300 triệu đồng và hơn 400 ngày công, bê tông được 2,8 km đường.

Vụ ép mía 2012-2013 ở xã Phú Lương vừa kết thúc, với tổng sản lượng đạt trên 21.353 tấn, đạt 112% kế hoạch. Thu hoạch mía xong, bà con khẩn trương bắt tay vào trồng, chăm sóc vụ mía mới, đến nay những nương mía vụ mới đã nảy mầm xanh tốt phủ những vạt xanh rì bạt ngàn đồi nương, mang theo cả niềm tin, hi vọng về sự no ấm của khắp các làng quê ở Phú Lương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.