| Hotline: 0983.970.780

Xã ra “độc chiêu”, dân nghèo lãnh đủ

Thứ Năm 19/08/2010 , 07:00 (GMT+7)

Đọc xong thông báo của xã Đông Minh về việc gia hạn thuê đầm nuôi ngao, nhiều hộ dân ở đây ngã ngửa người vì giá thuê tăng gấp 7 lần hiện tại. Trong khi đó, người dân ở đây lại đang nợ ngập đầu vì ngao chết hàng loạt.

Ngao tại các đầm này vẫn đang chết, trong khi đó, xã lại tăng giá thuê đến 7 lần

Đọc xong thông báo của xã Đông Minh về việc gia hạn thuê đầm nuôi ngao, nhiều hộ dân ở đây ngã ngửa người vì giá thuê tăng gấp 7 lần hiện tại.

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu ngao của xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) chết hàng loạt như vậy. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lần vỏ ngao dạt lên bờ là mỗi lần người dân nuôi ngao trong xã lại như mất hồn. Cả gia sản đổ xuống đầm ngao, những mong con ngao sẽ mang lại cho họ thu nhập. Ấy vậy mà giờ ngao chết, người dân lại ngập đầu trong nợ nần: Nợ giống, vốn, nợ ngân hàng, và nợ cả những khoản tiền đã ứng trước của thương lái ngay từ đầu vụ ngao. Xã Đông Minh có gần 300ha đất bãi triều, trải dọc trên 4km bờ biển. Diện tích bãi triều được tích tụ bồi đắp từ hai con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý. Do được thiên nhiên ưu đãi nên diện tích bãi triều ngập mặn đã được người dân sử dụng nuôi ngao hơn 10 năm nay.

Đến nay, xã đã quy hoạch được khoảng 230ha đất bãi triều cho các hộ đấu thầu nuôi ngao. Tuy nhiên, do tác động của sự biến đổi khí hậu, đặc biệt nước thải từ các nhà máy trong huyện, rồi thuốc trừ sâu, thuốc trừ ốc bươu vàng đổ trực tiếp ra biển làm ngao chết ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, một năm nhiều nhất chỉ có 1 lần ngao chết thì nay mật độ ngao chết ngày càng dày đặc hơn, khoảng 4-5 lần/năm. Có năm ngao chết trải dài trên toàn bộ diện tích của xã Đông Minh, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiều hộ làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần khó có khả năng bù đắp được trong những năm tiếp theo. Ngay tại thời điểm chúng tôi về xã Đông Minh, hiện tượng ngao chết vẫn đang tiếp diễn, có chủ hộ nuôi ngao giống đã bị thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Gia đình ông Bùi Văn Xuấn, xóm 2, thôn Đông Chai, xã Đông Minh mấy hôm nay cứ nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Ngồi trong lều canh ngao được làm bằng tre, gỗ và lợp lá nằm chênh vênh bên bờ biển thênh thang gió, ông Xuấn lo lắng kể: Ngao nhà tôi vẫn đang tiếp tục chết, chưa biết đến khi nào thì hết cái “đại tang” này. Được biết, năm 2007, xã Đông Minh cho đấu thầu đất bãi triều để nuôi ngao. Gia đình ông kết hợp với 15 anh em trong nhà đấu thầu được 1 ha với thời hạn 3 năm. Ngoài ra, ông còn nhận chuyển nhượng 0,5ha của các hộ dân trong thôn. Năm 2008, lãi được một ít, nhưng tất cả vốn liếng thu được lại dồn cả vào nuôi ngao tiếp. Cuối tháng 6/2009, khi chuẩn bị thu hoạch ngao thì bất ngờ ngao chết hàng loạt trắng bợp hết cả một vùng bãi chiều. Tính ra, gia đình ông bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Ở xã Đông Minh, có nhiều người giầu lên nhanh chóng từ nuôi ngao. Họ mua đất, xây nhà cao cửa rộng ngoài phố, sắm ô tô hạng sang để đi lại và tiện giao dịch. Thế nhưng, cũng có không ít người sạt nghiệp do nuôi ngao. “Nuôi ngao cho lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn. Khi ngao bị chết, muốn vớt vát lại vốn thì không có nghề gì bù đắp được ngoại trừ tiếp tục nuôi ngao”, một chủ hộ nuôi ngao cho biết. Thế nhưng, hy vọng nhỏ nhoi này đã bị dật tắt khi UBND xã Đông Minh ra thông báo thanh lý hợp đồng và nộp tiền thuê đất bãi triều ngập mặn, trong đó khẳng định: “Mức thu thuê bãi nuôi ngao 20 triệu/ha/năm, nộp tiền ngay cho 3 năm tiếp theo. Sau ngày 31/7/2010, nếu hộ ông (bà) không nộp tiền thuê đất (coi như hộ ông (bà) không có nhu cầu thuê) thì UBND xã Đông Minh thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật, thu hồi diện tích bỏ thầu theo quy định”.

Không chấp nhận mức giá vô lý và mang nặng tính áp đặt này, các hộ nuôi ngao đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị xã xem xét lại mức giá và thời gian nộp tiền, vì theo họ “trong khi các xã liền kề như Nam Thịnh, Thái Đô, Thái Thụy chỉ thu không quá 3 triệu đồng /ha/năm thì ở Đông Minh lại gấp gần 7 lần. Chúng tôi cũng đề nghị xã cho phép nộp tiền thuê đất theo từng năm một, giữ nguyên mức thầu đã ký vào năm 2007 và có chính sách cụ thể hỗ trợ cho những hộ có diện tích nuôi ngao bị chết”.

Trao đổi với chúng tôi về những kiến nghị của các chủ đầm nuôi ngao, ông Tô Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho rằng: “Kỳ họp thứ 13 của HĐND xã có đơn của một số bà con nuôi ngao phản ánh, tháng 6/2009 ngao bị bệnh chết nhiều. Nguyện vọng của bà con là muốn kéo dài hợp đồng để nuôi thả, lấy lại vốn đầu tư. HĐND xã đã đồng ý cho kéo dài và giữ nguyên giá bỏ thầu của năm 2007. Trong thông báo của UBND xã đưa xuống cho các hộ, chúng tôi giữ nhiều mức. Dựa vào thực tế một số diện tích bãi ngao trước chỉ bỏ thầu 5-10 triệu để cho người ta cải tạo, nhưng sát ngay bên cạnh đó có hộ lại thuê 20 triệu đồng nên HĐND, UBND xã có cho phép kéo bằng để đỡ thiệt thòi cho những hộ bên cạnh”.

"Để giải quyết vấn đề này, ngày 14/8/2010, Thường vụ Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đông Minh đã đi kiểm tra, xem xét cụ thể tại khu vực bãi biển để xem xét, điều chỉnh giá cho phù hợp” – ông Tiến cho hay. Được biết, xã Đông Minh có 1.500 hộ (trên tổng số 2.450 hộ) có tiền đầu tư nuôi ngao ngoài bãi. Trong số những hộ nuôi ngao có 1/3 số hộ có lãi, 1/3 lãi chút xíu hoặc là huề vốn, còn 1/3 đang lỗ.
Về việc UBND xã Đông Minh thu 20 triệu đồng trong khi các xã khác liền kề chỉ thu dưới 3 triệu đồng, ông Tiến cho rằng, đất bãi của các xã này rẻ hơn ở Đông Minh rất nhiều. “Bãi ở Đông Minh màu mỡ và nuôi ngao nhanh lớn hơn. Bãi của chúng tôi có thể nuôi 60 tấn ngao/ha là bình thường, nhưng sang xã Thái Đô, Nam Thịnh...nuôi 60 tấn không thể được, nó sẽ chết. Vì thế, nếu chuyển nhượng thì giá 1 ha đất bãi của Đông Minh ít nhất cũng khoảng 150-200 triệu trong khi ở các xã liền kề chỉ có 30 triệu đồng/ha”, ông Tiến giải thích. Theo ông Tiến, số tiền 20 triệu đồng/ha/năm này khi thu sẽ ghi rõ đóng tiền thuê cho Nhà nước khoảng 2 triệu đồng, còn lại là tiền “tự nguyện” xây dựng trụ sở UBND xã, hội trường...

Như vậy đã rõ, cùng với việc gia hạn để hỗ trợ cho các hộ nuôi ngao đầu tư nuôi tiếp, lấy lại vốn đã đầu tư, HĐND và UBND xã Đông Minh đã nâng giá ở những khu vực liền kề có giá thấp lên mức giá cao nhằm tránh sự chênh lệnh quá lớn trong 3 năm tới. Tuy nhiên, việc UBND xã nâng giá ở những vùng liền kề cho bằng với mức giá cao đã không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ hộ nuôi ngao.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất