| Hotline: 0983.970.780

Xác định lại cấu trúc nông nghiệp

Thứ Năm 08/08/2013 , 10:00 (GMT+7)

Không hẳn tái cơ cấu, mà cấu trúc lại nền nông nghiệp, từ phạm vi toàn quốc đến từng vùng rồi tới các tiểu vùng, là ý kiến của PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN-PTNT II - Bộ NN-PTNT.

Không hẳn tái cơ cấu, mà cấu trúc lại nền nông nghiệp, từ phạm vi toàn quốc đến từng vùng rồi tới các tiểu vùng, là ý kiến của PGS.TS Vũ Trọng Khải (ảnh), nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN-PTNT II - Bộ NN-PTNT.

Tránh sai lầm nhận thức 

Thưa ông, trong những bài phỏng vấn, bài viết vừa qua trong chuyên mục Tái cơ cấu nông nghiệp trên Báo NNVN, nhiều ý kiến cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu từ việc nhận thức lại về an ninh lương thực (ANLT). Ông nghĩ sao về vấn đề này?

ANLT như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói là đúng. Lâu nay, nước mình phân biệt lương thực với thực phẩm, nhưng thế giới chỉ dùng một từ chung là food. Gạo là thực phẩm, sữa hay thịt cũng là thực phẩm. Vấn đề là anh cung cấp đủ dinh dưỡng cho con người. Cho nên ANLT đâu phải chỉ là ở lúa gạo hay tinh bột. Mình lại hiểu nhầm ANLT là an ninh tinh bột. Đấy là một cái sai lầm về nhận thức. Từ đó, mới có suy nghĩ an ninh lương thực phải là lúa, nên đã dẫn tới sự cứng nhắc về diện tích lúa.

ANLT phải hiểu theo nghĩa rộng chứ không phải chỉ là an ninh tinh bột. Nhu cầu ăn tinh bột của người Việt Nam trong tương lai sẽ ngày càng giảm đi, nhưng ăn những thực phẩm khác sẽ tăng lên. Như vậy, có thể thấy nếu thay đổi cơ cấu dinh dưỡng, cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam, thì dù thay đổi cơ cấu cây trồng, vẫn sẽ đảm bảo ANLT. Tính hiệu quả của nền nông nghiệp là đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, chứ không phải chỉ là an ninh lương thực. Vậy thì thay đổi cơ cấu cây trồng, trồng những cây không phải lương thực vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Vấn đề là thay đổi thế nào cho hiệu quả? Hiệu quả ở đây là cho cả nền kinh tế, cho cả đất nước và hiệu quả trực tiếp cho người nông dân. Vừa rồi, chúng ta làm nông nghiệp chỉ xét hiệu quả chung của nền kinh tế mà không tính tới lợi ích nông dân.

Nông sản đang chiếm 24 - 25% giá trị xuất khẩu cả nước, và góp phần quan trọng về giảm nhập siêu. Đó là hiệu quả của nền kinh tế, nhưng hiệu quả của người làm nông nghiệp đang rất thấp. Bởi trong rổ hàng hóa để tính CPI, phần lớn là lương thực, thực phẩm. Lương thực, thực phẩm bán với giá thấp thì CPI tăng chậm. Khi CPI tăng chậm, chỉ 6 - 7%/năm, rõ ràng sẽ có lợi cho người không làm nông nghiệp nhưng bất lợi cho nông dân. Mặt khác, nông nghiệp hiện chỉ đóng góp 20% GDP nhưng lại phải nuôi tới 70% dân số cả nước, thì nông dân làm sao mà khá được?

Khi bàn về tái cơ cấu nền nông nghiệp, việc chuyển đổi đất trồng lúa đang được nói tới nhiều nhất, bởi có một thực tế là cây lúa đang mang lại hiệu quả rất thấp cho người trồng lúa. Theo ông, cây lúa có thực là kém hiệu quả hay không?

Hiện nay, đang đặt ra vấn đề làm lúa kém hiệu quả. Nhưng phải hiểu đúng thế nào là hiệu quả. Nếu tính hiệu quả trên 1 ha đất, thì đúng là lúa kém hiệu quả so với nhiều cây trồng, vật nuôi khác như hoa màu, cây trồng cạn, thủy sản… Nhưng nếu tính lợi nhuận trên một đồng vốn hay một công lao động thì chưa chắc. Vì làm lúa đâu có tốn nhiều vốn và nhiều công như sản xuất hoa màu, thủy sản. Nếu được tích tụ ruộng đất lớn, làm lúa vẫn rất hiệu quả. Ông Sáu Đức ở An Giang có 150 ha trồng lúa 2 vụ, bảo ông ấy chuyển trồng màu, ông ấy không chịu. Bởi với cây lúa, ông ấy đang rất hiệu quả khi tính trên 1 đồng vốn đầu tư hay 1 công lao động bỏ ra. Mặt khác, nếu chuyển sang rau hoặc cây màu khác, ông ấy không thể làm được vì vốn đầu tư sẽ rất lớn và những khó khăn, phức tạp của kỹ thuật và thị trường. Về kỹ thuật, nếu chuyển cả 150 ha lúa sang rau màu, ông ấy phải trồng nhiều loại cây khác nhau, đòi hỏi phải am hiểu nhiều kỹ thuật canh tác khác nhau. Mỗi một loại sản phẩm rau lại đòi hỏi công nghệ chế biến, bảo quản riêng, thị trường riêng. Do đó, khi sở hữu 150 ha lúa, ông ấy không cần chuyển đổi sang cây khác, dù là chỉ chuyển đổi 1/3 chỗ diện tích ấy sang rau màu ông ấy cũng không làm vì với diện tích ấy, làm lúa vẫn rất hiệu quả.


Anh Huỳnh Phong Nghiệp ở ấp An Hòa, xã An Phú (Củ Chi, TP.HCM) nuôi bò sữa cho thu nhập khoảng trăm triệu đồng/tháng

TÁI CẤU TRÚC THAY VÌ TÁI CƠ CẤU

Chúng ta đang bàn tới vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng cũng có nhiều ý kiến lại nói rằng phải là tái cấu trúc nông nghiệp. Vậy, thưa ông, tái cơ cấu và tái cấu trúc có phải là một hay không? Nếu tái cơ cấu và tái cấu trúc là khác nhau thì chúng ta nên đi theo hướng nào?

Tái cấu trúc và tái cơ cấu không phải là một. Tái cơ cấu tức là chỉ xác lập lại các vị trí và mối quan hệ của những yếu tố đã có. Còn tái cấu trúc là làm lại từ đầu, từ nền móng cho tới đỉnh. Tức là phải tạo ra những cấu thành mới và xác định những vị trí, mối tương tác mới trong hệ thống để tạo ra một chất lượng mới.

Chúng ta nên đặt ra vấn đề tái cấu trúc hay tái cơ cấu? Nếu là tái cơ cấu, thì trên một thửa ruộng trồng 2 vụ lúa, chúng ta chỉ cần thay đổi bằng cách trồng 1 vụ lúa và làm 1 vụ tôm hay rau màu khác mà không cần phải thay đổi kết cấu hạ tầng. Còn tái cấu trúc là phải xác lập lại chiến lược sản phẩm, xây dựng lại kết cấu hạ tầng phù hợp với chiến lược sản phẩm, xây dựng lại thể chế quản lý cả vi mỗ lẫn vĩ mô.

Theo tôi, để nông nghiệp phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho nông dân, chúng ta nên tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, từ phạm vi toàn quốc đến từng vùng rồi tới các tiểu vùng. Lâu nay chúng ta nói là nông nghiệp có 7 vùng sinh thái, nhưng khi làm nông thôn mới lại đi lập quy hoạch từ xã. Làm vậy là sai và phản khoa học. Bởi không thể nào phát triển một nền nông nghiệp bền vững mà lại bắt đầu từ quy hoạch xã, vì nó sẽ phá vỡ cơ cấu chiến lược của nền nông nghiệp. Mà phải xây dựng cơ cấu, chiến lược phát triển nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, trên phạm vi toàn bộ nền nông nghiệp quốc gia và trong phạm vi từng vùng sinh thái, cho đến từng tiểu vùng, không phân biệt theo cấp hành chính.

Còn cứ quy hoạch, xây dựng chiến lược theo từng cấp hành chính thì sẽ xảy ra tình trạng mâu thuẫn nhau, mạnh ai nấy làm. Chẳng hạn một tỉnh nào đó có diện tích lúa không đáng kể, họ sẽ ít quan tâm đến cây lúa. Nhưng nó lại thuộc một vùng lúa lớn của cả nước, thì cây lúa ở tỉnh đó vẫn có tầm quan trọng. Cho nên phải xây dựng cấu trúc, chiến lược phát triển cho toàn quốc, cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có nông nghiệp cả nước. Sau đó mới tính đến từng vùng sinh thái nông nghiệp rồi đến những tiểu vùng nhỏ nhất đến mức không thể chia được nữa. Như vậy mới có được một bức tranh tổng thể về cấu trúc của nền nông nghiệp. Từ chiến lược ấy, mới xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng.

Khi tái cấu trúc nền nông nghiệp, phải xét tới 3 yếu tố. Trước hết là yếu tố thị trường. Thị trường phải bao gồm thị trường trong và ngoài nước, và xác định rõ cái gì xuất khẩu, cái gì phục vụ tiêu dùng nội địa. Thứ hai là phải dựa vào tiến bộ khoa học, công nghệ. Có khi, trước đây một mặt hàng nông sản nào đó không có khả năng xuất khẩu, nhưng bây giờ nhờ khoa học công nghệ mới tác động vào, nó lại trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh. Thứ ba là tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn hay từ trang trại đến mạn tàu xuất khẩu. Nếu tổ chức được chuỗi đó thì mới đảm bảo được lợi ích của nông dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các chuỗi giá trị ngành hàng Việt Nam phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để có được lợi thế cạnh tranh. Mà để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong từng ngành hàng phải đảm bảo 3 yếu tố: Khối lượng hàng hóa đủ lớn với chất lượng ổn định, đồng đều, bảo đảm VSATTP; phải có giá cả cạnh tranh; phải tổ chức được kênh phân phối. Muốn làm được 3 yếu tố ấy, phải làm cho 2 chủ thể chính trong chuỗi giá trị ngành hàng lớn lên, đó là nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, nông dân phải được tích tụ ruộng đất.

Khi nông dân có diện tích đất ruộng lớn, họ sẽ có nhu cầu liên kết lại với nhau thành các HTX và có đủ kinh nghiệm, khả năng để quản lý, đưa HTX phát triển. Còn khi nông dân chỉ có 5 - 7 công đất, họ sẽ không có nhu cầu và không có khả năng quản lý HTX. Cần có chính sách đào tạo nông dân chuyên nghiệp, để có những thanh nông tri điền chứ không phải là làm nông nghiệp theo kiểu cha truyền con nối đến mức lão nông rồi mới tri điền như lâu nay.

Nói tóm lại, phải xây dựng lại một nền nông nghiệp từ manh mún, nhỏ lẻ thành một nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm