| Hotline: 0983.970.780

Xác định nguyên nhân cá bớp chết ở Cam Ranh

Thứ Tư 13/10/2021 , 19:00 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân cá bớp chết ở phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), đồng thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp khắc phục.

Những ngày đầu tháng 10/2021, nhiều người nuôi cá bớp thuộc Tổ dân phố Nghĩa Bình, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh như “ngồi trên đống lửa” khi cá bớp kém ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, sau đó có hiện tượng chết rải rác.

Đặc biệt, đến ngày 9/10, 5 hộ nuôi gồm ông Lê Văn Nhân, Hoàng Minh Nam, Hoàng Minh Cường, Nguyễn Xuân Thức, Huỳnh Kim Thái có số lượng cá bớp chết từ 300 - 500 con/ngày/bè, cá có trọng lượng từ 2 - 5 kg/con.

Những ngày gần đây, vùng nuôi cá bớp ở phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh có hiện tượng chết. Ảnh: KS.

Những ngày gần đây, vùng nuôi cá bớp ở phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh có hiện tượng chết. Ảnh: KS.

Theo người nuôi ở đây, sau khi phát hiện cá chết, mặc dù người nuôi đã giảm khẩu phần ăn, đồng thời sục khí oxy vào các lồng nuôi, song không có chuyển biến giảm. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi đã bắt cá có hiện tượng lờ đờ bán với giá thấp, khoảng 110 ngàn đồng/kg, còn cá chết bán với giá 30 – 40 ngàn đồng/kg.

Sau khi nhận được thông báo của địa phương về tình hình cá biển nuôi lồng chết tại vùng nuôi tổ dân phố Nghĩa Bình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã cử cán bộ quản lý địa bàn kết hợp với cán bộ Trạm Thủy sản tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin dịch tễ tại vùng nuôi và lấy mẫu cá bớp để xác định nguyên nhân.

Theo đó, căn cứ kết quả phân tích và xét nghiệm, kết hợp với thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, Chi cục nhận thấy có sự xuất hiện của ký sinh trùng ngoại ký sinh. Bên cạnh đó, nồng độ oxy trong nước ở mức thấp (3.5 mg/l so với mức cho phép 0.5 mg/l) và nồng độ N-NO2 trong nước tăng cao (0.2 mg/l so với giới hạn cho phép dưới 0.05 mg/l).

Cơ quan chức năng lấy mẫu và đã xác định tác nhân ngoại ký sinh bám trên mang làm cho cá không thở được. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng lấy mẫu và đã xác định tác nhân ngoại ký sinh bám trên mang làm cho cá không thở được. Ảnh: KS.

Theo bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, khi chỉ tiêu N-NO2 trong nước cao sẽ làm suy giảm về chất lượng nước tại vùng nuôi, hàm lượng oxy trong nước thấp dưới ngưỡng kéo dài gây stress cho cá nuôi.

Bên cạnh đó, tác nhân ngoại ký sinh bám trên mang làm cho cá không thở được và không nhận đủ oxy cho hoạt động của cơ thể, gây ra hiện tượng lờ đờ và bỏ ăn. Trong khi đó, cá bớp là loài ăn tạp và ăn nhiều, nên khi cá không ăn được sẽ yếu và chết.

Do đó, để khắc phục tình trạng cá chết trên, Chi cục khuyến cáo người nuôi cần phải giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi bằng cách vớt xác cá chết (nếu có) và rác thải rắn gom vào bờ để xử lý. Mỗi cơ sở phải lắp đặt thùng rác và chuyển đến nơi thu rác tập trung. Không xả rác và các loại chất thải rắn ra vùng nuôi và môi trường nước tự nhiên gây ô nhiễm vùng nước nuôi chung.

Đối với biện pháp phòng bệnh vi khuẩn cho cá, người nuôi cần thả cá với mật độ thích hợp (theo đúng kỹ thuật nuôi). Hạn chế tối đa làm cá bị xây xát hay trầy xước trong quá trình nuôi. Bởi đây là tác nhân tạo điều kiện cơ hội xâm nhập và phát triển ngoại ký sinh trùng gây bệnh trên cá.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo biện pháp phòng bệnh vi khuẩn cho cá, người nuôi cần thả cá với mật độ thích hợp. Ảnh: KS.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo biện pháp phòng bệnh vi khuẩn cho cá, người nuôi cần thả cá với mật độ thích hợp. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, người nuôi cần lưu ý sử dụng thức ăn công nghiệp (hàm lượng đạm tổng số lớn hơn 40% là cần thiết) hoặc thức ăn tự chế biến nhằm hạn chế tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ cá tạp, cũng như không sử dụng thức ăn tươi sống bị ôi, thiu.

Thường xuyên vệ sinh lồng lưới và các vật dụng nuôi; sử dụng hỗn hợp vitamin bổ sung vào thức ăn cho cá nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi, đặc biệt lưu ý thời gian chuyển mùa. Khuyến khích sử dụng vacxin phòng bệnh vi khuẩn cho cá nuôi lồng biển như vacxin phòng bệnh do Vibriosis và Streptococus gây ra. Việc sử dụng vacxin phòng bệnh vi khuẩn trên cá lồng biển có hiệu quả tốt và là liệu pháp tốt cho phòng bệnh trên cá nuôi.

Đối với biện pháp trị bệnh vi khuẩn trên cá, Chi cục khuyến cáo điều trị bằng cách sử dụng thức ăn có trộn với một trong các loại thuốc kháng sinh sau: 50 mg Oxytetracyclin/kg cá/ngày cho ăn liên tục trong 5-7 ngày; 50 mg Rifamicin/kg cá/ngày cho ăn liên tục trong 5-7 ngày; 100 mg Erythomycin/kg cá/ngày cho ăn liên tục trong 5-7 ngày hoặc 50 mg Sulfonamid/kg cá/ngày cho ăn liên tục trong 5-7 ngày.

Đối với cá có kích thước lớn, cá bỏ ăn, việc sử dụng phương pháp cho cá ăn kháng sinh không có hiệu quả, do vậy cần áp dụng phương pháp tiêm một số loại thuốc kháng sinh.

Các loại thuốc có thể sử dụng điều trị bệnh do vi khuẩn bằng phương pháp tiêm vào cơ gồm: Sulffamethoxazole 250 mg/kg cá, Sulfadiazin 250 mg/kg cá, Sulfazin, Sulfaquinoxalin 150mg/kg cá, Colistin sulfate, Sulfomanide 150 mg/kg cá.

Việc xác định tác nhân gây bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời có thể làm giảm tỷ lệ thiệt hại do bệnh Vibriosis gây ra. Nếu không chữa trị bệnh kịp thời thì tỷ lệ chết do bệnh gây ra rất cao (có thể lên đến 95% trong 1 tuần).

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.