| Hotline: 0983.970.780

Xác định rõ nguồn vốn cho Dự án Phát triển thủy sản bền vững

Thứ Hai 06/06/2022 , 15:31 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Ngân hàng Thế giới tích cực làm việc với bộ ngành liên quan về các hạng mục vốn viện trợ không hoàn lại trong cơ cấu vốn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có cuộc trao đổi với đoàn Ngân hàng Thế giới vào ngày 6/6 tại trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Hoàng Giang.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có cuộc trao đổi với đoàn Ngân hàng Thế giới vào ngày 6/6 tại trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Hoàng Giang.

Vào ngày 6/6, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi gặp mặt với bà Mona Sur, Giám đốc Vụ Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và Kinh tế biển khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) để trao đổi thêm về Dự án Phát triển thủy sản bền vững vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Đây là dự án có tiến độ nhanh nhất trong các dự án thuộc Bộ NN-PTNT, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng các yêu cầu về thời gian. Bộ NN-PTNT đã nỗ lực trong công tác chuẩn bị các hồ sơ liên quan và đạt một số kết quả nhất định, song trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn nhiều tồn tại.

Ban quản lý dự án cho biết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Ban quản lý dự án tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để điều chỉnh một số hạng mục và các mục tiêu đầu tư. Hiện nay đã có bản góp ý để trình lên Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Song song với việc trao dổi với Bộ Tài chính, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng đã dự thảo văn bản và gửi Bộ NN-PTNT các đề xuất và chủ trương đầu tư của dự án này.

“Thông qua buổi hội thảo với Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, chúng tôi nhận thấy tồn tại một số vấn đề nổi lên cần sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới để có thể làm việc thông suốt với Bộ Kế hoạch - Đầu tư”, ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Ban quản lý dự án chia sẻ.

Hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Ban quản lý dự án cần thống nhất với bên Ngân hàng Thế giới để vạch ra khung tiến độ rõ ràng, dứt điểm. Ảnh: Hoàng Giang.

Hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Ban quản lý dự án cần thống nhất với bên Ngân hàng Thế giới để vạch ra khung tiến độ rõ ràng, dứt điểm. Ảnh: Hoàng Giang.

Bà Mona Sur và đội ngũ WB đã theo dõi sát sao quá trình chuẩn bị dự án và nhận thấy có rất nhiều sự chậm trễ vì nhiều lý do khác nhau, gây quan ngại của cả hai bên. "Một trong những thách thức lớn nhất chính là việc dự án đã có hơn 4 năm trong quá trình chuẩn bị, nhưng chúng ta vẫn chưa vạch ra khung tiến độ thời gian cụ thể cho việc phê duyệt và triển khai dự án", bà nói.

Bà Mona Sur cho rằng quá trình hoàn tất, phê duyệt và phân bổ ngân sách cho các đề cương và nghiên cứu về tính khả thi cũng như tính xã hội, môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện để có thể triển khai dự án.

“Liên quan đến nguồn tài chính cho dự án Phát triển Thủy sản bền vững, Bộ Tài chính có sự không đồng tình với một số hạng mục đầu tư về các thiết bị ‘phi cơ cở hạ tầng’ sử dụng nguồn vốn vay này. Chúng tôi tin rằng các thiết bị và công nghệ, điển hình như hệ thống thiết bị kiểm ngư, giám sát hành trình là những đầu tư vô cùng quan trọng trong dự án, cần được duy trì và sử dụng vốn đối ứng vì chúng ta sẽ không chỉ hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng”, bà Mona Sur cho biết.

'Đây là cơ hội để giới thiệu những công nghệ mới cho ngành thủy sản Việt Nam, vì vậy phía Ngân hàng Thế giới luôn tích cực hỗ trợ đầu tư cho dự án này', bà Mona Sur chia sẻ. Ảnh: Hoàng Giang.

“Đây là cơ hội để giới thiệu những công nghệ mới cho ngành thủy sản Việt Nam, vì vậy phía Ngân hàng Thế giới luôn tích cực hỗ trợ đầu tư cho dự án này”, bà Mona Sur chia sẻ. Ảnh: Hoàng Giang.

Ông Lê Văn Hiến chia sẻ, theo Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nguồn vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi, các thiết bị sẽ không sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, thay vào đó là sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư nhằm đảm bảo đồng nhất với thiết kế của dự án.

Vướng mắc lớn nhất liên quan đến nguồn vốn trung hạn 2021-2025. Vấn đề chuyên môn không gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên quá trình làm việc với các cơ quan địa phương mất nhiều thời gian do cần cân đối phần vốn cho dự án này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, chia sẻ thêm một số thông tin: Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi thư giới thiệu dự án Phát triển Thủy sản bền vững cho Quỹ khí hậu xanh (GCF) để nhận khoản vốn hỗ trợ không hoàn lại, được ủy thác riêng cho Cooling Facility Fund (tạm dịch ‘Quỹ cơ sở làm mát’) của Ngân hàng Thế giới. Ông đề nghị phía WB thông báo để cập nhật và kiểm tra tiến độ khi làm việc với GCF về khoản vốn này.

Đáp lại những lo ngại từ phía WB liên quan đến việc khoản vốn sẽ không được huy động kịp thời khi dự án được phê duyệt, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng khoản vốn của GCF không nhất thiết phải được huy động ngay lập tức. “Câu chuyện ở đây là làm sao chúng ta có thể lấy được nguồn của GCF, và về mặt thủ tục ta sẽ có bằng chứng trong một thời điểm phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.

Ông nhấn mạnh đến nay Việt Nam đã liên hệ với GCF và có hai dự án quy mô 30-50 triệu đô làm với ADB và UNDP. Nhiều tổ chức đã nỗ lực thúc đẩy GCF huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn vay ưu đãi lãi suất thấp cho Việt Nam. GCF đã thể hiện nhiều sự ủng hộ dành cho Việt Nam trong các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đưa ra một số kết luận nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Thứ nhất, Ban quản lý dự án cần thống nhất với bên WB để vạch ra khung tiến độ rõ ràng, dứt điểm. Thứ hai, cần có công văn cho các tỉnh và nhanh chóng triệu tập cuộc họp trực tiếp nhằm xác định rõ các khó khăn, vướng mắc. Thứ ba, thúc đẩy việc ký phê duyệt từ phía Chính phủ và Bộ Tài chính. Đặc biệt về vấn đề nguồn vay ưu đãi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phía Ngân hàng Thế giới tích cực làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong vấn đề bảo đảm giá vốn vay hợp lý và có hạng mục vốn viện trợ không hoàn lại trong cơ cấu vốn.

Đối với vốn viện trợ không hoàn lại, hiện nay vẫn chưa có khẳng định từ phía các nhà tài trợ. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn khi trình dự án lên Thủ tướng. Đã có ba hạng mục được điều chỉnh và bổ sung, bao gồm cảng cá Thụy Tân, Bạch Long Vỹ, và Cửa Lấp. Bộ Kế hoạch - Đầu tư mong muốn Bộ NN-PTNT làm việc với Ngân hàng Thế giới để khẳng định việc đầu tư cho các hạng mục trong dự án này. Ông Lê Văn Hiến cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT làm việc với WB để rà soát lại các hạng mục “phi công trình”.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất