Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện An Minh và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, chính quyền ấp tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế tình hình tôm, cua nuôi bị chết tại địa bàn xã Vân Khánh.
Trước đó, một số hộ dân ấp Mương Đào C, xã Vân Khánh nuôi tôm, cua quảng canh theo mô hình tôm – lúa xảy ra hiện tưởng cua nuôi bị chết bất thường sau khi bổ sung thức ăn bằng ốc đinh vào ao nuôi.
Cụ thể, tại hộ bà Nguyễn Thị Chọn có diện tích 4ha, chia làm 2 ao, đầu vụ nuôi đã thả 19.000 con cua giống, sau đó thả thêm 3.000 cua giống và 40.000 con tôm sú giống. Vào giữa tháng 7, hộ bà Chọn có mua 400kg ốc đinh từ thương lái tại địa phương để bổ sung làm thức ăn cho cua. Đến chiều hôm sau thì phát hiện cua có biểu hiện bất thường, bơi lờ đờ trên mặt nước và chết rải rác. Sang hôm sau thì cua chết đồng loạt, ước thiệt hại khoảng 700 con cua, cua đạt trọng lượng từ 2 - 5 con/kg.
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Thúy có diện tích 1ha, đã thả nuôi 1.500 con cua giống và 30.000 con tôm sú giống. Bà Thúy cũng mua 150kg ốc đinh của cùng thương lái trên để bổ sung làm thức ăn cho cua. Sau 2 ngày thì phát hiện cua có biểu hiện bất thường, bơi lội yếu, rụng chân, thịt cua không bị ốp nhiều, mang bị đen và chết nhanh. Ước thiệt hại khoảng 400 con cua loại 3 - 6 con/kg.
Ở ao nuôi của cả 2 hộ nói trên, tôm sú nuôi chung với cua vẫn phát triển bình thường. Theo kinh nghiệm nuôi, nông dân nhận định hiện tượng cua chết bất thường này không phải do dịch bệnh và đã tự thu gom cua chết, xử lý, không thông báo với ngành chức năng.
Sau khi nắm được thông tin, ngành chức năng đã đến kiểm tra tại ao nuôi của hộ dân, kết quả các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong ngưỡng thích hợp, môi trường ao nuôi phù hợp cho sự phát triển của tôm, cua.
Về nguồn gốc ốc, ông Nam - thương lái đã bán bán ốc đinh cho các hộ nói trên cho biết, ốc đinh được mua từ tỉnh Sóc Trăng bằng cách chia hàng lại của các chủ nậu chuyên vận chuyển ốc đinh về phân phối lại cho người nuôi trong xã.
Bản thân ông Nam cũng không rõ quy trình khai thác ốc đinh bên Sóc Trăng thế nào, bắt ở địa phương nào và có dùng thuốc để dẫn dụ không. Ông chỉ đặt hàng qua nậu/vựa chuyên chở và kiểm tra bằng cảm quan ốc đinh còn sống thì lấy về bán lại. Việc này đã diễn ra nhiều năm nay và chưa từng xảy ra tình trạng cua nuôi bị thiệt hại sau khi cho ăn ốc đinh.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, chưa có cơ sở để đánh giá, kết luận nguyên nhân cua chết có phải do ốc đinh hay không vì hộ nuôi không khai báo ở thời điểm thiệt hại. Ngành chức năng cũng không có thông tin về chỉ số môi trường ao nuôi có bất lợi, bất thường hay không và không có kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu ốc, mẫu cua, mẫu môi trường.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của cua, tôm trong ao nuôi, có biện pháp tăng cường sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho tôm, cua bằng các loại thức ăn phù hợp khác. Tạm thời không sử dụng ốc đinh để cho ăn nếu không biết rõ nguồn gốc, chất lượng. Trường hợp buộc phải cho ăn bằng ốc đinh chỉ nên cho ăn một lượng nhỏ trước để thăm dò, đánh giá tình hình, nếu có bất thường phải báo ngay cơ quan chuyên môn và lưu lại mấu ốc đinh đã cho ăn để thu mẫu, phân tích.