| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn đang cực kỳ nguy hiểm!

Thứ Hai 09/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nước mặn hiện đã xâm nhập sâu trên sông Tiền, Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Hậu từ 42-56 km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn được dự báo đang ở gần mức cấp độ 1.

Chi cục Thủy lợi Bến Tre cho biết: Ranh mặn 4‰ đã xâm nhập sâu trên sông Hàm Luông đã về đến xã Mỹ Thạnh An (phường 7, TP Bến Tre) cách cửa biển khoảng 46 km; trên sông Tiền, mặn xâm nhập đến xã Giao Long (Châu Thành), cách Cửa Đại khoảng 42 km; trên sông Cổ Chiên mặn đã xâm nhập đến xã Khánh Thạnh Tân, Thành Thới A, Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) cách cửa biển khoảng 48 km.

Còn độ mặn 1‰ đã xâm nhập xã An Hiệp, Sơn Hiệp (Châu Thành) cách cửa biển Hàm Luông khoảng 54 km; sông Cửa Đại đã về đến xã Quới Sơn, Tân Thạch (Châu Thành), cách cửa biển khoảng 50 km; sông Cổ Chiên mặn đã về xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Nam) cách cửa biển khoảng 56 km. Nước mặn cũng đã xâm nhập vào sông Ba Lai làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của cư dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Trên sông Hậu, ranh mặn 4‰ đã xâm nhập sâu và cách cửa biển khoảng 50 km. Còn độ mặn đo được tại thị trấn Cầu Quan (Tiểu Cần, Trà Vinh) trên 10,1‰, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 7,7‰. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo: Khả năng xảy ra khô hạn trên diện rộng và tình trạng nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội đồng vào cao điểm mùa khô 2015.

Ông Nguyễn Văn Hai ở xã Phước Long, Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết: Toàn bộ diện tích dừa, cây ăn trái đặc sản của người dân trong xã đang thiếu nước ngọt để tưới. Độ mặn 1‰ đã xâm nhập vào nội đồng từ trước Tết đến nay, không dám bơm nước tưới cây có múi. Nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung cũng bị nhiễm mặn. Với tình hình này, dừa sẽ ít trái và nhỏ, chất lượng thấp. Còn cây ăn trái như cam, chanh, bưởi, quýt bị vàng lá, rụng bông, tỷ lệ đậu trái thấp…

Ở xã Phú Long (Bình Đại, Bến Tre), ông Trần Văn Hoàng cho biết: Một số hộ dân trong xã đang phải đổi nước ngọt sinh hoạt với giá 150.000 đ/xe bồn 2 m3. Giá cao nhưng dịch vụ xe bồn đổi nước hoạt động không kịp nhu cầu của người dân.

Nguyên nhân thiếu nước ngọt do bà con trông chờ hệ thống cống Định Trung vận hành nên không trữ nước mưa nhiều để sử dụng.

Còn nông dân Giồng Trôm rất rất lo lắng vì nước mặn đến sớm hơn mọi năm. Từ sau Tết đến nay nhiều hộ dân ở các xã ven sông Hàm Luông gồm Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông, Hưng Phong… đang bí cách tìm nguồn nước ngọt sinh hoạt sử dụng vì không kịp trữ nước ngọt do nước mặn về sớm tràn qua đê xâm nhập cục bộ nội đồng. Đối với cây ăn quả thì bị rụng trái, giảm năng suất do không có nước ngọt để tưới.

Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế người dân. Tại  Cồn Ốc, xã Hưng Phong (Giồng Trôm), mặn bao vây và đã xâm nhập vào trong mương rạch do đê bao khu vực chưa xây dựng hoàn chỉnh.

Ở huyện Ba Tri (Bến Tre), độ mặn bên trong hệ thống thủy lợi Cầu Sập dao động từ 1,6‰ đến 2,7‰, ngoài đê độ mặn từ 10,2‰ đến 12,1‰. Trong nội đồng xã An Ngãi Tây và An Bình Tây độ mặn gần 1‰. Độ mặn đo được tại một số trạm quan trắc trên các sông chính đã cao hơn so với cùng kỳ từ 4 đến 8‰.

Yếu tố làm cho nước mặn năm 2015 xâm nhập sâu và cao hơn năm trước là do đỉnh lũ trên sông Cửu Long ở mức thấp, lượng nước thượng nguồn đổ về ít so với trung bình nhiều năm nên mùa khô năm nay, độ mặn khu vực huyện Ba Tri đã cao hơn cùng kỳ năm trước. Nguy cơ xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa vụ đông xuân là rất cao.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri đã chỉ đạo các ngành liên quan từ huyện đến xã, thị trấn đẩy mạnh việc kiểm tra, khắc phục sự cố ở các công trình thủy lợi, theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn trên các sông, rạch và phối hợp chặt chẽ với Trạm thủy nông để kịp thời đóng, mở cống, điều tiết nước hợp lý, nhất là vùng giáp ranh giữa sử dụng nước ngọt cho lúa và nước mặn cho thủy sản.

Nhân dân nên đắp bờ bao cục bộ, đồng thời chủ động dự trữ nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất, không được tự ý xẻ bờ bao, mở cống không đúng quy định.

Ở tỉnh Tiền Giang, trong vùng ngọt hóa Gò Công bà con đã xuống giống trên 29.000 ha lúa ĐX, hiện tại một số địa phương đã tổ chức bơm chuyền cho khu vực xa nguồn nước. Ngoài ra, còn khoảng 9.000 ha đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng tới năng suất.

Ðể chủ động chống hạn cho lúa trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương, đơn vị chức năng rà soát lại diện tích lúa xuống giống muộn, diện tích lúa khó khăn về nước, vận động người dân bơm trữ nước.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết: Bằng mọi cách phải bảo vệ hàng chục ngàn ha lúa trong vùng ngọt hóa Gò Công. Kế hoạch đến trung tuần tháng 3/2015 sẽ bắt đầu thu hoạch và ngành chức năng đôn đốc bà con thu hoạch dứt điểm trong khoảng 2 tuần.

Chi cục Thủy lợi đã cử cán bộ theo dõi sát diễn biến độ mặn để thông báo kịp thời cho người dân biết, đề phòng. Dự kiến vài ngày nữa nếu độ mặn vượt quá 2‰ ở cống Xuân Hòa thì sẽ đóng cống và chuẩn bị giải pháp bơm chuyền 2 đến 3 cấp để cứu lúa.

Song song đó, đầu tư 14 tỷ đồng nâng cấp ngay đường ống chuyển tải nước sinh hoạt trên địa bàn huyện cù lao Tân Phú Đông từ 50m³/giờ lên 200m³/giờ để phục vụ cho 40.000 nhân khẩu trên huyện này. Chủ động quan trắc trên các sông lớn, khi độ mặn giảm lập tức bơm nước vào dự trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân từ nay đến tháng 5/2015.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.