| Hotline: 0983.970.780

Xanh rặng trâm bầu

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:52 (GMT+7)

Trưởng thôn Đậu Thanh Minh cùng chúng tôi đi ra rừng trâm bầu. Dọc con đường làng, nhảy hai bước chân qua con mương nhỏ là đặt chân vào rừng...

Ông Đậu Thanh Minh, Trưởng thôn Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) nói trong tiếng vi vút của gió thổi từ biển vào: "Nhờ rừng trâm bầu mà dân làng tránh được mưa bão, cát bay. Giữ được rừng trâm bầu như giữ được cốt cách của làng từ mấy trăm năm nay".

Góp thóc giữ rừng

Hỏi thăm về chuyện rừng, chuyện làng ở quán nước nhỏ trên đầu làng Thanh Bình, anh Dương Hồng Sơn, chủ quán xởi lởi: "Hồi tui lớn lên rừng đã rậm rịt lắm. Muốn đi vô đó phải đi từng nhóm chớ đi một mình chẳng dám mô. Chim chóc thì đủ thứ. Cu gáy, chào mào, chàng làng bay lượn suốt ngày. Mùa trái trâm bầu chín, đám trẻ cả ngày miệng cứ tím ngắt vì ăn trái. Mới ăn thì có vị hơi chan chát. Một lúc thì nghe ngọt đến đằm lưỡi”.

Dưới tán rừng trâm bầu

Trẻ con bây giờ thì không biết chứ cánh trung niên hẳn còn nhớ như in. Cành cây trâm bầu đẽo làm con vụ quay ngọt tít. Đánh cú nào chính xác cú đó. Sướng mê tơi. Nhưng cũng phải lén buổi trưa, canh chừng mấy chú bảo vệ mới cắt được một cành để chia nhau làm vụ quay. “Hồi thanh niên, tui phải rình mấy buổi trưa mới làm được cái vụ cho cậu em trai đi cưa cô bạn gái. Nịnh vậy nó mới có được vợ bây chừ", anh Sơn hồn nhiên kể như khoe về một thời mê mải với rừng.

Trưởng thôn Đậu Thanh Minh cùng chúng tôi đi ra rừng trâm bầu. Dọc con đường làng, nhảy hai bước chân qua con mương nhỏ là đặt chân vào rừng. Những hàng cây xen dày, rợp bóng. Đến bên một cây trâm bầu cổ thụ to cỡ hai người ôm, ông Minh rành rọt kể: “Tính đến nay cũng đã gần 500 năm rồi. Những ông tổ khai canh lập làng từ ngoài Bắc vào thấy vùng đất ven biển mà có rừng rậm rạp lại có vùng đất sát rừng có thể làm nông được nên chọn làm nơi định cư. Tương truyền thì có 11 vị đến khai khẩn lập làng. Sau này, khi làng đông đúc thì trưởng làng cử 11 đinh tráng sung vào làm đội tuần rừng. Con số 11 người giữ rừng cứ truyền lại cho đến tận bây giờ".

Hơn 100 ha rừng trâm bầu trải dài hết thôn Thanh Bình còn lan sang tận thôn Xuân Kiều. Đi giữa rừng trâm bầu xum xuê bát ngát, thấy lòng thư thái đến lạ kỳ. Gọi rừng trâm bầu nhưng thực ra nhiều loài cây khác cũng có mặt tại đây như sến, da, xoài...

“Gần trăm năm nay, làng Thanh Bình có tục lệ trả công tổ bảo vệ rừng bằng thóc thì nay vẫn giữ nguyên lệ ấy”, ông Minh cho biết. Đến những năm làm ăn theo HTX thì quy đổi công điểm cho tổ bảo vệ. Có nhiều năm mùa màng thất bát, một công lao động chỉ được vài lạng thóc. Một năm, người bảo vệ nhận được chừng năm bảy chục cân thóc. Quảy hai bao thóc về nhà mà lòng cứ lo nồi cơm cho con đến thắt ruột. Vậy nhưng không một ai rời khỏi tổ giữ rừng.

“Bây chừ thì có đỡ hơn nhiều”, trưởng thôn Minh đập đập tay vào gốc cây trâm bầu to, nói. Bà con không còn đói kém nữa. Làng biểu quyết cứ mỗi khẩu đóng góp 3 cân thóc mỗi năm. Thành ra “lương” tổ bảo vệ rừng được tăng lên 8 tạ thóc/năm. Cứ 6 tháng nhận “lương” một lần. Hỏi chuyện góp thóc, cụ Nguyễn Thị Nguyệt, tuổi gần 80, cho hay: "Mệ được miễn góp vì tuổi cao nhưng vẫn động viên con cháu góp thêm vào. Không phải góp cho tổ bảo vệ mô, mà đó là góp để nuôi rừng chớ”. Ai cũng biết mấy tạ thóc làm sao sống đủ nên ngoài việc góp thóc thì còn góp trách nhiệm giữ rừng.

Anh Dương Văn Khuyến, tổ bảo vệ, kể: “Hôm qua, tui đang ở nhà thì nghe điện thoại của o Tâm trong thôn báo có hai thanh niên lạ đi xe máy vô rừng có mang theo xẻng. Tui báo tổ trưởng tăng cường thêm 3 anh em nữa là đến khu vực đó. Chính xác là người lạ nơi khác đến đào lấy cây cảnh. Thôi thì lần đầu, giải thích cho họ rồi thả. Đó, giữ được rừng cũng là nhờ trách nhiệm cao từ bà con. Chứ chỉ có 11 anh em thì giữa sao nổi”. Dân tự nguyện góp nuôi tổ giữ rừng nhưng anh em cũng phải chia ca trực, tuần rừng, còn thời gian thì phải tranh thủ làm ruộng, đi biển thì mới ổn định cuộc sống mà yên tâm với nghiệp giữ rừng.

Nếp làng còn mãi

Ông Dương Minh Huy, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, nhắc rành rọt: "Lệ làng đặt ra nghiêm lắm chớ. Ai mà vi phạm bẻ cành, chặt cây, đào gốc là phạt tiền trăm. Hễ có ai mang dao rựa vô rừng là lập tức có người báo cho tổ bảo vệ biết liền. Hồi trước, cả làng vào rừng quơ lá khô đưa về đun nấu. Bây chừ, phần lớn dùng bếp ga nên người đi quơ lá cũng ít. Nhiều người dù nấu bếp ga nhưng lâu lâu lại vô rừng quơ lấy bao lá về để giữa sân đốt cho khói ngậy lên mùi thân thuộc”.

Rừng trâm bầu xanh mát

Nói như ông Huy, lệ làng đặt ra vậy chứ ít khi phạt ai bao giờ. Không phạt bởi ai cũng có ý thức giữ rừng cho làng cũng như giữ rừng cho riêng nhà mình vậy. Rừng xanh giữ được mạch nước trong mát chảy ra từ chân động cát, tưới cho khu đồng ruộng mướt mát quanh năm. Người làng sống bên nhau như cây rừng mọc sát bên nhau. Nếu ai lỡ bẻ cây rừng thì như tự thấy có lỗi với người làng mình.

Đã thành tục lệ, ở Thanh Bình hễ có ai nằm xuống, ngày ra đồng cả làng đưa tiễn. Từ cụ già đến em nhỏ. Đám tang đi qua con đường làng với dòng người nối nhau dài đến cả cây số, không ngớt. Tục lệ của làng vẫn vậy, không tổ chức ăn uống linh đình, không được để trong nhà quá 36 tiếng đồng hồ, không được thả các loại giấy tờ, vàng mã sau đám tang. Dù người mất ở đâu, khi đưa về quê cũng phải tuân theo quy định của làng.

Đám tang cụ Đậu Phết, thọ 94 tuổi mới đây thật cảm động. Ai cũng muốn đưa cụ đi một chặng đường nên đoàn người cứ nối dài, nối dài gần hai cây số. Khi có người nằm xuống, các tổ chức trong làng cùng nhau làm vòng hoa viếng. Hoa kết trên đó được kiếm từ rừng trâm bầu về. Một cành nụ, một cành lộc hay mấy cành hoa bông trang... Các cô gái làng khéo léo kết thành vòng hoa đượm sắc xanh. Người làng Thanh Bình sống nhờ rừng trâm bầu, đến khi nằm xuống cũng có vòng hoa lấy từ rừng trâm bầu đưa tiễn về cõi mãi mãi. Âu cũng là cái sự trọn vẹn trước sau.

Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho hay: “Rừng trâm bầu trên cát ở thôn Thanh Bình bây giờ thuộc vào quần thể quý hiếm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Vừa qua, thành tích bảo vệ rừng của dân làng đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen".

Trưởng thôn Minh kể lại chuyện “rèn giũa” trai làng: "Khi mà lối sống phóng túng tràn về, ai cũng lo. Trai làng Thanh Bình cũng có kém cạnh chi. Cũng uống, nhậu, gây lộn... Không được rồi, các cụ lão làng cứ thắc thỏm. Để con cháu sa đà vào tệ nạn sao được. Hễ có con cháu sai phạm, cán bộ thôn đến tìm hiểu vận động. Một lần không được thì nhiều lần. Cũng có cậu cứng cổ không nghe. Rồi đưa ra kiểm điểm trước gia đình cũng không ăn thua chi. Không bó tay được. Trưởng thôn, phó thôn tìm gặp bạn bè của đám thanh niên khuyên giải. Mưa dầm mà thấm lâu, kiên trì ắt thành công".

Ngồi dưới tán rừng, nhấp ngụm nước chảy từ cát ngọt mát, ông Minh bộc gạch: “Chẳng có văn tự để lại nhưng người làng lớp trước, lớp sau xem bảo vệ rừng như bảo vệ hồn làng. Điều tự nguyện từ tâm mỗi người là nét ứng xử văn hóa có tính cội nguồn với thiên nhiên”. Cũng theo ông Minh thì cái ứng xử nhẹ nhàng, văn hóa ấy đã hơn một lần bảo vệ được rừng.

Ấy là cách đây mấy năm, rừng trâm bầu “được” quy hoạch vào diện tích khai thác ti- tan của doanh nghiệp nọ. Không kiện tụng ồn ào, không gây hấn, xích mích, các cụ lão làng gặp doanh nghiệp đề đạt nguyện vọng: “Rừng mấy trăm năm nuôi làng, che chở làng, nay mấy anh phá đi thì e phảo dời làng thôi. Mấy anh tính toán sao thì tính”. Chi phí dời làng đâu phải dễ, vậy là doanh nghiệp nọ xin không khai thác titan nữa.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm