| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/12/2020 , 17:54 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:54 - 16/12/2020

Xây dựng cơ chế không có tham nhũng

Không thể lấy nguyên lý mơ hồ “tham nhũng là khuyết tật của quyền lực” để nao núng trước loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này.

Bên lề Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng được tổ chức trực tuyến vào ngày 12/12 với sự tham dự của 5.000 đại biểu ở 82 điểm cầu trên cả nước, Phó Ban Nội chính Trung ương - Nguyễn Thái Học cho rằng: “Sẽ không bao giờ hết tham nhũng vì tham nhũng được coi là khuyết tật của quyền lực. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ phát sinh tham nhũng. Nếu như có thể chế tốt, có nhiều giải pháp kiềm chế, phòng ngừa chặt chẽ, nghiêm ngặt thì tham nhũng ở đó khó có cơ hội để phát triển, chứ không thể kỳ vọng một xã hội hoàn toàn không còn tham nhũng”.

Đây là một ý kiến chân thành và gợi mở nhiều suy ngẫm. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng cũng giống như cuộc chiến chống lại cái xấu và cái ác, luôn đòi hỏi niềm tin và hy vọng của cộng đồng.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian gần đây đã có những thành tựu rất rõ rệt. Điều này không những được người dân trong nước hoan nghênh mà còn được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tổ chức Minh bạch Quốc tế mỗi năm đều công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng đối với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Chỉ số Cảm nhận tham nhũng tại Việt Nam đạt 37/100 điểm, xếp thứ 96/180. Nghĩa là so với năm 2018, thì Việt nam đã tăng 21 bậc trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Trong năm 2020, dù tăng cường ứng phó đại dịch toàn cầu, thì nhiều vụ án tham nhũng tại Việt Nam vẫn được phát hiện và đưa ra xét xử, tiêu biểu như vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xung quanh việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 mà Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân gọi là ‘ăn quá dày”. Cho nên, Chỉ số Cảm nhận tham nhũng ở Việt Nam chắc chắn còn được cải thiện trong tương lai gần.

Để tham nhũng không còn là khuyết tật của quyền lực, thì phải có một cơ chế để những quan chức không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không dám tham nhũng. Kết quả điều tra tâm lý tội phạm đã chứng minh, trộm cướp mỗi khi hành động đều sợ hãi ba yếu tố: đèn sáng, chó sủa và cảnh sát. Tham nhũng cũng giống như trộm cướp, chỉ thay đổi ít nhiều về sự khắc chế. Thứ nhất, “đèn sáng” là sự công khai và minh bạch. Thứ hai, “chó sủa” là sự giám sát của dư luận. Thứ hai, “cảnh sát” là những quy định chặt chẽ và những trừng phạt thích đáng.

Chống tham nhũng là một cuộc chiến để giành thắng lợi kép, vừa lấy lại tài sản cho Nhà nước vừa lấy lại đạo đức cho nhân quần. Do vậy, không thể lấy nguyên lý mơ hồ “tham nhũng là khuyết tật của quyền lực” để nao núng trước loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này. Ai cũng biết cuộc chiến chống tham nhũng rất khó khăn và nhiều thử thách, nhưng không ai có quyền nản chí. Đối đầu với tệ nạn tham nhũng, kiên trì chưa chắc đã thành công, nhưng buông xuôi thì nhất định thất bại.

Bình luận mới nhất