| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng hệ thống thực phẩm ứng phó các thách thức

Thứ Sáu 23/04/2021 , 13:23 (GMT+7)

Đương đầu với sự tác động của Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo cuộc sống cho 100 triệu dân và hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Nông nghiệp Đông Á với chủ đề Xây dựng hệ thống thực phẩm đến năm 2030. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Nông nghiệp Đông Á với chủ đề Xây dựng hệ thống thực phẩm đến năm 2030. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đương đầu với Covid-19

Chủ đề an ninh lương thực dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 đang được thế giới và khu vực quan tâm, đặc biệt là khu vực Đông Á Thái Bình Dương và Việt Nam.

Trong năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phải đương đầu với nhiều khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, mà còn chịu nhiều tác động bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Nông nghiệp Đông Á với chủ đề Xây dựng hệ thống thực phẩm đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ ra tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến ngành nông nghiệp Việt Nam là làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều loại nông sản tồn đọng, thậm chí phải hủy bỏ, giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, nhất là các mặt hàng tươi sống như rau, hoa, quả, thủy sản. Do khó khăn trong lưu thông, phân phối nên khoảng cách giữa giá bán của nông dân và giá mua của người tiêu dùng gia tăng.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm hộ nông thôn, nhất là trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội. Trong đó hộ nông nghiệp bị ảnh hưởng ít hơn do với hộ phi nông nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ tại nông thôn. Hộ kiếm thu nhập từ khu vực phi chính thức, tự sản xuất kinh doanh, phụ thuộc vào tiền gửi từ ngoài về bị ảnh hưởng nặng nhất trong đại dịch do cơ hội việc làm thu hẹp.

Nguồn vật tư nông nghiệp nhập khẩu khó khăn, nguồn thay thế trong nước không đủ đáp ứng, chi phí đầu vào tăng dẫn đến việc sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao.

Đại dịch Covid-19 cũng làm gián đoạn hoạt động của một số doanh nghiệp nông nghiệp tuy nhiên tỷ lệ này thấp hơn so với các doanh nghiệp khác. Một số doanh nghiệp phải giảm lương, sa thải nhân công điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ nông thôn có thành viên làm trong khu vực doanh nghiệp.

Một số thị trường đã đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng thực phẩm nhập khẩu. Ví dụ như Qatar yêu cầu lô hàng có giấy chứng nhận kiểm dịch đối với nCoV, Trung Quốc kiểm tra nCoV đối với thực phẩm, bao bì thực phẩm trước khi thông quan khi chưa có cơ sở khoa học cụ thể về việc lây nhiễm sang người. Từ đó dẫn tới việc tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, cách ứng phó chủ yếu của các hộ nông thôn là giảm chi tiêu hoặc sử dụng tiết kiệm, trong khi khả năng tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm phải điều chỉnh từ truyền thống sang các hình thức thương mại mới; nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng đã thay đổi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc tại Sơn La. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc tại Sơn La. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đại dịch đã làm giá cước vận chuyển đường biển tăng vọt. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá vận tải tàu từ Việt Nam đi Châu Âu, Hoa Kỳ đã có lúc tăng từ 4 đến 6 lần so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương tương đương với với tăng trưởng của cả nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm ổn định, làm nền tảng cho ổn định chính trị - xã hội trong đại dịch.

“Ngành nông nghiệp đã nỗ lực hoàn thành 4 chỉ tiêu lớn quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao trong năm 2020, đó là tăng trưởng GDP toàn diện đạt trên 2,65%; xuất khẩu đạt kỷ lục với trên 41,2 tỷ đô la Mỹ (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ đô la Mỹ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% theo chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 62%.

5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ, tôm, rau quả, hạt điều và gạo. Đây là những con số rất ấn tượng trong bối cảnh thương mại toàn cầu chao đảo vì dịch bệnh”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam nhận định.

Giải quyết thách thức lâu dài

Đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương. Sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước và đồng hành của các cơ quan truyền thông, sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh...".

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc đảm bảo sản xuất tiến hành bình thường, việc không làm gián đoạn chuỗi cung, khơi thông thị trường cũng quan trọng không kém. Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp tích cực cùng các Bộ, ngành, nỗ lực đàm phán, phát triển thị trường tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giải cứu nông sản xuất khẩu sang các thị trường chính ngạch khi bị đình trệ, ách tắc do đại dịch Covid-19.

Đối với thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh kết nối nông dân, hợp tác xã với các địa điểm phân phối trực tiếp như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, để đưa nông sản trực tiếp tiêu thụ. Nhiều tỉnh cũng đã chủ động áp dụng các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản để giảm bớt khó khăn cho ngành nông nghiệp khi giao thương với Trung Quốc bị hạn chế.

Tăng cường công tác quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh cũng là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo sẵn sàng nguồn cung lương thực thực phẩm trong mọi tình huống. Tình hình dịch bệnh, diễn biến chính sách và các quy định của các thị trường xuất khẩu liên tục được cập nhật để định hướng sản xuất phù hợp.

Ngành nông nghiệp đã tích cực và chủ động theo dõi tác động của đại dịch đến nền kinh tế nói chung, tổ chức đánh giá tác động của đại dịch đến ngành nông nghiệp để xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, một số thị trường đã đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng thực phẩm nhập khẩu, từ đó dẫn tới việc tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong bối cảnh dịch bệnh, một số thị trường đã đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng thực phẩm nhập khẩu, từ đó dẫn tới việc tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như: giảm chi phí sản xuất, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề; Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số loại thuế và phí…

Việt Nam đã tổ chức tốt sản xuất, tăng dự trữ lương thực tại chỗ nhằm bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ; tham gia tích cực vào diễn đàn an ninh lương thực thế giới nâng cao vai trò vị thế của quốc gia đối với các đối tác toàn cầu, từ đó tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa thị trường.

Sáng kiến kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước từ nông thôn đến thành thị, xuất khẩu cũng như hỗ trợ hội chợ thương mại, điểm bán hàng, E-platform, bán hàng online, xúc tiến thương mại trực tuyến cũng được thực hiện. Nhiều thời điểm việc lưu thông cho hoạt động thương mại nông sản đã được ưu tiên.

Về trung và dài hạn, Việt Nam đã và đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất cung ứng bền vững, xanh, chất lượng, công nghệ số, đổi mới tổ chức sản xuất; Phát triển chuỗi giá trị nông sản thông minh nhằm nâng cao hiệu quả, giảm lao động trực tiếp; Ưu tiên đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân; Phát triển công nghiệp chế biến nông sản; Phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng toàn cầu; Áp dụng số hóa mạnh mẽ trong hệ thống quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp.

"Với những sáng kiến và giải pháp trên, Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Đây chính là điều kiện căn bản để góp phần giúp Việt Nam và ngành nông nghiệp phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo cuộc sống cho 100 triệu dân và hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia khác”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

    Tags:
Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất